183. 🌟 Di sản của văn hóa Đông Sơn trong đồ gốm thời Bắc thuộc

Các biến động chính trị – xã hội đầu Công nguyên đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội nước ta, khiến cho văn hóa Đông Sơn diễn biến trong điều kiện hết sức đặc biệt: tồn tại và phát triển trong sự ảnh hưởng trực tiếp văn hóa Hán dưới hình thức tự do tiếp xúc và áp đặt. Đồ gốm cũng không là ngoại lệ.

Trong bối cảnh ấy, một trong số những di sản của văn hóa Đông Sơn là di sản của đồ gốm Đông Sơn đã tồn tại và phát triển như thế nào trong suốt 10 thế kỷ sau Công nguyên.

Đó là vấn đề mà chúng tôi sẽ trình bày trong bài viết này.

1. Dấu vết văn hóa Đông Sơn qua đồ gốm sản xuất tại Việt Nam

Ở giai đoạn này, khảo cổ học đã phát hiện được 9 khu lò sản xuất gốm, tập trung ở 4 tỉnh: Vĩnh Phúc (4 khu lò), Bắc Ninh (3 khu lò), Thanh Hóa (1 khu lò), và Quảng Ninh (1 khu lò). Các khu lò nung hình thành nên 4 trung tâm sản xuất gốm lớn là Thanh Hóa, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh. Các trung tâm sản xuất gốm được hình thành qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: từ thế kỷ 1 – thế kỷ 3 (tương ứng với thời Đông Hán). Giai đoạn này duy nhất chỉ có khu lò Tam Thọ (Đông Sơn, Thanh Hóa).

Giai đoạn 2: từ thế kỷ 4 – thế kỷ 6 (tương ứng với thời Lục Triều), còn gọi là giai đoạn văn hóa Tiền Đại La, gồm có 3 khu lò: Đại Lai, Tam Sơn (Bắc Ninh) và Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) và giai đoạn 2 của lò Tam Thọ.

Giai đoạn 3: thế kỷ 7- thế kỷ 10 (Tương ứng với thời Đường và thời Đinh – Lê). Còn gọi là giai đoạn văn hóa Đại La. Gồm có các khu lò: Bãi Định, Đương Xá (Bắc Ninh), Thanh Lãng, Sơn Lôi, Lũng Ngoại (Vĩnh Phúc), Tuần Châu (Quảng Ninh).

1.1. Ảnh hưởng từ văn hóa Đông Sơn trong sản phẩm của lò Tam Thọ

Khu lò Tam Thọ (Đông Sơn, Thanh Hóa) được nhà khảo cổ học Thụy Điển Olow Janse phát hiện và nghiên cứu từ năm 1936. Từ năm 1937 – 1939, ông đã đào hơn 20 lò gốm. Kết quả khai quật được công bố trong chương 16 với tiêu đề “Những lò gốm ở vùng Tam Thọ, phủ Đông Sơn” trong quyển 2 của bộ sách “Archaeological research in Indo-China (Sưu tầm khảo cổ học Đông Dương)”. Với các lò gốm Tam Thọ (Thanh Hóa) thì lần đầu tiên những đồ gốm mang phong cách Hán đã được sản xuất tại Việt Nam. Đây là khu lò gốm sản xuất tập trung có quy mô lớn, mang đậm chất văn hóa Hán nhất. Loại hình gốm và hoa văn trên gốm lò Tam Thọ còn chịu nhiều ảnh hưởng từ đồ gốm thời Đông Hán – Lục Triều của Trung Hoa.

Năm 2000 và 2001, Viện khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đào thám sát và khai quật khu lò Tam Thọ lần thứ hai, đã phát hiện thêm ít nhất 6 lò gốm. Thời gian tồn tại của khu lò này kéo dài liên tục từ khoảng cuối thế kỷ 1 đến thế kỷ 4. Trong giai đoạn đầu (thế kỷ 1-3), các lò gốm đều có quy mô nhỏ. Giai đoạn thứ 2 (khoảng thế kỷ 4), khu lò này do phải đáp ứng nhu cầu về đồ gốm của thị trường nên đã mở rộng sản xuất gấp nhiều lần so với giai đoạn đầu.

Sản phẩm của lò gốm Tam Thọ bao gồm các loại: gốm sinh hoạt dùng trong cuộc sống hàng ngày, vật liệu kiến trúc như gạch ngói, dụng cụ sản xuất bằng gốm, tượng gốm và gốm mô hình dùng làm đồ tùy táng. Các lò gốm ở Tam Thọ sản xuất tương đối đa dạng các loại hình đồ gốm dân dụng, trong đó chủ yếu là đồ đun nấu, đồ đựng.

Hoa văn trang trí trên gốm tương đối phong phú: văn trám lồng, văn in ô vuông, in mắt lưới, văn xương cá, chữ triện, văn hình đồng tiền, văn thừng, sóng nước, chữ S xoắn ốc, chữ thập, băng hoa 4 cánh, văn lóng đan kiểu phên liếp, các loại ký hiệu và chữ Hán được khắc trên các con dấu hình tròn hoặc hình chữ nhật…

Hoa văn tuy diễn biến phong phú, song vẫn xuất phát từ một số loại hoa văn cơ bản như: văn ô trám lồng, văn ô vuông, xương cá, các ký tự, văn kỷ hà, phên đan, văn thừng, văn đồng tiền… kết hợp với nhau. Kỹ thuật tạo hoa văn chủ yếu là in ấn, dùng khuôn in, con dấu ấn hoặc đập, văn sóng nước được tạo bằng kỹ thuật khắc vạch, kỹ thuật đắp nổi.

 Phong cách trang trí của các đồ gốm Tam Thọ là trang trí hoa văn gần như phủ kín từ vai đồ gốm đến gần hết đáy, chất liệu xương gốm pha trộn nhiều hạt cát và sạn sỏi. Đồ gốm ở giai đoạn đầu sử dụng chất liệu chủ yếu là sét thường, gốm có tỷ lệ cao lanh rất ít.

Sản phẩm của lò Tam Thọ được tìm thấy trong các khu mộ Hán – Lục Triều lớn ở (Mạo Khê, Quảng Ninh), Duy Tân, Hoành Sơn (Kinh Môn, Hải Dương), Thủy Nguyên (Hải Phòng), Lạch Trường, Bỉm Sơn, Hậu Lộc, An Biên, Vũng Đông (Thanh Hóa)… Nghi Vệ (Bắc Ninh) và nhiều tỉnh thành khác ở đồng bằng Bắc Bộ. Đồ gốm phong cách Hán được sản xuất tại Việt Nam, nguyên – nhiên liệu, nhân công, thương nhân bản địa và gần vùng các làng Việt cổ như Thiệu Dương, Đông Sơn, Quỳ Chử, Đông Lĩnh, Đông Tiến, cảng biển Lạch Trường… nên cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng từ đồ đồng và đồ gốm Đông Sơn, đặc biệt là qua hoa văn trang trí gốm.

1.1.1. Ảnh hưởng từ bố cục mặt trống đồng

Ngay ở thời kỳ đầu tiên (thế kỷ 1- thế kỷ 3), các thợ gốm Tam Thọ đã bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của đồ đồng Đông Sơn, đặc biệt là bố cục đẹp và hợp lý trên mặt trống đồng, nên khá nhiều đồ gốm Tam Thọ đã lấy đó làm nguồn cảm hứng sáng tạo với nhiều biến điệu. Đối với những đồ gốm có bề mặt hình tròn như mặt khay, nắp vung, lòng bát, âu… đều triệt để lợi dụng thể hiện trang trí hoa văn Đông Sơn với bố cục xoay quanh các vòng tròn đồng tâm. Đây là một trong số nhiều bằng chứng cho thấy sự ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa Đông Sơn đối với đồ gốm Việt – Hán.

Khay gốm mộ Lạch Trường 1: một trong những hiện vật gốm được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước phải thừa nhận là chiếc khay đất nung hình tròn tìm thấy trong mộ số 1 ở Lạch Trường (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Mặt khay có nhiều vành tròn đồng tâm y hệt mặt trống Đông Sơn, trong đó có 2 vành hoa văn gần rìa mép ngoài khắc chìm văn đường tròn tiếp tuyến. Giữa tâm khay khắc chìm hình 3 con cá châu đầu vào nhau. Mặc dù không có hoa văn nhưng gần tâm khay vẫn tạo các vành tròn đồng tâm để cho có cảm giác khay giống như mặt trống đồng. Mặt sau khay có 2 vành tròn đồng tâm khắc các vạch thẳng song song – Cũng là mô típ phổ biến của đồ đồng Đông Sơn (Ảnh 1).

Khay gốm mộ Lạch Trường 12: trong ngôi mộ Lạch Trường số 12 phát hiện được một khay gốm khác cũng hình tròn. Trên mặt khay lại mô phỏng hình ngôi sao trên mặt trống đồng với 10 cánh thể hiện bằng hình răng cưa doãng – một mô típ phổ biến trên đồ gốm và đồ đồng Đông Sơn. Bên trong và ngoài ngôi sao là các vành tròn đồng tâm trong khắc chìm băng chữ V đơn, có chỗ được vẽ nhanh khiến nhiều hình giống như chữ C (Ảnh 2).

Khay gốm mộ Bỉm Sơn IB: khay hình tròn, chính giữa khắc hình ngôi sao. Trên mặt đã lược bỏ bớt các vành tròn đồng tâm, nhưng sát mép ngoài của lòng khay vẫn có 3 đường tròn đồng tâm, vành trong cùng khắc hình răng cưa doãng (Ảnh 3).

Nắp vung gốm lò Tam Thọ: trong đợt khai quật Tam Thọ năm 2001, đã phát hiện được một số mảnh nắp vung gốm có núm, bên ngoài trang trí khá biến hóa với các mô típ văn thừng, văn xương cá (hay gân lá/diệp văn), hay văn răng cưa kết hợp với văn song song.

