Lời nói đầu: Ngôn ngữ loài người có khả năng giới hạn, nhiều khi không thể diễn đạt được những lẽ huyền nhiệm trong thế gian. Bởi thế các bậc giáo chủ ngày xưa, khi đắc đạo, thường giữ im lặng không nói năng gì: Đức Phật chỉ mỉm cười. Phong thái của Ngài khi liễu ngộ được biểu trưng bằng bức tượng hài đồng, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, thường với lời chua “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn”. Riêng lời chú thêm này cũng đã khó hiểu đến nỗi một giáo sư Đại học Văn Khoa trước kia, khi mới ở Bỉ về đã hiểu lầm mà phát biểu cả Đức Phật cũng không bỏ được tính tự phụ. Khổng Tử thì luôn mồm nói “Thiên hà ngôn tai! Thiên hà ngôn tai!” và khi buộc lòng phải giảng cho tử đệ, Ngài đã nói thác “thuật nhi bất tác”, ta chỉ nói lại lời người xưa đấy thôi! Người can đảm nhất là Lão Tử, “ông thầy già” của dòng Bách Việt, đã gồng mình để lại cho đời bộ Đạo Đức Kinh. Nhưng viết xong, Ngài bỏ đi vào núi, biệt vô âm tín! Thánh nhân đời nay cũng không khác gì. Nhà bác học Werner Heisenbeg được coi như đại diện cho thuyết vật lý lượng tử cũng đã khẳng định: “Các vấn đề của ngôn ngữ ở đây là thật sự nghiêm trọng. Chúng ta muốn nói về cơ cấu của nguyên tử, nói một cách nào đó. Nhưng chúng ta không thể dùng ngôn ngữ thông thường mà nói về nguyên tử được”. Vậy thì viết về những điều huyền nhiệm của vũ trụ, không là điều ngông cuồng cũng là điều dại dột. Người viết bài này hiểu được điều đó. Nhưng cảm cái ơn tri ngộ của bạn đọc hỏi về bài Tư duy Việt trong Trống Đồng như đã lỡ hứa trong số báo trước, hôm nay tham luận này đành phải ra mắt bạn đọc. Nếu bài viết có điều gì sai lầm, là bởi sự hiểu biết của người viết chưa tới, cũng có thể bởi người viết chưa làm chủ được ngôn từ.
Bản thể của vật chất là gì?
Câu hỏi này đã được đặt ra từ khi loài người biết tư duy, nhưng hình như đến nay vẫn chưa có câu trả lời đồng nhất. Cho dù khoa học trong những năm gần đây, với những bước tiến khổng lồ đã có vẻ tiến gần đến sự thực. Sự liễu ngộ toàn triệt xem ra vẫn còn ở tít xa phía trước. Nói chung thì từ khởi thủy, các hiền giả dù ở Đông hay Tây, cũng có ý niệm giống nhau, và đều cho bản thể của vật chất là tự tính, cái một duy nhất, uyên nguyên của vũ trụ. Khoảng sáu thế kỷ trước Kỷ Nguyên, các hiền giả thuộc truyền thống Milesian ở Ionia đã có chữ Physics với nghĩa là khoa học tìm kiếm tự tính của sự vật (1). Nghĩa này không giống với nghĩa của chữ Physics ngày nay, được coi là môn học căn bản, xương sống của văn minh Tây phương, nghiên cứu về vật chất năng lượng và sự tương quan giữa năng lượng và vật chất (2). Truy nguyên sự khác biệt này có lẽ ta phải tìm đến trường phái Oxford Elatic, phái đầu tiên đã phân tích vật chất với tinh thần, đưa triết học Tây phương đến nhị nguyên, hay Parmenides với chủ trương vật chất bất hoại, không bao giờ thay đổi. Nhưng ảnh hưởng lớn lao nhất cho nền tư tưởng, học thuật Tây phương phải kể đến hai người, mà vì họ, Tây phương đã rẽ sang ngả đường khác với Đông phương: người thứ nhất là nhà bác học nguyên tử Hi Lạp Demokritus và người thứ hai là triết gia lỗi lạc Socrate với câu nói bất hủ “Connais toi, toi même”.
Cho đến thế kỷ thứ 15 giới khoa học Tây phương mới tự giải thoát ra khỏi ảnh hưởng của Aristote, và ảnh hưởng của nhà thờ Thiên Chúa giáo để quan tâm đến thế giới tự nhiên. Người có công trong cuộc khởi xướng phong trào giải thoát này là hai nhà bác học Nicolas Copernicus và Galileo mà chúng ta biết Galileo đã phải trả một giá rất đắt cho sáng kiến của mình là bị đưa lên giàn hỏa thiêu. Nhưng nếu Galileo là cha đẻ của khoa học hiện tại thì Isaac Newton (1749 – 1827) mới là người đặt được nền tảng cho vật lý học cổ điển. Căn bản của tư tưởng Isaac Newton vẫn là vật chất do một hạt tạo thành gọi là nguyên tử như Demokritus. Nhưng điểm khác biệt mà Newton đã cống hiến cho khoa học là ở chỗ ông đã cho một lực tác động giữa những hạt với nhau, lực này chỉ tùy thuộc vào khối lượng và khoảng cách của vật chất. Lực tạo ra sức hút lẫn nhau gọi là lực trọng trường. Trong mục đích tạo tác dụng của lực này trên hạt (khối lượng), để có tính thuyết phục, Newton đã phát minh ra một hình thức toán học chính xác, hoàn toàn mới về kỹ thuật toán học, gọi là phép tính vi phân, điều mà sau này Einstein đã phải khen là “một bước tiến mới nhất trong tư duy mà một cá nhân đã làm được từ xưa đến nay” (3). Phát minh của Newton lại nhận được sự hỗ trợ đắc lực của nhà thiên văn và toán học Pháp, La Place (1719 – 1827). La Place đã viết ra một quyển sách vĩ đại xiển dương quan niệm lực trọng trường của Newton và đã đem lại cho lý thuyết này một uy tín lớn thống trị toàn bộ tư duy của Tây phương suốt hơn ba thế kỷ từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Nó xây dựng nên một thế giới quan có tính cơ giới cho rằng vũ trụ này chẳng khác gì một bộ máy có sự chỉ huy. Nhược điểm quan trọng nhất của thuyết này là không ai giải thích được bộ máy đó ra sao, nó từ đâu ra nên họ đã đổ cho đó là do Chúa tạo thành (4). Đến đây ta không thể không nói đến tư tưởng của hai học giả vĩ đại đã cùng với Newton tạo ra toàn bộ tư tưởng khống chế tư duy Tây phương từ thế kỷ thứ 17 đến nay. Người thứ nhất là Descartes, nhà triết học Pháp với câu nói nổi danh: “Je pense donc je suis” (Tôi nghĩ nghĩa là tôi hiện có). Một quan niệm rất cực đoan về nhị nguyên giữa tâm và vật. Người thứ hai là Francois Bacon cũng ở thứ kỷ thứ 17. Ông này người Anh, vốn là Tổng Công tố viên của Vua James, chắc cũng vì méo mó nghề nghiệp nên chủ trương nhà khoa học phải tra khảo cho ra những bí ẩn của thiên nhiên. Quan niệm của ông là quan niệm chế ngự và điều khiển thiên nhiên để khai thác thiên nhiên phụng sự cho quyền lợi, ước vọng của con người. Khác với Đông phương trước đây, các nước Tây phương đã triệt để áp dụng lời khuyên này. Hậu quả như đã thấy, quả có làm các nước Tây phương giàu mạnh lên, nhưng đồng thời cũng đưa đến sự mất thăng bằng môi sinh mà nếu không khéo điều chỉnh thì nhân loại chưa biết sẽ đi về đâu.
Có cần nói thêm rằng hai ngả đường ấy, ngả Tây phương hơn bốn thế kỷ qua đã đạt được những thành quả chói lọi, đưa đất nước họ đến chỗ hùng cường làm bá chủ thiên hạ, khiến cho đến tận ngày nay,khi văn minh Tây phương đang đi đến bờ vực thẳm, hãy còn làm cho các kẻ Tây học tại Đông phương mịt mờ muốn chạy theo bắt chước bằng bất cứ giá nào. Ngả kia, ngả Đông phương, đã được chính những nhà bác học tư tưởng hàng đầu Tây phương khen là đi đúng đường, vậy mà thực tế cho thấy kết quả thực thảm hại: đất nước suy bại, nhân tâm bạc nhược, cuộc sống khổ ải đã khiến không ít người thuộc văn minh Đông phương chỉ mong sao kiếm được đường sang ở nhờ ở đậu các nước thuộc văn minh Tây phương. Tình trạng chéo cẳng ngỗng này tưởng phải tìm cho được nguyên nhân, bởi chính đó cũng là cái chìa khóa có thể mở được cánh cửa đã đưa đến sự bế tắc của nhân loại hôm nay.
Hậu quả của quan niệm nhị nguyên này là gì, tưởng không có câu nói nào rõ hơn phát biểu của nhà khoa học kiêm huyền học Fritjof Capra: “Sự phân chia kiểu Descartes và thế giới quan cơ giới vừa có ích lại vừa tai hại. Nó hết sức thành công trong việc phát triển nền vật lý cổ điển, thành công về phương diện kỹ thuật nhưng cũng đem lại rất nhiều hậu quả tai hại cho nền văn minh của nhân loại” (5). Nếu phải phân tích rõ hơn ta có thể nói là chính nhờ những tư tưởng của Descartes, của Bacon, những phát minh của Newton mà nền khoa học Tây phương từ thế kỷ thứ 17 đã vượt trội hơn mọi nền học thuật khác của thế giới và đã đưa các nước Tây phương đến sự cường thịnh làm bá chủ hoàn cầu, buộc dân tộc các nước ở các nơi khác trên thế giới phải làm nô lệ cho họ. Nhưng mặt xấu của sự phát minh này là đã khiến cho mỗi cá nhân tưởng mình là một cá thể cô lập, rồi cá thể đó lại chia ra nhiều ngăn hộc tùy theo khả năng, tùy từng ngành hoạt động, từng niềm cảm xúc khác nhau. Do đó đã phát sinh ra vô vàn những mâu thuẫn tròng tréo, triền miên đưa nội tâm con người đến những xao xuyến, những phân hóa, những chán nản có thể đi đến những hỗn loạn tâm thần và xã hội tập hợp bởi những cá nhân như vậy sẽ là một xã hội phân hóa: quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, chính trị … cấu xé lẫn nhau và là nguyên nhân của mọi khủng hoảng trong xã hội hiện nay. Hậu quả này cho đến đầu thiên niên kỷ thứ ba đã thấy rõ và dù choáng ngợp trước sự tiến bộ do khoa học đem lại, những tiện nghi vật chất mà xưa kia chỉ nằm mơ cũng không thấy, con người đồng thời lại đứng trước những hiểm nguy có thể đưa đến sự tiêu diệt cả loài người. Hiểm nguy này, trong những ngày gần đây, trước các cuộc khủng bố liên miên, và viễn cảnh khó có thể tránh của cuộc chiến, giữa khối văn minh Tây phương, với phe Hồi giáo, đã thực sự đưa nhân loại đến gần bờ vực thẳm. Trước hiểm họa đó con người phải tìm ra một lối thoát. Đó cũng là vấn đề mà văn hóa trống đồng của tổ tiên người Việt có thể đóng góp một phần, trong việc tìm ra câu trả lời.
