Chìa khóa mở kho tàng trống đồng của đại tộc Đông Sơn:
TRỐNG ĐỒNG CỦA ĐẠI TỘC ĐÔNG SƠN LÀ TRỐNG NÒNG NỌC, ÂM DƯƠNG.
Nòng nọc, âm dương là gì? Nòng nọc, âm dương là nguyên lý lưỡng hợp, nền tảng của Vũ Trụ Tạo Sinh, của Dịch.
Vũ Trụ Tạo Sinh khởi đầu từ Vĩnh Cửu, cái Không Thể Biết. Bắt đầu là một cái bọc trống không, Hư Vô, Vô Cực. Sau đó cực hóa thành âm dương nhưng hai yếu tố này còn quyện vào nhau gọi là Trứng Vũ Trụ hay Thái Cực. Rồi Thái Cực phân ra thành hai cực nòng nọc, âm dương tách biệt gọi là Lưỡng Nghi. Nòng nọc, âm dương liên tác sinh ra Tứ Tượng (Four Great Primary Forces). Về vật thể Tứ Tượng là Lửa, Nước, Đá, Khí, khởi đầu ở dưới dạng nguyên thể (primeval or cosmic). Tứ Tượng có Tứ Tượng âm và Tứ Tượng dương tạo thành Bát Quái có kinh là Dịch. Tứ Tượng vận hành trở thành Tứ Hành (active, dynamic Four Great Primary Forces). Âm Dương, Tứ Hành vận hành, chuyển hành, liên tác với nhau dưới dạng năng động, sinh tạo sinh ra vũ trụ, vạn vật, tạo ra Ba Cõi hay Tam Thế, tạo ra sự Sống (ứng với Cõi Giữa dương trần), sự Chết (ứng với Cõi Dưới, Cõi Âm) và Tái Sinh hay Hằng Cửu (ứng với Cõi Trên). Vũ trụ, vạn vật, tam thế, sự sống, chết, tái sinh, hằng cửu được biểu tượng bằng một hình cây gọi là CÂY ĐỜI (SỐNG) (Tree of Life), CÂY VŨ TRỤ (Cosmic Tree), CÂY TAM THẾ (Tree of Triple World).
Tôn giáo dựa trên Vũ Trụ Tạo Sinh là Vũ Trụ giáo. Dịch nòng nọc âm dương nguyên thủy là nền móng của Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo, cốt lõi của nền văn minh Đông Phương. Vậy trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn diễn tả Vũ Trụ Tạo Sinh, là trống biểu của Vũ Trụ giáo dựa trên Dịch nòng nọc, là nguồn cội hay ghi khắc lại nguồn cội của nền văn minh Đông Phương. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn là cốt lõi của văn hóa Việt (cũng dựa trên Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo có “kinh” là Việt Dịch nòng nọc nguyên thủy Đông Sơn ), là bộ sử đồng của Đại tộc Việt. Văn hóa Việt là nguồn cội hay liên hệ ruột thịt với nguồn cội của nền văn minh Đông Phương.
*
Muốn hiểu rõ ý nghĩa của trống đồng nòng nọc của đại tộc Đông Sơn trước hết ta phải hiểu rõ tại sao gọi là trống?
Trống đồng là một nhạc cụ bộ gõ thuần túy?
Trước khi đi tìm ý nghĩa thật sự của trống đồng là gì, thiết tưởng cần phải biết những vật chúng ta hiện gọi là trống đồng có thật sự là trống, một loại nhạc cụ thuộc bộ gõ (percussion) không? Hiển nhiên trống đồng là một thứ trống, một thứ nhạc cụ bộ gõ. Tuy nhiên các nhà khảo cứu đã nhận thấy trống đồng nòng nọc của đại tộc Đông Sơn rất đa dụng, trống được dùng trong nhiều lãnh vực: từ việc trống đồng là trống thờ, trống cầu mưa, trống dùng đựng tro than hỏa táng, đầu người chết, đựng vỏ sò (trống tìm thấy ở Nam Trung Quốc), đựng các vật báu khác, dùng như vật đựng nước, như cái nồi, cái chậu, dùng làm vật tùy táng chôn theo người chết… Về phương diện thành phần cấu tạo, trống đồng chính thống có chứa nhiều chì vì thế âm của trống rất đục. Thành thử trống đồng không có chủ đích chính là làm ra để xử dụng như một chiếc trống thông thường để chơi âm nhạc. Một điểm nữa trống đồng dưới dạng trống minh khí tí hon chỉ cao một vài phân tây hay trống dạng trống đồng làm bằng đất sét dùng làm vật tùy táng đem chôn theo người chết, không thể nào là một nhạc cụ được mà chỉ là một loại trống mang ý nghĩa biểu tượng tín ngưỡng mà thôi.
Trống minh khí bằng đất sét (The Bronze Đông Sơn Drums, Nguyễn Văn Huyên và các phụ tá, Hà Thúc Cần biên soạn lại tr. 269).
Như thế ta thấy rất rõ trống đồng không phải chỉ là một nhạc cụ bộ gõ đơn giản, thuần túy có chủ đích làm ra để dùng trong âm nhạc mà là một thứ trống có mang một ý nghĩa biểu tượng liên hệ tới ma thuật, tín ngưỡng, vũ trụ quan, nhân sinh quan nào đó. Trống đồng chỉ xử dụng, chỉ dùng đánh lên một cách tượng trưng mang ý nghĩa biểu tượng trong các giáo vụ, tế lễ.
Từ Trống và Vũ Trụ Giáo
Muốn hiểu rõ ý nghĩa, bây giờ ta hãy tìm ý nghĩa từ trống. Tôi chú trọng vào ý nghĩa của trống trong Vũ Trụ Giáo. Xin đi vào tầm nguyên nghĩa ngữ từ trống trong Việt ngữ.