Hoa văn cũng được thể hiện trong bố cục các vành tròn đồng tâm (Ảnh 4, 5 và 6).

1.1.2. Ảnh hưởng từ bố cục hộ tâm phiến

Khay gốm phát hiện được tại mộ số 14 Bỉm Sơn (Thanh Hóa), hình chữ nhật. Mặt trên, ở giữa khay khắc chìm khung chữ nhật với 2 đường diềm viền quanh. Đường diềm trong của khung này khắc băng răng cưa, diềm ngoài băng ô trám. Sát mép ngoài của khay cũng khắc khung chữ nhật lớn hơn, trang trí ở diềm khung lớn cũng giống như khung nhỏ giữa mặt khay.

Chỉ nhìn qua cũng nhận ra ngay đây là bố cục của các khung trang trí trên đồ đồng Đông Sơn và rất gần gũi với bố cục ở bao tay hay hộ tâm phiến trong văn hóa Đông Sơn (Ảnh 7).

Ảnh 7.

1.1.3. Ảnh hưởng từ các mô típ trang trí Đông Sơn

– Mô típ hình ngôi sao

Mô típ này cũng khá hấp dẫn thợ gốm Tam Thọ. Họ đã sử dụng trong các sản phẩm gốm sau:

Đèn gốm mộ IB Bỉm Sơn: chân đèn có 2 phần. Bên trên là bộ phận đựng dầu thắp sáng, giống hình cái bát. Chân khá cao, hình phễu, trong rỗng, chân choãi rộng. Sát chân đế trổ thủng các hình tam giác, bên trong phần không trổ thủng khắc chìm nhiều lớp chữ V lồng nhau, tạo cảm giác chân đèn giống như một ngôi sao như trên mặt trống đồng Đông Sơn (Ảnh 8).

Ảnh 8.

Âu gốm khắc hình sao: cũng ở mộ IB Bỉm Sơn, O. Jansé còn phát hiện một âu gốm mà trong lòng có khắc chìm hình sao. Đáng tiếc là hình ảnh công bố không chụp lòng chiếc âu này.

Bình gốm in hình sao trong đường tròn đồng tâm: cũng lấy cảm hứng từ hình ngôi sao nhiều cánh ở tâm trống đồng mà nhiều đồ gốm đã được trang trí hình sao với nhiều biến thể. Tại Bảo tàng Thanh Hóa còn lưu giữ một chiếc bình gốm lò Tam Thọ, toàn thân bên ngoài in nổi hình sao 6 cánh trên nền văn mắt lưới. Khoảng trống giữa các cánh sao là hình răng cưa/tam giác nổi, giống hệt như bố cục trên trống Đông Sơn loại I (Ảnh 9).

Ảnh 9.

Tại lò IA Gò Quyến ở Tam Thọ, trong đợt khai quật năm 2001 đã tìm được 1 mảnh bình/vò, bên ngoài in nổi sao 8 cánh, bên trong hình tứ giác, trang trí trên nền văn mắt lưới nổi (Ảnh 10).

Ảnh 10.

Mô típ vòng tròn tiếp tuyến và chữ S: hai trong những mô típ mà các học giả phương Tây phải thừa nhận là từ văn hóa Đông Sơn, đó là hoa văn vòng tròn tiếp tuyến và văn chữ S. Những loại hoa văn có truyền thống lâu đời trong các giai đoạn Đông Sơn sớm. Trong ngôi mộ số 5 ở Liên Hương (Hậu Lộc, Thanh Hóa), người ta đã tìm được một số viên gạch múi bưởi mà ở cạnh của nó in nổi băng hoa văn đường tròn tiếp tuyến kết hợp với đường tròn đồng tâm và gạch có cạnh in nổi văn chữ S theo chiều đứng kết hợp với văn chấm tròn và đường tròn đồng tâm. Loại hoa văn này rất hiếm khi được trang trí trên cạnh gạch (Ảnh 11 và 12).

Môtíp văn răng cưa/tam giác: loại hoa văn này được trang trí khá đa dạng trên gốm Tam Thọ như: trên mặt khay, chân đèn, chân lư hương, chân bình đốt trầm, chân bình con tiện… Loại hoa văn này cũng rất phổ biến trong văn hóa Đông Sơn (Ảnh 13).

Hoa văn mô phỏng hình phên đan: đây là loại hoa văn mà các học giả phương Tây cũng phải thừa nhận là có từ nguồn gốc bản địa. Hoa văn mô phỏng hình phên/liếp đan bằng tre nứa. Đợt khai quật khu lò Tam Thọ năm 2001 cũng tìm thấy khá nhiều mảnh gốm trang trí loại hoa văn này (Ảnh 14).

Những ảnh hưởng từ văn hóa Đông Sơn qua các đồ gốm thô

Năm 1976, trong đợt khai quật di chỉ Đông Sơn, Trịnh Sinh cũng đã phát hiện ra khá nhiều đồ gốm thô mang truyền thống Đông Sơn có niên đại khoảng thế kỷ 7- thế kỷ 8 trong tầng văn hóa của di chỉ này. Qua việc nghiên cứu diễn biến của loại gốm này, tác giả đã đi đến kết luận: Văn hóa Đông Sơn vẫn được bảo lưu trong nghề làm gốm của cư dân ở đây mà không bị đồng hóa, sau đó lại tỏa sáng trong nền văn hóa của thời kỳ độc lập tự chủ (Trịnh Văn Sinh 1976: 27).

Cuộc khai quật khu mộ gạch Vũng Đông (Thanh Hóa) năm 1978, còn tìm thấy cả nồi gốm áo đỏ Đông Sơn trong ngôi mộ cổ.

Tại khu lò Tam Thọ, có rất nhiều nồi gốm kiểu Hán – Lục Triều được sản xuất, nhưng song hành với chúng là những nồi đất nung Đông Sơn đáy tròn, thân hình cầu, bên ngoài đập văn thừng, độ nung thấp hơn vẫn được sản xuất. Chúng có thể được sản xuất để đáp ứng nhu cầu của người dân bản địa, và đương nhiên, muốn tiêu thụ được sản phẩm thì phải đáp ứng được tập quán sử dụng của họ. Cũng không loại trừ khả năng có các thợ gốm Đông Sơn có mặt ở đây. Trong số những mảnh gốm thô thu được trong cuộc khai quật Tam Thọ năm 2001, có mặt cả những mảnh nồi gốm thô văn thừng, mỏng, độ nung thấp của Đông Sơn, bên cạnh những mảnh gốm xám văn thừng, độ nung cao làm theo phong cách Đông Sơn (Ảnh 15 và 16).

Ngoài những bằng chứng kể trên, trong các cuộc khai quật của O.Jansé còn phát hiện được cả những bếp lò tạo dáng hình chim lạc, những môi gốm mà cán khắc chìm các vạch song song, chậu, vò gốm có hàng đắp nổi với những ngắt đoạn ấn lõm bằng que một cách thành thục, khiến chúng ta có cảm giác như chúng được làm ra bởi chính những thợ gốm Đông Sơn. Có quá nhiều bằng chứng về ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn trong các sản phẩm của khu lò gốm Tam Thọ.

1.2. Ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn qua sản phẩm của lò Đại Lai và Đồng Đậu

Ở giai đoạn 2, các trung tâm sản xuất gốm đã vào sâu trong nội địa nước ta hơn, và như vậy, mức độ ảnh hưởng văn hóa Việt – Hán sẽ đậm nét hơn. Ở giai đoạn này, đồ gốm ở lò Đại Lai và lò Đồng Đậu đã giảm trang trí hoa văn. Hoa văn Đông Sơn vẫn tiếp tục được trang trí trên các loại hình đồ gốm mang phong cách Hán. Hoa văn Đông Sơn chủ đạo đã được xác định là văn sóng nước kiểu Đồng Đậu và Gò Mun. Đồ sành chủ yếu là mô típ băng sóng nước khắc chìm được trang trí ở vai vò. Gạch trang trí văn gân lá thưa, thoáng; văn sóng nước gấp khúc, văn chữ V lồng nhau nhiều lớp, văn vạch xiên song song đảo chiều nhau.

Khu lò Đại Lai thuộc thôn Địch Chung, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, được phát hiện vào cuối năm 1973. Đây là khu lò rồng đầu tiên được khai quật. Khu lò này nằm gần bờ phía tây của sông Đuống, cách trị sở Luy Lâu khoảng gần 20km về phía đông bắc. Đại Lai là khu lò lớn có tới hàng chục lò nung gốm, tập trung ở khu vực xóm Sành và khu vực Tam San. Điều rất đáng lưu ý là khu lò này nằm kề sát với một di chỉ văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ. Điều này cũng xảy ra đối với các khu lò Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Tam Sơn (Bắc Ninh), Tam Thọ (Thanh Hóa). Đợt khai quật năm 1982 đã đào 2 lò rồng ở trên gò Chùa Địch (thôn Địch Chung, xã Đại Lai).

Sản phẩm của lò Đại Lai gồm có đồ gốm men với các loại hình: bát, đĩa, âu và nắp vung, được làm từ đất sét trắng, có tráng men màu trắng đục, trắng ngả xám, xanh lục. Men tráng trên đồ gốm là loại men tro, lớp men tráng mỏng, chảy ở nhiệt độ thấp nên hầu hết không bám vào xương. Đồ gốm men đều được làm từ chất liệu cao lanh, tỷ lệ bột đá pha trộn ít. Xương dày, hơi xốp, màu trắng đục hoặc trắng xám, nặng. Men mỏng, sỉn, lẫn nhiều tạp sắc, dễ bị bong tróc.