TƯƠNG QUAN TƯ TƯỞNG VIỆT QUA TRỐNG ĐỒNG VỚI KHOA VẬT LÝ HIỆN ĐẠI
Gần đây người ta đã tìm được hàng ngàn chiếc trống đồng ở khắp mọi nơi thuộc vùng Đông Nam Á, từ đất liền ra đến các hải đảo, như ở Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Thái Lan qua Nam Dương quần đảo ra đến các hải đảo Thái Bình Dương. Những trống đẹp nhất và lớn nhất tìm được là ở Việt Nam, mà những cái nổi tiếng nhất hiện có là trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ, hiện trưng bày ở Bảo tàng viện Hà Nội, trống Sông Đà hiện có ở Bảo tàng viện Guimet (Pháp). Theo giới khảo cổ, trống đồng được làm ra vào thời các Vua Hùng đang dựng nước Văn Lang. Dù vẫn còn có tranh luận, nhưng di vật này đến nay được coi là của tổ tiên người Việt (6). Trong thời nhân loại chưa có chữ viết, trống đồng phải được coi là một trong những di vật khảo cổ mang nhiều tín hiệu nhất mà tiền nhân muốn gửi lại cho đời sau. Bởi dự xuất hiện của trống đồng có trước các tư tưởng lớn ở Đông phương như Phật, Lão, Nho trên dưới mươi thế kỷ nên tư duy ẩn tàng nơi trống đồng chắc đã có trước các tư tưởng lớn ở Đông phương khá lâu. Cũng đã có nhiều công trình giải mã ý nghĩa hoa văn trên trống đồng. Nhưng cho đến nay ý nghĩa này vẫn còn là một bí mật mời gọi sự khai thác.
Tham luận này có mục đích góp phần vào việc giải mã hoa văn trên trống đồng và sẽ bàn về:
- Tương quan giữa tư tưởng trong trồng đồng với khoa Tân vật lý hiện đại.
- Tư tưởng trống đồng , Tân vật lý và Dịch học, nguồn gốc của các đạo học Đông phương.
Cuộc cách mạng Tân vật lý, khởi từ đầu thê kỷ 20, đến nay xem ra vẫn chưa đến giai đoạn chót. Tuy nhiên đã đủ cho người ta thấy nền triết học, tư tưởng Tây phương đã sai lầm, do đó đã thất bại trong cuộc mưu cầu chân hạnh phúc cho loài người.
Dưới đây, xin tuần tự tóm lược nội dung các cuộc cách mạng này, đồng thời đối chiếu nó với ý nghĩa căn cứ vào sự giải mã các hoa văn trên trống đồng để thử tìm sự tương quan giữa khoa học ngày nay với tư duy của tổ tiên người Việt.
I – CUỘC CÁCH MẠNG TÂN VẬT LÝ THỨ NHẤT:
Thuyết tương đối liên quan đến bản thể của không gian và thời gian
Năm 1905, khi văn minh cơ học Tây phương được coi là đã đạt mẫu mực hoàn chỉnh nhất (7) thì cũng là lúc nhà bác học thiên tài Albert Einstein (1879 – 1955) công bố phát minh của ông thường được gọi là “Thuyết tương đối đặc biệt”, liên quan đến bản thể của không gian và thời gian. Vũ trụ quan của Tây phương từ hơn ba trăm năm đến nay, xây dựng trên mô hình cơ học của Newton cho rằng vật chất được tạo bởi những nguyên tử có hình dáng dắn chắc và khối lượng cố định được vận chuyển trong không gian và thời gian. Không gian đây được quan niệm là luôn luôn tĩnh tại không
thay đổi và có tính tuyệt đối tức không gian ba chiều của hình học cổ điển Euclide. Mọi sự biến đổi là do thời gian mà ra. Nhưng thời gian cũng tuyệt đối, cũng không liên hệ gì đến thế giới vật chất, nó cứ trôi chẩy từ quá khứ đến hiện tại rồi đi tới tương lai một cách êm thắm. Vật chất biến đổi nhưng luôn luôn được bảo toàn, vì như trên đã nói, nó tạo thành bởi những hạt cứng (mass-point), khối lượng và hình dạng vững chắc chứ không thay đổi.
Từ hai định đề vận tốc ánh sáng là vận tốc tuyệt đối và không thể xác định được chuyển động tịnh tiến tuyệt đối, Einstein đã rút ra được qui tắc về phép đổi qui chiếu mới gọi là “phép đặc biến Lorentz” và chứng minh được:
Thứ nhất: thời gian và không gian không phải là những thực thể tuyệt đối như cơ học cổ điển Newton vẫn quan niệm mà là thực thể tương đối, tùy theo vị trí của quan sát viên, và bao giờ chúng cũng kết hợp với nhau thành một thể không-thời gian thống nhất.
Thứ hai: khối lượng gia tăng với tốc độ, vì vậy cũng không là thực thể tuyệt đối như Newton quan niệm. Hơn thế nữa, khối lượng và năng lượng không phải là hai thực thể hoàn toàn khác như cơ học cổ điển chủ trương mà nó chỉ là hai dạng khác nhau của cùng một thực thể. Điều này bắt đầu bước vào cuộc cách mạng Tân vật lý thứ hai sẽ được nói rõ hơn ở phần sau. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh rằng với thuyết tương đối này, Einstein đã phá vỡ ba quan niệm nền tảng của cơ học cổ điển Newton là không gian tuyệt đối, thời gian tuyệt đối và khối lượng tuyệt đối. Công thức nổi tiếng của Einstein: E = mc2 trong đó E là năng lượng , m là khối lượng của vật chất và c là vận tốc ánh sáng đã được coi là phát minh lớn nhất của thế kỷ 20. Sự thực này hiển nhiên còn hơn 2 cộng 2 là 4. Vậy mà đối với nhiều người phương Tây, kể cả giới trí thức, đến nay vẫn còn chưa sống quen với thực tại này. Đối với người Đông phương, đặc biệt người Việt Nam thì khác. Họ không xa lạ, trái lại vẫn sống với quan niệm không gian, thời gian, khối lượng tương đối, dường như từ thuở ban sơ, không hề thắc mắc.
Từ lúc còn nằm nôi, chúng ta đã nghe mẹ ru:
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?
hay:
Ngồi buồn mang túi đựng trời
Đan sề sảy đá, giết voi xem giò
Ngồi buồn đem thước đi đo,
Đo từ núi Sở, núi So, chùa Thầy,
Lên trời đo gió, đo mây,
Xuống sông đo nước, về đây đo người
hay:
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu giải yếm cho chàng sang chơi
Tư tưởng này còn được truyền thừa đến các tác giả bác học, mà sau này trong văn học Việt Nam chúng ta thấy không thiếu những câu như:
Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê
(Tản Đà)
Khi chưa đến tuổi vào học trường làng, vui biết mấy những đêm ngồi quây quần bên bà nghe chuyện Lưu Thần vào rừng hái thuốc, may gặp tiên, kết làm chồng vợ. Sống với tiên sung sướng như vậy, nhưng vẫn không quên quê cũ nên vài năm đòi về. Khi về đến nơi thì không còn gặp cảnh cũ người xưa. Ngay ông cụ già nhất làng cũng không nhận biết mình là ai, chỉ mang máng nghe kể đã xưa lắm, có hai người tên Lưu Thần, Nguyễn Triệu vào núi rồi không thấy về. Hóa ra vài năm trên tiên cảnh đã bằng cả vài trăm năm nơi trần thế.
Quan niệm thời-không gian tương đối chắc phải thấm đậm trong đời sống hàng ngày như hơi thở của người xưa, hiển nhiên đến độ người Việt Cổ phản ánh tư duy đó, không chỉ trên văn chương như vừa trình bầy, mà còn trên văn bản, ở đây là hình họa – vì thời đó chữ viết chưa thông dụng – ở khắp mọi nơi. Riêng trên trống đồng, xin đơn cử vài thí dụ, như các hình ở dưới đây:
Hãy quan sát hình các con chim đậu trên nóc nhà, đủ kiểu, đủ dáng, lúc một con, lúc hai con, mà đặc điểm là rất lớn, so với người ở trong nhà. Trong hội họa, vẽ như vậy là theo định luật bất tương xứng. Vẽ chim lớn như thế nói lên ý gì? Không thể nói các nghệ nhân đây đã không thông hiểu luật viễn cận bởi ai cũng phải khen ngợi những họa hình trên trống đồng có một nghệ thuật rất cao, nghệ thuật bậc thầy. Vả lại, nếu có vô ý mà vẽ lầm, không lẽ sự lầm này cứ lập đi lập lại y nguyên như một định luật như vậy: hình nào chim cũng lớn dù ở tư thế quay đầu hay quay đuôi lại nhau. Chỉ có thể có một giải thích: các cụ đã muốn qua hình học ký gửi tư tưởng thời-không tương đối, khối lượng tương đối mà đến nay Tây phương, qua nhà bác học thiên tài Einstein chỉ cho mới thấy được. Còn nhiều hoa văn khác cũng không thể giải thích cách nào khác có tính thuyết phục hơn định luật tương đối của Einstein. Thí dụ như hình thuyền trên tang các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ. Hình cô lái mà không có chèo thì làm sao đi? Có học giả giải thích đây là thuyền huyền bí, biểu tượng cho nghi lễ đưa hồn người chết về “bên kia” trong những buổi tang lễ “Fête des Morts” (8).
Rồi lại những thuyền không chèo, nhưng có đàn chim bay trên đầu những người đang mặc lễ phục như lông chim và hình như đang vũ trên thuyền. Có người giải thích đây là chim biển hướng dẫn đoàn thuyền thay cho hải bàn ngày nay. Cũng có người giải thích chim đây biểu trưng cho linh hồn trẻ thơ (9) sắp đầu thai vào mấy người nữ đang múa. Xin nói ngay đây là ý kiến của một nhà bác học lừng danh chứ không phải là một ông thầy mù vô danh nào đó đoán mò. Người ta giải thích như vậy hoặc vì chưa biết đến thuyết tương đối hoặc não bộ phương Tây chưa dễ chấp nhận lý thuyết này. Đối với người bình dân Việt thì chẳng cần phải giải thích. Họ sống với quan niệm như vậy, quan niệm mà ngày nay được hiểu là thời gian và không gian là tương đối và mang tên khoa học của người phát minh ra nó




“Thuyết tương đối đặc biệt của Einstein”. Chúng ta hãy tiếp tục theo gót Einstein, cũng là theo lời chỉ dẫn của tổ tiên ta để tìm hiểu về:
II – CUỘC CÁCH MẠNG TÂN VẬT LÝ THỨ HAI:
Thuyết lượng tử liên quan đến bản thể của vật chất và của vũ trụ
Chúng ta biết cơ học Newton xây dựng trên định luật vạn vật hấp dẫn. Cái trọng lực hấp dẫn lẫn nhau đó ông gọi là lực trọng trường. Với mục đích đem lại sức thuyết phục cho định luật này, ông đã phải phát minh ra một hình thức toán học mới, chính xác, gọi là phép tính vi phân, như trên đã nói, rất được Einstein tán thưởng (10). Tuy có uy tín rất lớn về mặt tư tưởng và đã chế ngự nền khoa học Tây phương trên ba thế kỷ, cơ học Newton dần dà lộ ra nhiều nhược điểm vì bỏ qua nhiều điều không giải thích được, không hợp lý. Thí dụ về lực hút giữa các hành tinh. Những điều không giải thích được ông đổ cho tại trời (11)! Nhiều nhà bác học thế kỷ thứ 20 đã không tin như vậy. Vả lại chính Einstein là người đầu tiên đã vạch ra được sai lầm này. Phát minh mới này của Einstein đã mở đầu cho một cuộc cách mạng vật lý mới, cách mạng tân vật lý thứ hai (1915) mà khoảng 20 năm sau, thuyết này mới được bổ xung hoàn chỉnh khi có cả một tập đoàn các nhà bác học xuất sắc nhất của thế kỷ 20 tham gia cuộc nghiên cứu. Cuộc cách mạng tân vật lý thứ hai này được mang tên là cuộc cách mạng cơ học lượng tử đang đưa nhân loại vào khúc quanh mới của lịch sử loài người. Nhóm vật lý gia quốc tế này trước hết phải kể đến người Đan Mạch Niels Bohr (1885 – 1926), người Pháp Louis Broglie, người Áo Erwin Schrodinger và Wolfgang Pauli, người Anh Paul Dirac và người Đức Werner Heisenberg (12).
