Nhập đề : Cây lúa nước (Rice, tên khoa học ORYZA SAVITA , Trung Hoa gọi là Tao) nói riêng và các loại luá khác như lúa mì và mạch (Barle, and Wheat, Trung Hoa : Mai), lúa Tắc (Millet, T.H. : Shu và Chi) mà từ thời tiền sử, sự phát hiện chúng vẫn được coi là cốt lõi là xương sống đi song song với sự phát triển của văn minh loài người thời cổ. Tại nước ta, tuy đã có một ít bài nghiên cứu về vấn đề này (Chử văn Tần KCH 1980/1, Diệp Đình Hoa KCH 1980/1, Đặng Nghiêm Vạn KCH 1980, Lưu Trần Tiên KCH 1971 ….). Rất tiếc chúng tôi chỉ có bảng danh mục mà chưa có được trong tay những tài liệu này. Gần đây, tại Trung Quốc vấn đề này cũng được chú trọng đặc biệt. Một bài viết rất công phu của Chang được đọc trong Hội Nghị Berkeley năm 1978 và được chọn đăng trong The Origins of Chinese Civilization với đầy đủ niên đại C14 của các giống lúa ở các địa phương khác nhau tại Trung Quốc. Tuy nhiên niên đại này do phòng thí nghiệm tại Bắc Kinh thực hiện, hình như chưa được sự kiểm chứng của giới khoa học gia trên thế giới , và chưa thấy được sử dụng rộng rãi trong các tài liệu quốc tế. Riêng giới khoa học gia Nga còn phủ nhận những niên đại C14 của Trung Quốc vì cho nó đã được phóng đại với mục đích chính trị [Olaonikov (1972)]. Việc phủ nhận này đã đưa đến các cuộc bút chiến giận dữ giữa giới khoa học gia hai nước Nga – Hoa và là nguyên nhân cho các hội nghị chuyên đề của giới chuyên gia Nga để thẩm định về những tài liệu ngụy tạo này (Gokhman và Reshetov 1974, Kriukov 1975, Cheboksarov, Sopronov 1977). Giới chuyên gia Việt Nam dường như có vẻ đã chọn thái độ đứng ngoài cuộc tranh luận. Cũng không thấy tài liệu nào của Việt Nam đăng tải về các cuộc tranh luận này.
Bài viết dưới đây được soạn trong hoàn cảnh tài liệu hiện có (1999). Trong tương lai, chúng tôi rất mong sẽ có dịp bổ túc nếu có được tài liệu mới cập nhật.
Bài viết này xin bắt đầu bằng những câu chuyện xa xưa kỷ niệm của thưở ấu thời. Nhớ lại mỗi khi Bà tôi kể chuyện cổ tích đến cây ngô (miền nam gọi là bắp) thường nhắc nhở chúng tôi là sau này lớn lên, khi cúng khấn chớ có cúng ngô. Chúng tôi có gặng hỏi tại sao thì Cụ chỉ nói rằng bắp có nguồn gốc bậy lắm, đừng dùng để cúng! Khi lớn lên đọc sử, nhất là dã sử, về chuyện Phùng Khắc Khoan đi sứ Trung Quốc về lén mang được một số giống ngũ cốc là sản phẩm của Trung Hoa về quê Cụ ở vùng Thạch Thất, Câu Lậu tức làng Bùng, Thạch Xá, và vì vậy nên Cụ đã được dân địa phương tôn lên làm Thần Thành Hoàng. Theo truyền thuyết lúc đó cụ đã 70 tuổi, thấy ở Trung Quốc có những giống cây như ngô, khoai lang , đậu đen, vừng (trong Nam gọi là mè)… Cụ muốn đem về làm giống nhưng sợ những người nay gọi là quan thuế, Trung Quốc cấm cản nên Cụ đã phải dấu ngô ở tóc, dây khoai lang dùng làm quai hòm, đậu đen để ở hậu môn, vừng hay mè cụ để ở đầu dương vật, còn cây sắn hay khoai mì Cụ dùng làm gậy chống. Cây ngô theo dã sử Cụ để ở búi tóc, nhưng ngày xưa theo các cụ già kể lại hạt ngô Cụ để ở đầu dương vật, do đó không được dùng để làm đồ cúng khấn là vì vậy. Có lẽ hạt mè Cụ để ở đầu dương vật thì hợp lý hơn vì hạt ngô lớn như vậy thì khó mà qua mắt được bọn quan thuế Trung Quốc. Về điểm này, lịch sử ghi hơi khác. Trong Vân Đài Loại Ngữ mục Phẩm vật của Lê Quí Đôn gán cho việc đem ngô – cũng ngô – từ Trung Quốc về Sơn Tây do Ông Tiến Sĩ Trần Thế Vinh sống sau Cụ Phùng Khắc Khoan tức Trạng Bùng gần một thế kỷ.