Đồ sành gồm các mảnh bình, vò, cối chân cao, con kê, thanh kê hình chữ nhật, tấm kê to, miếng đệm dẹt hình tròn. Đồ sành chia làm hai nhóm: nhóm đồ đựng gia dụng và nhóm dụng cụ nung gốm

Các loại bình, vò đều có dáng gần như quả lê: cổ đứng và ngắn, chiều cao cổ từ 0,5-1,5cm, miệng hẹp, đường kính miệng từ 10-16cm; vai nở phình, từ vai xuống đáy trang trí hoa văn in ô vuông nhỏ. Trên vai, trên – dưới có đường chỉ khắc chìm, ở giữa vẽ băng sóng nước (Ảnh 17).

Ảnh 17.

Gạch đều có màu đỏ-xám làm từ sét pha lẫn hạt cát sỏi to, độ nung rất cao. Sản phẩm của lò Đại Lai được tìm thấy khá nhiều ở khu vực xã Trí Quả và quanh thành Luy Lâu, ở cả khu vực lò Đương Xá (Bắc Ninh), trong ngôi mộ gạch ở cầu Thăng Long khai quật năm 2011.

Khu lò Đồng Đậu được Viện Khảo cổ học phát hiện năm 1984, nhân cuộc khai quật di chỉ Đồng Đậu (thời đại Kim khí). Sản phẩm của lò gốm Đồng Đậu bao gồm:

Đồ gốm men: có các loại bát, đĩa, nắp vung. Đồ gốm men được làm từ chất liệu đất sét trắng, có lẽ được pha thêm chút ít bột đá. Xương gốm màu trắng xám. Lớp men tráng mỏng, nhưng đã dày hơn nhiều so với men gốm của lò Tam Thọ (Thanh Hóa) và đều không trang trí hoa văn. Men có màu xanh lục, xanh giống màu thủy tinh, đọng giọt ở gần đáy. Đặc biệt là người ta đã dùng con kê bằng gốm để chống dính men khi chồng những chiếc bát đĩa lên nhau trong lò nung. Dưới đáy của một số bát đĩa của lò Đồng Đậu có khắc vạch chữ nhất (), nhị (), tam (). Đồ gốm men dùng con kê bằng sành có 4 – 5 chân giống như ở lò Đại Lai, đã cho thấy có những mối liên quan nào đó giữa hai khu lò gốm này. Các sản phẩm của lò gốm Đồng Đậu đã được phát hiện ở nhiều nơi trong tỉnh Vĩnh Phúc như: Tiến Thắng, Thái Lai, Phúc Thắng, Lũng Hòa, khu vực đền Hai Bà Trưng (Vĩnh Phúc)…

Gốm cứng (là loại gốm thô, mỏng nhưng độ nung khá cao, cứng rắn) phát hiện được không nhiều, chủ yếu là mảnh nồi vò trang trí văn thừng đặc biệt là loại nồi toàn thân đập thừng thô, có bản miệng rộng, loe xiên, vành miệng bên trong có gờ, phát triển từ kiểu miệng nồi Đường Cồ. Đến giai đoạn này thì chúng ta đã biết loại nồi gốm thô phát hiện ở Đại Lai, Thanh Lãng và Đồng Đậu chính là ảnh hưởng từ nồi Đường Cồ (Ảnh 18).

Gạch: có số lượng nhiều nhất, cạnh gạch trang trí các mô típ hoa văn như xương cá (hoặc gân lá, người Trung Quốc gọi là Diệp hoa văn), văn sóng nước gấp khúc rất gần gũi với hoa văn truyền thống Đồng Đậu – Gò Mun của văn hóa Đông Sơn (loại hoa văn sóng nước không thấy có trong trang trí hoa văn trên gạch cùng thời của Trung Quốc), văn chữ V kép, văn vạch xiên ngược chiều nhau kết hợp với vạch thẳng (cũng là loại hoa văn đặc trưng của Đông Sơn), văn hình đồng tiền có lỗ vuông kết hợp với nhiều hình chữ V lồng nhau, hình đồng tiền kết hợp với các đường vạch xiên (loại này cũng không thấy trong kiểu bố cục của hoa văn Trung Hoa), hình đồng tiền kết hợp với các ô trám lồng (Ảnh 19)… Nhìn chung trang trí hoa văn trên gạch vẫn chủ yếu là theo phong cách Trung Hoa nhưng vẫn có những yếu tố Đông Sơn đan xen vào.   

1.3. Sự trở về nguồn của khu lò Thanh Lãng, Lũng Ngoại, Đương Xá

Từ thế kỷ 7- thế kỷ 10, sản xuất đồ gốm rất phát triển với nhiều khu lò có quy mô lớn, và đặc biệt là, sản phẩm của những lò này đã là tiền đề trực tiếp cho các dòng gốm sành mịn, sành thô, gốm men ngọc ở thời kỳ độc lập tự chủ. Nhóm 3 khu lò Thanh Lãng, Lũng Ngoại, Đương Xá có sản phẩm, kỹ thuật sản xuất mang đậm dấu vết văn hóa truyền thống Đông Sơn, cấu trúc lò có rất nhiều yếu tố khác với các lò Trung Hoa đương đại. Nhiều khả năng chúng là những lò gốm Việt đã phát triển lên và đóng góp trực tiếp cho sản xuất gốm thời kỳ độc lập tự chủ.

 Những khu lò này hầu hết có vị trí ở ngay chính di chỉ thuộc văn hóa Đông Sơn và chịu ảnh hưởng trực tiếp tư duy trang trí mô típ sóng nước, sản phẩm mang đậm tính dân gian, đặc biệt là đối với nhóm lò Thanh Lãng, Lũng Hòa và Đương Xá. Một điểm đặc biệt nữa là kỹ thuật trang trí hoa văn gốm khắc vạch bằng que nhiều răng, đập văn thừng làm chủ đạo thay cho in ấn hoa văn để trang trí gốm.

Mô típ hoa văn trang trí phổ biến là sóng nước, hình ngôi sao, hình chim – vốn có trong văn hóa Đông Sơn, lại thấy ở đồ gốm của các lò này, giống như một sự trở về nguồn cội. Các lò Tam Thọ, Đồng Đậu và Đại Lai ở giai đoạn trước, không còn thấy dấu vết, nhưng bên cạnh 3 khu lò nói trên là những khu lò thời Lý và các thời sau nữa, tạo nên vùng gốm dân gian truyền thống. Trong vùng gốm đó có nhiều lò sản xuất đồ gốm cùng phong cách kỹ thuật, mô típ hoa văn trang trí, kiểu dáng như các lò Thanh Lãng, Lũng Ngoại, Đương Xá.

Khu lò Đương Xá gần với lò Quả Cảm, Đồng Khống thời Lý và Thổ Hà, Phù Lãng từ thời Trần đến hiện đại. Ngay ở thời Đinh – Tiền Lê, sản phẩm của lò gốm này đã có mặt tại Hoa Lư, Đầu Vè, Bến Long Tửu (Đông Anh, Hà Nội).

Khu lò Thanh Lãng, Lũng Ngoại có nhiều điểm tương đồng với lò Đương Xá qua sản phẩm gốm cứng, kỹ thuật tạo hoa văn bằng que nhiều răng, sành khắc văn sóng nước, gốm tiền men ngọc, cấu trúc lò…và gần với khu lò thời Lý ở xã Đạo Đức (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), liền kề với các làng gốm dân gian truyền thống Hương Canh, Hiển Lễ, Làng Hoa.

Sản phẩm của 3 lò gốm này khá đa dạng:

Đồ gốm tiền men ngọc phổ biến là bát, được làm từ chất liệu cao lanh. Lò Đương

Xá có loại hình bát gốm men phong phú nhất (Ảnh 20 và 21).

Đồ sành chiếm số lượng lớn nhất, chất liệu chủ yếu được làm từ đất sét mịn. Hoa văn trang trí chủ đạo là văn sóng nước.

Đồ sành Lũng Ngoại có 2 loại: sành có tráng men thường dày, men màu vàng đất, nâu rỉ sắt, lẫn đen nhạt, xám, xanh rêu. Men được tráng 2/3 thân từ miệng xuống, gần đáy thường để lại các vệt men chảy nhạt – loại này chưa từng xuất hiện trong 2 giai đoạn trước đó. Những đồ sành có đặc trưng này lại được tìm thấy trong khu lò thời Lý ở xã Đạo Đức, giáp với huyện Mê Linh ngày nay ở ven sông Cà Lồ; cũng được phát hiện trong chùa thời Lý ở tận huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Sành không tráng men thường có màu ghi xám, xám xanh, xám nhạt, nâu tím; xương xám đen, hoặc tím nhạt – những đặc trưng về màu sắc của chất liệu mà chúng ta chưa thấy ở 2 giai đoạn đầu. Một số ít đồ sành có pha thêm hạt sỏi nhỏ giống như chất liệu sành Hán – Lục Triều.

Loại hình đồ sành của các lò Thanh Lãng, Lũng Ngoại và Đương Xá gồm có: bát, đĩa, ấm, liễn, cối, đèn, chậu thành vát xiên, đáy bằng; vò hình quả lê, cổ thạp vai nở, trên vai có 4 hay 6 núm quai ngang, to, mập. Từ vai xuống gần đáy trang trí nhiều băng hoa văn sóng nước đơn. Miệng vò có 3 loại: miệng đứng, miệng loe vành miệng vát vào trong và loại miệng loe vành miệng vát ra ngoài. Hoa văn trang trí trên đồ sành có 2 loại: văn sóng nước và văn chải.