Trong việc khám phá ra lý thuyết lượng tử, người ta đã phải qua nhiều giai đoạn có sự góp công của nhiều người. Hãy bắt đầu từ thuyết nguyên tử cổ điển khi người ta còn hiểu nguyên tử chỉ là đơn vị vật lý nhỏ nhất. Nhưng với sự phát minh ra quang tuyến rồi sự khảo sát phóng xạ do nguyên tử phát ra, người ta đi đến kết luận nguyên tử không những phải do nhiều thành phần cấu tạo nên mà trong nội bộ nguyên tử phải có nhiều chất chuyển hóa lẫn nhau.
Max Von Laue (1879 – 1960) nghiên cứu nguyên tử ở dạng tinh thể mở đường cho Ernest Rutherford (1871 – 1937) chứng minh được nguyên tử không phải là một vật cứng chắc mà là một không gian rộng rãi trong đó có những hạt cực nhỏ gọi là electron quay quanh một nhân và được nối với hạt nhân bằng điện lực. Hãy tưởng tượng có một quả cam to bằng quả đất, nguyên tử của quả cam to bằng trái đất ấy chỉ lớn bằng quả dâu. Nguyên tử đã nhỏ như vậy, nhưng so với hạt có trong nó thì nó lại vĩ đại vô cùng: nếu có một nguyên tử to cỡ nhà thờ Peter tại Roma thì hạt nhân trong nó chỉ to bằng hạt cát! Vả chính hạt, bản thân của nó cũng không phải là vật thể có khối lượng, cứng và chắc theo nghĩa của vật lý cổ điển. Khám phá này cho thấy thuyết nguyên tử không chia cắt được (atomas có nghĩa là không chia cắt được) là không còn đúng nữa. Hạt có trong nguyên tử cũng không phải là vật chất cơ bản vì tùy theo cách chúng ta nhìn và lúc chúng ta nhìn, có khi nó xuất hiện như hạt, có khi nó lại xuất hiện như sóng điện từ.
Một hạt Một sóng
Người ta gọi nó là một cấu trúc hai mặt.
(Xin nhấn mạnh vào thuộc tính hai mặt này vì nó là đặc trưng của tư tưởng Việt sẽ nói đến sau khi so sánh với vật lý hạ nguyên tử và tư tưởng Đạo học Đông phương). Hạt là một vật rất nhỏ, nhỏ li ti. Sóng là một cái gì có thể trải rộng. Một cái gì vừa rất nhỏ cùng lúc lại vừa trải rộng thì thực khó chấp nhận dưới nhãn quan cổ điển! Điểm tưởng rành rành là mâu thuẫn này dưới con mắt của thế giới quan cổ điển, đã được Einstein giải thích một cách hết sức thuyết phục khi ông phối hợp thuyết tương đối đặc biệt của ông – cho ánh sáng là những hạt nhỏ (photon = quang tử), phi khối lượng và luôn luôn di chuyển với tốc độ ánh sáng – công bố từ 1905 với thuyết của nhà bác học Max Flanck (1858 – 1947), khi chủ trương năng lượng phát ra không liên tục mà trong dạng từng bó năng lượng. Einstein đặt tên những bó này là lượng tử (quantum). Đến đây, có thể tạm kết luận là: một khi đã công nhận, như Einstein trong thuyết tương đối đặc biệt, khối lượng là một dạng của năng lượng, tức người ta đã loại bỏ khái niệm vật chất (materiel substance) ra khỏi khoa học, và với sự loại bỏ này, không còn một cấu trúc nào gọi là cơ bản nữa. Cái cho đến nay có thể coi là căn bản nhất là hạt thì nó mang lưỡng tính, lúc là hạt (vững chắc), lúc là ba động (sóng điện từ) mà đặc tính là luôn luôn di động. Hạt như vậy được đề xuất như một tiến trình chứ không phải một vật thể. Quan sát chúng, ta không thấy cấu trúc cơ bản nào mà chỉ thấy sự biến hóa liên tục từ cái này qua cái khác. Vật lý lượng tử gọi nó là một vũ điệu liên tục của năng lượng.
Khi viết về điểm này, F. Capra một mặt đưa ra nhận xét phép tư duy theo vật lý cổ điển đã bắt rễ quá sâu, làm cho dân chúng Tây phương kể cả nhiều nhà vật lý khó chấp nhận thuyết lượng tử và đến nay nhiều người vẫn tìm cách hiểu vật chất qua khái niệm của những hạt cơ bản; mặt khác, ông so sánh vũ điệu năng lượng với vũ điệu Shiva trong Ấn Độ giáo để chứng minh rằng quan niệm của Đạo học Đông phương rất gần với thuyết lượng tử của vật lý hiện tại. Chỉ tiếc ông chưa có dịp quan sát trống đồng của Việt Nam. Ở đấy vũ điệu không phải chỉ có một vũ công mà do cả đoàn vũ công nhẩy múa trong một nhịp điệu tuyệt vời. Hãy quan sát những mặt trống đồng lớn và đẹp nhất như trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ … những hoa văn đập ngay vào mắt chúng ta nhất chính là những điệu vũ.
Những điệu vũ không phải chỉ một vũ công như Shiva mà là một đoàn vũ công nhẩy múa nhịp nhàng, phong hái siêu thoát lộ ra vẻ hoan lạc vô cùng. Phải chăng cũng đúng như vật lý hiện đại đã khám phá ra, mỗi vũ công trong điệu vũ này như một hạt hạ nguyên tử không những có sự nhẩy múa năng lượng mà còn là một sự nhẩy múa. Bản thân nó là tiến trình đầy sức sống của sự sinh thành. Và toàn bộ đoàn vũ công cứ thế như toàn bộ vũ trụ mãi mãi lao vào trong vòng hoạt động và vận hành vô tận trong điệu múa vĩ mô của năng lượng.
Đến đây một câu hỏi không thể không đặt ra là: các hạt vận hành liên tục với một tốc cao trong một không gian hẹp như vậy mà sao không va chạm lẫn nhau. Về khoa học, câu trả lời sẽ phức tạp vô cùng. Nhưng để đơn giản đến cùng cực, có thể gói ghém vào hai chữ: đối xứng. Đây là điều chúng ta sẽ phân tích kỹ ở bước ba sau đây.
III – SỰ BẾ TẮC CỦA KHOA TÂN VẬT LÝ HIỆN TẠI: Thuyết âm dương và sự cần thiết của một học thuyết mới để giải thích tự tính sự vật
Thế giới nguyên tử, như trên cho thấy, đã được giải thích bằng thuyết lượng tử. Nhưng vật lý học hiện tại chưa có được một lý thuyết tương tự để giải thích thế giới hạt nhân cho dù người ta đã biết khá rõ về cơ cấu hạt nhân và sự tương tác giữa các thành phần của chúng. Khởi thủy người ta chỉ biết được trong nguyên tử có ba hạt cơ bản là neutron, proton và electron. Đến năm 1935 con số này đã lên đến 6 hạt, 1955 là 18 hạt và đến nay đã biết được hơn 200 hạt (13). Theo năm tháng, hạt càng ngày càng được phát hiện thêm. Đây là dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ hạt không thể coi là cơ bản của vật chất được. Thực vậy, người ta vẫn chưa biết được một cách triệt để tự tính của hạt và các dạng phức tạp của lực trong hạt. Muốn giải thích được cái khúc mắc này, người ta cần có một lý thuyết bao gồm cả hai đặc tính của thuyết lượng tử và thuyết tương đối. Đó là mục đích tối hậu của khoa tân vật lý ngày nay. Tuy nhiên người ta đã biết được những đầu mối để đi đến lý thuyết này. Có điều xin nói ngay, đây chỉ là những bước đi dò dẫm dựa trên một lý thuyết chưa được kiểm nghiệm, chưa phải là lý thuyết khoa học đã được chứng minh và công nhận.
Bước thứ nhất phải kể đến công trình khai phá của nhà bác học người Anh Dirac. Con đường từ Einstein đến Dirac quả đã phải nhờ một phát kiến thần kỳ, mà đối với người Tây phương, phải cho là vượt sự lý giải thông thường. Muốn hiểu được hiệu quả (affect) thần kỳ này, tưởng cần phải ôn lại quan niệm vật chất từ cơ học Newton khi cho vật chất tạo bởi những nguyên tử, không thể phân chia, dắn chắc, có hình dáng nhất định và thường được gán cho Chúa tạo ra (14). Từ Einstein, người ta hiểu tuy vật chất vẫn tạm mang hình dáng một khối lượng nào đó, nhưng khối lượng chỉ là một dạng của năng lượng, mà năng lượng cho ta ý niệm một đại lượng có tính năng động, một tiến trình. Nói cách khác, vật chất chỉ là một quá trình của năng lượng mang tạm hình khối trong lúc được quan sát. Từ quan niệm này, Dirac đã xây dựng nên một phương trình tương đối lý giải được sâu xa cơ cấu của nguyên tử, bằng cách tiên đoán mỗi electron đều có sự hiện hữu của anti-electron. Hạt này có khối lượng y hệt electron nhưng mang điện tính ngược dấu, họp với hạt electron gốc thành một cặp lưỡng tính đối xứng với nhau; được gọi là vật chất và đối vật chất (antimaterie). Nếu có năng lượng đầy đủ thì từng cặp hạt – đối hạt này sẽ được tạo thành. Và lạ một điều là mỗi khi một cặp hạt và đối hạt như vậy được tạo thành, thì có một cặp bị hủy diệt để giải phóng một năng lượng trong tiến trình ngược lại. Sự tạo thành và hủy diệt các cặp hạt – đối hạt do Dirac giả thiết như vậy, hai năm sau đã được các quan sát chứng minh là có thực. Đến đây người ta đã có thể trả lời câu hỏi gần như không thể có câu trả lời là: liệu người ta có thể chia chẻ vật chất mãi được không? Câu trả lời bây giờ là: Được, nhưng mỗi khi vật chất (ở đây là một cặp hạt – đối hạt) bị hủy diệt cũng là lúc nó lại tái sinh. Cũng có thể nói nó vừa hủy diệt lại vừa không hủy diệt. Và câu trả lời khoa học này cũng là câu lý giải cho tư tưởng Bát Nhã thâm sâu “sắc tức thị không, không tức thị sắc” trước đây ta chỉ có thể linh cảm mà không thể lý giải được. Cũng từ đây, khoa học có thể tuyên bố: khi quan sát vật chất, ta không thấy một chất liệu hay cơ cấu căn bản nào, chỉ thấy sự biến hóa liên tục từ cái này sang cái khác qua một vũ điệu liên tục của năng lượng. Khái niệm hạt cơ bản hay vật chất (material substance) đã bị loại ra khỏi khoa học. Vật chất đã chết!
Tuy vạn vật vẫn có hình khối, nhưng là do một cặp hạt lưỡng tính tạo ra! Quan niệm như vậy, Tây phương đã tiến thực gần đến Đông phương, và cặp hạt lưỡng tính này phải chăng là quan niệm Âm-Dương, quan niệm xây dựng nên tư tưởng Dịch học, căn bản của Đạo học Đông phương? Tiêu biểu cặp hạt lưỡng tính (Tây phương) hay cặp âm dương (Đông phương) này chính là những hình học đối xứng mà chúng ta thấy – như sẽ được trình bầy ở sau – hình như xuất hiện sớm nhất, rõ nhất, tiêu biểu nhất là ở trên trống đồng của nòi Việt.