Truyền thuyết cũng như sử đều sai lầm, bởi ngô, khoai, sắn, nói chung những cây nông nghiệp, kể cả lúa nước, nay được khoa học chứng minh là đã được thuần hóa và dùng làm thực phẩm chính từ phần đất nay là Bắc phần Việt Nam trước, sau đó mới được truyền sang Trung Quốc, ngược lại với những gì được kể trong truyền thuyết và lịch sử. Về điểm này, di hại về sự sai lầm của truyền thuyết còn lớn hơn của lịch sử. Trong dân gian, người ta biết truyền thuyết chứ ít ai biết chuyện kể trong sử. Bằng cớ là ngay người viết bài này cũng chỉ biết chuyện kể trong Vân Đài Loại Ngữ của sử gia Lê Quí Đôn vài ba năm gần đây thôi, nhưng chuyện Trạng Bùng thì đã thuộc từ thời thơ ấu và nó vẫn dai dẳng đeo đuổi trí não cho đến ngày nay. Về chuyện Trạng Bùng chẳng hạn, quả đã có vô số sai sót : tại sao những sai sót đó vẫn được người ta tin theo và vẫn truyền nhau kể từ đời nọ sang đời kia? Chẳng cần đợi người ta tìm được những củ khoai lang hóa thạch có ở đất Việt từ nhiều ngàn năm trước Tây Lịch, cứ những việc như Cụ Trạng dùng cây sắn chống gậy, dùng dây lang làm quai giỏ đi từ Trung Quốc về đất Việt cả năm trời thời những thứ đó cũng chết khô rồi, còn dùng làm giống sao được? (TQV – Theo dòng Lịch sử 1996). Vậy thì sử hay dã sử cần phải đối chiếu lại với khoa học ngày nay. Việc này nói thì dễ nhưng thực hiện thì không dễ bởi lớp người đã đến tuổi sáu bảy mươi như kẻ đang viết những dòng này, đã học sách, đã nghe chuyển kể, đã tâm niệm suốt bao nhiêu năm rằng giống người Việt Nam là từ phương Bắc xuống, văn hoá Việt do văn hoá Trung Quốc mà ra. Những điều nghe, điều học đã thấm vào xương tủy, óc não, nay không phải một sớm một chiều mà bỏ ngay đi được. Đây cũng là điều mà học giới Việt Nam so với học giới Trung Quốc có vẻ thua kém. Cũng những vấn đề này, bên Trung Hoa họ đã giải quyết một cách dứt khoát hơn. Trung Hoa cũng có lịch sử vẻ vang không kém gì dân Việt. Vậy mà khi đối chiếu với thực tế và khoa học, họ biết những mặt yếu kém của người Á Đông nói chung so với người Tây phương, họ đã biết dứt khoát biết áp dụng phương pháp khoa học là không có chứng cớ thì không chấp nhận là sự thật (Ku-chich-Kang, “show your proofs”, Critical Reviews of An-cient China). Chính quan niệm này của giới sử học nói riêng và học giới Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ vào quan niệm nhân sinh của người Trung Hoa gần đây và của cả giới lãnh đạo của họ nên họ tương đối đã dọn dẹp khá gọn “đống rác quá khứ” trong cổ sử để giới lãnh đạo rộng đường hướng dẫn quần chúng tiến tới tương lai. Về phía Việt Nam, chúng ta cũng cần phải có một tác phong tương tự, nói như thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận quá khứ. Nói như thế chỉ để chúng ta nhắc nhở nhau phải dựa vào khoa học chính xác ngày nay, tìm biết cho thật đúng những gì chúng ta đã có trong quá khứ làm căn bản mà nhờ đó tổ tiên ta đã phát triển lên thành một văn hiến chi bang. Có như vậy mới có được tọa độ đúng hầu có căn bản tốt mà định hướng đúng cho tương lai. Chúng ta sẽ có dịp bàn đến những ảnh hưởng vật chất, những đồ ăn, thức mặc, nhà ở, kiểu tóc, ngay cả những cách vận chuyển ….. đều là những yếu tố văn hóa ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của một dân tộc nói chung. Nhưng trước hết và căn bản nhất, vẫn là truyền thống của dân tộc. Sau đây chúng ta thử làm công việc là dựng lại cho đúng một trong các truyền thống đó: truyền thống thuần hóa lúa nước. Chúng ta sẽ thấy những kết quả thực khích lệ.
Loại lúa cổ nhất mà còn nguyên dạng có thể đem nghiên cứu khoa học được tìm thấy ở Việt Nam có lẽ là mẫu lúa đào được ở Hang Xóm Trại (Hà Sơn Bình). Nghiên cứu kích thước các mẫu lúa tìm được ở tám độ sâu khác nhau vào năm 1982, người ta đi đến kết luận bước đầu như sau :
- – Ở bốn độ sâu nhất (5, 6, 7, 8) người ta chỉ tìm thấy mẫu hạt thon.
- – Từ lớp 4 mới thấy kiểu hạt bầu. Lớp 3,2,1 có hạt thon, bầu và cả hạt tròn.
