175. Góp phần xây dựng Căn cước tính Việt Nam

Tôi xin phép mượn cụm từ căn cước tính (identity) của GS. Trần Ngọc Ninh trong Tư Tưởng số 26 để làm đề tài cho bài tiểu luận này.  Căn cước tính khi ghép với từ dân tộc thường được gọi tắt là dân tộc tính. Khi ghép thêm một bổ túc từ cho rõ nghĩa, thí dụ “căn cước tính của dân tộc Việt Nam” được gọi tắt là Việt Tính (Vietnamity). Vậy mà chỉ một chữ căn cước tính (identity) đó, như GS. Trần Ngọc Ninh đã viết, trong Hội nghị Dân Tộc Học họp ở Paris gần đây, dưới sự chủ trì của Cl. Levi-Strauss, đã cho là quá phức tạp, quá khó để có thể định nghĩa và giải thích. Chưa kể việc tìm và minh họa cho được Việt Tính lại là con đường “trời ơi là xa mà hình như không có đường nữa sau bao nhiêu chia rẽ, bóc lột, đấu tố, hận thù, đấu tranh …” (1).

Tuy khó nhưng lại là việc không thể không làm nếu muốn giải quyết tận gốc rễ, muốn tìm cho được con đường sống cho dân tộc mình.  Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với GS. Dương Đăng Bảng khi Ông viết: “Chúng tôi nhận thức vấn  đề  khảo  sát  vàxác  định  Việt  Tính  (Vietnamity)  trong Nghiên Cứu Việt Học (NCVH) là thuộc ưu tiên số một, quan trọng hàng đầu. 

Hoài bão của người Việt lưu vong viễn xứ muốn đi tìm biết nguồn gốc dân tộc, hoặc văn minh, văn hóa dân tộc trong một bối cảnh không gian và thời gian có nhiều ảnh hưởng và đe dọa tiêu vong, nếu không có sẵn sàng đủ ý thức Việt Tính thì không khác gì người đi săn mà không cósúng, người đi tìm tình yêu mà không cótrái tim. Việt Học ở mọi chân trời hải ngoại có sứ mệnh đem lại hành trang tinh thần cụ thể ấy cho người Việt lưu vong biệt xứ, tạo chất keo Hồn Việt giống như chất keo Hồn Do Thái trong Torah và Talmud” (2).

Vâng, Tập San Tư Tưởng xin nhận lãnh cái nhiệm vụ góp phần đi tìm và xây dựng Việt Tính trong chiều hướng tạo lập những phòng vệ thích hợp để ngăn chặn sự hao mòn dân tộc (people’s loss) ngõ hầu giữ gìn được cái căn cước tính, cái hằng tính của dân Việt, khiến cái Tâm Việt, Hồn Việt, không bị tiêu vong. Tuy nhiên, nhiệm vụ này khó khăn, lớn lao quá nên Tư Tưởng xin đề nghị đem phương án này trao cho các nhà nghiên cứu Việt Học trên toàn thế giới, thông qua Buổi Họp mặt Văn Hóa Tư Tưởng 2004 sắp tới tại San José, để cùng nghiên cứu và hi vọng lấy đó làm sợi chỉ xuyên suốt hầu liên kết các hoạt động của các tổ chức Việt Học trên toàn thế giới.

Sự khám phá từng bước, dù dưới hình thức những bài tham khảo, hay dưới dạng dữ kiện, tài liệu, sẽ được đăng dần trên Tư Tưởng. Chúng tôi xin phép được đưa ra ít nhiều ý kiến quanh cụm từ Căn Cước Tính của Dân Việt như một hình thức gợi ý, mong được sự chỉ giáo của các vị huynh trưởng và bầu bạn bốn phương.

Căn cước tính, nói chung dân tộc tính, như trên đã nói, là một ý niệm rộng lớn, rất mơ hồ, khó có thể định nghĩa hay giải thích. Nhưng đó là nói đến một định nghĩa toàn hảo để được mọi người công nhận. Nếu chỉ cần một định nghĩa đủ để làm qui ước hầu từ đó có thể dùng như một bản đồ chỉ đường tìm ra cái căn cước, cái Tâm, cái Hồn của dân tộc thì tưởng chúng ta có thể tạm đưa ra một định nghĩa qui ước như sau: Việt Tính (hay dân tộc tính của người Việt) gồm hai yếu tố chính cấu thành: yếu tố dân tộc (Việt) và yếu tố văn hóa văn minh (Tính). Cả hai yếu tố này đều bao gồm các đặc tính của cái bẩm sinh (innate) lẫn các đặc điểm của cái thủđắc (acquired), dẫu ở yếu tố dân tộc, tính bẩm sinh giữ vai trò căn bản, còn ở yếu tố văn hóa văn minh, xem ra tính thủđắc lại có vai trò chủ yếu.

Hằng Tính (Identity) và Tính Đặc Thù(Specificity) 

Trong yếu tố dân tộc, thành tố quan trọng nhất phải tiến hành khảo sát đầu tiên là cấu trúc di-thể (gene structure). Chúng ta biết “Những tế bào của mọi động vật cũng như thực vật đều chứa yếu tố DNA, ví như một bảng thiết kế, giúp cuộc sống được lưu truyền từ đời nọ đến đời kia. DNA tạo nên gene và chính các gene đã mang tín hiệu làm cho muôn loài, từ thực vật, động vật đến con người có được cái sắc thái đặc biệt như mắt xanh, da nâu …” (3).

Các nhiễm sắc thể DNA trong gene của mỗi giống người như trên là một hằng tính.  Một khi đã cấu thành, nó tồn tại vĩnh viễn trong con người hay mọi chủng loại động vật, thực vật và di truyền mãi mãi cho các thế hệ về sau (4).

Vậy nhiễm sắc thể (DNA) là một hằng tính, là cái căn cước tính bẩm sinh của một dân tộc. Cái căn cước tính này sẽ bất biến, sẽ không thay đổi cho đến khi có sự gặp gỡ đặc biệt đưa vào cơ thể con người các yếu tố đặc biệt (như một vài loại vi khuẩn, tia cực tím do ánh mặt trời đến một mức nhất định hoặc vài loại chất độc hay khoáng sản và phóng xạ nguyên tử!) khiến con người hội đủ yếu tố để tạo thành một đột biến di truyền tự nhiên mà khoa học gọi là spotaneous point of mutation.  Trong trường hợp đó, nhiễm sắc thể thay đổi sẽ làm con người cũng thay đổi theo có thể về hình dạng, về mầu da, về râu tóc, về sức khỏe, bệnh tật …, cả về sự thông minh,  về  tác  phong  thiên  hướng  như  thiện  hay  ác, nghiện rượu, đa sát hay hiền lương, quân tử! Và nhiễm sắc thể đổi mới này, một khi đã lập thành lại trở thành một hằng tính, một  căn  cước  tính  mới,  như  trên  đã  nói,  tồn  tại  vĩnh  viễn trong con người vàlưu truyền mãi mãi cho các thế hệ mai sau cho đến khi gặp được kỳ duyên để cósự đột biến di truyền mơi(5).

Bản chất sinh học của một dân tộc có một lịch sử lâu dài nhiều ngàn năm, trải qua nhiều thăng trầm trong hoạt trình tiến hóa như dân tộc Việt Nam thì không chỉ có tính bẩm sinh mà chắc chắn còn có sự đóng góp của những thủ đắc là kết quả của sự đột biến di truyền của các di thể với môi sinh trong con đường tiến hóa nữa.

Đất Nước và Con Người 

Tùy theo từng lý thuyết về sự cấu thành dân tộc, ta sẽ có một căn cước tính của dân tộc đó khác biệt. Từ trước đến nay đã có nhiều lý thuyết về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Tựu trung ta có thể qui về ba mô thức:

Mô thức 1 :  Cho người Việt là hậu duệ của người từ phương Bắc:

  • Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (6)
  • L’Aurousseau (7)
  • Trần Trọng Kim (8)
  • Đào Duy Anh (9)

Mô thức 2 :  Cho người Hắc chủng ở hải đảo vào đất liền, lai giống với người Mongoloid vốn từ phương Bắc di xuống, là tổ tiên của người Việt. Mô thức này được nhiều giáo sư Đại học Hà Nội [như Phạm Huy Thông (10)] chủ trương. GS. Nguyễn Khắc Ngữ (11) ở miền Nam trước kia cũng có ý kiến tương tự.