Bước thứ hai mà nhà vật lý hạt nhân phải đối phó là tìm giải đáp cho câu hỏi vậy cái cặp hạt – đối hạt, vừa tự sinh lại cùng lúc tự hủy diệt, vừa có lại không có đó thực sự nó là cái gì? Einstein từ lâu (1905) đã có câu trả lời gián tiếp cho câu hỏi này khi chủ trương rằng vật chất chẳng qua chỉ là khu vực của không gian, nơi đó trường dầy khít lại với nhau hơn các nơi khác. Hạt không mang đặc tính riêng biệt nào mà hòa vào trường. Chỉ có trường là thực tại duy nhất (15). Nói như vậy kể cũng đã rõ nhưng chưa trả lời thẳng vào câu hỏi hầu giúp người ta tìm được một định luật về hạt nhân như ông và các nhà bác học lượng tử khác đã tìm ra được định luật cho nguyên tử. Khởi từ ý niệm này, Walter Thirring đã đưa ra nhận định: tân vật lý đã hướng sự suy nghĩ của chúng ta về tự tính của vật chất theo một hướng khác. Người ta không chú ý về các vật biểu kiến là hạt, mà chú ý đến cái ẩn đằng sau nó là trường. Hơn nữa, còn cho hạt là một sự “ô nhiễm”. Điều cần làm không phải là tìm qui luật qua sự cấu trúc của hạt mà phải tìm qua trật tự và đối xứng của trường (16). Một lần nữa, ta lại thấy các nhà vật lý hạ nguyên tử càng ngày càng xích lại gần các nhà Đạo học Đông phương hơn. Ở Nho, cái mà tân vật lý gọi là trường lượng tử, các hiền giả trong Nho giáo gọi là khí. Hãy nghe Trương Tái luận về chữ khí: “Khi khí ngưng tụ thì nó thấy được, khi đó nó có dạng hình (tùy vật khác nhau). Khi khí phân tán, ta không thấy nó và nó không còn hình dạng. Trong thời gian nó ngưng tụ, ta có thể phát biểu gì khác hơn rằng đó chỉ là tạm thời? Trong thời gian nó phát tán, liệu ta có thể kết luận vội vàng rằng nó không hiện hữu?” (17).
Lời bàn của Trương Tái về khí mường tượng như lời mà hơn 600 năm sau Einstein nói về trường lượng tử. Nhưng so sánh với thuyết của các nhà vật lý hạ nguyên tử thì thuyết khí của nhà Nho không rõ và sinh động bằng thuyết sắc không của nhà Phật. Các hạt nhân trong thế giới hạ nguyên tử không tĩnh lặng và bền vững mà luôn luôn biến dịch, sinh thành hoại diệt trong một trò nhẩy múa không ngừng nghỉ của vận hành năng lượng. Chúng chẳng khác gì cái thế giới lang thang luân hồi gồm liên tục những sống và chết nối tiếp nhau như trong cõi ta bà của Phật giáo. Nếu nhà vật lý hạ nguyên tử, như trên đã nói, đề nghị không nên để ý vào cái biểu kiến là vật chất, là hạt, vì nó chỉ là hình dạng thoáng qua của một sự thực miên viễn là trường mà phải hướng sự nghiên cứu về trường, thì nhà Phật học cũng khuyên không nên tham, sân, si vào cõi đời hiện tại, vì đó chỉ là trò ảo hóa, mà phải chú ý vào việc tu tập mới có thể tìm về cái Đại Ngã (18). Điểm khác nhau ở chỗ khoa học ngày nay đã hiểu ra nhưng chưa tìm thấy con đường phải đến, còn Phật giáo đã thấy, đã có đường. Và điểm khác nhau nữa là một khi khoa học đã thấy, sớm muộn họ cũng định luật hóa, công thức hóa để áp dụng, trong khi Phật giáo chỉ đưa ra một biện pháp tự tu, tự chứng. Kết quả đạt được dù nhiều, dù ít là kết quả của người có công tu tập chứ không là kết quả áp dụng chung cho mọi người. Ưu và khuyết điểm của hai lối học này ở chỗ nào? Nó có bổ khuyết cho nhau được không? Đó là vấn đề cần tìm hiểu.
Bước thứ ba là một khó khăn khác khiến nền Tân Vật lý chưa thể tìm ra một định luật cho thế giới hạt, như thuyết lượng tử cho thế giới nguyên tử, đó là biết được tính đối xứng của các hạt, nhưng chưa lý giải được cấu trúc của hạt hình thành như thế nào. Như thí nghiệm của Dirac ở trên đã nói, khi hai hạt (đúng ra là hai cặp hạt mang điện tính khác nhau, cứ tạm gọi là cặp hạt âm dương) va chạm nhau dưới năng lượng cao, nó cũng vỡ ra thành từng mảnh, nhưng không như ở nguyên tử, nó không hề bị nhỏ đi (!), bởi nó được sinh ra từ năng lượng không phải từ hạt vừa bị phá vỡ. Nói một cách khác, nó vừa bị hủy diệt lại vừa không bị hủy diệt, vì vừa bị phá vỡ lại sinh thành y như trước. Mọi sự xẩy ra chớp nhoáng, và đời sống các hạt như vậy rất ngắn ngủi, ít hơn cả một phần triệu giây. Vì vậy, không thể quan niệm hạt, như trong vật lý cổ điển, là vật chất, một cơ cấu độc lập, mà phải hiểu đó chỉ là một thành phần trong một thể thống nhất theo nghĩa động: đó là tiến trình và sự tương tác. Thế giới của hạt là thế giới của nhịp điệu vận hành và biến dịch liên tục. Ta không thể đi sâu hơn vào chuyên môn của vấn đề mà chỉ xin ghi nhận nhận xét của nhà vật lý hạ nguyên tử là: sự vận hành của thế giới hạt không tùy tiện và hỗn loạn mà luôn luôn giữ một dạng nhất định. Dạng đó được gọi là cấu trúc đối xứng Quark mang nhiều dạng: đối xứng trục, nhiều trục hay đối xứng quay như các hình dưới đây:

Tính đối xứng trong tính chất, theo ngôn ngữ của nhà vật lý hạ nguyên tử, cũng đồng một nghĩa với qui luật bảo toàn khi có sự tương tác giữa các hạt. Bảo toàn đây là bảo toàn cái đại lượng bất biến do hạt phát ra trong suốt tiến trình sinh thành, hủy diệt. Sự liên hệ giữa đối xứng và bảo toàn được xem là hết sức hữu ích trong việc diễn đạt tính qui luật trong thế giới hạt (19).
Tuy nhiên ý kiến trên cũng chỉ mang tính chất một công án mới nhằm mục đích mời gọi sự nghiên cứu tìm về qui luật cơ bản của thiên nhiên. Nửa thế kỷ với nhiều cố gắng đã trôi qua, nhưng câu trả lời thiên nhiên (vật chất? cái một? trời?) là gì vẫn còn ở phía trước. Có điều nhà bác học F. Capra đã hơi vội vã khi kết luận về chương đối xứng rằng “phép đối xứng xem ra không đóng một vai trò quan trọng gì trong triết lý Đông phương … nó không có tầm quan trọng cơ bản” (20), “ … phép đối xứng cơ bản trong thế giới hạt là một phần gia tài để lại của người Hy Lạp”. Tôi nghĩ rằng nếu bỏ thêm thì giờ nghiên cứu về triết lý Việt Nam thì có lẽ ông đã có một kết luận khác. Người Việt từ cổ thời đã sống với triết lý lưỡng tính mà ngay thần tổ dựng nước Âu Cơ – Lạc Long cũng là một thần tổ kép mang tính đối xứng như một cặp hạt âm dương mà khoa vật lý hạ nguyên tử mới khám phá ra. Và trên trống đồng Đông Sơn, những thí dụ về đối xứng có vô số, phải chăng có thể biểu trưng cho cái triết lý đối xứng cũng là triết lý âm dương truyền thống của người Việt? Đó là điều sẽ được trình bầy ở phần dưới đây. Điều cần phải nhấn mạnh trước khi sang bước bốn, cũng là bước vật lý hiện đại đang phải tìm câu giải đáp, là thành tựu trong việc lý giải thế giới hạt bằng phép đối xứng mà mô hình bát giác “the meson octet” có thể là biểu trưng.
Mô hình này gợi nhớ đến hình bát quái trong thế giới Kinh Dịch Đông phương mà ta sẽ có dịp bàn đến ở sau. Như ta đã thấy, mặc dù những giả thiết lấy hạt làm đối tượng nghiên cứu đã đưa những khoa học gia cận đại đến những khám phá tân kỳ làm lay chuyển đến gốc rễ quan niệm về vật chất theo cơ học Newton và đồng thời đến tư tưởng triết lý cổ điển Tây phương, nhưng mỗi khi tiếp cận đến gần uyên nguyên của hạt, tức của vật chất thì lại xuất hiện những vấn đề không thể lý giải được. Thiên nhiên như vậy vẫn còn là một cái gì huyền nhiệm mà ngay khoa học hạ nguyên tử vẫn chưa thể vén lên màn bí mật.
Bước bốn: Vì sự bất lực đó, khuynh hướng của các khoa học gia ngày nay là đổi đối tượng nghiên cứu, không quan tâm đến hạt nữa mà đến phản ứng, từ đấy nhấn mạnh đến biến cố chứ không đặt nặng vật thể nghĩa là đến thế giới vật chất hiện hữu. Nói bước bốn không có nghĩa là bước này xuất hiện sau chót. Nó đã được Heinsenberg đề xuất từ 1943 với tên là giả thuyết ma trận S. Ông khai mào “Trong vật lý hiện đại, người ta không chia thế giới thành những nhóm vật chất mà chia thành những nhóm của sự liên hệ” (21). Ba nguyên lý chung có thể coi như được dùng làm chỉ đạo cho thuyết này là:
- Kết quả thí nghiệm không được tùy thuộc vào trạng thái vận động của người quan sát: nguyên lý tương đối.
- Tổng số xác suất phải bằng 1: nguyên lý
- Sự tương tác qua lại có tính nhân quả: nguyên lý
Kiện tướng của phong trào này, bác học Jeoffrey Chew đã liên kết chặt chẽ hai thuyết của thế giới nguyên tử là thuyết tương đối và thuyết lượng tử và đưa ra giả thuyết được gọi là Boot Strap, theo đó, không những khoa học phủ nhận ý niệm những hạt vật chất cơ bản, mà còn khước từ bất kỳ đơn vị nào là đơn vị cơ bản. Thiên nhiên như vậy xuất hiện như một mạng lưới của các mối liên hệ chằng chịt, không tách rời. Mọi hiện tượng, mọi “vật thể”, chỉ là dạng xuất hiện tạm thời (vào lúc đó) của một thực tại duy nhất cuối cùng: chỉ cái nhất thể này mới là cơ bản! Đến đây ta thấy tư tưởng của J. Chew nói riêng và giả thuyết ma trận S nói chung đã tiến gần, rất gần tư tưởng của Đạo học Đông phương và trái hẳn với qui luật cơ bản vẫn làm nòng cốt cho khoa học và triết học Tây phương, khởi đầu với Saint Thomas Aquinas khi ông tuyên bố: “Có một qui luật trường cửu nhất định, đó là nghĩa lý, nó nằm trong ý định của Chúa, và điều hành toàn thể vũ trụ “ (22). Tư tưởng này đã đưa đến triết lý của Descartes, cơ học của Newton và là kim chỉ nam cho hầu hết các khoa học gia Tây phương khác suốt hơn ba thế kỷ qua.