Văn sóng nước có nhiều biến thể: sóng nước doãng, gấp khúc, sóng hình răng cưa, hình núi, hình sin. Sóng nước được thể hiện liền mạch hay đứt quãng. Loại sóng nước đứt quãng phổ biến trên đồ sành Đương Xá. Các băng sóng được thể hiện thành các băng xếp thành nhiều hàng trên dưới, hoặc là cùng chiều và cũng có thể ngược chiều nhau. Băng sóng nước được tạo bằng que 2-3 hay nhiều răng (Ảnh 22, 23 – Văn sóng nước lò Thanh Lãng; Ảnh 24, 25 – Lò Lũng Ngoại; Ảnh 26, 27, 28, 29 – Lò Đương Xá).

Văn chải cũng được tạo bởi que nhiều răng hoặc que 3-4 răng. Các nét chải mảnh, tạo nét nông sâu khác nhau. Một số đồ gốm được chải bằng que nhiều răng hình khuông nhạc.

Gốm cứng: chủ yếu là mảnh nồi, mặt ngoài có văn thừng đập chéo hoặc đập tạo hình ca rô, chải thưa hình khuông nhạc và chải dày, phủ kín mặt sành. Đồ gốm cứng pha nhiều hạt cát nhỏ nên bề mặt thô ráp, độ nung cao, đanh. Lò Đương Xá có loại nồi đáy bằng, vành miệng rộng, mép trong có gờ, thân bên ngoài và đáy đập văn thừng. Miệng nồi Đương Xá khá giống miệng nồi Đường Cồ (Ảnh 30).

Ảnh 30.

Gọi là gốm cứng bởi lẽ những mảnh gốm này có độ nung rất cao, mặc dù chúng rất mỏng, gần như sành, gõ kêu đanh. Gốm cứng Lũng Hòa và Thanh Lãng bên ngoài có lớp áo màu đỏ thẫm, trắng xám hoặc xám đen, lõi bên trong màu đen tuyền, rất mịn, rất giống với xương gốm Đường Cồ. Hoa văn trang trí bên ngoài chủ yếu là văn thừng, một số mảnh trang trí hoa văn sóng nước, ca rô, ô trám, một mảnh trang trí dải đắp nổi bẹt, dùng đầu que ấn lõm xuống như phong cách trang trí Đông Sơn (Ảnh 31 và 32 – Lò Lũng Ngoại).

Sản phẩm gốm sành ở các lò Thanh Lãng, Lũng Ngoại, thường khắc chữ Hán, có thể là tên của chủ lò hoặc tên của thợ làm gốm.

Vật liệu xây dựng: gạch tìm được trong lò Lũng Ngoại đều là gạch múi bưởi, chia làm 2 loại:

  • Loại 1: kích thước lớn, không trang trí hoa văn, màu đỏ gạch, độ nung thấp, được gia cố ở cửa bầu lò. Viên gạch nguyên còn lại dài 38cm, rộng 24cm, cạnh dày là 3,5cm, cạnh mỏng là 3cm.
  • Loại 2: kích thước nhỏ hơn. Toàn bộ gạch loại này đều là gạch vỡ, sử dụng xây lỗ thoát khói, do bị vỡ, chiều rộng còn lại là 12cm, cạnh dày 3cm, màu xám đen, có 2 cạnh và một mặt bị cháy xám và sùi lên do bị lửa đốt (Ảnh 33).
Ảnh 33.

Niên đại của các khu lò gốm này, cũng tương đối gần nhau: Khu lò Thanh Lãng, niên đại thế kỷ 7 – thế kỷ 8. Khu lò Lũng Ngoại, niên đại thế kỷ 8 – thế kỷ 9. Khu lò Đương Xá niên đại thế kỷ 9 – thế kỷ 10.

2. Sự phát triển từ cội nguồn Đông Sơn qua đồ gốm ở các di tích khảo cổ học

Ngoài những hiện vật được sản xuất trực tiếp từ các lò gốm, trong các khu mộ táng và di chỉ cư trú, các di tích kiến trúc 10 thế kỷ sau Công nguyên chịu ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn thì tại đô thị và các lỵ sở của chính quyền đô hộ, chúng ta còn thấy những đồ gốm phong cách Trung Hoa đã có những biến thể khác đi so với nguyên mẫu:

2.1. Khu vực Hoàng thành Thăng Long

+ Giai đoạn Tiền Đại La: vật liệu kiến trúc cùng với đồ gốm men của thời Lục Triều cũng đã được phát hiện nhiều hơn ở các địa điểm 62-64 Trần Phú và khu di tích Ba Đình (18 Hoàng Diệu). Vào cuối thời Lục Triều, khoảng thế kỷ 5-6, ở khu vực Hoàng thành Thăng Long đã bắt đầu có những kiến trúc quan trọng, mở đầu cho giai đoạn thành lập trị sở của An Nam đô hộ phủ ở thời Đường vào các thế kỷ kế tiếp. Một số viên gạch tìm được ở khu vực này có hoa văn trang trí mô típ của Trung Hoa nhưng một số chi tiết đã thay đổi:

  • Hoa văn trám lồng: gạch trang trí văn trám lồng thời Đông Hán thường có xu hướng thể hiện nhiều lớp ô trám, có khi đến 7 hoặc 8 lớp, giữa các nhịp ô trám phổ biến có 3 vạch chỉ nổi song song làm giới hạn. Hoa văn trám lồng thời Tiền Đại La và Đại La có xu hướng giản lược các lớp trám lồng, phổ biến có 3-4 lớp, các nhịp ngắn hơn, các vạch chỉ nổi giới hạn có thể là 2-3 vạch song song, nét mảnh hơn, cũng khá nhiều viên gạch đã bỏ các vạch giới hạn. Các địa điểm 62-64 Trần Phú, Hậu Lâu, và Đoan Môn đều phát hiện được khá nhiều loại gạch này.
  • Hoa văn chữ S nằm ngang: một mô típ phổ biến trong văn hóa Đông Sơn được làm biến dạng và sử dụng tương đối phổ biến ở gạch của thời Đông Hán, nhưng chất liệu và màu sắc, sự ngắt nhịp băng hoa văn bằng các vạch thẳng song song của viên gạch tìm thấy đã khiến cho chúng tôi xếp nó vào khoảng đầu thời Lục Triều, khoảng cuối thế kỷ 3 – đầu thế kỷ 4 (Ảnh 34).

+ Giai đoạn Đại La:

Vật liệu kiến trúc thời Đại La phát hiện được phong phú hơn các giai đoạn trước, vẫn với các mô típ như giai đoạn trước, tuy nhiên chất liệu có xu hướng mịn hơn, đồng thời có thêm một số mô típ khác không có ở Trung Hoa như những viên gạch lát nền in nổi hình cá sấu bơi trong sóng nước (Ảnh 35), gạch ở cạnh in nổi băng các đường tròn đồng tâm, ảnh hưởng từ văn hóa Đông Sơn (Ảnh 36)…

2.2. Khu vực kinh đô Hoa Lư

Thời Đinh – Tiền Lê, buổi đầu của thời kỳ độc lập tự chủ, tại kinh đô ở Hoa Lư (từ năm 968 đến năm 1010), đã có nhiều công trình kiến trúc đã được dựng lên. Các cuộc khai quật khảo cổ học ở đây đã phát hiện được một số hiện vật đã phát triển từ cội nguồn văn hóa Đông Sơn.

Bố cục mặt trống đồng và mô típ “văn cuống rạ”: Đáng chú ý nhất là mảnh trang trí kiến trúc thế kỷ 10 thể hiện quá rõ bố cục và mô típ hoa văn như trên mặt trống đồng Đông Sơn: Bề mặt hiện vật hình tròn, bố cục bởi nhiều đường tròn đồng tâm. Đường tròn chính giữa ấn nổi bằng 2 đường tròn đồng tâm nhỏ rất phổ biến trên trống và đồ đồng, đồ gốm Đông Sơn mà chúng ta vẫn quen gọi là “văn cuống rạ”. Các vành tròn bên ngoài là băng cánh sen, hoa lá, hoa dây. Vành tròn ngoài cùng lại là “văn cuống rạ”, với hàng trên chỉ có 1 đường tròn đơn xếp so le với hàng có 2 đường tròn đồng tâm kích thước lớn hơn (Ảnh 37).

Ảnh 37.

– Văn chữ

S/hồi văn: Tại một số đoạn sân lát gạch vuông ở Hoa Lư, đã phát hiện được những viên gạch lát chính giữa in nổi, băng hoa sen hoặc đôi phượng, những diềm gạch lại in nổi băng hồi văn xuất xứ từ mô típ chữ S nằm ngang trong truyền thống Đông Sơn (Ảnh 38 và 39).

2.3. Đồ gốm phát hiện lẻ tẻ ở các địa phương khác

– Tại đền Thượng – Cổ Loa, trong đợt khai quật năm 2007, đã phát hiện được 2 hiện vật niên đại khoảng thế kỷ 5 – thế kỷ 6, mang phong cách văn hóa Đông Sơn rất rõ.

+ Vò sành thấp, dáng quả cà, miệng đứng, đáy thót, thân khắc vạch 5 băng hoa văn. Băng dưới cùng là sóng nước doãng hình khuông nhạc, khắc bằng que 4-5 răng. Bốn băng bên trên là các vạch chấm dải song song ngược chiều nhau, cũng thể hiện bằng que nhiều răng (Ảnh 40).

+ Nắp vung sành, nắp có núm hình trụ, đỉnh bằng, tán thẳng. Xung quanh tán khắc chìm 2 băng sóng nước hình khuông nhạc bằng que 4-5 răng (Ảnh 41).

Một chiếc vò cùng kiểu dáng với vò Cổ Loa, được phát hiện tại Quảng Ninh cũng trang trí băng chấm dải ở xung quanh vai.

Văn sóng nước khắc bằng que nhiều răng trên vò sành có núm từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 10 còn được phát hiện ở Đầu Vè (Ảnh 42), Mê Linh (Hà Nội), Nam Định (Ảnh 43), và Thanh Hóa (Ảnh 44).