Mô thức của chúng ta :  Chúng ta cho hai mô thức trên đều không đúng và có lẽ đều phải đảo ngược lại mới sát với sự thực theo khoa học ngày nay. Thực ra, nếu chấp nhận con người Hiện Đại (Homo Sapiens) trên địa cầu này đều cùng một nguồn gốc duy nhất như khoa học ngày nay đã chứng minh thì người Đông Phi Châu trên đường di chuyển về phương Đông đã đến Đông Nam Á trước khi lên Đông Bắc Á và ra Hải Đảo Thái Bình Dương (12). Nói cho sát sự thực thì mô thức 1 không phải hoàn toàn sai. Nhưng nó chỉ nói lên được cái giai đoạn sau từ khi có sự bành trướng của các đế chế Tần Hán, những người thuộc Văn Hóa Hòa Bình mà sử học gọi là Đại Tộc Bách Việt (thường là những người thủ lãnh hay những ai không chịu sự đồng hóa của nòi Hoa Hán) mới di cư về phương Nam hòa nhập với những dân đã có sẵn ở đó trước. Cao điểm của sự di cư này xẩy ra nhiều lắm chỉ khoảng nửa thế kỷ trước và sau Công nguyên. Nhưng nhiều chục ngàn năm trước đó, khi chưa có đế quốc Tần Hán, khi đại lục Trung nguyên mới vừa qua thời kỳ băng hà, dân cư còn thưa thớt, thì đã bắt đầu có sự di chuyển của dòng người thuộc Văn Hóa Hòa Bình từ Nam lên Bắc mà sau này sử học gọi là Đại chủng Bách Việt.  Như vậy, người miền Bắc là hậu duệ của người Đông Nam Á, người Hải Đảo cũng là hậu duệ của người Đông Nam Á chứ không phải người Đông Nam Á là hậu duệ của người từ miền Bắc di xuống hay người Hải Đảo vào đất liền rồi lai giống với người Mongoloid thuộc miền Bắc di cư xuống mà thành.

Với mô thức này, ta sẽ có một căn cước tính của người Việt có những đặc tính bẩm sinh, khác hẳn với căn cước tính của những người tưởng là người Việt do các lý thuyết từ các mô thức 1 và 2 tạo nên.

Đã là giống người tiền phong, thì họ phải là loại người:

  • Có óc khai phá để tiến bộ chứ không phải óc ỷ lại
  • Óc sáng tạo để sống còn chứ không phải óc bắt chước
  • Dám đương đầu, nhận trách nhiệm, chứ không trốn tránh, nhát chết
  • Dũng mãnh, kiên cường chứ không bịnh hoạn, yếu hèn…

Dưới đây, khi bàn đến ảnh hưởng của văn hóa, ta thử đối chiếu xem tổ tiên người Việt có được những đức tính của giống người tiền phong khai phá này không. Bây giờ, thử xem đến sự hình thành đất nước đã đóng góp những gì trong việc tạo lập căn cước tính của người Việt ?

Gần đây, nếu không kể những âm mưu có ý phủ nhận sự lập quốc lâu dài của Việt Nam (13), hình như cái quan niệm cho rằng Nhà Nước đầu tiên của người Việt (Văn Lang) được thành lập vào đời Trang Vương Nhà Chu (696 – 681 tr. Công Nguyên) đã càng ngày càng phổ thông đến độ một người điều khiển chương trình văn nghệ ở hải ngoại cũng đã nhiễm cái thuyết này rồi (14). Được phổ cập như vậy có lẽ nhờ thuyết này đã được ghi trong cuốn Lịch Sử Việt Nam Tập I, một tài liệu được dùng làm sách giáo khoa cho bậc đại học. Lý do các tác giả sách LSVN đưa ra cũng chỉ là một giả thiết. Không kể những nước mới thành lập gần đây, sự lập quốc thường bắt đầu bằng một công ước, một hiệp định hay hiến pháp, ở những nước cổ xưa mà Việt Nam là một, sự lập quốc thường được kể lại qua huyền thoại. Và cho đến nay hình như chưa nước cổ đại nào phủ nhận cái huyền thoại lập quốc của mình. Huyền thoại lập quốc của Việt Nam là chuyện Hồng Bàng mà người Việt ai cũng biết cũng nhớ cũng tự hào về cái lịch sử hơn 4000 năm dựng nước, 4000 năm văn hiến của mình. Chừng nào chưa có những chứng cớ khoa học thực rõ rệt, không thể bác khước, chừng đó huyền thoại vẫn phải được coi là lý do đáng tin cậy nhất. Các tác giả bộ Lịch Sử Việt Nam, Tập I căn cứ vào quyển Việt Sử Lược chép: “Đến đời Trang Vương nhàChu (696 – 681, tr. CN) ởbộ Gia Ninh cóngười lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng làHùng Vương, đóng đô ởVăn Lang, hiệu lànước Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng mối kết nút, truyền được 18 đời đều gọi làHùng Vương”. 

Và kết luận: Không rõ tác giả Việt Sử Lược căn cứ vào tư liệu nào, nhưng đặt sự ra đời của nước Văn Lang với tư cách là một Nhà Nước phôi thai, vào khoảng thế kỷ thứ VII trước CN tức vào đầu giai đoạn Đông Sơn là phù hợp với những kết quả nghiên cứu hiện nay và được nhiều người chấp nhận” (15). 

Kết luận trên tưởng cần bàn lại. Nếu bảo rằng có nhu cầu thành lập quốc gia là để: – bảo vệ những lợi ích chung (như việc thủy lợi, chinh phục thiên nhiên), trấn áp sự phân hóa xã hội vì có mâu thuẫn giữa các giai cấp, các phe nhóm, và nhất là để tự vệ chống kẻ thù bên ngoài (LSVN, Tập I, trg 97) thì không phải đợi đến đầu thời đại Đông Sơn mà từ đầu thời đại Phùng Nguyên trước đó vài thiên niên kỷ, dân Cổ Việt ở vùng đồng bằng sông Hồng cũng đã có – mà còn có thể có một cách khẩn thiết hơn nữa – vì sau nạn “đại hồng thủy”, xẩy ra khoảng 8000 đến 6000 năm trước, nhận chìm cả một nền văn minh tối cổ, nước biển bắt đầu rút dần (-5500) trả lại đồng bằng tuyệt đẹp cho người Cổ Việt. Lúc đó, dân ở bốn phương, tám hướng trốn chạy nạn đại hồng thủy khi xưa hoặc hậu duệ của họ, lại quay về vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã, để gầy dựng lại quê xưa. Phải chăng lúc đó, họ đã có nhu cầu thành lập quốc gia? Tất nhiên “quốc gia” thời ấy không thể quan niệm như ngày nay là phải có một lãnh thổ xác định, một quốc dân thống nhất, một chính quyền để cai trị và có khả năng bang giao độc lập với các quốc gia khác. Nếu chỉ quan niệm Nhà Nước (tôi xin dùng danh từ này thay cho từ Quốc Gia) khi có một khối dân có đoàn kết. Khối dân ấy phục tùng một thủ lãnh hay một chính quyền duy nhất để, về mặt đối nội, mưu cầu và bảo vệ những ích lợi chung; về mặt đối ngoại, chống kẻ thù muốn đến chiếm đoạt, thì dù vào đầu giai đoạn Đông Sơn hay đầu giai đoạn Phùng Nguyên, chúng ta đều hội đủ. Gia dĩ, nếu cần dựa vào một lý thuyết, thì cái Huyền Thoại Hồng Bàng chẳng đẹp và đáng tin cậy hơn mấy câu chép không bằng cớ trong Việt Sử Lược sao? Nếu bảo rằng đầu thời Phùng Nguyên chưa có bằng cớ về một nhà nước được thành lập, vậy thì đầu thời Đông Sơn ta có đủ bằng cớ rồi sao? Đó là chưa kể ngày nay, nhờ công của những nhà khảo cổ, nhất là từ thập niên 60 thế kỷ trước, khi Viện Khảo Cổ Việt Nam được thành lập, người ta đã tìm được nhiều di vật chứng minh được có một nền văn minh cổ kính, Văn Minh Sông Hồng, độc lập chứ không phải từ phương Bắc truyền xuống. Đó là chưa kể những di vật của nền văn minh Nanhailand (có thể gọi là Văn Minh Sông Hồng cổ được không?) đã bị nạn đại hồng thủy 8000 – 6000 trước CN nhận chìm và hiện phần lớn còn nằm dưới đại dương thì đến nay vẫn chưa được khám phá. Nếu công nhận lúa nước đã được thuần hóa trước khi có nạn đại hồng thủy (hạt lúa tìm được ở Hang Sakai – Thái Lan có niên đại C14 = 9260 BC) thì xem chừng vùng đồng bằng Nanhailand xưa kia đã đạt tới một trình độ văn minh nào đó để chuẩn bị cho một nước cổ đại sớm được thành lập cũng không phải là điều không thể có.

Nay quay lại sử Trung Hoa. Cái năm mà Việt Sử Lược giả thiết và được Lịch Sử Việt Nam đồng ý về việc lập nhà nước đầu tiên ở Việt Nam là thuộc đời Vua Trang Vương nhà Đông Chu còn gọi là Xuân Thu (770 – 475 tr. CN). Lúc đó Trung Hoa có trên 100 nước. Thời Tây Chu, trước đó, còn đến sau Văn Hóa Phùng Nguyên (thế kỷ XI – 711 tr. CN), Trung Hoa đã có đến trên 1000 nước (16). Xem như vậy mỗi nước chỉ nhỏ cỡ một quận hay huyện ngày nay. Vậy tại sao ta không thể có nước từ thời Phùng Nguyên (1850 ± 60BC) mà phải đợi đến thời Đông Sơn (850 ± 120 BC) mới có thể lập quốc?