1. Túi Hư Vô, Trứng Vũ Trụ.
-Túi Hư Vô: trống là không. Ta có từ ghép điệp nghĩa trống không. Như thế trống là không. Ta có thể kiểm chứng lại bằng ngôn ngữ học. Theo qui luật biến âm tr = kh như trừ = khử (như trừ độc = khử độc), ta có trống = không. Trống là không có gì cả, hư không, số không. Trống loại này có hình cầu tròn biểu tượng cho hư không, không gian, hư vô, vô cực. Chiếc mõ hình cầu là một hình ảnh tương đương với trống cầu tròn hư không. Tôi gọi trống cầu tròn là trống mõ(mõ biến âm với mo có nghĩa là bao, bọc như mo nang là cái bao hoa cau. Bao, bọc, túi biểu tượng cho bọc hư vô, hư không, bầu không gian). Vậy, trong Vũ Trụ giáo, trống mõ hình cầu tròn biểu tượng cho Hư Vô, Vô Cực. Ngoài ra trống có hình vành cầu tức hình cầu tròn cắt bỏ hai đầu để làm hai mặt bằng mặt trống cũng có thể coi là một thứ trống biểu tượng cho hư không.
Ở một ngôi nhà nòng, âm, không gian trên trống Ngọc Lũ I, trước bụng một người có đeo một chiếc trống hình tròn, vành cầu tròn này.
Một chiếc trống hình tròn hay vành cầu tròn đeo trước bụng một người đứng ở cửa một ngôi nhà nòng, âm, không gian trên trống Ngọc Lũ I (Nguyễn Văn Huyên).
* Xin lưu tâm
vật hình tròn trước bụng người có những dấu (marker, accent) hình chấm là những chữ nọc nguyên tạo, sinh tạo có nghĩa là nọc, đực, trống (male), dương ở cõi sinh tạo, tạo hóa, vũ trụ. Vật hình tròn có dấu “trống” sinh tạo là trống không gian, tạo hóa dòng âm (các dấu chấm nọc có nghĩa là trống này nói cho biết một vật hình trống là một chiếc trống giống như các chấm nọc trên các trống ở dàn trống bên căn nhà nọc, dương, mặt trời trên trống đồng âm dương Ngọc Lũ I mà một số tác giả đã hiểu lầm cho những chấm này là những hạt thóc, gạo hay giọt nước).
Loại trống âm này không thể là một trống đồng vì ta đã biết rõ trống đồng hở đáy là trống âm dương, không phải là trống thuần âm. Trong thực tế tôi cũng chưa thấy nói tới loại trống đồng hình mõ hay hình vành cầu theo đúng nghĩa của trống đồng của đại tộc Đông Sơn nghĩa là có hình mặt trời và hở đáy này (xem chương Cơ Thể Học Trống Đồng Nòng Nọc Đông Nam Á).
-Trứng Vũ Trụ, Thái Cực.
Trống biến âm với trứng, trấng. Theo quy luật o = u (tôi = tui) ta có trống =trứng. Trống là trứng. Trứng có tròng đỏ và tròng trong coi như là có đủ đực cái, âm dương. Trứng biểu tượng cho sinh tạo, sinh sản, sự sống v.v… trong Vũ Trụ giáo, trứng âm dương biểu tượng cho Trứng Vũ Trụ, cho Thái Cực. Loại trống có hình trứng này thường gọi là trống thùng (barrel) hay trống cái. Loại trống gỗ bịt da hình trứng này ngày nay còn thấy rất nhiều ở Việt Nam, Á châu, Hải đảo v.v… Các học giả Việt Nam có đề cập đến loại trống đồng hở đáy giống trống bịt da ví dụ như những trống hiện để ở chùa Cổ Lễ, đền Hùng Vương, tôi có cảm giác là trong các trống này có loại trống hình trứng nhưng tiếc thay không có hình vẽ hay hình chụp (xem chương Cơ Thể Học Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á). Như thế trống hình trứng biểu tượng cho Trứng Vũ Trụ, Thái Cực.
Với hai nghĩa Không và Trứng, trống có hình cầu tròn, hình mõ, hình vành cầu và trống hình trứng biểu tượng cho Hư Không, Trứng Vũ Trụ, Vũ Trụ và Thái Cực.
2. Lưỡng Nghi.
-Cực Âm
a. Cực âm thuần âm.
Trống là rỗng là bộng. Bộng biến âm với bụng. Bụng là cái xoang trống rỗng chứa ruột gan, lòng, dạ… Trống biến âm với tròng, lòng là lòng, là dạ (con), bụng. Tại sao trống lại liên hệ với lòng, dạ, bụng? Dạ con là một cái túi sinh tạo, rỗng hình trứng, hình trống, rõ nhất là hình ảnh khi bụng mang thai trông giống hệt như cái trống mà chúng ta thường nói có thai là mang bụng trống, vác trống. Cái bụng trống này sinh ra con. Trống là lòng là nòng, là nường (bộ phận sinh dục nữ) như thấy qua cặp từ nõ nường (ba mươi sáu cái nõ nường). Như thế trống mang ý nghĩa liên nhệ tới bộ phận sinh dục nữ. Điều này thấy rất rõ qua thơ Hồ Xuân Hương:
Của em bưng bít vẫn bùi ngùi,
Nó thủng vỉ chưng kẻ nặng dùi,
Ngày vắng đập tung dăm bẩy chiếc.
Đêm thanh tỏm cắc một đôi hồi.
Khi giang thẳng cánh bù khi cúi,
Chiến đứng không thôi lại chiến ngồi.
Nhắn nhủ ai về thương lấy với
Thịt da ai cũng thế mà thôi.
Tổng quát trống là lòng là nòng, là âm. Trống này là trống cái, trống nòng (female drum).
Như thế trống có một biểu tượng cho cái, nòng, mẹ, phái nữ, dạ con, thái âm, thuần âm. Trống loại này có hình cái cong, cái cóng. Trống cái (female drum) thuần âm biểu tượng cho cực âm, nòng.
* Xin lưu tâm
trống đồng là trống âm dương nên không có loại trống thuần âm này.
b. Cực âm của ngành dương hay âm nam.
Vì trống đồng là trống âm dương, luôn luôn có mặt trời ở tâm trống, không thể là loại trống thuần âm, nên ta không thấy có loại trống đồng nào có hình mặt trời mà có hình cái cong, cái cóng cả. Trống đồng âm dương nên chỉ có dưới dạng dương của âm, cực âm của ngành dương mà thôi. Trống đồng loại này có thể có hình một vật đựng nước như cái âu hay cái nồi lật ngược (xem chương Cơ Thể Học Trống Đồng Đông Nam Á).