- – Lúa càng ở lớp sâu càng thưa hơn, nghĩa là mới được thuần hóa từ lúa dại nên chỉ có hạt thon.
- – Trong các loại lúa thon, người ta đo được ba kích thước khác nhau : hạt dài 8,2mm; 8,9mm và 9,6mm. Loại thứ nhất (8,2mm) tương tự như hạt lúa học giả Mỹ Ches-ter Gorman đã tìm thấy ở Hang Thần vùng Bắc Thái Lan gần biên giới Miến Điện. Loại này có tên khoa học là ORYZA SAVITA. Dùng C14 định tuổi, địa điểm Hang Thần có tuổi khoảng 9700 năm trước Tây Lịch. Riêng hạt lúa đợt đầu định tuổi C14 = 3500 năm trước Tây lịch, nghĩa là có niên đại sớm hơn lúa ở Ấn Độ và Trung Hoa là hai trung tâm trước kia coi như thuần hóa lúa sớm nhất trên trái đất ít ra cũng trên 1000 năm (Solheim II, W.G. – 1971). Do nhiều khám phá mới đã ăn khớp với nhau, nên cuối cùng, Giáo Sư Solheim II đã kết luận, nguyên văn như sau : “Tôi đồng ý vớI ông Carl Saver là việc thuần hóa những cây canh nông được những người thuộc Văn hóa Hòa Bình thực hiện đầu tiên tại một vùng nào đó ở Đông Nam Á. Tôi không ngạc nhiên mấy nếu việc thuần hóa này đã có từ năm 15000 trước Tây Lịch”. (Solheim II, National Geagraphic 1971, bản dịch Vĩnh Như)
Phải chăng Văn hóa Hòa Bình là một trong ba cái nôi phát sinh ra việc trồng trọt trên thế giới : nôi thứ nhất là trung tâm Nam Mỹ trồng khoai mì và các loại củ. Nôi thứ nhì là vùng Cận Đông tại Cao Nguyên Fertile Cres-cent trồng lúa mì. Nôi thứ ba trồng lúa nước là Đông Nam Á bắt đầu từ Hòa Bình. Gần đây, càng ngày càng nhiều học giả trên thế giới công nhận thuyết này. J. M. Mathiews là người đầu tiên đã đưa Văn hoá Hòa Bình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và vượt lên khỏi cả bình diện Đông Nam Á. Từ đấy nhiều nhà học giả trên thế giới đã để tâm nghiên cứu về Văn hoá Hòa Bình dù họ đã dùng những danh từ khác nhau như danh từ “Truyền thống Hòa Bình” (Tradition Hoabinhnian) của Glover và F.l.Do hay chữ “Phức-hợp kỹ-thuật Hòa Bình”(Technocomplex Hoabinhnian) chữ của Chester Gorman. Chữ này dùng với nghĩa : “phức kỹ thuật là một nhóm các văn hoá và đặc trưng bởi các tổng thể có cùng sắp xếp nhưng khác nhau ở những kiểu loại đặc biệt”. Tuy chưa hoàn toàn thống nhất về danh xưng nhưng hầu hết các học giả trên thế giới đều đánh giá thời đại Hòa Bình là đánh dấu một bước tiến vĩ đại của loài người ở vùng Đông Nam Á mà gốc là Việt Nam. Nhiều nhà học giả còn đưa ảnh hưởng của thời đại này, của Văn hóa Hòa Bình này đi xa hơn nữa đến tận Hoa Nam, Nhật Bản và về phía nam đến Sumatra, và cả Úc Đại Lợi nữa. Các nhà nghiên cứu cũng thống nhất nhận định rằng sự xuất hiện của nông nghiệp gắn liền với sự phát triển của Văn hóa Hòa Bình, khởi thủy là nghề trồng các loại cây củ như khoai lang, trồng ngô và sau mới trồng lúa nước. Và từ khi phát hiện, lúa nước đã nhanh chóng trở thành thứ thực phẩm chính, cái gọi là xương sống của nền văn minh Đông Nam Á và toàn thể Á châu.
Về phía các học giả Liên xô thì tài liệu mới nhất của KeiuKov (The Origins 1982) cũng có ghi rõ là việc trồng lúa nước ở miền Bắc sau này mới được thực hiện vào khoảng cuối thiên niên kỷ thứ nhì trước Công nguyên do nghề trồng lúa từ phía Nam chuyển tới. Một trong những nhóm dân thuộc thời đại đồ đá cũ ở phía nam di lên phía Bắc khoảng thiên niên kỷ thứ 5 trước Công nguyên mang theo kỹ thuật trồng lúa nước là nhóm cư dân thuộc văn hóa mà sau này gọi là Văn hóa Hòa Bình. Họ đi theo ngả Chia-Ling-Chang nay thuộc địa phận tỉnh Tứ Xuyên rồi vượt qua núi Chinh-Ling để vào lưu vực sông Hoài. Đến đây họ gặp môi trường thiên nhiên thuận lợi nên đã phát triển nhanh chóng nghề nông vào khoảng cuối thiên niên kỷ thứ tư trước Công nguyên. Họ phát triển ngành đồ gốm để trở thành một nền văn hóa được gọi là văn hóa Ngưỡng Thiều trong phạm vi lưu vực sông Hoài. Sự khẳng định của Kriukov và các nhà nghiên cứu cùng quan điểm đã phủ nhận nguồn gốc canh nông của văn hóa Ngưỡng Thiều đi từ hướng Tây tới và xác minh ngành trồng luá nước là từ phương Nam, minh định rõ ràng là từ văn hóa Hoà Bình chuyển lên.