Các tác giả các bộ sử Trung Hoa thường cố tình quên đi lịch sử của nước Cổ Việt. Đôi khi họ có chép đến thì thường chép với giọng miệt thị. Nhưng thỉnh thoảng đọc được ở chỗ này hay chỗ khác, ta vẫn thấy ngay cả trong thời kỳ huy hoàng nhất của tộc Hoa Hán, những đoạn sử tỏ vẻ khiếp sợ quân dân Lạc Việt : “ … NhàTần ởphía bắc thì mắc họa với người Hồ, ởphía Nam, mắc họa với người Việt.  Trong hơn 10 năm, đàn ông mặc áo giáp, đàn bàphải chuyên chở, khổ sởkhông sống nổi.  Người ta tự tửthắt cổ trên cây dọc đường.  Người chết trông nhau.  Kịp khi Tần Hoàng Đế băng hàthì cảthiên hạ nổi lên chống”! (Tư Mã Thiên, SửKý, q. 112) (17). Điều này có ý nghĩa và tưởng chúng ta không nên bỏ qua trong việc đi tìm căn cước tính Việt nam.

Vai trò của Văn Hóa Văn Minh 

Yếu tố căn bản thứ hai tạo nên căn cước tính của một dân tộc là văn hóa văn minh. Yếu tố này, như trên đã nói, khác với yếu tố dân tộc là đặc tính bẩm sinh rất mờ nhạt, trừ một vài thành tố đặc biệt liên hệ khắng khít với con người như tiếng nói. Các thành tố khác của văn hóa văn minh tạo nên cái căn cước tính được thủ đắc là do quá trình tiến hóa của dân tộc qua tác động của con người với môi sinh. Ở con người, sự liên tác này phải do một kỳ duyên vô cùng hiếm hoi mới có được sự đột biến di truyền. Ở văn hóa văn minh, sự liên tác này xẩy ra thường xuyên do sự biến hóa thường xuyên của xã hội. Nói cách khác, văn hóa văn minh thiết thân liên kết với xã hội, tuy cũng có truyền từ đời nọ sang đời kia, nhưng không theo đường di truyền mà do tập quán, do đó, được xem như một hiện tượng xã hội.

Tổ chức Chính Trị – Kinh Tế 

Nay quay về yếu tố Đất Nước và Con Người. Yếu tố này chỉ có đầy đủ ý nghĩa nếu xét nó trong bối cảnh một xã hội có tổ chức về kinh tế, về chính trị. Con người khác muôn loại động vật ở chỗ nó ý thức được vai trò lịch sử của nó nên luôn luôn muốn đóng vai chủ động trong việc tự làm lấy lịch sử của mình. Những người Cổ Việt đầu tiên, thuộc nhiều bộ lạc khác nhau, từ nhiều phương hướng khác nhau, đã cùng quy tụ về đồng bằng các con sông Hồng, sông Mã, sông Lam … mà nước biển đang rút dần (từ – 5500), trả lại cho họ miền đất sống phì nhiêu. Họ đã tự tìm đến nhau, suy cử một thủ lãnh kiệt liệt nhất lên lãnh đạo để thành lập một Nhà Nước sơ khai. Sự thành lập Nhà Nước như vậy do ý chí hòa bình hơn do chinh chiến can qua, có hình thức như một nước quân chủ, nhưng có động cơ là ý chí dân chủ; mục đích để tổ chức đời sống kinh tế và chính trị chung cho có qui củ mà việc thủy lợi là mối lo đầu tiên; cũng để hợp sức đủ mạnh để dẹp yên giặc giã trong nước và đề phòng sự xâm lấn từ bên ngoài mà mối đe dọa từ Bắc phương đã mỗi ngày một rõ nét.

Chế độ chính trị kinh tế như vậy biểu thị cho một ý chí sống chung của cộng đồng, như sẽ nói rõ dưới đây, và làm rõ nét thêm yếu tố lãnh thổ và con người đã nói ở trên. Đấy là cái nôi, từ đó căn cước tính của dân tộc đã được hình thành và lớn dần qua năm tháng do sự cọ sát giữa con người với môi sinh.

Nông nghiệp: Nguồn gốc thờ Trời 

Yếu tố môi sinh quan trọng nhất coi như đã góp phần cấu thành căn cước tính của người Cổ Việt là sự thuần hóa cây lúa nước. Trái với điều mà sách Tiền Hán Thư đã ghi và đã được nhắc đến trong nhiều tài liệu của người Việt, không phải Nhâm Diên hay Tích Quang dậy cho người Việt mới biết cách trồng lúa nước (18) mà khoa học gần đây đã chứng minh tổ tiên người Việt trong Đại Tộc Bách Việt thuộc Văn Hóa Hòa Bình, đã biết thuần hóa cây lúa nước sớm nhất (C14 = 9260 BC như kể trên) có thể trước cả khi có nạn đại hồng thủy (8000 – 5500 tr. CN). Cũng có nghĩa là dân cổ thuộc Đại tộc Bách Việt ở đồng bằng Nanhailand đã đạt được một nền văn minh khá cao từ trên 9000 năm trước Công nguyên. Chúng ta không lấy làm lạ, cho đến nay, người Việt đã có được một kho tàng kinh nghiệm về canh nông tích lũy được và trình bầy giản đơn qua ca dao, tục ngữ để dễ hiểu, dễ nhớ, nhiều và đầy đủ vào bậc nhất trên thế giới. Trong những câu tục ngữ còn truyền lại, liên quan đến nghề trồng lúa nước, quan trọng nhất có lẽ là câu: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. 

Từ cái biết nước là yếu tố quan trọng nhất cho sự thu hoạch mùa màng, mà nước thiếu hay dư, suy cho cùng là tùy thuộc vào gió mưa, vào thời tiết. Thời tiết tùy thuộc vào khí hậu nói chung mà truy đến cùng đều do một yếu tố căn bản là mặt trời. Do kinh nghiệm hết đời này đến đời khác, một khi người ta đã biết rõ kết quả mùa màng, hay tóm lại, sự đói hay no, họa hay phúc tùy thuộc vào yếu tố quan trọng nhất là mặt trời thì việc thiêng hóa mặt trời tất nhiên phải đến. Hầu hết các dân tộc cổ thời đều biết điều đó. Đặc biệt việc thờ kính trời đất đối với người Việt đã khắc sâu vào tâm khảm đến độ trong bất cứ trường hợp nào, dù hiểm nguy hay hạnh phúc, người Việt cũng buột miệng kêu trời như lúc nào cũng có một ông trời linh thiêng ở bên cạnh mình.

Trời đã thành một biểu tượng, căn cước tính số một của người Việt.

Gia đình: Nguồn gốc của thờ cúng Tổ Tiên 

Sự thuần hóa cây lúa nước, và xa xưa hơn nữa, sự sinh sống bằng săn bắt và hái lượm tại một địa bàn thuộc phổ rộng nhiệt đới, có gió mùa đã đưa đến một kết quả hiển nhiên là tổ tiên người Việt đã sớm định cư và sớm đưa đến sự thiết lập định chế gia đình. Gia đình, đại gia đình, ông bà, cha mẹ, con cháu sống quây quần với nhau, nương tựa vào nhau để chống chọi với thiên nhiên, với muông thú và mưu tìm đồ ăn để sống còn. Không những người ta nương tựa vào nhau lúc sống mà còn cả khi đã chết. Không biết lý do từ đâu, người Cổ Việt đã không đem người già vất vào rừng cho chết để đỡ miệng ăn như một vài dân tộc đã làm mà lại đem người chết chôn ở dưới đất. Nhờ khảo cổ học, người ta đã biết chắc chắn người Cổ Việt có tục chôn người chết từ rất xa xưa (ở Mái Đá Điều có mộ C14 = 19100 ± 150 BP). Xưa nhất là chôn theo lối bó gối, lại biết chôn cùng với tử thi một số đồ tùy táng với hàm ý để người chết (linh hồn người chết) khi đầu thai sang kiếp khác có sẵn đồ mà dùng (19). Điều này chứng tỏ người Cổ Việt tin:

  • Thứ nhất : con người có linh hồn
  • Thứ hai : khi chết, chỉ thể xác mất đi chứ linh hồn sẽ đầu thai thành kiếp khác. Nghĩa là tin vào thuyết luân hồi.

Hậu quả của sự tin tưởng này là tục thờ tổ tiên, thờ ông bà, cha mẹ. Có hai nguyên do cho sự thờ cúng tổ tiên:

  • Thứ nhất : cho linh hồn khỏi bị đói khát trước khi đầu thai sang kiếp khác.
  • Thứ hai : để ông bà tổ tiên vẫn cùng với con cháu tham dự những biến cố lớn trong gia đình. Bởi vậy, khi gia đình có việc như đỗ đạt, cưới gả, ma chay, sinh con, đẻ cái … đều phải biện lễ bẩm báo với tổ tiên hoặc xin phép trước, y như lúc các Ngài còn tại thế. Bề ngoài thì như vậy, ý nghĩa thâm trầm bên trong ràng buộc trách nhiệm của người sống với người chết, mục đích phát triển dòng họ, duy trì tông tộc.

Từ thờ cúng tổ tiên, bước thêm một bước, người Cổ Việt biết thờ anh hùng dân tộc, cao nhất biết thờ Tổ Hùng Vương, người đã gây dựng nên đất nước này. Người thờ người. Đây là biểu trưng của tinh thần nhân bản cao độ mà trên thế giới này, e ít có dân tộc có được cái lối sống đó.

