134. Trống Vạn Gia Bá – nhìn từ phát hiện ở Việt Nam

Trống Gillet II do Lêodol Gillet sưu tầm, được Fr. Heger công bố trong sách “Trống kim loại cổ Đông Nam Á” năm 1902, và định danh là trống Gillet II (Hà Nội) (Đông Kinh Gillet II). 115 năm trôi qua, đến nay đã có 50 chiếc trống tương tự như trống Gillet II (Hà Nội) được phát hiện. Chúng phân bố trên đất Việt Nam, Nam Trung Quốc và trên đất Thái Lan. Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định về loại trống này.

1. Học giả nói về trống “Vạn Gia Bá”

Fr. Heger nhận thấy trống Gillet II (Hà Nội) mang nhiều đặc điểm riêng không giống với bất kỳ loại trống nào mà Heger biết được, Fr.Heger đã xếp trống Gillet II nằm ngoài hệ thống phân loại của mình, sau khi kết thúc nói về loại trống IV, loại trống cuối cùng trong hệ thống phân loại của ông (Fr. Heger 1902).

Năm 1988, Trống đồng cổ Trung Quốc do Hội Nghiên cứu Trống đồng cổ Trung Quốc biên soạn. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, những chiếc trống tìm được trong mộ cổ ở Vạn Gia Bá (Vân Nam, Trung Quốc) là sản phẩm “tiêu chuẩn” của loại trống này, và gọi là trống “Vạn Gia Bá”; Mặt khác các loại trống “Vạn Gia Bá” thuộc loại trống cổ nhất trong các loại trống đã phát hiện ở Trung Quốc, và phát triển thành trống “Thạch Trại Sơn”… Trống “Vạn Gia Bá” phát triển thành trống “Thạch Trại Sơn” như thế nào? Điều này có thể thấy được qua phân loại trong sách Trống đồng cổ Trung Quốc: Trống loại hình “Thạch Trại Sơn” đã được chia thành 3 giai đoạn khác nhau – giai đoạn sơ kỳ, giai đoạn trung kỳ và giai đoạn hậu kỳ. Tiêu biểu trong giai đoạn sơ kỳ, giai đoạn tiếp nối với trống “Vạn Gia Bá” là 4 chiếc trống: trống Xương Ninh, trống số 1 của mộ số 1 ở Bát – Khúc, và 2 chiếc trống khác (một trong cửa hàng buôn bán đồ cổ ở Vân Nam và một trong lò luyện kim loại ở Vân Nam). Nhận xét về 4 chiếc trống này, các nhà nghiên cứu đều cho rằng: Hoa văn trang trí trên trống giản đơn, bảo lưu những đặc điểm thuộc trung kỳ và hậu kỳ của trống “Vạn Gia Bá”. Còn đặc điểm của trống loại “Thạch Trại Sơn” thì sao? Có hay không có trên 4 chiếc trống này, các nhà nghiên cứu không đề cập đến (Hội Nghiên cứu Trống đồng cổ Trung Quốc 1988). Hơn nữa, những chiếc trống này đều phát hiện ở ngoài mộ Thạch Trại Sơn, mộ của người Điền, không phải là di vật của người Điền chôn theo người quá cố. Bởi vậy, rất khó cho rằng 4 chiếc trống này là trống tiêu biểu cho giai đoạn sớm của trống Thạch Trại Sơn. Trong một bài viết “Bàn về trống Vạn Gia Bá”, nhà khảo cổ học Trung Quốc – Lý Côn Thanh đã xếp những trống tiêu biểu giai đoạn sớm của trống Thạch Trại Sơn vào các kiểu III và IV, giai đoạn cuối cùng của trống “Vạn Gia Bá” (Lý Côn Thành 1998). Điều đó xác nhận giai đoạn sớm của trống Thạch Trại Sơn, giai đoạn chuyển tiếp từ trống “Vạn Gia Bá” lên trống “Thạch Trại Sơn”, không tồn tại, đồng thời khẳng định trống “Thạch Trại Sơn” xuất hiện ở vùng Điền Trì là khá muộn, không sớm như tác giả sách Trống đồng cổ Trung Quốc nêu ra! Trống “Vạn Gia Bá” không có khả năng phát triển thành trống “Thạch Trại Sơn”!