-Cực Dương
Trống là trống (male), đực như gà trống. Như thế trống có một biểu tượng cho đực, nọc, cha, phái nam, mặt trời nọc thái dương (dương là đực và cũng có nghĩa là mặt trời), mặt trời rạng ngời. Trống “trống” biểu tượng cho cực dương, nọc. Trống loại này có hình trụ nọc, trụ ống. Trống moko hình trụ ống có eo của Nam Dương là một hình ảnh của trống cực dương. Trống này có hình dạng của một dóng sấm, búa thiên lôi, có một khuôn mặt dương (xem Cơ Thể Học Trống Đồng Nòng Nọc Đông Nam Á).
3. Tứ Tượng
a. Tượng Lửa
Trống biến âm với chông, que, cọc nhọn. Cọc nhọn biểu tượng cho dương, lửa, bộ phận sinh dục nam. Chông có nghĩa là bộ phận sinh dục phái nam thấy qua ca dao:
Thịt chó tiểu đánh tì tì,
Bao nhiêu lỗ tội, tiểu thì cắm chông.
Trống chông cũng có hình trụ ống như trống đực biểu tượng cực dương nhưng biểu tượng cho lửa, mặt trơi tức tượng lửa. Phải dựa vào các chi tiết khác để phân biệt trống biểu tượng cho Cực Dương với trống biểu tượng cho Tượng Lửa.
b. Tượng Đất
Trống là chống. Chống có một nghĩa là cây, trụ, vật dùng chống đỡ vật gì. Trụ chống biểu tượng cho núi Chống Trời, núi Trụ Thế Gian. Như thế trống chốngcũng biểu tượng cho núi Trụ Chống Trời, núi Trụ Thế Gian tức Cõi Giữa, đất dương trần tức Tượng Đất dương. Trống loại này có hình tháp cụt trụ tròn.
-Trục Thế Giới
Vì Trục Thế Giới đi qua tâm trống Trụ Chống Trời, Núi Trụ Thế Gian nên trống hình tháp trụ cũng có một khuôn mặt biểu tượng cho Trục Thế Giới (xem chương Khái Lược Về Vũ Trụ Luận). Do đó trống tháp trụ có thêm một khuôn mặt biểu tượng Trục Thế Giới, cần phải dựa thêm vào các chi tiết khác để nhận diện.
c. Tượng Nước Dương
-Trống biến âm với sóng. Theo duy âm, theo biến âm tr = ch = s, trống = sống như thấy theo biến âm kiểu gà trống = gà sống ta có trống = sóng (nước chuyển động) hàm nghĩa nước dương, Chấn. Theo tr = d, trống = dòng (nước chuyển động ruột thịt với sóng). Như thế trống có một khuôn mặt biểu tượng cho nước dương, chuyển động tức tượng nước dương. Trống loại này có hình cái âu, cái chậu hay hình nồi úp, mang khuôn mặt nước dương. Cần phân biệt với trống âm nam biểu tượng cho cực âm của ngành nòng.
Ta cũng thấy trống biến âm với động có một nghĩa là sấm. Trống biểu tượng cho sấm thấy qua câu tục ngữ “đánh trống qua cửa nhà sấm”, qua hình ảnh các vị thần sấm đều cầm trống trong tay và trống moko của Nam Dương có hình dóng sấm, búa thiên lôi (thunderbolt). Theo duy âm, sấm đi với mưa, ta có sấm mưa. Sấm liên hệ với nước dương, nước-lửa (lửa chớp trong nước mưa). Vì thế trong xã hội nông nghiệp nhất là ở những tộc trồng lúa nước cần mưa, trống trở thành một biểu tượng của trống sấm mưa, của trống cầu mưa. Về sau trống mưa trở thành loại trống phổ thông nhất vì là trống liên quan đến cái bao tử của con người ở những vùng ruộng nước. Đến nỗi ngày nay ở Thái Lan, Campuchia, Nam Dương nhiều nơi gọi trống đồng là trống mưa. Cũng vì thế trên mặt các trống mưa này có thêm các hình tượng cóc (xem chương Thú Vật Trên Trống Đồng Nòng Nọc Đông Nam Á).
Như thế ta thấy trống loại trống âu, nồi úp ít nhất có ba khuôn mặt biểu tượng cho Tam Thế, Ba Cõi của ngành nòng: Cõi Trên vũ trụ mang khuôn mặt lửa-nước, sấm sấm sinh tạo (ứng với khuôn mặt tạo hóa Thần Sấm Chấn của Lạc Long Quân, Cõi Giữa đất thế gian mang khuôn mặt nước dương sóng (nước dương có sóng to là nước biển, ứng với khuôn mặt Thần Biển của Lạc Long Quân) và mang khuôn mặt của Cõi Dưới, Cõi Âm. Trống này là biểu tượng cho các tộc ngành nòng Mặt Trời Êm Dịu An Dương Vương của nước Âu (Cơ)-Lạc (Long Quân). Vì thế trống trệt hình cái âu hay nồi úp thấy làm rất nhiều ở các vùng nam Trung Hoa (cho nên Heger gọi là trống Nam Trung Hoa) thuộc địa bàn của các tộc dòng Mặt Trời Nước.
* Cần lưu tâm
Trống hình trụ ống có ba khuôn mặt của ngành nọc Lửa: vũ trụ dương, cực dương, tượng lửa vũ trụ Càn. Trống hình cái âu hay hình nồi úp có ba khuôn mặt của ngành nòng nước: vũ trụ âm nam, cực âm nam, tượng nước Chấn của ngành âm.
d. Tượng Gió Dương
-Trống là không. Không có một nghĩa là không khí, gió. Như thế trống có một khuôn mặt biểu tượng cho gió, tức là tượng gió lửa, gió dương.
-Trống biến âm với dông, gió động, gió dương.
-Trống biến âm với dóng, nọc hình tròn ống. Dóng là cái dùi trống liên hệ với trống như dóng trống, dóng tiếng. Búa, gậy thiên lôi (thunderbolt) gọi là dóng sấm. Cái ống thổi lửa cũng có hình dóng. Vì thế dóng có mang một biểu tượng cho dông (gió lửa, gió dương). Ông Dóng, Phù Đổng Thiên Vương là ông Dùi Trống, ông Dóng Trống, ông Dóng Sấm (có gậy thiên lôi) liên hệ với trống đồng vì thế vùng Hà Bắc mới có câu “Ông Đổng mà đúc trống đồng” là vậy.