Có phải đây là căn cước tính thứ hai của dân Việt?

Làng xã : Căn nguyên của tinh thần phe nhóm 

Làng xã Việt Nam là một định chế đặc thù, nhờ đó Việt Nam đã chống được sự đồng hóa của Bắc phương, mặt khác đã bành trướng được về phương Nam để giành được mảnh đất sống như ngày nay là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Về ưu điểm của làng xã trong việc dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước thì không ai mô tả rõ rệt như Paul Mus, nhà Việt học người Pháp.  Hãy nghe ông kể: “ Làng xã đã là các yếu tố cấu thành quốc gia Việt Nam và chỉ qua chúng, trong lúc lâm nguy, ta mới có thể hiểu được đất nước và tinh thần dân tộc của họ”. 

“Thực vậy, sự thành công trong suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam là nhờ sự gắn bó keo sơn và dũng cảm của các định chế (làng xã) này.  Sở dĩ được vậy là vì “ … trên chính nền tảng của xã hội Việt Nam, trong suốt dòng lịch sử, đồng lúa đã cung cấp cho xã hội Việt một lẽ sống.  Đồng lúa đã cung cấp nền tảng cho một cấu trúc xã hội bền vững, một kỷ luật tự giác trong vấn đề lao tác và một nhịp điệu cho các lễ hội cộng đồng. Tóm lại, đó là giao ước giữa xã hội tự thân, đất đai và trời”.  Bởi vậy mà “… sự hài hòa giữa người Việt và các điều kiện của hoàn cảnh sống đã đậm sâu đến độ không một chủng tộc nào chặn được bước tiến của họ, cũng như chẳng một lực nào bẩy được họ ra khỏi đất đai của họ. Khi cần chống ngoại xâm thì “… làng mạc Việt Nam, với tất cả dáng vẻ quê mùa của nó, đã trở nên một thánh địa bất khả xâm phạm của đất nước vì các làng mạc ở rải rác khắp nơi chứ không tập trung tại một địa điểm khiến địch quân có thể chiếm giữ như thủđô, lật đổ một triều đại hay khuất phục một vương triều”. 

“Gần giống như Hồi Giáo, nông dân Việt đã  mang theo trọn vẹn cả cuộc sống chứ không  phải  riêng  rẽ  từng  phần  như kinh tế, tín ngưỡng và hệ thống pháp luật.  Người Việt đã xây dựng tại vùng đất đai mới này theo hình ảnh thân thuộc của họ.  Nơi nào cái nếp sống ấy thành công thì người Việt định cư lại nơi đó.  Và theo như kinh nghiệm đã chứng minh, nơi ấy là nơi họ sẽ sống đời”.

“Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, dân binh và làng chiến đấu đã giữ một vai trò chiến lược quan trọng. Danh  từ dân  binh  đã  xuất  hiện  trong  cuộc  kháng chiến chống Nguyên – Mông đời nhàTrần” (20). 

Nhưng nếu làng xã có những ưu điểm và vai trò quan trọng như thế trong lịch sử dựng nước và giữ nước, thì nó cũng có những mặt xấu, những cản trở, những di hại cho tương lai dân tộc. Một trong những nhược điểm của nó, có lẽ nó là gốc rễ của sự phân hóa, một sự phân hóa đã trở thành cố tật, không dễ bứng khỏi lối sống, lối suy tư của người dân Việt. Bởi vậy, ta không lấy làm lạ chỉ trước nguy cơ mất nước vì sự xâm lăng của ngoại bang, người Việt mới chịu đoàn kết với nhau để giữ nước. Trong thời bình, người ta chia phe, chia nhóm, kết bè, kết phái, chửi bới, gấu ó, bôi nhọ nhau, thậm chí đánh nhau cho đến chết. Lúc đó, quốc gia dân tộc chỉ là hình ảnh mờ nhạt, người ta không lấy làm trọng. Cái tinh thần này không biết bắt rễ từ đâu, nhưng xem ra đã là căn bệnh không dễ tìm được thuốc chữa. Có thể vì tổ tiên người Việt đã qui tụ với nhau thành xóm, thành làng rất lâu trước khi Vua Hùng dựng nước.  “Làng cótrước, nước cósau”. Tuy nhiên, đây cũng là điểm chung của nhiều tộc người cổ xưa. Cái khác, có lẽ vì Việt Nam đã có những biến cố lịch sử không giống những xã hội khác làm cho cái bệnh “phép vua thua lệ làng” này trở thành bệnh trầm kha, mà biến thái của nó là bệnh chia rẽ, phân hóa đến thảm hại như ngày nay.

Biến cố thứ nhất là cuộc đô hộ ngàn năm của giặc Tầu. Rất nhiều người vẫn không thể hiểu được tại sao bị đô hộ cả ngàn năm mà dân Việt vẫn giành lại được độc lập, vẫn giữ được văn hóa truyền thống của mình. Nếu người ta biết Việt Nam  chỉ  “mất  nước  chứkhông  mất  làng”  bởi  kẻ  thù  của chúng ta vì những khó khăn nội bộ của họ cũng có, vì ngại hiểm nguy cũng có, đã chỉ kiểm soát đến quận huyện, còn để các làng Việt Nam hoàn toàn tự trị, tự quản nên làng xã vẫn giữ nguyên được tính độc lập của mình. Đôi khi trong những thời chính quốc gặp khó khăn, họ chỉ cần lấy sao cho đủ thuế, đủ tiền cống nạp, còn việc cai trị để dân bị trị toàn quyền lo lấy (21). Đó là điều may cho dân tộc ta. Nhưng bên cạnh cái may cũng có cái không may.   Vì tự trị lâu ngày, nhiều làng xã, nhiều địa phương đã trở thành những tiểu quốc độc lập, có tục lệ, luật pháp riêng, tài chánh riêng, cả dân binh riêng, nhiều khi rất khác biệt với làng xã, địa phương lân cận (22). Đôi lúc vì quyền lợi riêng, những làng xã này tranh chấp với nhau, có thể gây ra đổ máu, thù oán nhau truyền đời nọ đến đời kia. Gốc rễ của sự chia phe, chia đảng, bệnh phân hóa đến không thể hiểu nổi ngày nay một phần cũng bắt nguồn từ nguyên do này!

Biến cố thứ hai là nạn giặc Cờ Đen thời Nguyễn. Dân ta gọi quân Cờ Đen, Cờ Vàng là giặc, nhưng theo triều đình thì đó là quân đồng minh do nhà Nguyễn mời về để đánh lại giặc Pháp. Giặc Cờ Đen đánh Pháp thì ít mà cướp dân làng thì nhiều khiến trở thành một bi hài kịch chưa bao giờ thấy trong lịch sử loài người! Ở đây ta không bàn về khía cạnh lịch sử của vấn đề, chỉ nói đến ảnh hưởng tâm lý của nạn giặc Cờ Đen. Bởi sự tàn ác của quân Cờ Đen đối với dân lành ở châu thổ Bắc Việt đến độ không bút nào tả xiết và bởi “giặc” đó là quân đồng minh được triều đình biệt đãi nên sự nghi kỵ oán hận của dân làng với triều đình nhiều nơi đã thành một nỗi oan nghiệt khó biện minh.

Các làng xã trước kia đã tự trị nay lại càng phải tự quản hơn để sinh tồn. Và nỗi phân hóa giữa làng với làng trước kia, nay khoác thêm sự phân hóa giữa làng với nước. Cái nọc độc phân hóa này đã trở thành “thâm căn, cố đế” trong đầu óc một số người, cần phải tìm được toa thuốc thích hợp mới mong tiêu trừ tận gốc.

Thiên nhiên : Người thày (Guru) khai đạo 

Tổ tiên người Việt thuộc một trong những giống chủng (human races) văn minh đầu tiên trên địa cầu. Đã là người đi tiên phong trên đường đến văn minh thì trước họ đâu có ai để mà học. Do đó, để thoát khỏi thời kỳ mông muội, họ chỉ còn cách phải tự tìm học nơi thiên nhiên. Thiên nhiên hay môi trường sinh thái, chính là người sư phụ (Guru) đầu tiên, người thầy khả kính, khả tín của họ.

Tôi xin đan cử vài vị “sư phụ” gần gũi nhất với người Cổ Việt để biết họ đã thủ đắc (acquired) được những gì giúp cấu thành cái dân tộc tính độc đáo của mình. Bởi bài học các bậc sư phụ thiên nhiên này dậy cho thường có hai mặt, mặt tốt và mặt xấu hay mặt tích cực và tiêu cực nên tùy thời đất nước thịnh hay suy, cái thủ đắc được kia sẽ tạo ra những con người tốt thì cực tốt mà xấu cũng cực xấu.

Trước hết xin nói đến “sư phụ” nước 

Ai trong chúng ta cũng biết nước giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống con người. Riêng đối với người Việt thì, như trên đã nói, nước còn quan trọng hơn bất cứ nơi nào vì tuyệt đại đa số dân Việt không những từ ngàn xưa, mà ngay cả ngày nay vẫn sống bằng nghề nông, nghề trồng lúa nước. Hằng ngày người dân sống với nước, nghĩ về nước nên hiểu rõ những đặc tính của nước.