Trong bài viết “Bàn về hai hệ thống trống loại I Heger” (Keiji Imamura 1993), nhà khảo cổ học Nhật Bản Keiji Imamura, đồng tình với các nhà khảo cổ học Trung Quốc, cho rằng trống “Vạn Gia Bá” đã phát triển thành trống “Thạch Trại Sơn”, một trong hai hệ thống trống của trống loại I Heger, và gọi trống “Vạn Gia Bá” là trống “Tiền” Heger I. Như vậy, Imamura đã gián tiếp coi trống Gillet II (Hà Nội) thuộc hệ thống phân loại của Fr. Heger, không để ra ngoài hệ thống như Fr. Heger đã làm!

Còn các nhà nghiên cứu trống đồng ở Việt Nam, như Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh, tác giả cuốn Trống Đông Sơn, đã xếp trống “Vạn Gia Bá” ở Việt Nam, ở Trung Quốc vào giai đoạn thứ tư, gọi là trống nhóm D, trong quá trình phát triển của trống Đông Sơn (Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh 1987). Để hiểu rõ quan hệ giữa các nhóm trống, hay các giai đoạn phát triển của trống Đông Sơn, có thể tham khảo biểu đồ đưới đây do các tác giả thể hiện.

Từ biểu đồ trên, chúng ta không khó để nhận ra một điều là trống thuộc nhóm C và D là một cặp “song sinh”. Nhóm C và D sinh ra từ nhóm B, hay chỉ có nhóm C sinh ra từ trống nhóm B, còn trống nhóm D, trống loại “Vạn Gia Bá” sinh ra từ trống nhóm C?… Dù thế nào chăng nữa, thì trống “Vạn Gia Bá” cũng là loại trống được sinh ra từ giai đoạn trước đó của trống Đông Sơn! Gần đây, trong một bài viết “Phân loại trống Đông Sơn”, Hoàng Xuân Chinh, đồng tình với phương pháp phân loại của tác giả Trống Đông Sơn, nhưng chỉ bảo lưu bốn giai đoạn: A, B, C và D, không có nhóm trống Đ (Hoàng Xuân Chinh 2001). Nhóm trống D, trống “Vạn Gia Bá”, nghiễm nhiên trở thành trống cuối cùng của quá trình phát triển của trống Đông Sơn. Imamura gọi trống “Vạn Gia Bá” là trống “Tiền” Heger I, bây giờ trống “Vạn Gia Bá” thành “Hậu” Heger I!

Xét về mọi mặt, hình dáng cũng như hoa văn trang trí của trống nhóm D, hay trống “Vạn Gia Bá”, không có điểm nào tương đồng với trống nhóm A (như trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ, trống Sông Đà, trống Cổ Loa I…), mà sự khác biệt giữa chúng là khá lớn, chúng không phải là sản phẩm của một văn hóa, của một dân tộc… Quá trình phát triển của trống Đông Sơn do các tác giả vạch ra quả là một quá trình tự làm mất dần bản sắc của chính mình, để cuối cùng “trống Đông Sơn” không còn là “trống Đông Sơn”!

Trong bài viết bàn về Quan hệ trống “Vạn Gia Bá” và trống “Thạch Trại Sơn”, nhà khảo cổ học Trung Quốc Trương Tăng Kỳ nói rằng: “Quan điểm cơ bản của chúng tôi là trống Vạn Gia Bá và trống Thạch Trại Sơn là hai hệ thống khác nhau, của dân tộc khác nhau, cũng là nói quan hệ giữa chúng là quan hệ phát triển song song, mà không phải là quan hệ từ một phía này phái sinh phía kia” (Trương Tăng Kỳ 1993).

Trống Gillet II (Hà Nội) thân trống có đủ ba đoạn: tang, lưng và chân trống, song từng phần lại không giống với bất kỳ loại trống nào được biết (ở thời điểm năm 1902); hơn nữa trống lại không trang trí hoa văn. Vì vậy, Fr. Heger xếp trống Gillet II nằm ngoài hệ thống phân loại của chính mình đưa ra! Đến nay, đã phát hiện thêm trên 50 chiếc có cùng đặc điểm như trống Gillet II (Hà Nội), chúng đã hợp thành một loại hình riêng, các học giả Trung Quốc gọi là trống “Vạn Gia Bá”. Trống “Vạn Gia Bá” đã phát triển như thế nào?, những đặc điểm cơ bản vốn có của chúng đã diễn biến ra sao?, là sản phẩm của văn hóa nào? của dân tộc nào?… trước mắt chưa có câu trả lời cuối cùng!