Từ cội nguồn, văn hóa Đông Sơn đã âm thầm tồn tại tồn và phát triển trong suốt 10 thế kỷ sau Công nguyên. Từ Đông Sơn đến thời Đinh – Tiền Lê, Lý, Trần, là một chặng đường máu và mồ hôi mà ông cha ta đã đổ, để đặt nền móng cho văn hóa truyền thống Việt Nam. Trong thời kỳ độc lập tự chủ, các mô típ truyền thống trong văn hóa Đông Sơn đã thực sự có đất để phát triển với những biến thể rất đa dạng.

3. Giá trị của di sản văn hóa Đông Sơn trong 10 thế kỷ qua đồ gốm

3.1. Di sản của văn hóa Đông Sơn với sự phát triển của đồ gốm Việt

Trong văn hóa Đông Sơn, người Việt chỉ có 1 loại gốm đất nung. Bước ra khỏi 10 thế kỷ sau Công nguyên, họ đã có đồ sứ tráng men, đồ sành và vẫn giữ được đồ đất nung. Tất cả 3 dòng gốm này được hình thành hoặc phát triển ở trình độ cao hơn trong suốt 10 thế kỷ sau Công nguyên.

Gốm cứng, tiền thân của đồ sành thô thời Lý – Trần và Lê sơ. Xu hướng sử dụng đất sét trắng đã có mầm mống từ trong văn hóa Đông Sơn. Đó là sự xuất hiện của một loại gốm đất nung, áo màu trắng mốc mà các nhà khảo cổ học quen gọi là gốm Đường Cồ (tên gọi lấy từ tên địa điểm phát hiện được loại gốm này). Gốm Đường Cồ tập trung chủ yếu tại các tỉnh Hà Nội và Hà Tây (cũ), tại các di chỉ như: Đường Cồ, Đại Áng, Chiền Vậy, Đình Tràng, Đường Mây, Vinh Quang… Gốm ở các địa điểm này rất mịn, tỷ lệ pha cát hạt mịn cao, chiếm ưu thế ở các thế kỷ 1-2 đầu Công nguyên. Thực ra thì trong giai đoạn văn hóa Gò Mun, đã có mặt loại gốm này, nhưng khác nhau về chất liệu, màu sắc.

Dưới tác động của kỹ thuật sản xuất gốm bên ngoài tự du nhập vào Việt Nam, những yếu tố mới của đồ gốm nội địa được đẩy nhanh, việc sử dụng sét trắng và sau đó là cao lanh chắc chắn sẽ là cái đích đi đến của các cư dân Đông Sơn.

Cũng cần phải nói thêm rằng, kiểu miệng gốm Đường Cồ của văn hóa Đông Sơn giai đoạn muộn rất có ấn tượng, với cái gờ miệng bên trong đã có từ khá lâu trong giai đoạn văn hóa Gò Mun. Kiểu miệng này cùng với loại nồi Đông Sơn đáy tròn đã được chủ nhân của mộ Hán ưa thích. Người ta đã tìm thấy nó trong các ngôi mộ Hán ở Thiệu Dương (Thanh Hóa), ở di chỉ Thái Lai (Vĩnh Phúc), trong lò Đồng Đậu, lò gốm Đạo Đức (Vĩnh Phúc), lò Đương Xá (Bắc Ninh), ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) thế kỷ 10, ở thành cổ Hà Nội và trong văn hóa Đại Việt thời Lý – Trần…

Đồ gốm mỏng, cứng, đanh mà chúng tôi gọi là gốm cứng cũng là sự thay đổi thành phần chất liệu truyền thống. Sự thay đổi này hướng vào đồ đun nấu là chủ yếu. Đồ gốm mỏng đun nấu sẽ nhanh hơn, độ cứng làm đồ dùng được bền hơn. Đồ gốm cứng dần dần chiếm ưu thế nhiều hơn đồ đất nung ở nhiệt độ thấp, mà theo truyền thống nó vẫn còn tồn tại đến ngày nay như làng gốm Bộng, làng gốm Cổ Đạm (Hà Tĩnh), Hiển Lễ (Vĩnh Phúc).

Đồ sành đầu tiên xuất hiện ở khu lò gốm Tam Thọ, tuy nhiên độ nung chưa cao. Đồ sành có hai loại: sành tráng men và không tráng men. Những đồ sành tráng men đầu tiên cũng được sản xuất tại khu lò Tam Thọ với xương làm từ sét tạp và sét trắng. Men trên đồ sành có các màu: đen có sắc xanh, men vàng chanh. Từ cuối thời Lục Triều – Tuỳ, Đường, đặc biệt là các đồ sành trong hệ thống lò gốm ở tỉnh Vĩnh Phúc đã có độ nung rất cao. Sành được tráng men nhiều màu hơn như xanh xám, vàng đất, vàng – xám, vàng – nâu, nâu – xám… Độ bám dính của men tốt hơn ở lò Tam Thọ. Loại sành khá đặc trưng màu xám xanh hoặc xám ghi ngả xanh, nâu sẫm tựa như màu bã trầu khô và màu tím ngả hồng của lò gốm Đạo Đức sau này trở thành màu sành rất đặc trưng của đồ sành Đại Việt thời Lý – Trần – Lê sơ.

 Đầu giai đoạn 10 thế kỷ sau Công nguyên, trang trí trên gốm cứng và đồ sành ảnh hưởng chủ yếu là văn in, là các mô típ trang trí của các thời Đông Hán, Đông Ngô. Cuối thời Lục Triều và Tùy – Đường, khi mà ở Trung Hoa, các mô típ hoa văn Phật giáo ngày một trở nên phổ biến thì ở Việt Nam lại có xu hướng trang trí hoa văn trở về với nguồn cội, với truyền thống Đông Sơn. Đó là sự phổ biến của các mô típ hoa văn sóng nước, văn khắc vạch, văn chải, văn thừng trên đồ gốm cứng và đồ sành. Đặc biệt là trên các vò sành. Các vò sành trong hệ thống lò gốm ở Vĩnh Phúc hầu hết đều trang trí văn sóng nước, thì ở các vò sành đồng đại ở Trung Quốc lại không trang trí hoa văn.

Sự thay đổi hoàn toàn mới trong sự phát triển của đồ gốm đó là sự ra đời và phát triển của đồ gốm tráng men/đồ sứ.

Đồ gốm men lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam là trong mộ thời Tây Hán tại Thiệu Dương (Thanh Hóa) với số lượng không nhiều. Xương gốm thời Tây Hán có màu xám ghi, chôn lâu dưới đất hay bị mủn, mềm bởi lẽ trong thành phần của xương gốm chủ yếu là sét trắng, tỷ lệ bột đá ít. Thời Đông Hán, tỷ lệ này có khá hơn, song thực sự phải đến thời Tùy – Đường mới có sự chuyển biến mạnh trong tỷ lệ pha trộn xương gốm.

Từ thời Đông Hán trở đi, đồ gốm tráng men tăng lên rất nhiều đặc biệt là từ khi các lò nung gốm ở Tam Thọ, Đại Lai, Lũng Ngoại, Tuần Châu, Đương Xá… xuất hiện. Từ cuối thế kỷ 1 đến đầu thế kỷ 4, đồ gốm men phát hiện được ở Việt Nam thường có màu men không ổn định. Các lò gốm ở Tam Thọ sản xuất ra các loại gốm có màu men lẫn nhiều tạp sắc, men thường là xỉn, lớp men mỏng nên gây ra cảm giác gai ráp do bề mặt xương gốm bên trong có những hạt cát nổi cộm lên. Đồ gốm tráng men ở lò Tam Thọ có các màu: trắng nhờ nhờ hoặc trắng đục giống với màu cháo lòng, màu ghi nhạt, ghi pha sắc xanh, ghi pha sắc đỏ, màu nâu nhạt gần giống với vỏ con ốc sên, màu nâu có sắc xanh, màu xám xanh, màu rêu nhạt, rêu sẫm, màu lục nhạt, hoặc lục sẫm, màu đen nhạt, xanh đen, xanh lục…

Từ Đông Hán đến đầu thời Lục Triều men mỏng, tráng không đều, dễ bong tróc do nhiệt độ nóng chảy của men thấp, nên lớp men thường bị chảy trước nhiệt độ chảy của xương gốm. Đặc biệt những đồ gốm hay gặp trong các di chỉ và mộ gạch là loại men màu vàng nhạt rất mỏng (người ta thường gọi là men giấy), nó giống như loại men muối tự chảy, thường gặp trên các loại hình gốm như nhĩ bôi, vò hình quả lê có đường gọt vát từ giữa thân đến đáy và một số bát, đĩa, khay.