Trống loại này có hình lọng, hình ô, dù (phần mặt trống hình vòm lọng, ô và thân trống thẳng hình trụ như cán lọng, ô).
Như thế trống hình lọng ô dù này có ít nhất ba khuôn mặt: một với nghĩa không là biểu tượng cho Hư Không, Cõi Trên, một với nghĩa dông là biểu tượng cho tượng Gió dương và một với nghĩa dóng là biểu tượng cho Sấm dông (mang khuôn mặt âm).
*Xin lưu tâm
Ông Đổng là ông Động (có nghĩa là chấn động, là sấm) là ông Sấm dông hiện thân của Lạc Long Quân sấm mưa (Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt).
4. Cây Vũ Trụ, Cây Tam Thế, Cây Đời
Ta đã thấy trống = chống (cây dùng để nâng đỡ vật gì). Như thế trống có một nghĩa là cây, cọc, nọc nâng chống một vật gì. Ngoài ra trống biến âm với sống. Theo biến âm tr = ch = s, trống = sống như thấy theo biến âm kiểu gà trống = gà sống. Sống có một nghĩa là cột, cọc, nọc (vì thế mới có nghĩa là đực, gà sống là gà cọc, là con cock, là gà nọc, gà trống). Ta có hai từ đi đôi cột sống(cột xương sống) nên theo qui luật của từ đôi ta có sống = cột. Xương sống là xương cột, xương cột trụ của thân người, Anh ngữ gọi là vertebral column. Do đó trống = sống = cột = cây. Như thế trống hàm nghĩa cây, cột biểu tượng cho Cây Vũ Trụ, Cây Tam Thế, Cây Đời. Điều này giải thích tại sao người Trung Hoa gọi trống là cổ. Theo Việt ngữ cổ là cây cột, cây nọc nâng chống đầu sọ người. Ta cũng thấy cổ hàm nghĩa là cột vì cổ là phần nối dài của cột xương lưng. Ông Bàn Cổ có Cổ là cây, cột và Bàn là bằng (thạch bàn: phiến đá bằng). Ông Bàn Cổ là ông “cột có đế bằng” tức là một thứ trụ chống. Ông Bàn Cổ là ông Trụ Chống Trời. Như vậy trống = sống = cột = cây = cổ (Hán Việt cổ có nghĩa là cây, cột, cây chống và nhạc cụ bộ gõ trống). Ta cũng thấy rất rõ Hán Việt cổ (Quan Thoại là gũ) chỉ trống (drum) liên hệ với cây, cột qua nguồn gốc Hán ngữ là gũ. Trên giáp cốt, gũ vẽ hình chiếc trống để trên một vật hình cây.
Wang Hongyuan, The Origins of Chinese Characters, Sinolingua Beijing, 2004.
Như thế trống hàm nghĩa cây, cột biểu tượng cho Cây Vũ Trụ, Cây Tam Thế, Cây Đời. Vì thế khi dùng làm biểu tượng cho Cây Vũ Trụ, Cây Tam Thế, Cây Đời trống thường được để trên một cây trụ cao.
Trống hình trứng để trên một cái trụ cao mang hình ảnh trống Cây Vũ Trụ.
Ở trống đồng Ngọc Lũ I và các trống họ hàng, trên các thuyền có những trống Cây Vũ Trụ này.
Một trống Cây Vũ Trụ trên thuyền ở trống Ngọc Lũ I.
5. Trống là sống (sinh).
Như trên đã thấy trống là sống (như gà trống = gà sống). Ngoài nghĩa là trống là đực là cây, sống còn có nghĩa ngược với chết. Sống là sinh. Sinh sống. Trống là sống, là sinh, là sinh tạo, sinh sản, sinh đẻ, là đời sống. Cây Vũ Trụ sinh ra vạn vật muôn sinh trong đó có con người, sự sống vì thế còn gọi là Cây Đời Sống. Như thế trống có một khuôn mặt là Cây Đời Sống nên cũng có một khuôn mặt biểu tượng cho sự sống, sinh sản và cho sự sống đời đời, hằng cửu. Vì thế trống dùng trong các tế lễ khai sinh, cầu xin trường sinh, vĩnh cửu.
6. Trống là không là chết.
Trống với nghĩa là không, không còn hàm nghĩa trở về hư không, hàm nghĩamất là chết.
Trống biểu tượng cho sự chết, trở về hư vô và hủy diệt. Vì thế ngày nay ở nhiều nơi thường dùng trống báo tin có người chết hay có những tai biến. Trống dùng trong cảnh giết người, xử tử, dùng làm trống trận, trống thúc quân.
7. Trống là sinh, là tái sinh, hằng cửu.
Trống là rỗng là bụng là bao, bầu hàm nghĩa mang thai, sinh sản, tái sinh. Sống là chết. Một ngày sống là một ngày đi gần đến sự chết. Ngược lại trong vòng sinh tạo, chết là trở về với sự sống là tái sinh.
Trống Biểu Tượng Vũ Trụ Giáo
Như đã thấy rất rõ trống biểu tượng cho Hư Không tức tạo hóa, cho âm dương Lưỡng Nghi, Tứ Tượng, Cây Vũ Trụ, Cây Tam Thế, Cây Đời, cho sự Sống, đời Sống, sự Chết, Tái Sinh và Hằng Cửu tức mang trọn vẹn ý nghĩa của Vũ Trụ Thuyết, trống là trống biểu (vật biểu tượng) của Vũ Trụ giáo (xem chương Khái Lược Về Vũ Trụ Giáo).
