Góp ý với Ông Nguyễn Trọng Do
Ông đặt ra toàn những câu hỏi có tính nguyên tắc. Kỳ này chúng tôi xin góp ý về một câu hỏi mà chúng tôi cho là quan trọng nhất, câu hỏi có tính chiến lược, cần làm sáng tỏ dứt khoát để làm nền giải quyết các vấn đề khác :
“Trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, viết rằng :
“Nhâm Diên thì sang làm Thái Thú quận Cửu Chân từ năm Kiến Võ nhà Đông Hán. Bấy giờ dân quận ấy chỉ làm nghề chài lưới và săn bắn chứ không biết cầy cấy làm ruộng nương. Nhâm Diên mới dậy dân dùng cầy bừa mà khai khẩn ruộng đất, …” (Việt Nam Sử Lược, quyển I, trg 38 – Nhà xuất bản Xuân Thu in lại tại Hoa Kỳ năm 1990).
Xin hỏi : quận Cửu Chân nằm trong lưu vực các sông Mã, sông Chu và sông Cả, dân tộc Việt thời cổ đã biết khai thác giống lúa nước; hơn nữa, các cuộc khai quật từ thập niên 1980 đã tìm thấy những lưỡi cầy bằng đá ở vùng này, làm sao có thể nói là “dân quận ấy chỉ làm nghề chài lưới và săn bắn chứ không biết cầy cấy” ?
Cũng trong đoạn sử trên, sử gia họ Trần còn ghi “Người ấy (Tích Quang) hết lòng lo việc khai hóa, dậy dân lấy điều lễ nghĩa … “ hoặc “Người ấy (Nhâm Diên) dậy dân làm lễ cưới hỏi trong khi lấy vợ lấy chồng … “ (VNSL của Trần Trọng Kim, trg 46 – Tân Việt Saigon 1958). Nay thì những nhà sử học trên thế giới đã chứng minh những điều sử gia họ Trần viết trên đây đều không đúng. Nói như vậy không phải chúng ta có ý trách cụ Trần mà chỉ buồn là những điều sai lầm ghê gớm như vậy đã được các học giả trên thế giới chứng minh rõ ràng, tưởng vấn đề đã được minh bạch cả mấy chục năm rồi mà đến nay con em người Việt chúng ta ở trong cũng như ở ngoài nước vẫn học những điều sai lầm bất xứng với công đức tổ tiên như vậy! Trong phần góp ý này, chúng tôi chỉ xin bàn về vấn đề cầy bừa khai khẩn ruộng đất. Những vấn đề khác xin được khất nếu có dịp sẽ nói đến.
Sự trồng tỉa nói chung và trồng cây lúa nước được cư dân vùng Đông Nam Á thực hiện đầu tiên trước cả những vùng xưa kia được coi như cái nôi của nghề canh nông của nhân loại như vùng Cận Đông, Trung Hoa, Ấn Độ cả ngàn năm. Có thể chia ý kiến này ra làm ba thời kỳ như sau :
Thời kỳ thứ nhất :
Việc các nhà thảo mộc học lác đác nói đến sự thuần hóa cây canh nông được phát minh tại Đông Nam Á đầu tiên đã có từ lâu, vào đầu thế kỷ 20. Nhưng phải đợi đến năm 1952, khi nhà học giả người Mỹ, ông Carl Sauer đã chứng minh một cách khoa học rằng cư dân Đông Nam Á mà ông khẳng định là cư dân thuộc Văn Hóa Hòa Bình là cư dân đầu tiên đã biết cách thuần hóa cây canh nông thì ý kiến này mới được nhiều người chú ý tuy lúc đầu chưa được đại đa số các nhà khảo cổ thời đó chấp nhận. Tuy nhiên, là học giả, họ không dễ gì bỏ qua ý kiến độc đáo đó. Và một phong trào nghiên cứu về vấn đề này được nhiều người âm thầm thực hiện.
Thời kỳ thứ hai :
Thời kỳ thứ hai bắt đầu từ thập niên 1960 bằng sự công bố những khám phá của Tiến sĩ W. G. Solheim II, Giáo sư Nhân chủng học Đại học Hawaii và các môn đệ của ông như Donn Hayard, Chester Gorman tại các di chỉ khảo cổ Non Nok Tha và Hang Thần ở Thái Lan. Công cuộc khảo cứu này có sự phối hợp của Đại học Otago ở New Zealand (GS. C. Higham) và sự bổ xung của Đại học Yale phối hợp với Đại học Quốc gia Đài Loan (GS. Trương Quang Trực).