Bây giờ chúng ta thử quay lại xem các nhà nghiên cứu, khảo cổ cổ sử Trung Quốc nhìn vấn đề canh nông nói chung và cây lúa nước nói riêng như thế nào. Bỏ qua những nhà nghiên cứu chịu ảnh hưởng của chính trị hay có tính cách sô-vanh văn hóa, chúng ta chỉ kể đến ba học giả hàng đầu khả kính của Trung Quốc là Ông Lichi, Ông Trương Quang Trực và Ông Pe-Tzu-Chang.
Trước hết Ông Lichi có thể coi như nhà khảo cổ tiền phong khai sinh ra nền khảo cổ học hiện đại Trung Quốc. Ông tốt nghiệp ở Đại học Harvard và bắt đầu sự nghiệp của ông trong việc tham dự vào phái đoàn khai phá ra những di tích khảo cổ ở tỉnh An-Yang. Tác phẩm đầu tiên của ông rất nổi tiếng là cuốn An-Yang xuất hiện từ những thập niên 20 thế kỷ này. Lúc đó ông dã khẳng định rằng lúa nước, voi, và trâu là những phẩm vật đã được mang lên miền Bắc từ phương Nam. Sau này không biết vì lý do gì, trong tác phẩm The Beginnings of Chinese Civiliza-tion, ông có viết lại rằng: “Hai mươi năm trước, trong báo cáo sơ bộ việc Khai quật ở tỉnh An-Yang, tôi có đề ra rằng về lúa nước, về voi, về trâu là từ phương Nam mang đến. Nhưng nay sau hai mươi năm thảo luận và nghĩ lại, thì hình như vấn đề có lẽ phải đặt lại. Lúa nước đã được trồng ở phía bắc tỉnh Hà Nam khá sớm, từ thời văn minh văn hóa Yanshao. Tuy nhiên, không thấy có trâu nước đã được thuần hóa tìm thấy ở đây, trong việc phục vụ cho việc trồng lúa nước” (trang35). Ta thấy việc nói lại của ông trong tác phẩm sau dường như hơi lúng túng vì lẽ ta không thể quan niệm trong việc trồng lúa nước mà lại không có trâu thì sự trồng tỉa cũng như thu hoạch sẽ như thế nào.
Bây giờ xét đến ý kiến của Ông Trương Quang Trực. Trong một tác phẩm rất nổi tiếng The Archaeology of Ancient China ông khẳng định điểm gốc của văn minh Trung Quốc là ở ba tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây và Hà Nam lưu vực sông Hoài. Trước tiên vùng này có trồng lúa tắc và sau mới trồng lúa nước. Lúa nước này cũng từ phía Nam hay phía Đông Nam theo dòng di dân mà chuyển lên. Ngoài trung tâm Ngưỡng Thiều như vừa nói, Trung Hoa còn hai trung tâm nông nghiệp nữa là Ta-penk’teng và Ching-Lien-Kang. Trung tâm thứ ba này là một trung tâm không được nổi tiếng như Ngưỡng Thiều vì chỉ mới được khám phá gần đây vào năm 1951. Vị trí là ở phía bắc của tỉnh Giang Đông, nơi mà sau này là nước Việt của Việt vương Câu Tiễn. Theo Trương Quang Trực, trung tâm này mang nhiều đặc tính của văn hóa Hòa Bình ở phía nam Đông Nam Á và dân cư cũng có nhiều nét của dân cư ở Hòa Bình (Lichald Person – Trương Quang Trực 1977A : 513). Văn hóa Ching-Lien-Kang có niên đại phóng xạ C14 khoảng 5800 đến 4275 năm trước kỷ nguyên. Rõ ràng niên đại này xưa hơn niên đại có được ở Trung tâm Ngưỡng Thiều. Ở đây ngoài những xương động vật như heo, chó, dê…. người ta tìm thấy xương của nhiều loại trâu nước như ở Việt nam là loài vật chuyên dùng trong việc trồng lúa nuớc (Wu 1973 : 57).