*Xin lưu tâm
Chúng ta gọi dụng cụ bộ gõ này là trống thường hiểu theo nghĩa trống không, chứ không hiểu theo nghĩa chống (cây, cột, nọc nâng đỡ) nghĩa là gọi theo khởi thủy Hư Vô của Vũ Trụ Tạo Sinh, bắt đầu từ nghĩa trống không, trong khi người Trung Hoa gọi trống là cổ có nghĩa là cột, cây, nọc, nếu hiểu theo nghĩa dân dã cổ (trống) nguyên thủy làm từ thân cây còn hiểu theo nghĩa bác học, triết thuyết thì cổ là cây liên hệ với Cây Vũ Trụ, nghĩa là gọi theo giai đoạn kết thúc của quá trình Vũ Trụ Tạo Sinh. Văn hóa Việt và Trung Hoa ngược nhau. Chúng ta căn bản dựa vào Trống hư không (O) tức Nòng còn Trung Hoa dựa vào Cổ ( | ) có nghĩa là cột tức Nọc. Chúng ta thuộc dòng Nòng, âm, Khôn (Gió-Nước), không gian tức khởi thủy của Vũ Trụ Tạo Sinh (yếu tố nọc, lửa, mặt trời xuất hiện sauyếu tố nòng, nước). Điều này giải thích tại sao Tổ Hùng Vương của chúng ta sinh ra từ một cái Bọc tức sinh ra từ Bầu Hư Không, Bầu Vũ Trụ, Bầu Không gian. Tổ Hùng Vương của chúng thuộc dòng Nòng, Khôn (Gió-Nước) trong khi người Trung Hoa thuộc dòng Nọc, Càn, Lửa-Đất) võ biền. Văn hóa Trung Hoa muộn hơn văn hóa Việt.
Ta thấy rất rõ về ngôn ngữ học, trống nói riêng và đặc biệt là trống đồng nòng nọc, âm dương diễn tả triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh và là trống biểu tượng cho Vũ Trụ giáo.
Ý NGHĨA VÀ CHỨC VỤ TRỐNG ĐỒNG NÒNG NỌC CỦA ĐẠI TỘC ĐÔNG SƠN.
Hiểu rõ ý nghĩa của trống như thế ta suy ra ý nghĩa và chức vụ của trống đồng nòng nọc không mấy khó khăn và hiểu một cách minh bạch, có hệ thống, có qui củ bởi vì trống đồng cũng là một loại trống nhưng rõ hơn là trống mang biểu tượng nòng nọc, âm dương. Nhìn tổng quát ý nghĩa trống đồng cũng mang những ý nghĩa căn bản rất gần cận với trống thường, chỉ khác là trống đồng chỉ có một mặt, để hở đáy nên mang trọn vẹn ý nghĩa biểu tượng một cách chính thống của trống âm dương, trống Dịch và là trống biểu của Vũ Trụ Giáo.
-Trống đồng biểu tượng hư vô, vũ trụ, tạo hóa, vô cực và Trứng Vũ Trụ sinh tạo, Thái Cực.
Trống là không là hư vô. Trống là tiếng nói, âm thanh của hư vô. Trống đồng cũng vậy, mang biểu tượng của hư vô, vũ trụ, tạo hóa. Thoạt khởi thủy Túi Hư Không chỉ là bọc hư không về sau phân cực hóa thành Trứng Vũ Trụ, Thái Cực. Ở giai đoạn này, trống đồng nòng nọc hở đáy có mặt trời nọc nằm trong vòng tròn không gian nòng ở tâm trống diễn tả sự giao hòa âm dương mang nghĩa sinh tạo. Mọi chuyện trên cõi đời này đều do âm dương sinh ra vì thế trống đồng nòng nọc mang trọn nghĩa âm dương sinh tạo được xử dụng trong mọi nghi thức thờ phượng cúng tế.
-Trống đồng biểu tượng cho Lưỡng Cực, Lưỡng Nghi
-Trống đồng biểu tượng cho đực, dương, Cực Dương.
Hiển nhiên trống đồng có nghĩa là trống (đực) biểu tượng cho đực, dương, mặt trời, với hình mặt trời giữa tâm mặt trống biểu tượng cho mặt trời tức tượng lửa. Như thế trống đồng là giáo biểu của các tộc thờ mặt trời. Đối với những tộc này thì mặt trời là tạo hóa, sinh tạo, là sự sống, sự hủy diệt và tái sinh.
Điều này, nhìn dưới lăng kính của đạo Mặt trời, trống đồng được dùng để đựng tro than sau khi hỏa táng đem chôn để được về với mặt trời, để được tái sinh. Mặt trời cũng biểu tượng cho hùng tính, võ biền, chiến tranh, sức mạnh quyền lực, quyền thế, lãnh đạo vì vậy mà trống đồng sau này được dùng làm trống biểu quyền nằng, thần quyền của tù trưởng, tộc trưởng, vua chúa, vương quyền, những lãnh tụ, người cai trị tự nhận là dòng dõi con mặt trời.
-Trống đồng biểu tượng cho khuôn mặt dương của ngành âm, Cực Âm.
Trống với nghĩa là rỗng, bụng, trống đồng biểu tượng cho cái, âm, cực âm. Trống đồng hình cái âu hay hình nồi úp có một khuôn mặt dương biểu tượng cho ngành âm (âm nam). Những trống đồng có tia sáng mặt trời âm (tia sáng hình nọc ngắn hay tia sáng hình vòng tròn như thấy ở trống Đào Xá) biểu tượng cho Tạo Hóa, Mặt Trời Êm Dịu, ngành, tộc âm. Những trống gọi là trống mưa là những trống lửa-nước, trống dương của ngành âm.
-Trống đồng biểu tượng Tứ Tượng.
-/ Trống đồng biểu tượng cho tượng lửa.
Hiển nhiên trống đồng biểu tượng cho mặt trời thì cũng có một khuôn mặt biểu tượng cho ánh sáng, tượng lửa.
Trống đồng biểu tượng cho lửa, chiến tranh. Trống cũng dùng làm trống trận, trống thúc quân… Đời Trần (thế kỷ 13-14) trống đồng đã được dùng trong quân đội được ghi lại qua bài thơ của Trần Phu, sứ thần nhà Nguyên tại nuớc Đại Việt thuở đó:
Kim qua ảnh lý, đan tâm khổ,
Đồng cổ thanh trung, bạch phát sinh.
Dịch:
Trong bóng giáo mác, tấm lòng đau khổ,
Nghe tiếng trống đồng, tóc bạc phơ.
(Nguyễn văn Huyên, Hoàng Vinh, tr.9)
-/ Trống đồng biểu tượng cho tượng đất.
Như trên đã thấy, trống là chống, là Trụ Chống Trời. Trống đồng biểu tượng cho đất dương, núi nổng, núi Chống Trời, núi Trụ Thế Gian, Núi Vũ Trụ, núi nguyên khởi, cho Cõi Giữa trần gian. Chúng ta có núi Đồng Cổ ở Thanh Hóa.
-Biểu tượng cho Trục Thế Giới.
(xem dưới).