Khoa học Tây phương hiện đang bế tắc trong việc vén màn bí mật để tìm ra cốt tủy của thiên nhiên. Tuy nhiên, ưu điểm của Tây phương là đằng sau nền khoa học và triết học, đã có một nền kỹ thuật cực kỳ tân tiến. Nếu một ngày nào đó, vật lý học hạ nguyên tử của Tây phương thành công trong việc khám phá ra định luật mở được cánh cửa vào cõi vô cùng thì rồi họ cũng sẽ công thức hóa được định luật về cái cốt tủy của thiên nhiên này. Ngày đó, nhân loại chắc sẽ bước vào một kỷ nguyên mới, khác nhiều với đời sống loài người hiện đang sống. Lúc này là lúc sự đóng góp của Đông phương cho Tây phương là vô cùng quan trọng. Đông phương không có nền kỹ thuật cao đủ để biến tư tưởng thành hiện thực. Nhưng Đông phương hình như (tôi nhấn mạnh chữ hình như, bởi chỉ có những người đã đạt Đạo, như Đức Phật, mới có thể nói chắc chắn điều gì mình đã thấy, khi đã đến) hơn Tây phương ở chỗ đã có những bậc Thánh nhân vén được màn huyền nhiệm để thấy được cốt tủy của thiên nhiên. Có điều các ngài không công thức hóa điều mình thấy mà chỉ dùng phương pháp tâm truyền dậy cho các môn đồ phép tự tu, tự chứng.
TỪ VẬT LÝ HẠ NGUYÊN TỬ ĐẾN TRỐNG ĐỒNG, DỊCH HỌC VÀ ĐẠO HỌC ĐÔNG PHƯƠNG
Vật lý hạ nguyên tử hiện đại cho thấy tin tưởng của khoa học và triết học cổ điển Tây phương xây dựng trên hình học Euclide, trên quan niệm Platon “Thượng đế là một nhà hình học”, và “nằm trong ý định của Chúa” như Thomas Aquinas chủ trương là không còn hợp thời. Cái khoa học và triết học Tây phương ấy đã đóng xong vai trò lịch sử của nó, đúng như nhận xét của F. Capra: “Sự chia cắt kiểu Descartes và thế giới quan cơ giới vừa có ích, vừa tai hại. Nó hết sức thành công trong việc phát triển nền vật lý cổ điển và kỹ thuật, nhưng cũng mang lại nhiều hậu quả tai hại cho nền văn minh của chúng ta”. Đông phương thì khác. Cái mà Tây phương trước kia cho Đông phương huyền nhiệm, thậm chí là không tưởng, mê tín thì nay tỏ ra rất giống như sự khám phá của khoa học vật lý hạ nguyên tử. Nói về thế giới hạt, cổ nhân vắn tắt: “Thần vô phương như vật vô thể”. Vật vô thể thì thực rõ. Nó nói lên ý vạn vật muôn hình, nghìn trạng nhưng những hình khối đó chỉ là ảo hóa, do tâm tạo, hay nói theo giọng nhà Phật, do vô minh chứ không có thực (vô thể). Quan niệm như vậy khác gì quan niệm của vật lý hạch tâm khi cho mọi hiện tượng thiên nhiên chỉ là dạng xuất hiện vào lúc đó, của một cái nhất thể cơ bản là trường lượng tử? Nhưng Đạo học Đông phương hơn khoa học ngày nay ở vế “thần vô phương”. Thần là gì? Hiển nhiên nó không giống vật ở chỗ không có hình dạng, trọng lượng, lung linh, siêu thoát, mắt thường không thấy được. Nhưng nó vẫn không ra khỏi cái một vĩnh cửu, cái khí nói theo nhà Nho, hay đạo nói theo Lão Tử hay tâm, sắc không nói theo nhà Phật.
Người sống có thể là biểu trưng rõ nhất cho sự phối hợp giữa thần (linh hồn) với vật (thể xác). Khi người đó chết đi, vật quay về cát bụi trong khi thần bay lên. Nó “vô phương” nếu chưa nhập vào một xác phàm khác. Nói theo ngôn ngữ vật lý ngày nay, nó thuộc vào một thời-không khác, không phải là thời-không thuộc cõi nhân thế này. Cái sự thần hợp lại hay chia cách với vật mà nhân gian gọi là sống chết so với sự sinh thành, hủy diệt của cặp hạt – đối hạt (hạt âm dương) do Dirac đã khám phá ra thì lâu hơn triệu triệu lần. Nhưng so với đời sống của các vì tinh tú chẳng hạn thì lại nhanh hơn triệu triệu lần. Vậy là có hay là không? Thánh nhân Việt đã trả lời:
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này đều không!
Vậy thì nó có đấy mà không đấy.
Gọi là có cũng được mà gọi là không cũng được.
Chúng ta đã biết rằng hạt nguyên tử sinh ra hay bị hủy đi chỉ là những dạng vận động của trường: nó là cái không, từ đó proton đã sản sinh những mensons. Chân không vật lý (physical vacuum) là một danh từ trong lý thuyết trường chỉ tình trạng không phải là không có gì mà nó hàm chứa mọi dạng hình của thế giới hạt. Những dạng này không phải là những đơn vị vật lý độc lập riêng rẽ mà chỉ là hình dạng của cái không xuất hiện tạm thời, điều mà như trong Kinh Bát Nhã đã nói “sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Do đó, sự liên hệ giữa hạt có tính cách biểu kiến và chân không là một sự liên hệ động. Chân không như vậy thật ra là một living void. Nó với hạt cùng hòa trong một nhịp điệu vô tận của sinh thành và hoại diệt (23). Quả là một quan niệm phải nói là rất khó mà hình dung được. Bởi đó là của đặc tính không thời gian bốn chiều của vật lý hạ nguyên tử mà chúng ta khó có thể dùng lời nói của nhân sinh để diễn tả nó một cách rõ ràng (24). Nhưng nếu ngôn từ của loài người khó có thể diễn tả được chân không vật lý, cái quan niệm trống không phải là trống, trống không mà ở trong bao hàm mọi hình thái của thế giới hữu hạn, quan niệm mà ngay cả Bát Nhã cũng chỉ có thể phát biểu “sắc tức thị không, không tức thị sắc” đó hình như trống đồng và những hoa văn trên đó đã cho chúng ta một ý niệm khá cụ thể, khá rõ rệt để ta hình dung ra được điều mà vật lý lượng tử gọi là physical vacuum này. Ở Dịch thì gọi nó là sinh sinh; ở Phật giáo thì gọi nó là không; ở Lão giáo thì gọi nó là đạo; ở Nho giáo thì gọi nó là khí; ở Ấn Độ giáo thì gọi nó là Brahman. Nó là cái mẫu số chung, là sự biến hóa liên tục từ cái này sang cái khác có thể thể hiện bằng một vũ điệu liên tục bởi chính nó là một vũ điệu liên tục. Vậy thế giới hạt nguyên tử là thế giới của sự vận hành và biến dịch liên tục. Sự vận hành và biến dịch liên tục đó, theo F. Capra, có thể ví như điệu vũ Shiva trong niềm tin của Ấn Độ giáo. Theo tôn giáo này thì tất cả đời sống chỉ là một phần trong tiến trình tuần hoàn của sự sinh thành hủy diệt, của sự chết đi sống lại và điệu nhẩy Shiva biểu diễn tiết điệu vô cùng này của sống chết tiếp diễn trong vô tận đại kiếp (25). Sự vận hành và biến dịch đó còn thấy rõ hơn ở vũ điệu trên trống đồng trong niềm tin của người Việt Cổ.
Trong niềm tin này, người ta cho: “Sống gửi, thác về”. Thế nào là gửi? Và về là về đâu? Người ta nghĩ “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”. Thế nào là sống, là chết? Và thế nào mới gọi là biết? Người ta tin:
Kiếp xưa đã vụng đường tu
Kiếp này chẳng khỏi đền bù mới xong
(Nguyễn Du – Kiều)
bởi:
Kiếp này nợ trả chưa xong
Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau
(Nguyễn Du – Kiều)
Đã có nhiều người tìm cách diễn giải ý nghĩa của chữ “trống”, ý nghĩa của “cái trống” đồng (26). Nhưng thiết tưởng không lời giải nghĩa nào nói rõ ràng và sinh động như chính cái định nghĩa về “chân không vật lý” của khoa học hiện nay như sau: “Trong lý thuyết trường “chân không vật lý” không phải là một trạng thái không có gì nhưng hàm chứa cái tiềm lực của thế giới hạt dưới mọi hình thức. Những hình thức này không phải là những đơn vị vật lý độc lập mà chẳng qua chỉ là biểu trưng cho cái không cơ bản kế tiếp nhau phát hiện thoáng qua nhất thời. Đúng như Bát Nhã Kinh đã phát biểu “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Sự liên hệ giữa hạt biểu kiến và cái chân không bao quanh là sự liên hệ có tính cơ bản. Chân không vật lý như vậy thực quả là một “chân không” có sự sống (living void), cùng đập một nhịp trong một cơ cấu động của sự vô cùng sinh thành, hoại diệt” (27).
Điều kỳ bí nhất mà trước kia người ta không thể hiểu nổi là tại sao các hạt cùng trong một nguyên tử quay với tốc độ lớn trong một thể tích nhỏ như vậy mà không hề va chạm nhau? Suy ra lớn hơn như tinh tú trong vũ trụ cũng quay theo một quỹ đạo nhất định? Như ở đoạn trên đã nói, trong vật lý học người ta mô tả hiện tượng này bằng danh từ đối xứng: những hạt hạ nguyên tử đó không phải chỉ vận hành liên tục mà là một sự vận hành không hỗn loạn trong một trật tự nhất định. Tại sao như vậy? Khoa học đã chứng minh được rằng các hạt cùng một loại trong cùng một nguyên tử thì giống hệt nhau. Chúng có khối lượng như nhau, điện tích như nhau, các đặc trưng khác cũng giống nhau. Người ta cũng đã chứng minh được rằng cấu trúc của một nguyên tử là căn bản của tất cả mọi hình dạng vật chất của vũ trụ chúng ta đang ở chỉ gồm có ba hạt chính cấu thành là proton, neutron, và electron. Chỉ ba hạt này là ổn định và có đời sống vô tận mà trong đó neutron có thể bị phân hủy một cách thình lình. Ngoài ra còn một hạt thứ tư là photon. Hạt này phi khối lượng, là đơn vị của các tia bức xạ điện tử nên không kể đến. Sự vận hành của các hạt giữ một dạng nhất định rõ ràng. Những hạt này không hiện hữu như những đơn vị độc lập mà là phần tử không tách rời của một thể thống nhất, tất nhiên với nhiều tương quan. Những liên hệ đó biểu diễn một năng lượng không ngừng nghỉ. Năng lượng này hiện ra dưới sự trao đổi hạt, một mối liên hệ động trong đó hạt được tạo thành rồi lại phân hủy một cách vô tận qua những cấu trúc năng lượng. Sự tương tác giữa các hạt xây dựng nên thế giới vật chất của chúng ta. Vậy thế giới vật chất là gì nếu không phải là sự vận động tuần hoàn của các hạt. Trên trống đồng biểu trưng cho sự vận động tuần hoàn không hỗn loạn đó được diễn tả dưới những hoa văn xếp một cách đối xứng với nhau.
Trên trống đồng Ngọc Lũ, trống chia đôi, bên chẵn bên lẻ, bên chẵn thì nóc nhà có hai chim, đoàn người có sáu cặp và chim có bốn cặp; bên lẻ, nóc nhà có một chim, đoàn người và đoàn chim có ba cặp. Sự đối xứng thoạt nhìn qua tưởng chỉ đem đến vẻ đẹp cho mặt trống. Nhưng thực ra nó biểu trưng một nét độc đáo của vũ trụ mà chỉ rất gần đây khoa học lượng tử mới khám phá ra được.