Nhưng về phương diện cây lúa nước ở Trung Hoa, quan trọng nhất phải kể đến công trình nghiên cứu của ông Pi-ti-Chang đã thuyết trình trong hội nghị Cali 1982 (The Origins of Chinese Civilization 1983). Theo ông Chang thì ngũ cốc căn bản của Trung quốc là lúa tắc, lúa mạch, lúa mì rồi mới đến lúa nước và đậu nành. Ngũ cốc quan niệm như vậy khác với quan niệm ở Việt Nam vẫn cho ngũ cốc là ngô, khoai, sắn (khoai mì), mè và lúa nước. Xét theo lịch sử các thời đại lúa mạch quan trọng nhất vào thời tiền sử đến thời Chu; lúa tắc, lúa mạch và đậu nành quan trọng vào thời Xuân Thu chiến quốc; lúa nước và lúa mì chỉ là thực phẩm quan trọng ở Trung Quốc từ đời Hán trở về sau mà thôi tức là từ khi Trung Hoa đã thôn tính được miền đất phía Nam sông Dương Tử của tộc Bách Việt. Ông Pi-Ti-Chang lại chia lúa nước ra làm hai loại chính: keng rice và shien rice. Loại keng rice di vào trung tâm Trung quốc bằng đường bộ qua ngả Vân Nam, Quế Châu, Thiểm Tây rồi đổ vào lưu vực sông Hoài. Hiện khảo cổ tìm thấy những di tích của lúa keng rice tại trung tâm văn hóa Ngưỡng Thiều vùng Thiểm Tây mà theo ông Trương Quang Trực (1978) thì có thể có niên đại C14 khoảng 3500 đến 2500 trước kỷ nguyên. Lúa keng rice cũng được tìm thấy ở trung tâm Ch’in-yang ở phía nam sông Dương Tử thuộc tỉnh Chiết Giang có niên đại C14 khoảng 3311 ổ 136 năm trước kỷ nguyên hoặc ở trung tâm Ch’u-cha-ling thuộc tỉnh Hà Bắc có niên đại C14 khoảng 2296 – 190 năm trước kỷ nguyên. Có một điều lạ là ông Pi-Ti-Chang nhắc đến chuyện lúa này còn tìm thấy ở tỉnh Vân Nam thuộc trung tâm Hải Quan Khẩu có niên đại C14 chỉ là 1300 – 105 năm trước kỷ nguyên. Điều không hợp lý là ông đã nói sự du nhập lúa nước từ phía Nam lên qua ngả Vân Nam rồi mới lên đến Quế Châu, Thiểm Tây để vào lưu Vực sông Hoài. Vậy mà ở lưu vực sông Hoài lúa này có niên đại C14 trên 3000 năm trước kỷ nguyên, trái lại ở Vân Nam là nơi đường lúa đã đi qua để lên phía Bắc lại có niên đại trẻ nghĩa là gần ngày nay hơn. Đó là điểm không hợp lý.
Nói đến loại lúa shien rice, theo ông Pi-Ti-Chang thì lúa này sau trở thành loại lương thực chính ở Trung Quốc , được trồng cấy ở những khu vực lớn bao trùm cả lưu vực sông Dương Tử mà hiện tìm thấy lâu nhất là ở trung tâm Ho-mo-tu ở Tỉnh Chiết Giang có niên đại C14 là 5008 ổ 117 năm trước kỷ nguyên. Nó cũng được tìm thấy ở vùng Thượng Hải, các trung tâm Sung-Tse và Sching-pu-shia có niên đại C14 4042 ổ 149 năm trước kỷ nguyên. Tác giả xác nhận lúa này được mang từ Indonesia qua và phát triển ở vùng bờ biển tỉnh Hà Bắc lên đến mạn nam sông Dương Tử vùng Thượng Hải qua ngả quan trọng nhất là tỉnh Chiết Giang là nơi sau này thời Chiến quốc là nước Việt của Việt vương Câu Tiễn. Những niên đại C14 vùng châu thổ sông Dương Tử này cũng đều xưa hơn niên đại ở Trung tâm Ngưỡng Thiều (C14 = 3500BP). Có thể kết luận qua những chứng cớ hiển nhiên đã được khoa học khảo cổ chứng minh như trên rằng lúa nước phải chăng là sản phẩm đã theo với người dân thuộc Văn hóa Hòa Bình từ phía Nam mà di dần lên phía bắc và là một trong những thành tố góp nên nền văn hóa Trung Quốc ngày nay.
Như trên vừa trình bày, một trong những trung tâm trồng lúa nước sớm nhất của loài người là Hòa Bình nay thuộc nước Việt Nam. Sự trồng lúa nước như vậy đã có ở vùng này cách nay 10000 năm.