-/ Trống đồng biểu tượng cho tượng nước dương, sấm mưa.
Theo truyền thuyết Mường nguồn gốc trống đồng từ biển trôi vào: hai cô Ngân Nga ra bờ sông tắm giặt và thấy trống đồng từ ngoài sông nước trôi vào về báo cho vua Hùng vương biết. Trong bài dân ca Mèo “Hồng Thủy Hoành Lưu” có nói tới việc tổ tiên người Mèo đã được trống đồng cứu sống trong trận đại hồng thủy. Trống đồng vì thế được dùng như một con thuyền. Cũng vì lý do này các thầy tế, pháp sư, đồng bóng dùng trống làm phương tiện vượt sông, biển xuống cõi âm. Trống đồng liên hệ tới nước, tới mưa nên sau này đã dùng vào việc cầu đảo, cầu mưa. Đây là lý do giải thích tạo sao trống đồng được gọi là trống mưa. Người Khmer gọi trống đồng là trống mưa. Trống mưa thường có các tượng cóc liên hệ với sấm, mưa. Trống ếch Miến Điện gọi là hpa-zi, Xiêm là klong-kobvà Shan gọi là klong-kup (Kempers). Mưa đi với sấm. Trống đồng biểu tượng cho sấm mưa thấy rõ qua việc người Lê ở đảo Hải Nam (Trung quốc) dùng trống đồng trong các cuộc tế “thần sấm”. (Từ Tùng Thạch). Lạc Long Quân vừa có khuôn mặt nước dương Thần Biển vừa có khuôn mặt là Thần Sấm mưa, tiền thân của Phù Đổng thiên vương, Thần Sấm dông. Cuối cùng theo duy âm, nước cũng có một khuôn mặt của Cõi Dưới, Cõi Âm, nên trống đồng cũng có loại dùng làm biểu tượng cho Cõi Âm (Lạc Long Quân Thần Biển cũng là Vua của Cõi Âm, có thủy phủ ở dưới vịnh Hạ Long) hay liên hệ với cõi âm như các trống minh khí.
-/ Trống đồng biểu tượng cho tượng gió dương.
Trống biến âm với không có một nghĩa là không khí gió. Gió dương là dông. Gió lửa cũng tạo ra sấm dông. Dấu tích trống đồng liên hệ với sấm dông gió còn thấy qua một nhân vật truyền thuyết hay một vị anh hùng văn hóa đội lốt truyền thuyết là Phù Đổng Thiên Vương. Ông Đổng có tên cúng cơm là Dóng. Từ Dóng biến âm với trống có nghĩa là khúc cây tròn hình ống, hình ảnh của dùi trống. Dóng cũng có nghĩa là đánh trống như dóng trống. Búa thiên lôi (thunderbolt) gọi là dóng sấm.
Ông Dóng là ông Dùi Trống, ông Búa Thiên Lôi (vì thế mà ông cầm roi sắt, một thứ búa thiên lôi, lưỡi tầm sét, tức là một thứ roi “sắt cõi trời” “sky iron”). Ở vùng Hà Bắc có câu Ca dao “Ông Đổng mà đúc trống đồng”. Ông Dóng hiển nhiên là vị Thần Sấm Sét vì ông là hậu thân của Lạc Long Quân, Mặt trời nước có một khuôn mặt sấm mưa (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt). Do đó trống cũng biểu tượng cho lửa gió, sấm dông. Như vậy trống là không, là Khôn. Khôn âm là nước nên trống có một khuôn mặt biểu tượng cho sấm mưa và Khôn dương là gió nên trống cũng có khuôn mặt biểu tượng cho sấm dông gió. Trống đồng có một khuôn mặt biểu tượng cho sấm dông, cho dông gió có một sức mạnh dông bão, có thể quét sạch trừ khử đi những tà ma, những ảnh hưởng độc hại, bất lợi. Các thầy tế, pháp sư, phù thủy có thể dùng trống gió bay về trời. Hồn người chết cũng có thể dùng trống bay về miền vĩnh cửu hư vô. Cuối cùng gió là hiện thân của hư không, nên trống đồng cũng có loại dùng làm biểu tượng cho Hư Không, Vũ Trụ.
-Trống đồng biểu tượng cho Tam Thế, cho Cây Đời, Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ.
Trống đồng có một khuôn mặt biểu tượng cho Tam Thế. Bằng chứng còn tìm thấy rõ trên trống Kur của Nam Dương. Trên trống này có khắc một số chữ Hán. Một học giả Trung Hoa chỉ đọc được hai chữ “san chieh” (Tam thế). Hai chữ “tam thế” này là lời nhắc nhở của người làm trống hay chủ nhân của trống khi đặt làm trống cho khắc ghi lại, cho biết trống mang ý nghĩa Tam Thế (xem chương Cơ Thể Học Trống Đồng Nòng Nọc Đông Nam Á). Trống đồng biểu tượng cho Tam Thế nên dùng vào mọi nghi thức tôn giáo liên quan tới Ba Cõi, Tam Thế.
Những trống thờ thường được coi là làm từ Cây Vũ Trụ, người làm trống thường phải trải qua những thủ tục tín ngưỡng, những taboo, rồi đi vào rừng tìm những cây thiêng, đôi khi chọn những cây bị sét đánh đem về làm trống (một điểm lý thú là trống làm từ cây bị sét đánh nên trống dùng làm biểu tượng cho sấm). Trống đồng Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I) mang trọn vẹn ý nghĩa của Cây Đời, Cây Tam Thế, Cây Vũ Trụ. Về phương diện ma thuật, tôn giáo, trống đồng dùng trong mọi nghi thức ma thuật, tế lễ liên quan đến Vũ Trụ và đời sống của Con Người (Con người là Tiểu Vũ Trụ con của Đại Vũ Trụ), liên quan tới Ba Cõi: Cõi Trên (Cõi Trời, Thiên Đàng) nơi có đời sống Hằng Cửu và có quá trìnhTái Sinh, Cõi Giữa trần gian nơi có sinh vật, Con Người, có sự Sống với tất cả những gì ảnh hưởng tới sự Sống, Chết, với sinh lão bệnh tử và cõi dưới Cõi Âm… Vì thế trống đồng nòng nọc là loại trống mang trọn ý nghĩa của Vũ Trụ Tạo Sinh, là trống biểu của Vũ Trụ giáo.