Sự đối xứng trên hoa văn trống đồng, khi áp dụng vào cuộc sống thành nguyên tắc cân xứng như lời dậy trong Lễ Ký, một cổ thư thường được coi là của Trung Hoa thời Tiên Tần, đã có từ trước thời Trung Quốc được thành lập mà cư dân sống tại đại lục Đông Á và Đông Nam Á thời đó, đa số thuộc chủng tộc mà sử thường gọi là Di hay Man, tức đại tộc Bách Việt: “Thánh nhân xưa, bên trong thì lấy nội tâm làm cao quí, bên ngoài lấy an vui làm tôn chỉ. Ít cũng quí mà nhiều cũng tốt (đẹp), (mỗi vật có cái hay của nó), không cứ gì phải nhiều, không cứ gì phải ít, miễn phải cân xứng” (28).

Phải cân xứng. Đó là nguyên tắc chỉ đạo mà sau này là nguồn gốc viết ra quyển sách triết lý uyên thâm nhất của Nho gia: quyển Trung Dung (29). Tổ tiên người Việt muốn tư tưởng cao thâm này thấm sâu vào nếp sống dân tộc đã giản dị nó bằng những lời khuyên có vần, có điệu, dễ đọc, dễ nhớ, như:
Ba vuông xứng với bẩy tròn
Đời cha vinh hiển, đời con sang giàu
hay:
Người trên ở chẳng chính ngôi
Để cho người dưới chúng tôi hỗn hào
Đừng vội kết luận sự đối xứng, cân xứng hay gọi dưới ngôn từ bác học là Trung Dung đã có trước trong cổ thư Trung Hoa hay trong ca dao tục ngữ Việt. Chỉ biết rằng sự đối xứng này, không biết tự bao giờ, đã được tổng quát hóa rồi công thức hóa bằng định luật âm dương, bao gồm hai luật tắc kỳ diệu là:
- Trong âm có dương, trong dương có âm, và
- Khi âm phát triển cùng cực thì biến thành dương, khi dương phát triển cùng cực lại biến thành âm.
Và cũng không biết tự bao giờ, hai luật tắc âm dương này đã thấy phản ánh một cách sâu xa (triệt để) trong cộng đồng Cổ Việt về mọi khía cạnh trong đời sống, từ tâm linh đến xã hội như nhà ở, ăn, mặc, vui chơi, giải trí, hội hè, đình đám, cuới xin, chôn cất … mà vài họa hình dưới đây có thể chứng minh điều đó.
Hai qui luật âm dương còn được phản ánh qua đời sống dân gian dưới hình thức những câu tục ngữ ca dao người ta nói hàng ngày thay cho ngôn ngữ thông thường như:
– Với luật tắc trong âm có dương, trong dương có âm, ta thấy:
Trong họa có phúc
Trong rủi có may
Sông có khúc, người có lúc
Mía có đốt sâu, đốt lành
Vất vả có lúc thanh nhàn
Không dưng ai dễ cầm tàn cho ai
– Với luật tắc âm biến thành dương, dương biến thành âm, cũng không thiếu:
Bỉ cực thái lai
Sướng lắm khổ nhiều
Yêu nhau lắm, cắn nhau đau
Hết khôn dồn ra dại
Chắc quá hóa lép
Chín quá hóa nẫu … (30)
Truyền thống sống qua âm dương, sống trong âm dương như trên không biết đã có tự đời nào. Nhưng dấu vết được ghi lại trên trống đồng như những hình dưới đây thì, qua khảo cổ, người ta biết chắc chắn nó đã thông dụng trong xã hội Cổ Việt không dưới bốn ngàn năm.
Những hoa văn trống đồng cho thấy âm dương có thể diễn tả bằng những cách từ hình vuông với hình tròn, số chẵn với số lẻ, bên trái với bên phải, chấm rỗng với chấm đặc, giống đực với giống cái …
Tiến thêm một bậc nữa, điểm cao nhất trong định luật âm dương có lẽ là ở chỗ khi có sự giao thoa giữa hai luật tắc kể trên. Trong trường hợp này, không còn “trong âm có dương, trong dương có âm” hay “âm biến thành dương, dương biến thành âm” nữa, mà âm dương đã hòa trộn để:
Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai
(Thơ Tagore)
nói theo Chu Liêm Khê:
Nhị khí giao cảm hóa sinh vạn vật
(Thái Cực đồ thuyết)
hay như Chu Hy:
Âm tinh, dương khí, tụ nhi thành vật
(Chân dịch bản nghĩa, Hệ từ thượng, Chương IV)
hoặc như trong Ảo giác thư (Upanishads) của Ấn Độ giáo khi so sánh tột đỉnh sự hòa hợp âm dương với hành động của hai vợ chồng yêu thương giao hợp với nhau. Lúc đó hai người đã nhập thành một, cái Một uyên nguyên của thiên nhiên, của vĩnh cửu (31).
Về điểm này, biểu trưng trong hoa văn thuộc đồ đồng Đông Sơn cũng thực phong phú, chứng tỏ quan niệm của người Việt Cổ về vấn đề “âm dương chi giao”, vấn đề hội thông để tìm về bản thể uyên nguyên qua động tác giao hợp âm dương từ khoảng 4.000 năm trước đây của người Cổ Việt đã phổ biến lắm.
Hình như đến đây đã hé cho thấy cái chìa khóa có thể mở cánh cửa đang bế tắc của khoa tân vật lý học. Chìa khóa này dựa trên Đạo học Đông phương, rõ nhất là trên tư duy người Việt Cổ trên hoa văn các trống đồng. Vẫn là những điểm tưởng như chẳng có gì mới mẻ, nhưng vấn đề là phải biết phối hợp nhịp nhàng và đúng lúc như lời dậy rất tự tin của người hiền giả Việt:
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
(trong nhà có của báu còn phải đi tìm ở đâu; trước cảnh(đẹp), lòng không(có ý chiếm) cần gì phải hỏi thiền là gì?)
Vậy hai vấn đề cần phải đào sâu, nhưng ở đây, tạm thời xin hết sức vắn tắt, là Dịch và Thiền. Dịch, căn bản có âm dương, là cái ổ khóa. Thiền là cái chìa mở ổ khóa này.
Về ý niệm thứ nhất, Dịch, thì vật lý hạ nguyên tử cũng đã nhìn đúng khi phát biểu: Kinh Dịch có lẽ là sự tương đồng gần nhất với thuyết ma trận (matrix) và trong cả hai hệ tư tưởng này, người ta nhấn mạnh đến tính chất tiến trình hơn là tính chất vật thể. Trong dịch lý tiến trình cơ bản là sự biến dịch và được xem là then chốt để hiểu mọi hiện tượng thiên nhiên. Trong matrix theory, tiến trình này là phản ứng hạt để lý giải mọi hiện tượng của thế giới hatron. Vì vậy tám quẻ trong Kinh Dịch chỉ là hình ảnh tượng trưng phản ánh những giai đoạn chuyển đổi. Điểm đặc sắc của tám quẻ trong Kinh Dịch là ở chỗ như Richard William đã vạch ra là nó không đại diện cho sự vật mà chỉ đại diện cho khuynh hướng vận động và đó là điều mà nhà bác học F. Capra cũng đề xuất phải nhìn sự vật trong thế giới hạ nguyên tử theo cách đó, nghĩa là phải nhấn mạnh vào sự vận động, biến dịch và sự chuyển hóa cùng những dạng chuyển tiếp trong tiến trình vũ trụ đang phát triển chứ không phải là chú ý đến sự vật đang ở trong giai đoạn đó (32). Hướng nghiên cứu này là đúng. Nhưng nếu hướng đi đúng. mà bế tắc vẫn không khai thông, thì có lẽ phương pháp giải quyết chưa đúng, trong cách làm việc còn có vấn đề. Như trên cho thấy, các nhà vật lý học hàng đầu trên thế giới đang vận dụng kiến thức Dịch học Trung Hoa trong việc tìm phương pháp khai thông bế tắc. Nhưng nếu Dịch lý là kiến thức chung của nhân loại, thì Dịch học của mỗi dân tộc lại mang sắc thái văn hóa riêng của dân tộc đó. Vì vậy Dịch học Trung Hoa có điểm khác với Dịch học tại Nhật Bản, Đại Hàn hay Việt Nam. Điểm khác biệt chính có lẽ ở chỗ Dịch học Việt Nam không mang tính quá nghiêm trang, mà âm dương, căn bản của Dịch học thấm đậm cái tình, nhất là tình dục. Giao hợp nam nữ, trống mái không phải là vấn đề xuồng sã mà vốn là vấn đề được trân trọng, được nâng lên hàng tín ngưỡng, được coi là một hành vi thiêng liêng, đầu mối của sự sinh tồn miên viễn, cái chìa khóa để đi vào huyền nhiệm.
Về ý niệm thứ hai là Thiền, thì như đã biết, có nhiều cách Thiền, tất nhiên có nhiều định nghĩa về Thiền. Đặt câu hỏi cách Thiền nào mới là chìa khóa mở ổ khóa huyền vi, tức là đặt vấn đề phải Thiền cách nào mới đi đến giác ngộ. Vậy trước hết phải giải quyết vấn đề giác ngộ là gì? Đó là biểu hiệu sự hồn nhiên, chất phác và sự tỉnh giác tột độ của tâm. Không nhất thiết phải lìa bỏ thế gian, vào tu tại thâm sơn cùng cốc mới được giác ngộ. Càng không cần phải diệt dục, hiểu theo nghĩa dung tục nhất, mặc dù từ bỏ tham, sân, si để có thái độ vô cầu là điều kiện cần thiết phải có. Với truyền thống Việt, giác ngộ là sự trở lại những gì ta sẵn có từ vô thủy: đó là tự tính. Vì vậy, phương pháp để được giác ngộ là Thiền. Nhưng không phải hay không là truyền thống Việt, những lối Thiền có mục đích chấm dứt suy luận tiếp theo kinh nghiệm tâm linh kiểu viết chữ, hội họa, pha trà, cắm hoa … mà là loại vừa làm việc vừa thiền, vừa chiến đấu vừa thiền. Hình thức bắn cung là biểu trưng cho lối thiền này mà trên trống đồng ta thấy được thí dụ chói chang.
Xin hãy quan sát những hoa văn có hình người bắn tên dưới đây:

Ở hình thứ nhất, người bắn cung đang đứng trước một cây cung lớn hơn thân hình mình, hai tay đều đặt vào dây cung, chỗ có đặt một mũi tên, lớn đến độ không bình thường. Người cung thủ đứng khom khom, không những không ở thế sắp bắn,mà rõ ràng đang ở tư thế không dùng sức, trông rất thư thái. Mặt tươi cười, chỉ có một điều có vẻ như đang cuốn hút cung thủ là mắt nhìn theo hướng mũi tên khá chăm chú.
Ở hình thứ hai, người cung thủ vẫn đứng khom khom, khác ở chỗ một chân co, một chân duỗi. Cũng vẫn không dùng sức, không một chút cố gắng, không giống với một cung thủ đang sắp nhả tên. Vả lại cũng không có tên mà nhả. Người cung thủ như đang cầm cây cung làm động tác bắn giả.
Ở hình thứ ba, cây cung và mũi tên xem ra có độ lớn bình thường. Cung thủ đứng ở thế như đang sắp bắn tên, một chân khuỵu xuống, một chân duỗi thẳng như đang gác trên một đầu dọc. Có điều tư thế chỉ như sắp bắn, mà không dùng sức, không cố gắng, chỉ như chơi.