Đặc tính căn bản nhất của nước là không hình, không thể. Vì không hình thù nhất định nên nước đến đâu thì theo hình thù ở nơi đó:

bầu thì tròn, ở ống thì dài 

Vì không có thể dạng nhất định nên tùy theo thời tiết, lúc nó là thể lỏng, lúc biến thành hơi, lúc đóng thành băng (thể đặc). Có nhiều hình thể như vậy nên nước biến hóa khôn lường:

Có lúc nó khiêm cung từ ái như nước hồ thu.

Có lúc nó cuồng nộ, ác độc như nước trong cơn bão tố, trong nạn Đại hồng thủy.

Sạch thì không có gì sạnh hơn nước, đúng như câu thơ: Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết

Mà bẩn thì cũng không có gì bẩn hơn nước khi trong nó có hòa tan những chất dơ dáy nhất của người đời.

Khi bốc hơi nó thăng hoa đến tận trời xanh.

Khi lắng đọng nó luồn lách vào cõi thâm u nhất trong lòng đất lạnh.

Ôi! Kể làm sao cho hết những đặc tính của nước và vì vậy cũng kể sao cho hết những bài học mà “sư phụ nước” đã dậy cho con người! Những bài học ấy lúc thịnh thời, đã tạo ra những con người quý, những đức tính quý, những “căn cước tính” cao thượng như: Sống bao dung, không chấp, khiêm cung, từ ái, nhẫn nhục, trong sạch, cao thượng, linh động thích ứng …

Gặp thời mạt vận, bài học kia sẽ lại chỉ vẽ cho những con người ấy thành những kẻ phản phúc, lừa đảo, dơ bẩn, theo thời, luồn lọt, xấu xa, hèn mạt, không tư cách …

Thứ nhì, sư phụ thuộc ngành thực vật: cây tre 

Có một vị Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, khi đi công du, mang theo cái huy hiệu cho riêng mình hình khúc tre với khẩu hiệu”tiết trực, tâm hư” (23). Lòng ngay thẳng mà tâm không tà, không mưu cầu cái lợi cho riêng mình. Trong quan niệm cổ xưa, cây trúc, cây tre là tượng trưng cho người quân tử là vậy.   Chúng ta không biết cây tre đã có từ thời nào, nhưng nó gắn liền với nông thôn từ thủa rất xa xưa. Có làng xã là có cây tre, và lũy tre xanh đã là hình ảnh của làng xã, là biểu trưng cho quê hương yêu dấu.

Thông thường, nhất là ở miền Bắc, làng nào cũng có lũy tre xanh bao bọc, nhiều khi dầy đến hàng mươi thước (24). Lũy tre xanh như vậy đã thực sự có vai trò một thành lũy kiên cố. Và mỗi làng xã Việt Nam thực sự đã là một pháo đài riêng biệt có thể tự lo việc mưu sinh trong thời bình và tử thủ trong thời chiến. Chỉ nội việc đó cũng cho thấy vai trò của cây tre quan trọng như thế nào trong đời sống người dân Việt cũng như trong lịch sử nước Việt.  Công dụng của nó thì nhiều vô kể, lớn thì có thể dùng tre để xây lũy, đắp thành. Nhỏ có thể xẻ ra làm cây tăm giúp vứt bỏ những đồ ăn thừa còn kẹt ở kẽ răng! Còn về ý nghĩa, “sư phự” tre này đã dậy cho dân ta những bài học gì?

Đây là một loại cây hình tròn, có đốt, rỗng ruột, cao nhiều khi đến vài ba chục thước. Đặc điểm của nó là dẻo dai vô cùng: cầm đầu một cây tre, vít kéo nó xà xuống mặt đất, khi buông tay nó lại bay lên thẳng tắp trên nền trời mà không bị gẫy.  Thân tre, như trên đã nói, rất đa dụng: để nguyên, thân tre có thể làm kèo nhà cột chặt, chẻ ra thành mảnh, có thể ken lại thành vách nhà che nắng che mưa; có thể dùng để đan rổ, dá, nong, nia, vò, trũm; cũng có thể kẹp thành thuyền đi dưới nước; làm cung tên, khí giới săn bắn hay phòng vệ chiến tranh … nghĩa là làm đủ mọi việc.

Theo nhiều nhà khảo cổ, những khuôn làm đồ gốm bẩy, tám ngàn năm trước đã làm bằng tre. Có thể tre đã được dùng làm dụng cụ chế biến, dụng cụ sản xuất từ thời kỳ đồ đá trên 10 ngàn năm trước! Chỉ tiếc tre không đủ độ bền để lại những chứng tích lâu như vậy. Và đó cũng là nhược điểm chính của tre.

Bài học cây tre dạy cho dân tộc ta cũng nằm trong yếu tính đó: dẻo dai, quật cường, đa năng không dễ bị khuất phục nhưng cũng có thể trở thành hèn hạ,luồn cúi, cong lưng uốn gối hạ mình cầu sinh .

Thứ ba, sự phụ thuộc ngành động vật: con trâu 

Con trâu là người bạn không thể thiếu của nông gia Việt Nam. Nó được thuần hóa từ thời nào thì khảo cổ Việt Nam chưa có câu trả lời nhất định. Khảo cổ học ở Trung Quốc đã tìm thấy xương trâu hóa thạch ở Ho-mu-tu quê hương của Việt Vương Câu Tiễn vào khoảng độ 6000 năm trước Công nguyên (25). Người ta ghi nhận đây là dấu vết của Văn Hóa Hòa Bình từ phía Nam đưa lên. Chúng ta đã biết khảo cổ học đã tìm thấy hạt gạo ở Hang Sakai có trước cả nạn Đại hồng thủy (8000 – 5500 năm tr. CN). Vậy cũng có thể giả thiết trâu đã có ở quê hương Cổ Việt từ trước nạn Đại hồng thủy. Đây là một loại động vật ăn cỏ, hiền lành, lớn cỡ một chiếc xe hơi trung bình, cân nặng có khi đến vài tấn. Nếu chưa được thuần hóa, trâu hoang sống thành từng bầy. Trâu là con vật thân thương, người bạn không thể thiếu của nông gia Việt Nam. Không biết tự bao giờ, ca dao đã nhắn nhủ:

Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta

Bình thường trâu ngoan ngoãn nghe theo lời chủ, nhưng cũng có khi trâu dở chứng:

Sáng tai họ mà điếc tai cầy 

“Họ” là tiếng người nông dân ra lệnh cho trâu ngừng nghỉ, còn “cầy” là tiếng giục giã trâu kéo cầy. Khi đã lười thì dù có giục nó cũng lờ đi như điếc không nghe, nhưng vừa nói “họ” nó nghe thấy là ngừng lại ngay.

Bài học nào trâu đã dạy cho người? Dẻo dai, siêng năng, cần cù, dễ bảo. Chấp nhận kỷ luật, làm việc cực nhọc mà không phản kháng.

Bài học xấu nhất mà trâu để lại cho người là biết sống thành bầy mà không biết đoàn kết. Nhiều người chúng ta ở Úc đã được xem chương trình truyền hình “Around the world”, bầy trâu bạt ngàn đang ăn cỏ mà bị mấy con hổ, nhỏ hơn, yếu hơn nhiều, xé lẻ từng con trâu mà ăn thịt. Trong trường hợp này phải ít ra ba con hổ mới làm thịt được một con trâu; con cắn cổ ghìm chặt đầu trâu lại, con cắn đuôi để giữ trâu không vùng vẫy được và con thứ ba nhảy lên lưng cắn cho đến khi trâu kiệt lực quỵ xuống, hổ mới bâu vào xâu xé ăn thịt trước mặt những con trâu khác trố mắt ra mà nhìn, chứ không can thiệp.

Có phải bài học này đã đưa đến những câu tục ngữ như “anh em kiến  giả nhất  phận”  hay  “đèn  nhà nào  nhà ấy  rạng” không?

Thật đáng buồn cho một con vật hiền lành, hữu dụng chăm chỉ “tử tế” như vậy mà lại có một nhược điểm lớn như thế!

Người Cổ Việt còn học được nhiều bài học khác ở thiên nhiên. Có thể khởi thủy, những bài học này thường là những bài học tốt, tạo được cái căn cước tính tốt. Nhưng qua quá trình tiến hóa và thích ứng kéo dài hàng nhiều thiên kỷ trong không gian địa lý và môi sinh khắc nghiệt, nhất là trong thời gian lịch sử nhiều biến cố bất hạnh, cái phần thủ đắc được đã thêm vào hoặc làm biến đổi đi cái phần bẩm sinh (immate) để đến nỗi có người Việt Nam ngày hôm nay chẳng giống chút nào với người Việt đời Vua Hùng hay thời Lý Trần.