-Trống đồng biểu tượng cho sự Sống, Sinh Sản, Mắn Sinh, Phồn Thực.
Trống là trống là sống. Sống còn có một nghĩa ngược với chết. Sống là sinh sống, đời sống, sinh tạo. Trống là sống vì thế trống có hồn sống. Trống có hồn vũ trụ, hồn mặt trời, hồn người trần gian. Trong sự sống, các sinh vật, quí hơn cả là con người. Như thế trống mang ý nghĩa và biểu tượng cho sự sống, con người. Thiết diện bổ dọc của một trống Nấm Vũ Trụ NXQ VI có hình người (xem chương Khái Lược Về Vũ Trụ Giáo). Trống đồng vì vậy được dùng trong mọi nghi thức cúng tế liên hệ tới sự sống, đời sống, tới cuộc đời trước khi sanh và cuộc đời sau khi chết của con người. Trống được dùng để cầu xin một sự khai sinh “mẹ tròn con vuông”; dùng trong lễ thành thân hay thành nhân (thường gọi là lễ dậy thì); dùng trong cầu an, cầu may, cầu tài, cầu khỏe mạnh vì thế trống đồng được dùng trong việc trị liệu bệnh tật nhất là các bệnh tâm thần cho là do tà ma hay do các ảnh hưởng xấu, tác hại xấu của vũ trụ lên con người hay của con người lên con người gây ra. Trống mang nghĩa sự sống, sinh sản nên cũng bao hàm nghĩa mắn sinh, được mùa, phồn thực nên trong xã hội nông nghiệp cũng dùng trong các tế lễ cầu mưa, cầu được mùa, cầu sản xuất nhiều v.v…
-Trống đồng biểu tượng cho Trục Thế Giới
Trong A Dictionary of Symbols, J.E. Cirlot ghi lại rằng trụ tế vật hy sinh(sacrificial stake), thuyền-vong (ship-of-death) và trống là những biểu tượng phát xuất từ cây được coi như là con đường dẫn đến các thế giới khác, (tr.350). E. Mircea cũng đã xác nhận “the sacrificial post is an axis mundi” (“Trụ tế vật hy sinh là trục thế giới”) (1964). Trụ đâm trâu tế thần của các tộc ở miền Bắc và ở Tây Nguyên Việt Nam là một hình bóng của trụ tế vật, Trục Thế Giới. Trục trống đồng mang biểu tượng cho Trục Thế Giới, thông thương Ba Cõi. Vì thế trống đồng được dùng làm vật để dâng cúng, dâng tế vật tới Ba Cõi, nhất là Cõi Trên. Trống đồng dùng làm phương tiện cho các pháp sư, thầy pháp cũng như hồn người chết di chuyển đi khắp ba cõi. Những trống minh khí chôn theo người chết cũng có thể mang một ý nghĩa như là một phương tiện, một thứ “thẻ thông hành” để về cõi vĩnh cửu.
-Trống đồng biểu tượng cho Sự Chết.
Trống được dùng trong các nghi thức cho người chết như trong các lễ nghi tang ma, dùng làm vật mai táng, làm vật tùy táng, phương tiện và “thông hành” để hồn người chết về cõi vĩnh cửu để sống đời đời hay tái sinh, v.v… Vì con người là tiểu vũ trụ sinh ra từ hư vô, đại vũ trụ, từ tạo hóa khi chết trở về lại nguồn cội, để được tái sinh vì thế phần thân thể chính yếu là cái đầu hay tro than sau khi hỏa táng được bỏ vào lòng trống đồng đem chốn cất. Hình dáng tổng quát vòng ngoài bao bọc trống đồng nhất là loại trống nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI hay Heger I có hình trứng, Trứng Vũ Trụ Sinh Tạo, Tạo Hóa (hình bìa tác phẩm Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc Âm Dương Đông Nam Á). Điều này giải thích tại sao trống đồng được xử dụng như cái “tiểu” bằng đồng giống như thạp đồng để mai táng đầu hay tro than của một tù trưởng, tộc trưởng, những nhân vật quyền quý và sau này là những người giàu có.
Với nghĩa chết là giết, là hủy diệt thì trống đồng được dùng làm trống lệnh, trống xử tử như thấy qua hai câu thơ của Cao Bá Quát:
Ba hồi trống giục, đù cha kiếp,
Một lưỡi gươm đưa, đéo mẹ đời.
Như trên đã nói trống đồng dùng làm trống trận, trống thúc quân.
Trống có hồn sống vì thế ngay chính bản thân trống cũng là một vật sống, một thứ sinh vật, một vị thần linh như đấng Tạo Hóa hay một vị Thần sấm. Điều này giải thích tại sao trống được coi như là một linh vật sống vì thế mới có lễ khai sinh trống, nuôi trống bằng máu, rượu, gạo… và ngay cả tục “giết trống” (killing a drum) thấy ở Vân Nam và Bắc Việt Nam. Những người, những tộc có trống nhiều khi tin rằng một chiếc trống nào đó có âm hồn, ác tính đem lại những đại họa nên phải giết trống đi. Muốn giết trống đồng chỉ việc chọc thủng hay phá hủy mặt trời ở tâm trống. Mặt trời là hồn trống hay trái tim đang đập của trống. Vì thế nhiều trống ở Vân Nam và Việt Nam khai quật lên thấy mặt trời bị chọc thủng (xem Tục Giết Trống Đồng).
-Trống đồng biểu tượng cho Tái Sinh, Hằng Cửu.
Trống đồng dùng trong các tế lễ cho cuộc đời sau khi chết và cuộc đời trước khi sinh. Những trống đồng thường hay trống minh khí được chôn theo người chết giống như những con bọ hung scarabeus biểu tượng cho tái sinh của người Ai Cập cổ chôn theo người chết, mang ý nghĩa biểu tượng cho tái sinh, hằng cửu. Dưới góc cạnh tái sinh, trống đồng dùng chôn đầu hay tro than người chết tương đương với chôn người ngồi theo tư thế thai nhi trong các chum vò biểu tượng dạ con vũ trụ mang ý nghĩa tái sinh.
– Trống đồng biểu tượng Vũ Trụ Giáo.