2. Những phát hiện ở Việt Nam

Đến nay, ở Việt Nam đã phát hiện được 18 trống (bao gồm trống Gillet II) thuộc trống “Vạn Gia Bá”, chúng phân bố chủ yếu ở các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Sơn Bình, Hà Nội và Thanh Hóa… thuộc Bắc bộ và Bắc Trung bộ Việt Nam. Những chiếc trống này, đa số được phát hiện ngẫu nhiên trong quá trình lao động sản xuất và xây dựng, mà không qua khai quật khảo cổ học, việc nghiên cứu và tìm hiểu chúng gặp không ít khó khăn!

18 chiếc trống này cũng là một loại nhạc cụ gõ như các loại trống đồng khác nhưng cấu tạo, hình dáng của chúng có những đặc điểm riêng, không giống với các loại trống đồng đã biết. Tạo hình của 18 chiếc trống này, ở những mức độ khác nhau, đều bảo lưu tạo hình của loại nồi đồng dùng trong sinh hoạt hàng ngày, nồi đồng trở thành vật khởi nguồn, vật “gợi ý” cho trống “Vạn Gia Bá” ra đời. Đây cũng là hiện tượng phổ biến của nhiều loại nhạc cụ dân gian khác. Do vậy, quá trình phát triển và biến đổi của trống “Vạn Gia Bá” là quá trình “thoát thai” khỏi cầu hình của nồi dùng trong đun nấu, từng bước làm thay đổi tạo hình của trống, nâng cao chất lượng âm thanh, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của con người. Đó là động lực chủ yếu chi phối quá trình phát triển của trống “Vạn Gia Bá”, và cũng là cơ sở để xem xét phân loại của loại trống này.

18 chiếc trống, số lượng tuy không nhiều, song cũng đã thể hiện rõ 3 thời kỳ phát triển của trống “Vạn Gia Bá”: thời kỳ sơ khai, thời kỳ phát triển và thời kỳ thành thục (Nguyễn Văn Hảo 2011).

2.1. Thời kỳ sơ khai, có thể kể đến các trống:

– Trống 2006U:1 (Đào Anh Tuấn, Hoàng Xuân Chinh 2006), Trung tâm UNESCO sưu tầm và công bố năm 2006. Mặt trống phẳng và nhỏ, tang phình to, lưng hình loa kèn, chưa có lưng trống, trên trống còn bám vết khói đen do đun nấu; 2 tai đơn, không trang trí hoa văn (mặt trống có hoa văn mặt trời nhiều tia, chiếm gần hết diện tích của mặt trống, đắp trong thời gian gần đây – Tác giả). Đường kính mặt 12cm, đường kính tang 25cm, đường kính chân 31cm.

– Trống 2006U:2 (Đào Anh Tuấn, Hoàng Xuân Chinh 2006), Trung tâm UNESCO – Việt Nam sưu tầm và công bố năm 2006. Mặt trống phẳng và nhỏ, tang phình to, lưng hình loa kèn, chưa có lưng trống, hai tai đơn, không trang trí hoa văn (mặt trống cũng có hiện tượng như trên trống 2006U:1 – Tác giả).

– Trống 2010U:7, Trung tâm UNESCO – Việt Nam sưu tầm và triển lãm năm 2010. Mặt trống phẳng và nhỏ, tang không phình tròn, mà gẫy góc, khác với 2 chiếc trống trên, hai tai đơn, không trang trí hoa văn.

Trống thuộc thời kỳ này, có tạo hình tương tự như chiếc nồi đun nấu, thân chỉ có hai phần: tang và lưng, không có lưng trống (lưng và chân chưa phân hóa); một trống phẳng chưa nổi u tròn, vẫn giữ nguyên như đáy nồi. Phần miệng mở rộng, tương tự như loa kèn, tạo cho chức năng cộng hưởng âm của trống tốt hơn. Vị trí gắn tai, thuận lợi cho việc đặt úp trống, hoặc treo trống để đánh nhưng không thuận tiện cho việc sử dụng khi vật thể đó là nồi đun nấu. Điều này có thể tham chiếu qua chiếc trống thuộc loại trống “Vạn Gia Bá” cải tạo thành nồi đun nấu, phát hiện ở di chỉ Khả Lạc (Hách Chương, Quý Châu, Trung Quốc). Chỉ cần một động tác, gắn một đôi tai trên mép chân trống (như trên nồi đun nấu), khiến trống không thể đặt úp, hoặc treo để đánh như trước, mà chỉ có thể để ngửa sử dụng như chiếc nồi để đun nấu (Sở Nghiên cứu Khảo cổ học văn vật tỉnh Quý Châu 2000). Trống thuộc thời kỳ này, cũng như nồi đồng lại thường không trang trí hoa văn.