Tiếng nói và ý chí sống chung 

Tiếng nói và ý chí muốn sống cùng nhau trong một cộng đồng, cái nào là yếu tố tiêu biểu cho căn cước tính dân tộc? Cái nào là yếu tố quyết định cho sự tồn tại của dân tộc? Đây là vấn đề đã gây thành cuộc tranh luận một thời giữa hai phái triết học tư tưởng Đức và Pháp hai bên bờ sông Rhin. Đại diện cho phía tư tưởng Đức là triết gia Fichte. Ông viện dẫn tư tưởng của các triết gia từ Bacon đến Vico, Leibnitz để đưa ra lời khẳng định: “Những kẻ nói cùng một thứ tiếng là một đoàn thể mà tạo hóa đã liên kết với nhau bằng những sợi dây phức tạp và vô hình” (26).  Để làm mạnh thêm cho lập trường này, một Viện sĩ Hàn Lâm Viện Đức, Ông Rohr đã hùng hồn lên tiếng: “Chúng tôi gọi một dân tộc cái bản ngã chung mà tính cách riêng biệt thì căn cứ vào tiếng nói, vào chính cái phương tiện tinh thần nó đã tạo ra cái quan niệm của chúng ta về thế giới và về nhân loại.  Sự tranh đấu của dân tộc Đức làs ự tranh đấu cho ngôn ngữ.  Những biên giới dân tộc ngày nay trước hết đi theo với biên giới ngôn ngữ.  Kẻ nào cho con cái mình trưởng thành ở một tiếng nói ngoại quốc thì kẻ ấy đã làm quàcon cháu mình cho một dân tộc khác.  Vận mệnh của ngôn ngữ chính là vận mệnh của dân tộc” (27).

Để giành lại những lãnh thổ của mình ở biên giới Đức mà chẳng may đa số dân trên đó lại nói tiếng Đức, các triết gia người Pháp tất nhiên không đồng ý với lý luận trên. Họ dựa ngay vào thực tế lịch sử như nước Anh, nước Mỹ, hai nước khác nhau mà cùng nói một ngôn ngữ, hay Thụy Sĩ ngay kế bên nước Đức mà công dân nói bốn thứ tiếng khác nhau, để phản bác các tư tưởng gia người Đức. Đại diện cho các tư tưởng gia này là Renan, dựa trên thuyết tâm linh về dân tộc tính, tuyên bố: “Một dân tộc là một linh hồn, một nguyên lý tâm linh” (28).

Linh hồn ấy bao trùm hết thẩy, từ quá khứ đến hiện tại và cả những dự phóng tương lai. Ở quá khứ, đó là tất cả những kỷ niệm sống chung dù vinh quang hay tủi nhục. Nó bắt rễ từ những tháng năm xa xăm mờ mịt, theo dòng thời gian, trải hết đời nọ đến đời kia với biết bao hi sinh, bao nhiêu nỗ lực, mồ hôi, nước mắt và cả xương trắng máu đào. Những gương trung trinh báo quốc, những lời khẳng khái, đanh thép. Tất cả hội lại là một gia tài vô giá, cái vốn liếng tinh thần làm nền móng cho lý tưởng quốc gia dân tộc. Ở hiện tại, đó là sự chung sức, chung lòng cùng lo bảo vệ bờ cõi tổ tiên để lại, lo gìn giữ hương hỏa tiền nhân, lo có được cuộc sống tự do no ấm. Tóm lại, nguyện một lòng cùng nhau sinh tử cộng tồn. Và nhất là một ý chí chung, một nguyện vọng bất phân cùng nhau xây dựng tương lai cho cá nhân mình cũng là cho đất nước mỗi ngày một rạng rỡ, một hưng thịnh hơn.

Tất nhiên một cuộc tranh chấp như vậy không thể đưa đến kết quả có kẻ thắng người bại. Bảo rằng quan niệm của Renan là quá trừu tượng, làm gì có linh hồn chung của dân tộc u? Nhưng cũng không ai phủ nhận được sự thực lịch sử là quốc gia sở dĩ tồn tại là nhờ biết bao con dân đất nước đã hi sinh tất cả, sẵn sàng chịu chết để cho đất nước trường tồn. Vì lý do gì? Bởi người ta tin đất nước là thiêng liêng bất diệt, vượt khỏi không gian, thời gian. Và không gì biểu trưng rõ hơn linh hồn chung của dân tộc bằng lời thơ của Trần Nhân Tông sau hai lần đại thắng Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi như sau:

Đất nước hai lần đau ngựa đá
Non sông muôn thuở một âu vàng
 

Đau ngựa đá là đau lòng con ngựa bằng đá, ở đây tiêu biểu cho lăng tẩm nhà Trần, nghĩa là tiêu biểu cho cả những người chết, cùng với người sống đã chịu chung gian khổ trong cuộc kháng chiến cam go vừa trải qua như có cùng một linh hồn chung: linh hồn dân tộc.

Nhưng nếu bảo thuyết của Fichte là không thực tế, thì người ta cũng không thể phủ nhận. Về phương diện khoa học, tiếng nói và tộc người có cùng một gốc, và cả gene tiêu biểu cho tộc người lẫn tiếng nói đều được truyền theo đường dọc, từ cha mẹ cho con cái. Khi một chủng tộc có sự biến đổi thì biến đổi ấy có ngay ở cả hai: ở gene và ở tiếng nói (29). Tuy nhiên, gene chỉ truyền từ cha mẹ đến con cái trong khi tiếng nói có thể truyền qua nhiều cách khác vì tiếng nói, nói chung văn hóa, là sản phẩm của xã hội (30).

Như vậy, xem chừng phải coi cả tiếng nói (ngôn ngữ), cả ý chí sống chung như một dân tộc có linh hồn chung đều là yếu tố không thể thiếu của căn cước tính, của dân tộc tính vậy.

Truyền thống 

Những tính bẩm sinh hay thủ đắc được qua quá trình xây dựng và tiến hóa của lịch sử ấy đã được tổ tiên ta chắt chiu, công thức hóa và gửi gấm vào các huyền thoại, tục ngữ, ca dao, các ngày hội hè, lâu dần thành tập tục truyền thống, tạo được một cái hồn trong đời sống thường nhật của dân ta.

Huyền thoại thì như chuyện Hồng Bàng, Quốc Tổ kép Tiên Rồng, một Mẹ sinh trăm trứng, nở cùng một lượt ra trăm con, vừa truyền dậy cái nghĩa đồng bào thắm thiết vừa nói lên cái tính bình đẳng cố hữu của dân ta. Chuyện Trần Cau đề cao tình gia đình, chồng vợ, Chử Đồng Tử nêu cao nghĩa cha con, giữ nước có chuyện Thánh Gióng, dựng nước có chuyện Hồ Tinh, Ngư Tinh, Mộc Tinh, quản trị đất nước có chuyện

Bánh Chưng Bánh Dầy; trách việc mất nước thì như Mỵ Châu – Trọng Thủy. Huyền thoại còn khắc sâu vào hồn dân ta các tín ngưỡng trong đời sống tâm linh, chết là chưa hết (Chử Đồng Tử), luân hồi (Quả Dưa Đỏ) để ta hiểu được trong Thiên Địa, vạn vật cùng một thể, con người có địa vị cao quý ngang hàng Trời Đất (Bánh Chưng Bánh Dầy), khi thăng hoa có thể hợp cùng Trời Đất tạo cảnh Thái Hòa (chuyện Trầu Cau), như Nguyễn Công Trứ sau này còn nhắc: Linh khâm bảo hợp Thái Hòa (cái linh thiêng sẵn có trong lòng mình hòa hợp với đại hòa điệu của vũ trụ làm Một).

Những “căn cước tính” trên đã được nhắc đi nhắc lại hàng năm qua các ngày hội mùa, các ngày Tết của dân tộc, nhất là được nhắc nhở hàng ngày bằng tục ngữ, ca dao.

Lúc cao thâm như:

Con ơi nhớ lấy Đạo Ba

hoặc:

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn 

Lúc thực tế như:

Có đi có lại mới toại lòng nhau

hoặc:

Một sự nhịn bằng chín sự lành

Vượt lên trên tất cả là cái tình người:

Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình

hay:

Tranh quyền cướp nước chi đây
Coi nhau như bát nước đầy là hơn
 

Lâu ngày, những đặc tính ấy cũng nhiều cái có thể vì tam sao thất bản, đã được hiểu sai lầm. Cái tốt có khi đã trở thành cái xấu, điều cao thâm vời vợi có khi đã trở thành mê tín dị đoan. Và làm sao biết được bao nhiêu lời nhắn nhủ khôn ngoan tâm huyết của tổ tiên nay đã đi vào quên lãng.

Nhìn về bản sắc dân tộc để phát hiện được hết những đặc tính, hết cái căn cước tính, qua đó để có được cái Hồn chân chất của dân tộc, quả là công việc phải lắm công phu và phải làm với cả tấm lòng thành khẩn nhất.

Trước khi đi đến kết luận, tôi xin ghi vài nhận xét coi như căn cước tính của người Việt dưới mắt người ngoại quốc.

Thí dụ :

“Người Việt sống trong một bầu không khí siêu nhiên” 

Câu nhận xét trên là của một nhà Đông phương học, Linh mục Leopold Cardière, đã sống tại Việt Nam rất lâu năm, viết trong “Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiennes” (31).

Nhận xét ấy có thể hiểu theo hai nghĩa, một nghĩa xấu và một nghĩa cao đẹp vô cùng.