Trống đồng nòng nọc được thờ phượng như một hình tượng tín ngưỡng. Pearson và Quaritch-Wales cho rằng tôn giáo cổ Đông Nam Á là “tôn giáo trống” (dẫn lại trong Tạ Đức, tr.253). Trống đồng thường rất lớn (có chiếc cao cả mét, nặng tới 100 kí lô) được dùng vào việc tế lễ vũ trụ trời đất của cả một bộ lạc, một sắc tộc, một quốc gia hay cả một liên bang các sắc tộc. Trống là bộ kinh Vũ Trụ giáo. Trống đồng vì thế là loại trống thiêng liêng, trống thờ. Trống đồng được thờ như một vị thần linh. Trống đồng thờ trong miếu thần núi đồng cổ ở Thanh Hóa, Đền Trống Đồng ở Hoa Lư, Thăng Long thờ Thần Trống, thần bảo hộ cho nhà Đinh, Lê, Lý, Trần và nước Đại Việt (Tạ Đức, tr.254). Ngày nay còn khá nhiều trống đồng còn để thờ ở các đền (như trước đây thờ ở đền Hùng Vương, bây giờ đem trưng bầy ở Bảo Tàng Đền Hùng), đình, chùa. Vì trống là giáo biểu của tín ngưỡng vũ trụ, đạo mặt trời nên trống đã được dùng trong các nghi thức tôn giáo, lễ hội, ma thuật liên hệ với vũ trụ, không gian, mặt trời và con người…
-Trống đồng nòng nọc, âm dương là bộ Dịch nòng nọc bằng đồng.
Nòng nọc, âm dương là nền tảng của Dịch. Trống đồng nòng nọc là bộ Dịch Nòng Nọc bằng đồng và là bộ Dịch diễn tả bằng hình ảnh duy nhất của nhân loại. Dịch nòng nọc nguyên thủy là nền tảng, cốt lõi của nền văn minh Đông Phương. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn là bộ sử đồng của Đại tộc Việt có cốt lõi văn hóa là Vũ Trụ Tạo Sinh, là Vũ Trụ giáo dựa trên Việt Dịch nòng nọc.
Nói tóm lại trống đồng không phải là một thứ trống thuần túy để dùng chơi âm nhạc mà là một thứ trống mang ý nghĩa biểu tượng tín ngưỡng, mang ý nghĩa biểu tượng trọn vẹn của Vũ Trụ Tạo Sinh, của Vũ Trụ giáo. Trống đồng là trống hư vô, trống tạo hóa, trống biểu của Vũ Trụ giáo, của đạo Mặt Trời. Về phương diện dân tộc học, trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn là trống biểu của Họ Người Vũ Trụ, Người Mặt Trời-Không Gian. Đối chiếu với truyền thuyết và cổ sử Việt, là trống biểu của Họ Hồng Bàng, của Liên Bang Văn Lang.
Trống đồng là trống nòng nọc, âm dương, trống Dịch nòng nọc, trống biểu của nền văn minh Đại Tộc Việt và Đông Phương.
Trống đồng dùng trong mọi nghi thức tín ngưỡng, ma thuật, tế lễ liên quan đến Vũ Trụ và đời sống của Con Người. Hãy nói cho tôi một chức vụ (function) nào đó của trống đồng âm dương, tôi sẽ chứng minh ý nghĩa của chức vụ đó nằm trong triết huyết Vũ Trụ Tạo Sinh.
Về sau khi con người bước vào xã hội nông nghiệp, ý nghĩa biểu tượng cho Vũ Trụ giáo của trống đồng nòng nọc, âm dương bị lu mờ đi và khuôn mặt trống sấm, trống mưa, trống cóc, trống ếch để cầu mưa, cầu được mùa nổi trội lên lấn áp tất cả các ý nghĩa nguyên thủy của trống (được mùa, sản xuất nhiều, có miếng ăn no đủ chỉ là một khía cạnh nhỏ nằm trong Vũ Trụ thuyết hiểu theo duy thực, theo cái bao tử tương tự như hiện nay có tác giả Việt Nam cho rằng trống đồng là biểu trưng của nền văn minh lúa nước sông Hồng).
*Xin lưu tâm
Những trống có hình tượng cóc và nhất là ếch là những trống muộn. Những tộc gọi trống đồng nòng nọc, âm dương là trống ếch như Campuchia, Thái Lan, Lào, Nam Dương… là những tộc bị ảnh hưởng bởi văn hóa Đông Sơn, không phải là chủ nhân thực sự của trống đồng nòng nọc, âm dương. Họ thu nhập trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn chỉ theo ý nghĩa duy tục là trống cầu mưa, cầu được mùa nên họ không biết rõ ý nghĩa nguyên thủy cao đẹp của trống đồng nòng nọc, âm dương chuyên chở triết thuyết Vũ Trụ Tạo Sinh và là trống biểu tượng cho Vũ Trụ giáo.
Cận đại hơn, những trống tân tạo có tính cách thương mại và phong trào buôn và chơi cổ vật, trống đồng trở thành những tài vật, một thứ tiền của theo ý nghĩa duy tục.
(trích trong Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc Âm Dương Đông Nam Á, có sửa lại chút ít cho thích hợp với bài viết riêng).
Nguyễn Xuân Quang
Original
Tiêu đề do lstv đặt.
Tài Liệu Tham Khảo
.Nguyễn Xuân Quang, Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á, Hừng Việt xuất bản 2008.
.J.E. Cirlot, A Dictionary of Symbols, Barnes & Noble Books, 1971.
.Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Vinh:
– Những Trống Đồng Đông Sơn Đã Phát Hiện ở Việt Nam, Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam xuất bản 1975.
-The Bronze Đông Sơn Drums: Hà Thúc Cần biên soạn tập hợp lại, 1989.
.A. J. Bernet Kempers, The Kettledrums of SouthEast Asia.
.Mircea, Eliade, Shamanism, Archaic Techniques of Ectasy, 1964.
.Tạ Đức, Nguồn Gốc và sự Phát Triển của Kiến Trúc, Biểu Tượng và Ngôn Ngữ Đông Sơn.
.Từ Tùng Thạch, Việt giang lưu vực nhân dân sử, Thượng Hải 1941, dẫn lại trong Đào Duy Anh, Văn Hóa đồ đồng và trống đồng Lạc Việt, Hà Nội, 1957, tr.90-91).
.Wang Hongyuan, The Origins of Chinese Characters, Sinolingua Beijing, 2004.