°°°
Nay tạm không nói đến những kỹ thuật trồng lúa nuớc và những giống lúa mới mà chúng ta hiện đang thực hiện ngày nay mà chỉ kể đến kỹ thuật trồng lúa nước theo truyền thuyết từ ngàn xưa để từ đó có thể tìm hiểu được tâm thức của những người dân sống với nghề trồng lúa nước. Trong quyển Truyền thuyết Việt Nam do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin Hà Nội mới phát hành năm 1998, có hai chuyện liên quan đến nghề trồng lúa nước. Một chuyện là chuyện Vua Hùng dạy dân cấy lúa và chuyện thứ hai là chuyện Bà Chúa Vĩnh khai hoang trồng lúa. Chuyện thứ nhất nói Vua Hùng nhưng không nói Vua Hùng đời thứ mấy mà chỉ nói Vua Hùng thấy lúa mọc hoang nhiều mới bày cách cho dân gỡ hạt gieo mạ rồi khi mạ đã mọc mầm thì nhổ lên cấy lại vào ruộng nước. Đây là cách cấy lúa nước khác hẳn với cách trồng lúa tắc, lúa mì, lúa mạch bởi có việc nhổ mạ lên trồng lại cho khỏi xít vào nhau và trồng vào những ruộng có nước. Chuyện thứ hai chi tiết hơn kể về Bà Chúa Vĩnh quan sát thấy ở những nơi nào mà cây lúa gần những bãi phân, phân trâu, phân bò ngay cả phân người nữa thì cây lúa đó mọc tốt và cho những bông lớn, nặng trĩu hơn những nơi không có phân. Nhờ quan sát đó mà Bà Chúa Vĩnh – một trong những người con của Bà Tổ Âu Cơ – mới nghĩ ra cách là khuyên dân nên nhặt phân để bón cho lúa và đích thân Bà hướng dẫn cho dân làm việc đó. Kết quả đạt được rất khích lệ. Từ đó dân mới biết cách bón phân. Căn bản kỹ thuật trồng lúa nuớc của người Việt cổ phản ánh qua hai chuyện trồng lúa nước này. Vì vậy, không biết từ bao giờ người nông dân ở miền đồng bằng Bắc bộ Việt Nam ngày nay đã loan truyền tục lệ coi như châm ngôn của nghề trồng lúa nước là “nhất nước, nhì phân, ba cần, tứ giống”. Hạt giống là điều quan trọng cho mọi ngành trồng tỉa như chúng ta biết ngày nay vậy mà chỉ chiếm hạng quan trọng thứ tư, thua cả sự cần tức là sự chăm chỉ, vun bón, thua phân và nhất là thua nước. Vậy nước là điều quan trọng nhất cho việc trồng lúa nước. Nước phải vừa đủ và đúng khi cây lúa cần, không được quá sớm hay quá muộn, không được quá dư hay quá thiếu. Vì vậy thiếu nước là điều tối quan trọng ảnh hưởng đến vụ thu gặt của cây lúa đã đành mà dư nước cũng vậy. Do đó, nhiệm vụ của nhà nông là phải tìm nước, cầu nước cho cây lúa và ngược lại nếu dư nước thì phải làm sao cho nước bớt đi để cho nước vừa đủ không hại đến mùa màng. Nước thiếu hay dư lại tùy thuộc vào mưa gió, vào thời tiết. Mưa gió, thời tiết lại tùy thuộc vào khí hậu nói chung, mà tất cả đều do một yếu tố căn bản là Mặt Trời. Sự mưa nắng lại phải đúng lúc, nếu lúc cần nắng mà không nắng, lúc cần mưa mà không mưa thì đều ảnh hưởng đến cây lúa và sự thu hoạch của lúa. Vậy thì lúa tùy thuộc vào nước, và nước tùy thuộc vào mặt trời nên có thể tóm một câu là nghề trồng lúa nước tùy thuộc vào mặt trời. Bởi vậy chúng ta không lấy làm lạ là cư dân của văn hóa Hòa Bình từ rất xa xưa đã có tục thờ cúng mặt trời. Tục này còn thấy phản ánh trong những ngày hội mùa ở đồng bằng Bắc bộ Việt Nam và rõ nhất là ở trên các hình họa khắc trên trống đồng Đông Sơn. [Xin được mở một cái ngoặc để nói ngay rằng chúng ta đã tìm thấy hàng trăm loại trống đồng khác nhau, nào là trống đồng Sông Đà, Khai Hóa, Nông Cống, Nhu Trác, trống Cổ Loa, Lao Cai, Sơn La, Bố Khánh, nhưng lớn nhất và đẹp nhất là hai loại trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ mà may mắn thay hiện tại còn đang được giữ ở các Viện Bảo Tàng trên đất nước Việt Nam. Trên trống đồng nào cũng có khắc những hoa văn rất tinh vi và mang những ý nghĩa thâm sâu mà cho đến nay chúng ta cũng mới chỉ giải mã được một phần rất nhỏ. Nhưng dù có mang những hoa văn khác nhau, tất cả các loại trống đồng đều giống nhau ở một điểm là ở chính giữa và bao giờ cũng vượt trội hơn hết là ngôi sao nhiều cánh tượng trưng cho hình mặt trời. Ngôi sao đó có thể có tám cánh như tại trống đồng Quảng Xương, có thể có 12 cánh như đa số ta thường gặp, 14 cánh như trống Sông Đà, Phượng Lâm hay Ngọc Lũ, 16 cánh như loại Hoàng Hạ. Những hoa văn trên trống đồng nói chung và tục thờ mặt trời nói riêng cùng những hệ luận của nó có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến cốt lõi văn hóa những dân tộc sống trong văn minh trồng lúa nước nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng nên sẽ được nói tường tận ở những phần sau]. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng tục thờ mặt trời và những hình bóng đi ngược lại chiều kim đồng hồ theo sự vận chuyển thường nhật của mặt trời là những ấn tượng sâu sắc cho những dân trồng lúa nước (vì phải quan sát chăm chú thường xuyên): do đó lâu dần nó thăng hoa lên thành một thứ triết lý phải chăng đã gợi ý cho những nhà tư tưởng sáng lập nên phần tiên thiên của Dịch lý?