Nghĩa xấu là nghĩa khi cho sống trong bầu không khí siêu nhiên là sống trong bầu không khí tin ở khắp mọi nơi từ gốc cây, hòn đá, một vực sâu, một ngọn núi cao, thậm chí một hốc cây, một gò đất cũng là nơi thần ở, cũng cần cầu cúng, cũng phải úy kỵ, e thần linh nổi giận có thể đem đến những chuyện chẳng lành, bệnh tật, tai nạn, chết chóc … Tóm lại, sự tin tưởng đa thần này có thể coi như bắt nguồn từ sự sợ hãi khởi đầu cho sự mê tín thường được coi là thói tục của các dân bán khai, chưa trưởng thành về phương diện trí tuệ.

Trái với sự hiểu biết theo cái nghĩa như trên, khi cho “song trong bầu không khí siêu nhiên” là sống với cái tâm hồnnhiên, coi vạn vật cùng một thể. Người dân sống trong bầu không khí siêu nhiên là người dân còn giữ được đầy đủ cái bản ngã hồn nhiên như trẻ thơ, còn coi “vũ trụ còn đầy đủ ở ta” (Vạn vật gia bị ư ngã – Mạnh Tử), và vì vậy, dễ có được cái khả năng vươn lên khỏi cái cá nhân tù túng, chật hẹp để hòa mình vào cõi vô biên, cái đại hòa điệu của vũ trụ (Linh khâm bảo thái hòa – Nguyễn Công Trứ).  Tóm lại, “Người Việt sống trong bầu không khí siêu nhiên”, có thể hiểu là hay có tính mê tín dị đoan, thích cầu cúng như Tôn Quy Hiếu đã nhạo:

Đồng Cổ chỉ Man ca
Nam Nhân kỳ trại đa
!
(Trống đồng và bài hát của Man
Người Nam cầu cúng nhiều)

cũng có thể cho là tiêu biểu cho cái bản năng siêu đẳng hiểu rõ được cái nguyên lý vạn vật cùng một thể (Thiên địa dữ ngã tịnh sinh – Vạn vật dữ ngã vi nhất – Tề Vật Luân, Tang Xi) nhờ đó luôn luôn cởi mở để đón nhận và hòa đồng mọi luồng tư tưởng tôn giáo đến với mình như trước kia đã đón nhận và tổng hợp được Phật, Lão, Nho thành tôn giáo đồng nguyên truyền thống của dân tộc ta vậy.

Hay một nhận xét rất phổ thông khác :

Trong mỗi người Việt có một ông quan 

Câu nhận xét trên được lưu truyền trong thời thuộc Pháp. Chắc ngày nay phải đổi cụm từ “một ông quan” ra “một lãnh tụ”! Nhận xét này chắc chắn không có nghĩa tốt ở chỗ nào. Càng không thể truy tìm cái tư tưởng gớm ghiếc đó đã phát sinh trong trường hợp nào. Chắc chắn nó chưa có từ thời Vua Hùng. Nó cũng không thể có trong thời Lý, Trần. Nhưng rõ ràng là nó đang hiện hữu. Và không dễ gì triệt tiêu nó đi được!

Trên đây là một số ý kiến ghi vội chung quanh vấn đề căn cước tính Việt Nam. Còn nhiều điều phải bàn đến. Trong những điểm cần tìm hiểu, có hai vấn đề sau cần đặc biệt lưu ý:

Thứ nhất : phải phát hiện và xiển dương những tiềm năng (potential). Có thể duy trì cái căn cước tính của dân tộc Việt Nam đã biệt hóa tạo thành qua quá trình xây dựng đất nước, và,

Thứ hai : phải đề ra được những biện pháp phòng vệ thích đáng hầu có thể chống nguy cơ hao mòn căn cước tính ấy của dân tộc.

Cái Tâm Việt, Hồn Việt nằm ở trong căn cước tính, dân tộc tính. Hiện tại nó đang vô cùng èo uột. Phải tìm cách khai quật nó, vực nó lên và đó không phải là công việc của vài ba người. Vì vậy, chúng tôi đề nghị đem vấn đề này ra trước Hội Nghị hôm nay để chúng ta cùng phân công nghiên cứu. Lại phải phổ biến nó trên các mạng lưới, các cơ quan truyền thông để mời gọi tất cả những ai có cùng chí hướng, chung sức chung lòng cùng nhau làm công việc phát hiện này. Tất cả ý kiến sưu tầm được hoặc sẽ được công bố dần trên tờ Tư Tưởng, hoặc đúc kết sẵn chờ sẽ công bố ở buổi họp mặt năm sau. Và mọi tham luận sẽ được đăng vào kỷ yếu hàng năm để làm cơ sở cho công cuộc phục hưng văn hóa của dân tộc.

°°°

GS. Trần Văn Đoàn ở Đại học Quốc Gia Đài Loan đã đề ra một lịch trình làm việc để phát hiện và xây dựng Việt Triết rất hay. Xin trích đoạn cuối, việc thành lập các nhóm Nghiên Cứu, để làm tài liệu suy ngẫm (32).

“Thành phần các nhóm nghiên cứu, phiên dịch, biên soạn và tài chánh cũng như xuất bản:

1. Nhóm nghiên cứu 

Mỗi nhóm chừng năm thành viên, có tính cách chuyên môn. Nhóm có thể nới rộng tới mười thành viên tùy theo đòi buộc và nhân lực. Những nhóm này bao gồm:

  1. Nghiên cứu về ngữ học
  2. Nghiên cứu về tôn giáo
  3. Nhóm Việt Nho
  4. Nhóm nghiên cứu về huyền thoại
  5.  Nhóm nghiên cứu về văn chương bình dân (như ca dao, vè, đối …)
  6. Nhóm nghiên cứu văn chương bác học
  7. Nhóm nghiên cứu về đạo đức học
  8. Nhóm nghiên cứu về lịch sử
  9. Nhóm nghiên cứu về chính trị
  10. Nhóm nghiên cứu về kinh tế
  11. Nhóm nghiên cứu về xã  hội
  12. Nhóm nghiên cứu về âm nhạc
  13. Nhóm nghiên cứu về nghệ thuật
  14. Nhóm nghiên cứu về khoa học
  15. Nhóm nghiên cứu về kỹ thuật 

2. Nhóm phiên dịch 

  1. – Phiên dịch triết Tây phương như Plato,  Aristotle, Augustin, Thomas Aquinas …
  2.  Tư tưởng cận đại như Descartes, Kant, Hegel, Locke, Hume, Rousseau, Schelling, Fichte, Nietzche, Kierkegard …
  3.  Tư  tưởng  hiện  đại  :  (a)  triết  Đức  như  Heidegger, Jaspers, Habermas … (b) triết  Pháp như Satre, Merieau Ponty, Marcel, Levi Strauss, Ricoeur, Foucault, Derrida… (c) triết Anh như Russell, Wittgenstein, Whitehead, Quine, Pierce, Dewey … (d) triết Tầu như Phùng Hữu Lan, Hùng Thích Lập, Phương Đông Mỹ, Đường Quân Ý …
  4.  Các  tác  phẩm  kinh  điển  tôn  giáo,  thần  học  (một phần đã được các tu sĩ Dòng Tên tại Balê, và Tiến sĩ Vũ Kim Chính, Đại học Phụ Nhân, Trung Hoa thực hiện).
  5.  Các tác phẩm kinh điển về chính trị học như Quân Hoàng  của  Machiavelli,  Cộng  Hòa  Quốc  của  Plato, Xã  Ước  của  Rousseau,  Lý Tưởng  Quốc  của  Thomas More (Utopia) …
  6.  Dịch các bộ triết sử của Copleston, E. Brehier, L. Wildelband, vàN. Abbagnano …

 

3. Nhóm biên soạn 

Nghiên cứu về các đề tài bao gồm các đề mục trên, mục đích đưa  Việt  triết  vào  trong  quỹ đạo  hoàn  vũ.   Những  nhóm nghiên  cứu  này  được  thành  lập  tùy  theo  sự  đòi  buộc  của hoàn cảnh, hội nghị quốc tế, hay nhà xuất bản … 

4. Nhóm xuất bản 

Nếu có thể thành lập một nhà xuất bản có tính cách chuyên nghiệp,  phát  hành  một  tạp chí  nghiên  cứu  xuất  bản  thành quả của các nhóm nghiên cứu hay dịch thuật trên.  Sau đó có thể chọn lọc theo đề tài để xuất bản thành sách cống hiến cho giới trí thức nước nhà và những người nghiên cứu ngoại quốc, các thư viện, trung tâm văn hóa … 

5. Nhóm (ủy ban) kinh tài 

Ủy ban được thành lập với những nhân sĩ uy tín bao gồm học giả, chuyên gia, thương gia và đại diện tôn giáo …  Ủy ban này chọn nhân viên điều hành, kinh tài (qua các hoạt động văn hóa, chuyển khoản, hay đầu tư), và giúp các nhóm chuyên viên nghiên cứu, tổ chức hội thảo, xuất bản thành quả… 

Trong giai đoạn hiện tại, chúng ta không thể tiến hành một cách  đại  quy  mô,  song  có thể đi  từng  bước  với  một  nhóm nghiên cứu.  Nếu thành công chúng ta cóthể thành lập một Chi-Kim-Hội (Foundation), và sau đó tiến tới việc thành lập một trung tâm nghiên cứu Việt học (tương tự như Hàn Lâm Viện) hải ngoại”. 