Đã có nhiều giải thích về hoa văn bắn cung này.
Người thì cho đây là tích quân Vua An Dương Vương bắn nỏ thần. Giải thích này nên bác bỏ vì khảo cổ học gần đây đã đào được quanh vùng Cổ Loa nhiều kho tên ngắn dùng cho nỏ chứ không phải cung. Nỏ này có cơ bẩm có thể bắn liên thanh, tuy so với cơ bẩm súng máy ngày nay thì rất đơn sơ, nhưng nếu một quân giữ thành dùng nỏ này có tên tẩm độc thì chống giữ hàng trăm quân vây thành không khó khăn gì. Xin nhấn mạnh đúng như truyền thuyết quân giữ thành Cổ Loa thời An Dương Vương dùng nỏ chứ không dùng cung.
Giải thích căn cứ vào Sở Từ của Khuất Nhuyên cho bắn cung đây là nhắm bắn Thiên Lang:
Thanh Vân y hề bạch nghê thường,
Cử trường thỉ hề sạ Thiên Lang
Thiên Lang tức Thiên Cẩu, theo truyền thuyết là giống chó có thể nuốt mặt trời. Bắn Thiên Lang mục đích để tảo trừ chướng ngại, bảo vệ mặt trời cho mặt trới yên ổn lặn xuống phương Tây (35). Đây l một trong vài ba cách giải thích có tính thuyết phục cao, sẽ xin bàn kỹ vào một dịp khác. Nhưng theo thiển ý, bắn cung đây chỉ có thể giải thích là biểu trưng của thiền, loại thiền hành động đúng với truyền thống người Việt mà đến đời Trần được xiển dương mạnh và đạt được kết quả đến cao độ. Quay lại hoa văn trên trống đồng. Ta thấy hình 1 cho ta liên tưởng đến lối bắn cung đã được Eugen Herrigel tả lại trong sách “Thiền và nghệ thuật bắn cung”, gồm ba giai đoạn: giương cung, buông tên và tên đến đích. Điều quan trọng là giương cung chỉ giương bằng hai bàn tay. Cánh tay và bả vai vẫn thư thái như không liên quan gì đến việc bắn cung. Thả mũi tên cũng không chăm chú mà buông một cách hờ hững. E. Herrigel đã tả rất rõ cách tập bắn tên kiểu này, tất nhiên là rất khó, đến nỗi ông định bỏ cuộc. Nhưng khi nhìn sư phụ Kenzo Awa biểu diễn không dùng sức mà trăm phát trăm trúng, lại trúng hồng tâm 100%, tên nọ cắm vào đuôi tên kia, nên ông mới quyết tâm theo thầy học. Kết quả đã đúng như lời thầy dậy. Ông là người da trắng, quen lối lý luận Tây phương, cũng không hiểu tại sao, bắn tên hờ hững, không nhắm mà trúng, nên chỉ còn cách cho rằng đây là lối thiền có thể khai mở siêu thức, một khả năng tiềm ẩn nơi con người và là con đường đưa đến chứng ngộ (satori) (33). Hình thứ hai gần với lối dậy của Kinh Vệ Đà, dùng toàn tưởng tượng: cây cung là Kinh Vệ Đà, mũi tên là sự thiền định, giương cung là hướng tư duy nhắm vào cái ấy, cái một uyên nguyên huyền nhiệm. Hình thứ ba cũng một ý nghĩa như vậy nhưng thường được mô tả như nghệ thuật phi nghệ thuật, căng dây cung bằng tâm, với sức không cố gắng, buông tên không tham cầu. Bởi cung, tên, đích và người bắn chỉ là một, do đó người bắn không hề bắn mà tên vẫn trúng đích (34). Hai lối giải thích sau có tính tôn giáo. Không phải là người có sự tỉnh giác tột độ của tâm thì dễ đưa đến lầm lạc. Nói chung đây là cửa ngõ của khoa học và phi khoa học. Điều mà khoa học hạ nguyên tử vẫn chưa thể vượt qua, xem chừng vẫn là địa phận bất khả xâm phạm nên bất khả tư nghị địa phận riêng của những người có công thực chứng đã liễu ngộ toàn triệt. Đến đây, ta không thể không liên tưởng đến sự liễu ngộ toàn triệt của Đấng Thế Tôn: Đức Thích ca Mầu Ni. Ngài đã tu theo đường khổ hạnh rất lâu mà không có kết quả, do đó đã đổi phương pháp, ăn uống đầy đủ, ngồi thiền dưới gốc du già. và rồi hốt nhiên được Đại Giác. Tính cách thiêng liêng của tôn giáo không cho phép người ta suy đoán giải thích nhiều hơn. Nhưng lịch sử Phật giáo Việt thì khác. Vốn trân trọng hành vi giao cấu nam nữ, Phật học Việt Nam đã có huyền tích Man Nương mang bầu là sự tích của chùa Dâu ở Thuận Thành, Bắc Ninh, từ đó, Tỳ Đi Na Lưu Chi đã giác ngộ. Xem vậy, Thiền với giao hợp âm dương có liên hệ mật thiết. Vén được màn bí mật này có thể tìm ra được chìa khóa mở cánh cửa vô minh, cánh cửa vào huyền nhiệm.
Khoa học Tây phương, trong hơn ba thế kỷ qua, đã vượt trội hơn Đông phương rất nhiều trong việc mưu tìm thực phẩm và những tiện ích phục vụ cho con người, do đó đã đưa các nước phương Tây trở nên giàu mạnh, làm bá chủ hoàn cầu. Nhưng nếu mục đích tối hậu của con người là đi tìm tự tính của sự vật để mưu cầu chân hạnh phúc cho loài người thì khoa học Tây phương cho đến nay vẫn chưa thành công cho dù thực phẩm và tiện nghi vật chất là những điều kiện đầu tiên, điều kiện cần tuy chưa phải là đủ để đạt mục đích ấy. Những tiến bộ vượt bực của Tây phương thời hạ nguyên tử lạ lùng thay, lại đưa kiến thức của Tây phương tiến gần đến sự hiểu biết Đông phương. Tuy nhiên, khi đến cửa ngõ của tự tính vật chất, biết được vật chất lúc là hạt, lúc là sóng, phiêu diêu, bất định thì khoa học Tây phương bế tắc như đã thấy hiện nay. Liệu khoa học hôm nay có thể vượt bế tắc để đạt sự liễu ngộ toàn triệt được không? Và nếu đạt tới thì nhân loại sẽ đi về đâu? Câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời và đang là thách đố cho các khoa học gia hiện đại. Có điều những bước cuối cùng mà khoa học hiện đại đạt tới lại tiến rất gần tới Đạo học Đông phương, mà, theo nhiều nhà bác học hàng đầu, cụ thể là tiến gần đến Dịch học, được coi là cội nguồn của tất cả Đạo học Đông phương. Dịch xây dựng trên quan niệm âm dương. Sẽ là hồ đồ nếu kết luận âm dương trong Dịch học là sáng kiến của riêng một dân tộc nào, bởi tư duy của nhân loại khởi thủy đều có những điểm tương đồng. Tùy theo môi trường sống, tư duy mỗi dân tộc có thể sẽ có những sắc thái riêng, từ đó đi đến những phong tục, tập quán riêng mà sau này người ta gọi là bản sắc văn hóa của dân tộc. Ví như con người, khi ngã, ai cũng phải lo cách đỡ, nhưng đỡ như thế nào là tùy theo lúc ngã, nơi ngã, môi trường chỗ ngã. Dần dà người ta học được cách ngã dựa vào thế, trở thành thế võ. Ngã theo võ Nhu đạo, khác võ Karaté, võ quyền Anh, tất nhiên cũng khác võ Việt Nam. Cũng vậy, trong cách tư duy về bản thể vật chất, người ta đều nhận thấy căn bản của sự vật là Dịch lý, là âm dương. Xin được lặp lại ý đã trình bầy để nhấn mạnh thêm. Nhưng mỗi dân tộc, theo quá trình hình thành, quan niệm về âm dương, về Dịch lý không hoàn toàn giống nhau. Sự tinh luyện, sự hiểu biết thâm sâu về quan niệm đó là tùy thuộc ở chỗ dân tộc ấy có sống với quan niệm kia không? Đã nhuần nhuyễn, đồng hóa làm một, coi nó như quan niệm sống hay mới tiếp nhận nó hời hợt như một trong nhiều cách tư duy? Về điểm này, ta có thể khẳng định mà không sợ sai lầm là tổ tiên người Việt, khi đã chọn khái niệm âm dương, Lạc Long – Âu Cơ, làm tổ và đã trọn vẹn sống với quan niệm của âm dương, điều đã được phản ánh qua trống đồng, qua ca dao, tục ngữ, hội hè, đình đám, qua cách sống của dân tộc mình như đã được chứng minh ở trên, thì sự am tường về Dịch lý hẳn phải nhuần nhuyễn như có trong máu thịt mình vậy.
Âm dương, Dịch lý và Thiền có thể là phương pháp đưa con người vượt qua bế tắc ngày nay để liễu ngộ toàn triệt, bước vào huyền nhiệm. Nhưng phải có khoa học là bước kế tiếp thì sự khám phá mới có thể biến thành luật tắc, thành công thức, trở thành thực dụng để đưa con người, toàn thể loài người vượt qua bể khổ, đạt chân hạnh phúc. Điều mà trước đây Đông phương chưa có.
CUNG ĐÌNH THANH
Tập san Tư Tưởng.
Chú thích và tham khảo:
- – Fritjof Capra – The Tao of Physics, Flamings Edition, Fontana Paperbocks, London, 1983, trg
- – Tự điển Oxford, Advanced Learner’s Dictionary New Edition, Oxford University Press, Fifth Impression,
- – Albert Einsteins: “ … perhaps the greatest advance in thought that a single individual was ever privileged to make” dẫn theo Capra – The Tao of Physics, sđd, trg 65.
- – F. Capra: “Matter was thought to be the basis of all existence, and the material world was seen as a multitude of separate objects assembled into a huge machine.” – The Turning point, A Bantain book, New York,
Và sau đây là chính lời của I. Newton, dẫn theo F. Capra trong The Tao of Physisc: “It seems probable to me that God in the beginning formed matter in Solid, massy, bắn theo kiểu bắn không cần nhắm, bắn một cách hờ hững, hard, impenetrable,movable particles,of such sizes and figures, and with such other properties, and in such proportion to space, as most conducted to the end for which he formed them; and that these primitive particles being solids, are incomparably harder than any porous bodies compounded of them; even so very hard, as never to wear or break in pieces; no ordinary power being able to divide what God himself made one in the first creation.” – M. P. Crosland (ed.) – The Science of Matter (History of Science Readings, Penguin Books, Hardmonds Worth, 1971), p. 76. - – Capra: “The Cartesian division and the mechanic world view have thus been beneficial and detrimental at the same time. They were extremely successful in the development of classical physics and technology, but had many adverse consequences for our civilization.” – The Tao of Physics, sđd, trg 28.
Những câu trích dịch của F. Capra trong The Tao of Physics như câu trên đều có tham khảo bản dịch của Nguyễn Tường Bách – Đạo của Vật lý, nxb Trẻ, 1999. - – Cung Đình Thanh – “Trống Đồng Đông Sơn”, Tập San TƯ TƯỞNG số 18, tháng 3/2002.
- – Lời tuyên bố của nhà bác học Pierre Cornu trong Hội nghị Vật lý Quốc tế tại Paris năm Xem Phạm Khắc Hàm – Triết lý Đông A, nxb Nhóm Diễn Đàn Địa Lý Nhân Văn Việt Nam, 1998, trg 8.