Đồ gốm tráng men lò Đồng Đậu và Đại Lai tương đối ổn định hơn một chút, về cơ bản là có 2 màu: xanh lục hay xanh ô liu và màu trắng đục bắt đầu có xu hướng hình thành nên 2 dòng men ngà và men ngọc. Gốm ở khu lò Đại Lai chủ yếu là màu xanh lục, xanh ô liu, trắng ngà nhờ nhờ, xám tro nhạt, men mỏng, trong màu men chủ đạo có các tạp sắc như trong xanh lục lẫn xám tro, trong trắng nhờ lẫn sắc đỏ tía, lam, hồng nhạt…

Đồ gốm men tại các lò gốm ở Thanh Lãng, Lũng Ngoại, Tuần Châu phát triển theo định hướng rõ ràng hơn, đó là gốm tráng men tiền men ngọc. Xương gốm đã rất gần với xương gốm thời Lý – Trần, men màu xanh lục hoặc xanh lá cây. Một số vò gốm của lò Lũng Ngoại phát hiện được ở Đồng Hai Cây, khu vực gò Tổng Binh (Vĩnh Phúc), men khá bóng, màu vàng có sắc xanh, cũng thuộc dòng men ngọc. Gốm ở khu lò Bãi Định là loại gốm xanh ngọc. Khá nhiều đồ gốm phát hiện được ở vùng Yên Hưng (Quảng Ninh) có màu men xanh lục đậm, men vàng chanh, vàng đậm khá đẹp có thể là của các lò gốm này. Vùng ven biển Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh, trong các cuộc điều tra của Viện Khảo cổ học đã phát hiện được khá nhiều đồ gốm giống với sản phẩm của lò Tuần Châu, Lũng Ngoại và Thanh Lãng. Trong cuộc khai quật khu mộ cổ Vũng Đông, Vân Trai, khu di chỉ Đông Sơn (Thanh Hóa), khu di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) cũng phát hiện được loại bát gốm tráng men mà trong lòng có các vết cạo men xếp thành hình nan hoa bánh xe giống như ở Lũng Ngoại và Thanh Lãng. Trong các sưu tập gốm phát hiện được trong địa bàn tỉnh của Bảo tàng Vĩnh Phúc, chúng ta cũng gặp khá nhiều đồ gốm tráng men của các khu lò gốm này.

Nhìn chung, trong cả giai đoạn này, gốm tiền men ngọc màu xanh không trong, sắc xỉn, nhưng từ các thế kỷ 7-10 men đã có chiều hướng dày hơn. Loại men màu vàng chanh cũng xuất hiện tương đối nhiều. Đồ gốm men của giai đoạn này hầu hết không trang trí hoa văn chính vì còn thiếu một tư tưởng chủ đạo làm nguồn cảm hứng cho các mô típ trang trí, đó là tư tưởng Phật giáo.

Như vậy là các dòng gốm men phát triển khá thịnh hành ở thời Lý – Trần đã có manh nha trong giai đoạn 10 thế kỷ sau Công nguyên.

3.1. Di sản của văn hóa Đông Sơn – Nền tảng ứng xử trong mối quan hệ Việt – Hán

Truyền thống Đông Sơn thực ra không mất, và cũng chưa bao giờ bị đứt đoạn. Trong hệ thống gốm đã toát lên tính chất dân gian, bình dân của các lò sản xuất gốm. Các lò gốm chủ yếu lấy thị trường tiêu thụ đông đảo là các làng làm nông lân cận. Trong các khu lò người ta vẫn nung hỗn hợp nhiều loại sản phẩm. Trong các làng Việt cổ, các thợ gốm Đông Sơn vẫn sản xuất gốm phục vụ nhu cầu sinh hoạt đời thường. Chính vì vậy mà cả 2 truyền thống gốm vẫn song song tồn tại. Sự có mặt của gốm, của bố cục, mô típ hoa văn Đông Sơn trong các di chỉ mộ táng và sản xuất gốm, của người Hán đã đưa chúng tôi đến nhận thức rằng: không thể tìm gốm Đông Sơn muộn như là một dòng gốm truyền thống được sản xuất riêng biệt. Các thợ gốm Đông Sơn không chỉ sản xuất gốm truyền thống Đông Sơn mà còn sản xuất cả những đồ gốm mang phong cách Trung Hoa. Nếu chưa nhận thức đúng về điều này thì sẽ lúng túng khi thấy ở các di chỉ và mộ táng có 2 loại gốm mang 2 phong cách khác nhau cùng tồn tại. Hiện tượng các loại di chỉ và mộ táng của người Hán nằm ở chính những địa bàn cư trú của cư dân Đông Sơn, đã khiến cho không ít nhà nghiên cứu nghĩ rằng, người Hán đã tàn sát và đuổi người Việt đi để chiếm đất. Sự thực không hẳn thế. Ở những nơi này vẫn thấy các đồ gốm và đồ đồng Đông Sơn. Về cơ bản, người Hán vẫn buộc phải “dùng tục cũ để trị”, người Việt vẫn ở các làng xóm cũ, ở đó vẫn có các lệ tục, tập quán truyền thống, cùng cơ sở hạ tầng khá bền vững từ thời dựng nước, nghĩa là ở đó có cả tập quán dùng gốm Việt. Khi vẫn còn nhu cầu sử dụng thì người ta vẫn tiếp tục sản xuất. Còn người Hán, với việc xây dựng các quận trị và huyện trị đã hình thành nên những đô thị mới, họ tăng cường mở rộng các trị sở, huyện lỵ, các đầu mối giao thông, cửa sông, cửa biển. Ở những nơi này, dấu vết văn hóa mang đậm nét phong cách Trung Hoa, thậm chí cả mô hình quản lý sản xuất theo kiểu Trung Hoa, mà một trong những bằng chứng ấy là ở khu lò gốm Bãi Định. Người Hán có nhu cầu sử dụng đồ gốm theo phong tục của họ, vì vậy các lò gốm cũng đáp ứng những nhu cầu ấy.

Trong các thành phần dân di cư sang Giao Chỉ có khá nhiều dân nghèo, thợ thủ công, chắc hẳn có cả những thợ gốm. Sử sách nước ta đã dẫn ra khá nhiều trường hợp Việt hóa của dân di cư, không loại trừ trong số này đã có những người tham gia vào đội ngũ thợ gốm Giao Chỉ.

Hầu hết các lò sản xuất gốm ở nước ta mang tính dân gian, với sự bố trí rải rác trên những gò đồi cao, gắn chặt chẽ với bộ phận dân cư làm ruộng, cách xa trị sở cấp quận. Những sản phẩm của các lò gốm này, một mặt phục vụ trong vùng, mặt khắc được mang bán ở những vùng xa xôi. Có thể dẫn ra đây rất nhiều ví dụ: các đồ gốm có ghi các ký hiệu ở đáy như ở lò Đại Lai và Đồng Đậu đã thấy có mặt ở Xuân Hòa, Lũng Ngoại, Tiến Thắng, Thái Lai (Vĩnh Phúc), Dương Xá (Gia Lâm – Hà Nội). Các sản phẩm cùng loại với đồ gốm men ở Thanh Lãng, Lũng Ngoại được phát hiện ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định… Điều đó đã cho thấy sự phát triển, giao lưu của đồ gốm không lệ thuộc vào chính quyền đô hộ mà do nhu cầu của xã hội và thị trường quyết định. Cũng trong thời gian này, gốm Đông Sơn truyền thống vẫn tồn tại và được phát hiện ở rất nhiều tỉnh thành ở nước ta. Thực ra có 2 bộ phận gốm Đông Sơn truyền thống. Một bộ phận nằm trong các lò gốm dân gian. Ở bộ phận này đã tiếp thu ngay từ đầu các kỹ thuật sản xuất tiên tiến của Trung Hoa, đổi mới chất liệu và sau này hình thành nên các làng sành truyền thống kiểu như các làng Phù Lãng, Thổ Hà (Bắc Ninh), Hương Canh (Vĩnh Phúc), làng Sành (Thanh Hóa). Và một loạt các làng gốm ven sông Thương, sông Thái Bình và sông Cầu ở các tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh.

Một bộ phận thợ gốm khác tồn tại trong những làng Việt khác với phương thức vừa làm ruộng, vừa sản xuất đồ đất nung truyền thống với các loại lò nung đơn giản hoặc loại lò nung mà không phải là lò như các làng gốm Cổ Đạm (Hà Tĩnh), Chợ Bộng, làng Kẻ Gốm (Nghệ An), làng Hoa, Hiển Lễ (Vĩnh Phúc), làng Vồm (Thanh Hóa), làng Quao (Hải Dương), Vân Đình (Hà Nội)…

Ở tỉnh Vĩnh Phúc có 2 làng gốm rất cổ, mà theo phả ký, đã có từ thời các vua Hùng là làng Hương Canh và Hiển Lễ. Những làng gốm này đều có những dạng lò nung rất cổ. Mặc dù truyền thống gốm đất nung Đông Sơn được bảo lưu chủ yếu trong đồ đất nung, song ngay cả gốm đất nung trong giai đoạn này cũng có những thay đổi, đó là sự có mặt của các loại gạch, ngói, của các loại hình gốm đất nung mang phong cách Trung Hoa như mô hình nhà cửa, con giống, nồi, vò, bình, bát…

Người thợ gốm Đông Sơn đứng trước kỹ thuật sản xuất gốm tiên tiến của Trung Hoa, muốn tồn tại được để phát triển lâu dài, cần phải tiếp thu nó để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội của cả người Việt và người Hán.

Khi người thợ gốm Đông Sơn đã được trang bị thêm kỹ thuật sản xuất tiên tiến hơn, họ không bắt đầu từ con số không mà đã có cả một truyền thống gốm hàng ngàn năm trước đó. Do vậy họ chỉ có được thêm phương tiện để thực hiện khát khao giành độc lập dân tộc mà thôi.

Trước hết, với kỹ thuật sản xuất gốm truyền thống và tiếp thu được, trong các vùng và lò gốm do người Việt độc lập sản xuất, đều phải phục vụ nhu cầu của xã hội, bao gồm cả nhu cầu của người Việt và người Hán. Họ vẫn sản xuất những đồ gốm mà người Việt ưa dùng. Về vấn đề này, sự phát triển của nghề gốm đã chuyển tải được tâm lý, tập quán và truyền thống của người Việt, gốm là phương tiện để họ bảo vệ và phát huy bản sắc của cộng đồng dân tộc.