Hệ quả thứ hai của văn minh trồng lúa nước là gia đình. Như chúng ta đều biết, nhân loại từ khi mới sinh ra sống từng bầy đã trải qua các giai đoạn, thứ nhất là dân du mục, thứ nhì khi bắt đầu định cư là thời đại nông nghiệp, thứ ba tiến triển đến thời kỹ nghệ, thứ tư bắt đầu bước vào thời hậu kỹ nghệ. Sống bằng nông nghiệp tức là người ta đã bắt đầu bám trụ vào đất đai. Người dân làm chủ mảnh đất của mình dù lớn hay nhỏ nên có khuynh hướng qui tụ lại và sống một cách chiếm hữu do đó đã nảy sinh ra cách sống theo kiểu đại gia đình. Nói một cách khác, nông nghiệp nói chung và trồng lúa nước nói riêng với hình thức đại gia đình là hai mặt của một vấn đề, đi liền với nhau như bóng với hình, không thể phân ly. Trong đại gia đình, trước là có cha mẹ, rồi anh lớn chị lớn theo thứ tự dần dần đến em nhỏ em út, tất cả quây quần sống với nhau, nương dựa vào nhau. Từ gia đình người ta dễ đi đến ý niệm sống có tôn ty trật tự , có hiếu đễ. Do đó hậu quả trực tiếp của đại gia đình là đạo hiếu. Có cần phải nói thêm rằng thứ tự của gia đình này phải chăng là khái niệm tiên thiên để những nhà tư tưởng của Dịch đã hình dung được thứ tự của bát quái mà trong Dịch gọi là bát quái của Văn Vương. Bát quái của Văn Vương xây dựng trên một sơ đồ đại gia đình gồm có Kiền là Cha, Khôn là Mẹ, rồi sinh ra con trai đầu là Chấn, con trai giữa là Khảm, con trai út là Cấn đều từ quẻ Kiền ba gạch liền mà ra, cùng với con gái đầu là Tốn, con gái giữa là Ly, con gái út là Đoài bắt nguồn từ ba vạch đứt quẻ Khôn tượng trưng cho mẹ mà ra. Vậy thì chúng ta có thể kết luận mà không sợ vội vã rằng những tác giả đầu tiên đã vạch ra các quẻ Dịch làm lên Kinh Dịch là những người đã xuất phát từ xã hội nông nghiệp.
Tuy người dân trồng lúa nước đã thần linh hóa mặt trời, nhưng không phải lúc nào cũng tôn sùng, sợ sệt trời mà không nghĩ đến khả năng của chính con người, của bản thân mình. Bởi trong sự thành công của nghề nông thì ngoài vấn đề trời, vấn đề nước ra, còn tùy thuộc vào yếu tố thứ nhì là phân, yếu tố thứ ba là cần đều là tùy thuộc vào khả năng con người cả. Vả chăng người sống bằng nông nghiệp hiểu rõ hơn bất cứ nghề nào khác về những kết quả hành động của mình tùy thuộc ở những yếu tố nào. Do đó vai trò của thần linh dù quan trọng vô cùng cũng không phải là vai trò duy nhất. Quan niệm đó đã đưa đến việc tin tưởng ở chính mình. Đó là nguồn gốc cho quan niệm tam tài Thiên, Địa, Nhân, là căn bản của Dịch học. Vai trò của con người đã được nâng cao ngang tầm vai trò của Trời và của Đất. Bởi vậy, không biết có tự bao giờ ta đã thấy người bình dân của đồng bằng Bắc bộ biết hỏi :
Thấy anh hay chữ hỏi thử một lời
Thủa tạo thiên lập địa ông trời ai sinh
Và rồi một mặt người ta cầu xin để
Trời ban phước, như :
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cầy
Lấy đầy bát cơm
hay :
Làm trai quyết chí tu thân,
Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo
Khi nên Trời giúp công cho
Làm trai năm liệu, bảy lo mới hào
Trời sinh Trời chẳng phụ nào
Tuy nhiên, khi mà Trời làm trái ý mất mùa thì cũng không ngần ngại mà chê trách :
Trời sao Trời ở chẳng cân
Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
hoặc :
Người sao võng giá nghênh ngang
Người sao đầu đội vai mang nặng nề
Người sao năm thiếp bảy thê
Người sao côi cút sớm khuya chịu sầu
Người sao kẻ quạt người hầu
Người sao nắng dãi mưa dầu long đong
Trời ơi ! Trời ở chẳng cân
Chẳng thế mà nhà văn hào tài bá của chúng ta, Nguyễn Du phải khuyên :
Có Trời mà cũng tại ta
Tôi muốn nói đến điểm chót của bốn điều kiện trồng lúa nước là giống. Giống tốt thì sẽ đưa đến kết quả là cây lúa sai và những hạt thu được sẽ tốt. Đây là kết qủa hiển nhiên, rõ như hai với hai là bốn. Và từ kết quả hiển nhiên, lập đi lập lại mỗi vụ mùa này mà người trồng lúa nước dễ có ấn tượng rằng cứ có nhân tốt thì quả phải tốt. Nhân nào thì quả nấy. Từ đó suy ra:
Có tiên thì hậu mới hay
Có trồng cây Đức mới dầy nền Nhân
hay :
Ông cha kiếp trước khéo tu
Nên sinh con cháu võng dù nghênh ngang
hay :
Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con
Phải chăng từ đó mà người ta dễ đi đến một quan niệm phải cư xử tốt trong cuộc sống và người ta dễ dàng chấp nhận quan niệm nhân quả mà sau này Phật Giáo đã đưa vào đất Giao Châu, hậu thân của đất nước Hòa Bình.