- – Goloubew Victor – L’Âge du bronze au Tonkin et dans le Nord Annam, Bulletin de l’École Francaise d’Etrême – Orient XXIX, Hà Nội, 1929. Le tambour métalique de Hoang Ha, Bulletin de l’École Francaise d’Etrême – Orient, T. XL, 1940.
- – Xin xem chú thích 8 ở trên. 10 – Xin xem chú thích
- – Xin xem chú thích 4
- – Capra – The Tao of Physics, sđd.
- – Table of Particle properties, do Particle Data Group in Physical Latters phát hành, tập 508, số 1,
- – Xin xem chú thích
- – Albert Einstein: “We may therefore regard matter as being constituted by the regions of space in which the field is extremely intense … There is no place in this new kind of physics both for the field and matter, for the field is the only reality”. – Quoted in M. Capek The Philosophical Impact of Contemprrary Physics, D. Van Nostrand, Princetor, New Jersey, 1961, p.
- – Thirring: “Modern theoritical physics … has put our thinking about the essence of matter in a different context. It has taken our gaze from the visible – the particles – to the underlying entity, the field. The presence of matter is merely a disturbance of the perfect state of the field at that place; something accidental one could almost say, merely a “blemish”. According, there are no simple laws describing the forces between elementary particles … Order and symmetry must be sought in the underlying field”. Trích theo F. Capra – The Tao of Physics, sđd, trg 237.
- – Trương Tái (Chang Tsai): “When the Chi condenses,its visibility becomes apparent so that there are then the shapes (of individual things). When it disperses,its visibility is no longer apparent and there are no shapes. At the time of its condensetion can one say otherwise than that this is but temporary? But at the time of its dispersins, can one hastily say that it is then non-existent?” – Quotes in Fung Yu-lan, A Short History of Chinese Philosophy, Cambridge University, London, 1973, 223.
- – Phan Văn Hùm, Triết lý Phật giáo, NXB: Phật Học Viện Quốc Tế.
- – F. Capra: “The quantum numbers, then, are used to arrange particles into families forming neat symmetric patterns, to specify the places of the individual particles within each pattern, and at the same time to classify the various particle interactions according to the conservation laws they The two related concepts of symmetry and conservation are thus seen to be extremely useful for expressing the regularities in the particle world.” – The Tao of Physics, sđđ, trg 282.
- – Capra – The Tao of Physics, sđd, trg 285.
- – Heisenberg – Physics and Phisophy, Allen & Unwin, London, 1963, trg 96.
- – Saint Thomas Aquinas,
- – Xin đọc chú thích số 27 ở dưới.
- – Heisenberg “Sự chia cắt kiểu Descartes và thế giới quan cơ giới vừa có ích, vừa tai hại. Nó hết sức thành công trong việc phát triển nền vật lý cổ điển và kỹ thuật, nhưng cũng mang lại nhiều hậu quả tai hại cho nền văn minh của chúng ta.” – F. Capar – The Tao of Physics, (Đạo của Vật lý), tham khảo bản dịch của Nguyễn Tường Bách, nxb Trẻ, 1999, trg 30.
- Đọc thêm:
“From the unreal lead me to the real! From darkness lead me to the light! From death lead me to immortality!”
(Brihad-aranyaka Upanishads – Ảo nghĩa thư)
“If it could be talked about, everybody would have told their brother” – Trang Tử (Chuang Tzu) – Quoted in J. Needham, Science and Civil in China, Cambridge University Press, London, 1956, Vol. II, p. 85. - – Capra – The Tao of Physics, sđd.
- – Kim Định – Sứ Điệp Trống Đồng, nxb Thanh Niên Quốc Gia, Hoa Kỳ,
- – F. Capra: “ The ‘Physical vacuum’ – as it called in field theory – is not a state of mere nothingness, but contains the potentiality for all forms of the particle world. These forms, in turn, are not independent physical entities but merely transient manifestations of the underlying void. As the Sutra says ‘Form of the emptiness, and emptiness is ended form’. The relation between the virtual particles and the vacuum is an essentially dynamic relation: the vacuum is truly a ‘living void’ pulsating in endless rhythms of creation and destruction “. – The Tao of Physics, sđd, trg
- – Cổ chi thánh nhân Nội chi vi tôn Ngoại chi vi lạc Thiển chi vi quý Đa chi vi mỹ
Bất khả đa dã Bất khả quả dã Duy kỳ xứng dã (Lễ Ký, VIII, 17) - – Tứ Thơ, Đại Học – Trung Dung, dịch giả Đoàn Trung Còn, NXB: Trí Đức Tòng Thơ, Saigòn
- – Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb Tp Hồ Chí Minh,
- – “Hinduism have even developed a branch, the medieva Tantrism, where enlightenment is sought through a profound experience of sexual love ‘in which each in both’, in accordance with the words of the
As a man, when in the unbrace of a beloved wife, knows nothing within or without, so this person. When the Embrace of the intelligent Soul, know nothing within or without”. – Brihad-aranyaka Upanishads, 4 – 3.21 - – Capra – The Tao of Physics, sđd.
- – Eugen Herrigel – Zen and the Art of Archery – Đại học Đông Kinh, 1930; dẫn theo Phạm Khắc Hàm, sđd.
- – “Taking as a bow the great weapon of Upanishad, one should put upon it an arrow sharpened by Stretching it with a thought directed to the essence of That, penetrate that imperishable as the Mart, my friend”. – Mundaka Upanishad 2.2.3; F. Capra – The Tao of Physics, sđd, trg 98.
PHỤ CHÚ:
Phát hiện một ngôi làng cổ 3.400 tuổi ở Bắc Giang
Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện một ngôi làng cổ ở Đông Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (phía Bắc Hà Nội) là ngôi làng cổ duy nhất trong thời đại kim khí có đến 3.400 năm tuổi. Ngôi làng cổ này vừa được khai quật trong tháng 10 năm 2002, cho thấy vùng Kinh Bắc này từ xa xưa lắm, đã là một mảnh đất văn vật. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Sinh cho biết như vậy trên tờ Lao Động ngày 05/11/2002. Theo nhà khảo cổ này thì với diện tích khai quật 100m2, các nhà khoa học ở Bảo tàng Bắc Giang và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy dấu tích một “tầng văn hóa” khá dày dặn: từ 80cm đến 1m. Một nền đất sét vàng, rộng 3,5m, dài 4m được người xưa đắp và nện chặt, dày 4 – 5cm, ở giữa nền này có bếp lửa với những mảnh gốm vỡ, đất nung, tro than. Ắt hẳn đây là một nền nhà, từng được người xưa ngồi quây quần quanh bếp lửa hồng đặt chính giữa? Hiện vật tìm được đa dạng đã giúp các nhà khoa học tái tạo được phần nào đời sống vật chất, tinh thần và cảnh quan của một thời. Ở một vị trí thuận lợi cho việc làm nông (làng cổ Đông Lâm chỉ cách sông Cầu khoảng hơn 1km) có được nguồn nước và phù sa đem lại, người xưa (những người trồng lúa giỏi) định cư ổn định trong một thời gian dài, nên đã để lại một số lượng đồ gốm lớn và tầng văn hóa phong phú. Họ đã biết chế ra lưỡi câu bằng đồng (tìm được 4 chiếc) giống hệt lưỡi câu hiện đại: đầu mũi có ngạnh, cuống lưỡi câu được uốn thành vòng móc để buộc dây câu. Việc tìm thấy chì lưới được nặn từ đất rồi nung qua lửa, đã cho thấy ngoài phương thức câu cá, họ còn biết dùng lưới đánh cá hiệu quả hơn. Cảnh quan thời đó khác nay: nhiều rừng rậm quanh làng. Cách đây trăm năm rừng vẫn còn nhiều và đã trở thành gốc gác cho những địa danh trong vùng như Đông Lâm, Hương Lâm, Hạc Lâm… Chính vì thế, người xưa cũng thạo săn bắn thú rừng: các nhà khảo cổ đã tìm được 7 chiếc mũi tên bằng đồng các loại, mũi lao bằng xương và chính những mẩu xương, mẩu sừng hươu sau khi họ ăn còn vứt đầy di chỉ. Họ còn chế ra những viên đạn gốm, nhỏ như viên bi để thổi ống “xì đồng” trong việc bắn chim. Người Đông Lâm còn là những người làm gốm thành thạo, nặn ra những nồi nấu cơm, nấu canh. Họ còn “thổi hồn” vào những vật dụng thường ngày đó bằng các họa tiết hoa văn đẹp mà đặc trưng là vẽ các hình sóng nước bằng một chiếc que nhiều răng hay phong cách trang trí hoa văn hình học bên trong hoặc bên ngoài miệng đồ đựng. Một ngành kinh tế quan trọng bấy giờ là ngành luyện kim. Đáng chú ý nhất là chứng tích của việc đc đồng đã tìm được ngay trong di chỉ: 3 mảnh nồi rót đồng bằng gốm còn dính cuả xỉ đồng, một mảnh khuôn đúc bằng đá cát (sa thạch), nhiều mảnh đồng vụn, xỉ đồng còn vương khắp hố khai quật. Người Đông Lâm còn biết làm đẹp qua trang phục và trang sức. Đã tìm được 2 chiếc dọi xe chỉ bằng gốm là bằng chứng của nghề dệt vải. Một số kim bằng đồng tìm được có ích cho nghề dệt và khâu vá quần áo. Còn tìm được 2 chiếc khuy bằng đá ngọc hình tròn, có lỗ xuyên dây chứng tỏ người xưa đã biết tạo ra những bộ quần áo đẹp, có khuy cài, không còn ở giai đoạn mặc áo chui đầu làm bằng vỏ cây nữa, mà đã có áo bằng vải dệt. Việc tìm được những bằng chứng của nghề dệt vải và khuy đá đã cho thấy trình độ văn minh ở Việt Nam khi đó khá cao và phản bác quan điểm của sử gia phương Bắc miệt thị dân ta trong một thư tịch cổ: “Một nước toàn dân ở trần mà cũng xưng vương!”. Có 8 chiếc khuyên tai và vòng tay bằng đá ngọc được chế tác tinh xảo bằng cách khoan, mài và đánh bóng rất đẹp. Những bàn mài bằng đá ráp, những hòn đá nguyên liệu dùng cho việc làm vòng đá đầy dấu vết cưa, cắt, đẽo, gọt… có mặt khắp di chỉ. Một loại vũ khí đặc biệt cũng được phát hiện ở đây: chiếc qua bằng đồng có mũi nhọn, lưỡi sắc, lắp cán dài (có lẽ bởi chính loại qua như vậy đã đi vào câu thành ngữ “can qua binh lửa” để chỉ những cuộc chiến tranh), dùng để bổ và chém. Đây là một trong những lưỡi qua đồng sớm nhất tìm được ở nước ta. Không phải ngẫu nhiên mà quanh làng cổ Đông Lâm trước đây lại tìm được 2 chiếc trống đồng Đông Sơn đẹp. Chiếc thứ nhất tìm thấy năm 1975 ở xã Bắc Lý, cách di chỉ 1km. Chiếc trống thứ hai tìm được năm 1998 ở xã Mai Trung, cách di chỉ 5km. Qua cuộc khai quật khảo cổ học ở Đông Lâm, các nhà khảo cổ đã thấy được từ 3.400 năm cách đây, người Việt cổ tụ cư ở mảnh đất này liên tục, bắt đầu từ những nền văn hóa mà khảo cổ học gọi là Văn Hóa Đồng Đậu, Văn Hóa Gò Mun, cho đến Văn Hóa Đông Sơn, kéo dài hơn 1.500 năm. Họ là tộc người đóng góp nhiều vào sự hình thành một “bộ” trong số 15 “bộ” của Nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương như truyền thuyết còn kể lại.