Xét về kỹ thuật, đồ gốm truyền thống Đông Sơn được nâng cao chất lượng, gốm thô Đông Sơn phát triển thành gốm cứng. Thực ra xu hướng này đã có trong văn hóa Đông Sơn từ trước khi có ảnh hưởng của văn hóa Hán, gốm Đường Cồ đã có xương đanh và độ cứng gần như sành. Gốm cứng mỏng hơn, tăng độ bền, độ chịu nhiệt, đun nấu nhanh hơn, đỡ tốn nhiên liệu khi đun nấu. Các loại gốm Đông Sơn khác như loại gốm Làng Cả ở địa bàn gốc của các vua Hùng, gốm Đông Sơn ở vùng Thanh – Nghệ có lớp áo đỏ, xám nâu, gốm Đường Cồ màu trắng mốc ở vùng đồng bằng Bắc Bộ… tiếp tục được sản xuất. Cùng với các loại gốm này là gốm cứng mang phong cách Đông Sơn của các lò Thanh Lãng, Lũng Hòa được sản xuất ra với các loại đồ dùng đun nấu, và đồ đựng đã góp phần làm loãng sự Hán hóa, thường trực giữ truyền thống Đông Sơn trong thợ gốm và người tiêu dùng.

Về mặt văn hóa, người Hán cũng sử dụng gốm Đông Sơn một cách tự nguyện (những đồ gốm này có thể do người Việt sản suất, cũng có thể do thợ gốm Trung Hoa học người Việt để sản xuất) như đã thấy ở mộ Bỉm Sơn 1B, mộ Lạch Trường 1, 13, vậy là ít nhiều đã chịu ảnh hưởng của văn minh Đông Sơn. Các loại hoa văn răng cưa, vòng tròn tiếp tuyến, vòng tròn đồng tâm, văn sóng nước, chữ S… các kiểu nồi đáy tròn của gốm Đông Sơn truyền thống lấy đường cong, sự mềm mại làm cơ sở cho sự tạo dáng và trang trí hoa văn dường như là sự bổ khuyết cho những hoa văn góc cạnh, lấy hình học là cơ sở cho trang trí và tạo dáng của gốm Trung Hoa. Vì thế trong nhiều ngôi mộ gạch của người Hán đã có những đồ tùy táng mang phong cách Đông Sơn. Ví dụ như ở ngôi mộ gạch số 1 ở Lạch Trường (Thanh Hóa) đã phát hiện được một mâm gốm tròn trang trí hình 3 con cá châu đầu vào nhau, xung quanh là các đường tròn tiếp tuyến. Nhà khảo cổ học O. Jansé cũng phải thừa nhận đây là loại hoa văn điển hình của văn hóa Đông Sơn. Trong ngôi mộ gạch Nghi Vệ (Bắc Ninh) cũng có một tiêu bản tương tự, ngoài ra trong ngôi mộ này còn có bình gốm đầu voi trang trí vòng tròn tiếp tuyến. Viên gạch múi bưởi trang trí vòng tròn tiếp tuyến và vòng tròn đồng tâm ở mộ Liên Hương (Thanh Hóa), gốm in văn phên đan ở khu lò gốm Tam Thọ, ở di chỉ Đông Sơn, văn khắc vạch, nhăn tàn ong… được tìm thấy trên nhiều loại hình gốm mang phong cách Trung Hoa.

Thợ gốm Việt đã tiếp thu kỹ thuật nung gốm trong lò tiên tiến của Trung Hoa nhưng đã thực hiện rất nhiều cải tiến. Các lò nung gốm Việt có cấu trúc và các chỉ số kỹ thuật giữa các bộ phận của lò gốm cũng có nhiều điểm khác với Trung Hoa.

Những điều này cho thấy văn hóa truyền thống của người Việt, trong quá trình phát triển đi lên đã lan tỏa, len lỏi vào cả trong văn hóa Hán. Những yếu tố của văn hóa Việt được cóp nhặt, sao chép vào những đồ vật có chất Hán điển hình. Người thợ Trung Hoa cũng không bê nguyên xi bố cục của hoa văn Đông Sơn trang trí cho đồ vật mà tách ra từng mảng hoặc biến đổi chút ít. Ví dụ hình sao trên mặt trống đồng được lấy trang trí cho nắp đốt hương trầm và cho cổ chân đèn trong ngôi mộ số 18 ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa).

Những đồ gốm có phong cách Trung Hoa được sản xuất tại Việt Nam cũng có hình dáng khác lạ so với đồ cùng loại sản xuất ở Trung Hoa. Những chiếc bình con tiện sản xuất ở Việt Nam có xu hướng bụng phình rộng hơn, đế cao hơn, miệng loe xiên. Một số loại bát có chân đế được làm cao quá cỡ. Loại vò gốm đặc biệt có phong cách Trung Hoa trong trang trí thì lại được làm khác đi ở các chi tiết: cổ thắt hơn, miệng loe xiên hơn. Đáng lưu ý nhất là hình mặt người trang trí trên đầu của viên gạch ở Nhạn Tháp (Nghệ An) – không phải được làm theo phong cách đầu ngói truyền thống của Trung Hoa với những mặt người đàn ông râu chổi xể, nhe răng há mồm, hoặc cười nhăn nhở dữ tợn, mà là mặt của một em bé có khuôn mặt bụ bẫm dễ thương với phong cách tả thực.

Nhiều học giả nước ngoài cũng đã nhận ra những chi tiết khác nhau trong các mô hình nhà bằng gốm được làm tại Việt Nam và Trung Quốc. Những mô hình nhà thấy ở Việt Nam không đơn thuần chỉ có mái nhà lợp ngói ống mà còn có những mái nhà tranh tre… Từ thế kỷ 10 trở đi, những đồ gốm mang tập quán Trung Hoa cũng tuyệt tích, thay vào đó là những đồ gốm phản ánh phong tục tập quán Việt.

Liên quan đến tập quán sản xuất và nhu cầu tiêu dùng là vấn đề sản phẩm. Như đã thấy ở trên, các lò gốm Việt nam nung đủ các loại sản phẩm trong một lò. Việc nung hỗn hợp này, người ta đã thấy ở Trung Quốc vào thời Xuân thu – Chiến quốc. Song từ thời Hán trở đi, các lò gốm Trung Quốc đã bắt đầu xu hướng chuyên môn hóa, có những lò và khu lò chừng vài chục chiếc lò chỉ chuyên nung gạch, ngói hay chuyên nung gốm sứ. Còn ở Việt Nam, có thể tìm thấy đủ loại chất liệu, đủ loại sản phẩm trong một lò.

Về loại hình vật nung, có loại khá phổ biến trong các di chỉ Đông Sơn là bi gốm, vẫn thấy được nung trong lò gốm Tam Thọ. Ở lò gốm Đồng Đậu, đã phát hiện được cả mảnh gốm kiểu Đường Cồ. Loại gốm lõi đen, với kỹ thuật chế tác vẫn thấy phổ biến của văn hóa Đông Sơn đã được nung trong lò gốm Thanh Lãng, ngay cả đồ sành cũng có lõi xám đen, mặc dù loại hình sản phẩm hoàn toàn làm theo kiểu cách Trung Hoa.

Điều đặc biệt đáng lưu ý là, các đồ đựng 3 chân nguồn gốc Trung Hoa, cốc đốt trầm đi liền với tập quán sử dụng Trung Hoa lại hoàn toàn vắng bóng trong các lò nung ở Việt Nam.

Những bằng chứng kể trên cho thấy có sự tồn tại của thợ gốm Việt, của kỹ thuật sản xuất gốm Việt. Các thợ gốm và cơ sở sản xuất gốm Việt cũng đã tiếp thu kỹ thuật lò nung Trung Hoa, chế tạo đồ gốm mang phong cách Trung Hoa bên cạnh gốm Đông Sơn. Đặc biệt là, họ hoàn toàn tiếp thu kỹ thuật chế tạo men, thao tác nhúng men và nung đồ vật tráng men. Sự ưu việt của kỹ thuật sản xuất gốm tráng men Trung Hoa và sự đa dạng về loại hình của nó là điều được khẳng định. Các thợ gốm Việt không thể không tiếp thu.

 Đi tìm các chủ nhân lò gốm Việt vì thế mà khó gặp gỡ trên phương diện sản phẩm. Song ở khía cạnh lò nung ta lại thấy được họ qua các chỉ số kỹ thuật trong công thức đắp lò, qua dạng lò hình ống mà Trung Hoa không có, qua kỹ thuật sản xuất gốm lõi đen với dáng hình Trung Hoa.

Việc nung hỗn hợp nhiều loại chất liệu, nhiều loại sản phẩm trong một lò nung, hiện tượng lẫn lộn giữa gốm thô phong cách Đông Sơn ở các di chỉ, mộ táng ở giai đoạn này, đã đưa đến cho chúng ta nhận thức rằng, không thể tìm gốm Đông Sơn muộn như là một dòng gốm truyền thống được sản xuất riêng biệt. Chúng ta cũng thấy rằng, các thợ gốm bản địa không chỉ sản xuất gốm thô Đông Sơn mà còn sản xuất cả gốm phong cách Hán.

3.2. Hai truyền thống gốm cùng được sản xuất và được sử dụng

Ở các khu lò gốm khác như Đại Lai, Tam Thọ, Đồng Đậu, Thanh Lãng, Tam Sơn, với sự bố trí các lò gốm rải rác trên những gò đồi cao, gắn chặt với vùng cư dân nông thôn, cách xa trị sở cấp quận đến vài chục km. Những sản phẩm của các lò gốm này có mặt ở nhiều vùng xa xôi và cả ở gần đó đã cho thấy sự phát triển của nó không lệ thuộc vào chính quyền đô hộ mà do nhu cầu xã hội và thị trường quyết định.

Truyền thống gốm Đông Sơn được bảo lưu nằm trong đồ gốm đất nung. Song ngay trong gốm đất nung cũng có sự thay đổi, đó là sự xuất hiện của gạch, ngói, của các loại hình gốm mang phong cách Trung Hoa như nồi, bình, vò, bếp lò.