°°°
Tôi nghĩ bài này chưa nên có kết luận bởi còn cần nhiều nghiên cứu để bù đắp vào những khoảng trống chưa có đủ chúng cớ. Chúng ta hãy còn quá ít những chứng cớ (evidences) và quá nhiều giả định. Cần thêm chứng cớ khoa học thì những giả thiết này mới hoàn toàn phản ánh sự thực. Tuy nhiên, những chứng cớ trên tưởng tạm đủ để gợi ý rằng : miền đất nay thuộc phạm vi nước Việt là một trong những quê hương đầu tiên của lúa nước và vì vậy từ lúa nước đã có được những tư duy căn bản cho nền triết học Đông Phương. Do điều kiện thiên nhiên thúc đẩy, nhữngngười đấu tiên sống tại nền văn hóa nay gọi là Văn hóa Hòa Bình đã phải di cư lên miền Bắc đem theo những kinh nghiệm của mình, trong đó có nghề trồng lúa nước, và đã phổ biến kỹ thuật này ở phần đất nay là Trung Quốc. Không thể nói rằng những người đó là người Việt bởi lúc đó chưa có nước Việt nhưng cũng không thể phủ nhận những người đó đã phát sinh từ phần đất nay là Bắc phần Việt Nam rồi phát triển đến những vùng đất mới mầu mỡ hơn, tạo dựng ra những quốc gia mà sau này một số lớn những quốc gia đó đã tập họp mà lập lên nước nay gọi là Trung Quốc. Sự liên hệ giữa nước nay là Việt Nam với nước Trung Quốc phần nào cũng có những nét tương tự như sự liên hệ giữa nước Anh với nước Mỹ. Cái khác biệt chính là ở chỗ những người đã là công dân nước Anh, đã ở nước Anh khi nước Anh thành lập lâu rồi mới di sang nước Mỹ để lập nên nước Mỹ, khác với những người vốn ở vùng châu thổ sông Hồng trước khi có nước Việt đã di lên phương Bắc và sau này đã góp phần chính lập nên nước Trung Hoa. Vậy trước khi trở thành người sau này gọi là Trung Hoa, họ chưa phải là người sau này gọi là Việt Nam. Đó là điểm khác biệt chính. Những khác biệt khác là nguyên nhân của sự ra đi giữa người Anh lập nên nước Mỹ với người Hòa Bình lập lên Trung Quốc cũng như sự cách biệt biển giữa Anh và Mỹ, khác với sự sông liền sông, núi liền núi giữa hai nước nay là Việt và Hoa. Những khác biệt đó đã tạo nên những điều khác biệt khác trong lịch sử giữa hai dân tộc, một bên là Anh quốc và Mỹ quốc bây giờ và một bên là nước Việt và nước Hoa. Hai tộc sau này đã có những khó khăn mà nếu không hiểu được những căn bản từ phát xuất này chúng ta sẽ không hiểu được tại sao lại có những va chạm cũng như những giao lưu trong quá khứ. Ở trong những phần kế tiếp, chúng tôi mong sẽ có dịp trình bày rõ hơn về sự liên hệ giữa hai nước Hoa Việt, giữa hai tộc Hoa Việt và sự trao đổi văn hóa giữa hai tộc này chỉ với mục đích là để bổ túc cho những khiếm khuyết về sử liệu trong quá khứ, củng cố tình liên đới giữa hai dân tộc láng giềng, mối thân hữu sông liền sông, núi liền núi chứ không phải vì mục đích để giành phần hơn, phần tốt, càng không phải vì mục đích có thể gây thêm sự chia rẽ giữa hai dân tộc
CUNG ĐÌNH THANH
Tập san Tư Tưởng.