Nếu có đủ phương tiện để thực hiện được việc nghiên cứu như trên thì là điều rất hay. Chúng ta ước mong có thể thực hiện được, dù chỉ một phần những đề nghị trong dự án này. Trong hoàn cảnh của những người Việt tha hương, sống rải rác khắp mọi nơi trên mặt địa cầu, như chúng ta ngày nay, tưởng lối làm việc trên có thể hơi vượt khỏi tầm tay mình. Gia dĩ, như đã nói nhiều lần, văn minh Việt Nam là một nền văn minh chìm. Có phương tiện và làm việc bài bản củng chưa chắc đă phát hiện được, đã khai quật hết những đặc tính tổ tiên mình muốn che dấu, khảm sâu vào đời sống con dân mình.  Có lẽ cái phương thức thực hiện Tủ Sách Nghiên Cứu Việt Học có khi lại hữu hiệu trong hoàn cảnh như chúng ta, những người Việt ly huơng sống đã xa cách nhau lại ít phương tiện. Gia dĩ, việc khai quật những kho tàng tổ tiên cất giấu trong các làng xã dưới hình thức các bản thương ước, trong các đền chùa dưới dạng các phổ, trong gia phả các gia đình thế phiệt hay trong dân gian qua nếp sống cần cù không phải là việc cứ có tiền là làm được.

Và sau hết, nhưng có thể lại quan trọng nhất là muốn tìm được của báu tiền nhân để lại phải có sẵn cái Tâm Việt, Hồn Việt, bởi nếu, như lời GS. Dương Đăng Bảng đã nói ở trên, đi tìm dân tộc tính mà không có Hồn Việt thì như “Người đi tìm tình yêu mà không cótrái tim”. 

André Siegfried trong Hàn Lâm Viện nước Pháp đã nói rất đúng: “Trong m lý các dân tộc có một căn bản bất biến, nó luôn luôn biểu hiện ra: về nhiều điểm, chúng ta (người Pháp ngày  nay)  còn  giống  với  tổ  tiên  Gaulois  của  chúng  ta,  và những đặc tính mà sử gia Tacita thời La Mã ghi nhận được ở các dân tộc Man di, hay các dân Do Thái thời đó, thì nay cũng còn nhận thấy được ở dân Đức, dân Do Thái ngày nay” (L’Âme des Peuples) (33).

Căn bản tâm lý bất biến ấy là gì?

Thưa đó chính là linh hồn của dân tộc nằm trong căn cước tính, trong dân tộc tính, là ý thức, là sợi dây truyền thống bất phân, bất đoạn (34).

Chúng ta hôm nay có mặt nơi đây, xin mỗi người hãy góp một tay để nối sợi dây bất tuyệt ấy, kể từ Quốc Tổ Rồng Tiên, qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, đến con cháu muôn đời, muôn kiếp về sau.

CUNG ĐÌNH THANH
Tập san Tư Tưởng.
Tranh minh họa: Tôn Bùi.


Chú thích:

  1. –  Tập San Tư Tưởng số 26, tháng 4/2004, trg
  2. – Thư cho tác giả, ngày 10/01/2004.
  3. Choice Magazine, 1997, Australian Consumers’ Association.
  4. – Fact Sheet No. 14, NSW Genetic Eche:
  5. – “.. . All yours DNA is in nearly cell in your body. It influences things that make up personal identify: height build, skin colour, intelligence and possibly prepensity for some behaviours such as alcholism. Your genetic make up stays with you all your life it cannot be changed” – Imformation paper No. 5, Sep 1996, Privacy Commissioner Human Rights Australia.
  6. –  Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Tập I, nxb KHXH Hà Nội, 1983, trg 116 – Kỷ Hồng Bàng.
  7. – L’Aurousseau, “La première conquête Chinoises des pays annamites, Notes sur les origines du peuple annamites”, BEFEO XXIII, 1923, trg 263 – 264, bản dịch của Nguyễn Đăng Thục, Lịch SửTư Tưởng Việt Nam, Q.I, trg 23.
  8. –  Trần Trọng Kim, Việt Nam SửLược, nxb Tân Việt Saigon, 1958, trg
  9. – Đào Duy Anh, Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Quan Hải Tùng Thư, nxb Thế Giới Hà Nội, 1950, trg
  10. – Phạm Huy Thông, KCH 1984/1 – 2, trg
  11. – Nguyễn Khắc Ngữ, Nguon goc dan toc Viet Nam, Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa, 1985, trg
  12. – Tất cả các ngành khoa học ngày nay đều thiên về thuyết này (khảo cổ học, ngôn ngữ học, di truyền học, nhất là phần biển tiến và lúa nước).
    Xin đọc Cung Đình Thanh, Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học, nxb Tư Tưởng, 2003  –  các chương 12 : Vua Hùng dựng nước (từ trg 302 – 333) và chương kết : Những chứng cớ khoa học mới soi sáng thêm nguồn gốc văn minh và nguồn gốc dân tộc Việt (từ trg 483 – 509).
  13. –  Keith W. Taylor,  Cái nhìn mới về Việt Nam, tài liệu của Đài BBC Vietnamese Cons, ngày 26/03/2003.
  14. – MC Nguyễn Ngọc Ngạn, nói trong chương trình Thúy Nga Paris by Night: “ … Vâng, đầu tiên lập quốc là 4000 năm văn hiến. Bây giờ thì những tài liệu sử mới nhất người ta chứng minh là chỉ có 2700 năm thôi, mặc dù là chúng ta học bao nhiêu năm nay, nhưng mà mỗi ngày người ta có một khám phá mới, thì người ta tìm ra như vậy…”
  15. –  Lịch SửViệt Nam, Tập I, in lần thứ  II , nxb ĐH và THCN Hà Nội, 1985, trg 103.
  16. –  Lịch sửViệt Nam, Tập I, sđd, trg
  17. –  Lịch SửViệt Nam, Tập I, sđd, trg 136, chép theo SửKý của Tư Mã Thiên, Q.
  18. –  Trần Trọng Kim, Việt Nam SửLược, sđd.
  19. – Cung Đình Thanh, Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học, sđd, trg 235. Đọc thêm “Những phát hiện mới về khảo cổ học 1984, nxb UBKHXHVN Hà Nội, trg 38 và các trang khác.
  20. –  Thường Nhược Thủy, Tổng quan về vai trò của nền văn hóa Việt, Tập San Tư Tưởng số 10, tháng 10/2000, trg 19.  Theo John T. McAlister, Jr./Paul Mus, Vietnamese and Their Revolution, Harper & Row Publisher, NY,
  21. –  Lịch SửViệt Nam, Tập I, sđd, trg 201,
  22. –  Theo thống kê của Tân Đường Thư và Tự Trị Thông Giám, 250 của Tư Mã Quang trong Lịch SửViệt Nam, Tập I, sđd, trg 307.
  23. – Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, trong chuyến công du Đài Loan thời Tưởng Giới Thạch.
  24. – Lũy tre ấp Tam Lộng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Yên dầy đến 9, 10 thước (theo Nươc, Đac tính goc cuảnen Minh Triet  Việt, Tủ sách Việt Thường, trg 22, xuất bản tại Houston, Texas, Hoa Kỳ, 2002.
  25. – K.C. Chang, The Archaeology of Ancient China, New Haven, Conn. 11986, C14 = 5800
    Gần đây, theo tài liệu mới đăng trong Tạp chí Science 1988, hạt lúa nước tìm thấy ở Ho-mu-tu có C14 lên đến 7000 năm trước CN, là hạt lúa thuần hóa được xưa nhất trong nền Văn Hóa Hòa Bình, chỉ thua lúa ở Hang Sakai có niên đại C14 = 9260 BC.
  26. – Theo bản dịch của Nguyễn Đăng Thục, Dân tộc tính, Thế Kỷ21 số 123, tháng 7/1999, trg 30.
  27. – Xem chú thích 26 trên. 28 – Xem chú thích 26 trên.
  28. – Luca Cavalli – Sforza, Paolo Menozzi, Albato Tiazza, The History & Geography of Human Gene, trg 380 – 381.
  29. – Xem chú thích 29 trên. Congruence of Genetic & Linguistic Evolution.
  30. –  Theo bản dịch của Nguyễn Đăng Thục, Lịch sửTư tưởng Việt Nam, Q. I, nxb TpHCM, 2003, trg
  31. – Bài này có tựa “Việt Nam Văn Hóa chi đạo”. Tư Tưởng nhận được đã lâu, nên đang đề nghị xem Trần Văn Đoàn có cập nhật hóa gì thêm trước khi xin đăng vào số tới để các nhà nghiên cứu Việt học có thêm tài liệu tham khảo. Xin cảm tạ trước GS. Trần Văn Đoàn và xin Quý vị Độc giả đón đọc.
  32. – Theo bản dịch của Nguyễn Đăng Thục, Dân tộc tính, sđd, trg
  33. – Xin mượn chữ của Cụ Nguyễn Đăng Thục, theo chú thích 26 trên.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.