Bản thân người thợ gốm bản địa, đứng trước kỹ thuật sản xuất gốm Trung Hoa tiên tiến, muốn tồn tại được cần phải tiếp thu nó để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Ở cương vị người thợ, việc tiếp thu kỹ thuật của nghề mình không có gì phức tạp quá sức.

Điều đáng kể ở đây là, thợ gốm bản địa khi đã có trong tay kỹ thuật sản xuất gốm tiên tiến hơn sẽ dẫn đến những hệ quả xã hội và lịch sử như thế nào? Nếu như phong kiến Trung Hoa hoàn toàn nắm việc sản xuất và quản lý và điều tiết các sản phẩm xã hội thì việc thực hiện đồng hóa văn hóa hoàn toàn theo chủ quan. Nhưng khi việc sản xuất, tiêu thụ gốm nằm trong tay cả người Việt và người Hán thì vấn đề lại khác đi. Mặc dù tiếp thu kỹ thuật sản xuất gốm tiên tiến Trung Hoa, việc sản xuất gốm của người Việt vẫn có nhiều điểm khác. Bản thân sự khác nhau đã là đối lập với sự đồng hóa, dù nó là kết quả của ý thức chủ quan hay khách quan.

Trước hết, với kỹ thuật sản xuất gốm trong tay, các khu lò gốm của người Việt độc lập sản xuất, phục vụ nhu cầu của xã hội, bao gồm cả nhu cầu của người Hán và người Việt. Với sự đáp ứng nhu cầu của người Việt, họ phải sản xuất đồ gốm mà người Việt ưa thích. Về mặt này, sự phát triển của nghề gốm có sự chuyển tải tâm lý, tập quán và truyền thống Việt. Xét trên bình diện kỹ thuật, đồ gốm truyền thống Đông Sơn được nâng cao chất lượng. Gốm thô lõi đen vẫn được sản xuất cùng với đồ sành lõi đen. Gốm thô mỏng hơn, cứng hơn, tăng được độ bền và chịu nhiệt, đỡ tốn nhiên liệu khi đun nấu. Gốm áo đỏ, áo trắng mốc tiếp tục được sản xuất với những đồ đựng lớn. Sự tồn tại của loại đồ gốm này rộng rãi trong dân gian, một mặt làm loãng sự Hán hóa, mặt khác thường trực giữ vững truyền thống gốm của văn minh Đông Sơn trong thợ gốm và trong người tiêu dùng.

10 thế kỷ sau Công nguyên là một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Ở giai đoạn này, những tiến bộ trong sản xuất đồ gốm đã ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Những biến động về mặt kinh tế – chính trị, văn hóa, xã hội ở giai đoạn này, một mặt là thách thức, mặt khác cũng ít nhiều tạo cơ hội cho việc sản xuất gốm phát triển.

Văn hóa Đông Sơn đã đặt nền tảng tri thức, kinh nghiệm trong truyền thống sản xuất gốm của người Việt từ thời Hùng Vương, An Dương Vương cùng với sự ứng xử khôn ngoan trong quan hệ Việt – Hán, đã giúp cho người Việt vừa tiếp thu được các kỹ thuật sản xuất gốm tiên tiến đương thời, vừa bảo tồn được bản sắc văn hóa. Giai đoạn này đã hình thành nên một số trung tâm sản xuất gốm lớn. Các thợ gốm Việt Nam đã tích lũy được khá nhiều kiến thức và công nghệ làm gốm để sử dụng nó trong giai đoạn giành được độc lập tự chủ sau này. Đó là giá trị to lớn mà di sản văn hóa Đông Sơn để lại.

Trần Anh Dũng
TS. Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Nguồn
Tranh minh họa: Tuyệt Duyệt.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đào Duy Anh 1994, Đất nước Việt Nam qua các đời, Thuận Hóa, Huế.
  2. Phan Tiến Ba 1988, “Mộ gạch 10 thế kỷ đầu Công nguyên”, Tạp chí Khảo cổ học, số 1-2, tr. 92-96.
  3. Nguyễn Đình Chiến 1980, “Mộ gạch ở Đa Tốn – Hà Nội”, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1979, Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.191-193.
  4. Hoàng Xuân Chinh và Trần Anh Dũng 2003, Vĩnh Phúc gốm và nghề gốm truyền thống, Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao Vĩnh Phúc.
  5. Trần Anh Dũng và Đặng Kim Ngọc 1985, “Khu lò nung gốm cổ ở Đại Lai (Hà Bắc)”, Tạp chí Khảo cổ học, số 4, 71-80.
  6. Trần Anh Dũng 1986, “Lò gốm thế kỷ 1 đến thế kỷ 10”, Tạp chí Khảo cổ học, số 2, tr. 42-50.
  7. Trần Anh Dũng, Ngô Sĩ Hồng 1986, “Từ lò gạch Đồng Đậu suy nghĩ về lò nung gạch ở Việt Nam 10 thế kỷ sau Công nguyên”, Thông báo khoa học Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, tr.78-83.
  8. Trần Anh Dũng và Nguyễn Mạnh Cường 1987, “Tháp Nhạn ở Nghệ Tĩnh qua 2 lần khai quật”, Tạp chí Khảo cổ học, số 3, Hà Nội, tr. 69-83.
  9. Trần Anh Dũng 2001, “Các khu lò gốm 10 thế kỷ đầu Công nguyên ở Việt Nam”, Những kết quả khai quật và nghiên cứu ở thế kỷ 20. Tư liệu Viện khảo cổ học.
  10. Trần Anh Dũng, Hà Văn Cẩn, Nguyễn Đăng Cường, Đỗ Quang Trọng 2001, Báo cáo khai quật khu lò gốm Tam Thọ (Thanh Hóa), Tư liệu Viện Khảo cổ học.
  11. Trần Anh Dũng và Nguyễn Mạnh Cường, Báo cáo khai quật khu lò gốm ở xã Thanh Lãng (Tam Đảo – Anh Phú). Tư liệu Viện khảo cổ học.
  12. Phạm Như Hồ, Báo cáo khai quật khu mộ cổ Vũng Đông (Đông Thiệu – Thanh Hóa). Tư liệu Viện khảo cổ học.
  13. Phạm Văn Kỉnh 1969, “Về thời kỳ An Dương Vương và thành Cổ Loa”, Tạp chí Khảo cổ học, số 3-4, 128-134.
  14. Phạm Văn Kỉnh 1984, “Thủ công nghiệp thế kỷ 10”, Thế kỷ 10 những vấn đề lịch sử, Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.67-77.
  15. Trần Đình Luyện 1970, Báo cáo khai quật di chỉ Luy Lâu năm 1970. Tư liệu Viện khảo cổ học.
  16. Đỗ Văn Ninh 1970, Khu lò gạch ngói cổ thế kỷ 7 – 10 tại Thuận Thành (Bắc Ninh), Tư liệu Viện Khảo cổ học
  17. Đỗ Văn Ninh, Trịnh Cao Tưởng, Phan Tiến Ba 1972, Báo cáo khai quật khu mộ Hán ở Mạo Khê, Quảng Ninh. Tư liệu Viện khảo cổ học.
  18. Đỗ Văn Ninh 1984, “Qua tư liệu khảo cổ học nghĩ về thế kỷ 10”, Thế kỷ 10 những vấn đề lịch sử, Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.106-120.
  19. Nishimura Masanary, Bùi Minh Trí và Trịnh Hoàng Hiệp 2001, “Kết quả khai quật di chỉ lò gốm Đương Xá, nhận xét về niên đại các đồ gốm”, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2000, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 301-305.
  20. Nishimura Masanary, Báo cáo khai quật Đương Xá. Tư liệu cá nhân.
  21. Olov Jansé 1947, Archaeologycal Research in Indo-China, Volume II, Cambrid.
  22. Olow Jansé 1951, Archaeological research in Indo-China, Cambrige Massachusetts, Havard University Press, tr. 61.
  23. Ngô Thế Phong 2001, Khai quật lò gốm cổ ở Lũng Ngoại (Vĩnh Phúc). Tư liệu Viện Khảo cổ học.
  24. Hà Văn Phùng, Nguyễn Giang Hải 1984, “Trở lại Đại Lai”, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1982, Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 90-91.
  25. Phạm Quốc Quân 1974, Gốm cổ Từ Sơn qua tài liệu điều tra và khai quật khảo cổ học năm 1974. Luận văn tốt nghiệp chuyên ngành khảo cổ học, Tư liệu khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
  26. Trịnh Văn Sinh 1976, “Di chỉ Đại Lai”, Tạp chí Khảo cổ học, số 7, tr. 72.

26.Trịnh Sinh 1976, “Truyền thống gốm thô sau Công nguyên ở hố I, địa điểm Đông Sơn đợt đào I năm 1976”, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1976, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 156 – 159.

  1. Ngô Thị Thanh Thủy, Nguyễn Thị Nhung 2006, “Dấu tích lò gốm thế kỷ 7-8 và một số đồ gốm sứ tại Tp. Hạ Long (Quảng Ninh)”, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2005, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 572-573.
  2. Tống Trung Tín 1987, Vật liệu kiến trúc trong 10 thế kỷ sau Công nguyên, Tạp chí Khảo cổ học, số 4, tr. 45-60.
  3. Tống Trung Tín, Trần Anh Dũng và Lê Thị Liên 1998, Báo cáo thám sát, khai quật khu di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Tư liệu Viện Khảo cổ học.
  4. Tống Trung Tín, Lê Đình Phụng, Báo cáo nghiên cứu khu di tích Luy Lâu (Thuận Thành – Hà Bắc). Tư liệu Viện Khảo cổ học.
  5. Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Đức Giảng 1990, “Di tích lò gốm cổ Sơn Lôi (Tam Đảo, Vĩnh Phúc)”, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1989, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  6. Viện sử học 2001, Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến đầu thế kỷ 10, Nxb. Khoa học xã hội Hà Nội.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.