Những cuộc khảo cứu này đã cho phép GS. W. G. Solheim II đi đến kết luận là ông đồng ý với ông Carl Sauer rằng việc thuần hóa cây canh nông nói chung được những người thuộc nền Văn Hóa Hòa Bình thực hiện đầu tiên, có thể khoảng 15.000 năm trước Kỷ Nguyên ở một nơi nào đó thuộc Đông Nam Á. Riêng việc thuần hóa cây lúa nước cũng có bằng chứng khoa học chứng tỏ lúa nước giống Oriza Sativa đã có tại Non Nok Tha ít ra cũng trước lúa nước tại Trung Hoa và Ấn Độ cả ngàn năm! Dứt khoát người thuộc Văn Hóa Hòa Bình là người đầu tiên trên trái đất đã biết thuần hóa cây canh nông (như bầu, bí, mè, ngô, khoai, sắn … ) nói chung và cây lúa nước nói riêng trên trái đất. Và tuy hết sức dè dặt, ông cũng kết luận “ … sẽ có một ngày giả thuyết về thời tiền sử của Đông Nam Á được hình thành” và “ … về lâu dài, những khám phá này sẽ ảnh hưởng sâu đậm – hơn cả chiến tranh và kết cục của nó – đến suy tư của chúng ta (người Âu, Mỹ) về các sắc dân cư ngụ tại Đông Nam Á, cũng như suy tư của các sắc dân này về chính họ” (tc. Nationnal Geographic, tháng 3, 1971, USA – bản dịch của Hoài Văn Tử và Vĩnh Như, Tập San Tư Tưởng số 2, trg 28 – 32).
Thời kỳ thứ ba:
Tiên đoán của Solheim II đã thành sự thực. Trong những năm cuối thiên niên kỷ II, đầu thiên niên kỷ III này, hầu hết sách báo trên thế giới, kể cả những Bộ Bách Khoa Tự Điển mới phát hành đều chấp nhận giả thiết này. Sự tương quan giữa quê hương của lúa nước và các vùng phụ cận liên hệ với thứ ngũ cốc này được diễn tả theo bản đồ dưới đây, dẫn theo quyển sách mới nhất của Giáo Sư P. Bellwood (Prehistory of the Indo – Malysian Archipelago – Academic Press, New York 1985) và được giải thích như sau:

Nhưng mỉa mai thay, tại quê hương chính của các cây canh nông và lúa nước, con em người Việt vẫn còn phải học rằng tổ tiên của họ chỉ biết kiếm ăn bằng “nghề chài lưới và săn bắn” chứ không biết cầy cấy làm ruộng nương; mà phải đợi đến một anh Thái Thú Nhâm Diên nào đó “dậy dân dùng cầy bừa mà khai khẩn ruộng đất”, mới trong vài ngàn năm trước đây! Đến đây tưởng cũng nên biết ý kiến của các sử gia Trung Hoa hiện đại, nơi mà các sử gia Việt trước đây vẫn coi là nơi đã dậy cho tổ tiên người Việt kỹ thuật trồng thứ ngũ cốc này. Xin chỉ lấy ý kiến của ba nhà khảo cổ viết sử hàng đầu Trung Hoa ngày nay là các ông Lichi, Trương Quang Trực và Pi-Ti-Chang :
– Trước hết xin kể đến ông Lichi, tốt nghiệp Đại học Havard, có chân trong đoàn khảo cổ khai quật các di chỉ ở Anyang từ thập niên 20 của GS. Anderson, vì vậy có thể coi ông là nhà khảo cổ tiên phong của Trung Hoa. Trong bản tường trình việc khai quật di chỉ Anyang thời đó, ông đã viết lúa nước được du nhập Anyang là từ phương Nam đưa lên. Hai mươi năm sau, trong quyển The Beginnings of Chinese Civilization, ông viết lại, nguyên văn như sau : “Hai mươi năm trước, trong báo cáo sơ bộ việc Khai quật ở tỉnh An-Yang, tôi có đề ra rằng về lúa nước, về voi, về trâu là từ phương Nam mang đến. Nhưng nay sau hai mươi năm thảo luận và nghĩ lại, thì hình như vấn đề có lẽ phải đặt lại. Lúa nước đã được trồng ở phía bắc tỉnh Hà Nam khá sớm, từ thời văn minh văn hóa Yanshao. Tuy nhiên, không thấy có trâu nước đã được thuần hóa tìm thấy ở đây, trong việc phục vụ cho việc trồng lúa nước” (The Beginnings of Chinese Civilization, trg 35).
– Ông Trương Quang Trực, GS Đại học Yale, trong quyển The Archaeology of Ancient China đã tránh được sự lúng túng của ông Lichi khi khẳng định trước kia người ta chỉ biết gốc của văn minh Trung Hoa là Văn hóa Ngưỡng Thiều (chiếm vị trí ba tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây và Hà Nam). Chỉ gần đây người ta mới biết đến hai trung tâm khác là Ta-Pek-T’eng và Ching-Lien-Kang. Trung tâm sau được khám phá vào năm 1951 tương ứng với vị trí của các nước Ngô, Việt (thuộc Việt Vương Câu Tiễn sau này). Đã tìm thấy xương các động vật như heo, chó, dê, cả trâu nước và lúa nước hóa thạch ở đây. Theo Trương Quang Trực, trung tâm này mang nhiều đặc tính của Văn Hóa Hòa Bình từ phía Nam Đông Nam Á đưa lên. Niên đại phóng xạ C14 của trung tâm này : C = 5.800 đến 4.275 năm trước Kỷ Nguyên.
– Nhưng về lúa nước thì không ai nói rõ bằng ông Pi-Ti-Chang. Trong bản tham luận đọc tại Đại học Berkeley, Calfornia, được đăng lại trong The Origins of Chinese Civilization năm 1982, theo ông Chang, ngũ cốc căn bản tại Trung Hoa là lúa tắc, lúa mạch, lúa mì, rồi mới đến lúa nước và đậu nành (khác với quan niệm của người Việt, ngũ cốc là ngô, khoai, sắn (khoai mì), vừng (mè) và lúa nước). Xét theo lịch sử các triều đại, lúa mạch là thực phẩm chính từ thời tiền sử đến thời Chu; lúa tắc, lúa mạch và đậu nành quan trọng nhất thời Xuân Thu – Chiến Quốc; lúa nước và lúa mì chỉ là thực phẩm quan trọng ở Trung Hoa từ đời Hán về sau mà thôi. Như vậy ông đã khẳng định lúa nước thuộc văn hóa phương Nam và chỉ trở thành thực phẩm chính ở Trung Hoa khi nhà Hán đã sát nhập được đất đai phía Nam sông Dương Tử thuộc Đại tộc Bách Việt vào Trung Hoa. Pi-Ti-Chang còn nói rõ hơn đường đi của sự xâm nhập lúa nước thuộc nền Văn Hóa Hòa Bình này vào Trung Hoa khi ông phân chia ra hai loại lúa: loại Keng Rice và loại Shin Rice. Loại Keng Rice đi vào trung tâm Trung Hoa bằng đường bộ qua ngả Vân Nam, Quế Châu, Tứ Xuyên, Thiểm Tây rồi đổ vào lưu vực sông Hoài. Khảo cổ học ngày nay tìm thấy dấu vết loại lúa này ở trung tâm Ngưỡng Thiều thuộc Thiểm Tây. Loại Shin Rice tiến lên phía Bắc theo đường bờ biển, nay tìm thấy dấu vết nhiều nhất tại các trung tâm Ho-Mu-Tu (Triết Giang), Sung-Tse (Thượng Hải), và là thực phẩm chính của Trung Hoa sau này.
Khoa học đã chứng minh rõ ràng lúa nước được thuần hóa đầu tiên ở Đông Nam Á, thuộc Văn Hóa Hòa Bình rồi sau mới được truyền vào Trung Hoa. Chuyện xẩy ra cả mươi ngàn năm trước, đâu phải đợi đến Nhâm Diên mới có khoảng vài ngàn năm cách ngày nay sang dậy cho tổ tiên ta ?!
Tập san Tư Tưởng.