Thời kỳ này bắt đầu từ bao giờ? Những chiếc trống này phát hiện được không qua khai quật khảo cổ, không có di vật có niên đại cụ thể đi kèm, nên khó xác định niên đại! Nhưng qua tham chiếu những vật phát hiện ở mộ cổ Vạn Gia Bá (Vân Nam, Trung Quốc), ở di chỉ Khả Lạc (Sở Nghiên cứu Khảo cổ học văn vật tỉnh Quý Châu 2000); niên đại của thời kỳ này ở vào khoảng hậu kỳ Chiến quốc.

1 (3)

2.2. Thời kỳ phát triển, có thể kể đến các trống:

– Trống Sông Bạc (Trình Năng Chung cung cấp tư liệu), năm 1977, phát hiện trong quá trình đào vàng trên sông Bạc, thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang, Hà Giang). Giữa mặt trống là hình mặt trời tròn nổi 8 tia, tang phình tròn dẹt, toàn thân có dáng như một chiếc nấm, lưng cao hình loa kèn, chân trống thấp, 2 tai kép vặn thừng, lưng trống có 8 đường chỉ chạy dọc theo thân. Đường kính mặt 30,5cm – 32,5cm; đường kính chân 33,5cm; trống cao 30,5cm.

– Trống Thượng Nông (Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh 1987) năm 1981, phát hiện ở độ sâu 1m, trong quá trình đào ao ở xóm Đồi Bông, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Mặt trống hơi lõm (có thể được tạo ra do sử dụng), không ó ụ nổi tròn, mặt và tang không có đường phân giới, tang phình rộng tròn, lưng hình loa kèn, chân trống thấp, 2 tai đơn văn thừng, toàn thân không trang trí hoa văn.

– Trống 2010U:3, Trung tâm UNESCO – Việt Nam sưu tầm và triển lãm năm 2010. Mặt phẳng nhỏ, tang phình ở quảng giữa, lưng hình loa kèn, chân trống cao, 2 tai đơn, toàn thân không trang trí hoa văn.

– Trống 2010U:4, Trung tâm UNESCO – Việt Nam sưu tầm, triển lãm năm 2010. Mặt trống hơi cong lồi, tang phình ở quãng giữa, lưng hình loa kèn, chân trống cao, 2 tai đơn, toàn thân không trang trí hoa văn.

– Trống 2010U:5, Trung tâm UNESCO – Việt Nam sưu tầm, triển lãm năm 2010. Mặt trống phẳng nhỏ, tang phình tròn dẹt, lưng hình loa kèn, chân trống thấp, 2 tai đơn, toàn thân không trang trí hoa văn.

– Trống 2010U:6, Trung tâm UNESCO – Việt Nam sưu tầm, triển lãm năm 2010. Mặt trống phẳng nhỏ, tang phình tròn dẹt, lưng hình loa kèn, chân thấp, hai tai đơn, toàn thân không trang trí hoa văn.

– Trống Gillet II (Hà Nội), Lêodol Gillet ở Hà Nội sưu tầm, năm 1902 Fr. Heger công bố trong sách Trống kim loại ở Đông Nam Á và định danh là trống Gillet II (Hà Nội). Mặt trống phẳng nhỏ, mặt và tang không có đường ranh giới, 2 đôi tai kép không hoa văn. Fr Heger nhận thấy, trống Gillet II (Hà Nội), trống tuy đã có đủ ba phần: tang, lưng và chân trống, song từng phần không giống với những chiếc trống mà Fr. Heger có được. Do vậy, Fr. Heger đã xếp trống Gillet II (Hà Nội), nằm ngoài hệ thống phân loại của mình.

Nhìn chung, trống thuộc thời kỳ này đã phân thành ba phần: tang, lưng và chân trống, không giống với những chiếc trống ở thời kỳ trước, trống chỉ có hai phần (tang và chân). Song hình dáng và kích thước của từng phần trên mỗi chiếc trống không giống nhau, chúng đa dạng hơn. Điểm đánh trống ở giữa mặt thường nổi u tròn, hoặc hình mặt trời có tia, cá biệt có trống đã trang trí hoa văn.

Cũng như ở thời kỳ trước, trống thuộc thời kỳ này phát hiện ngẫu nhiên, không có hiện vật có niên đại cụ thể chôn cùng. Do vậy, việc xác lập niên đại cụ thể của thời kỳ này gặp nhiều khó khăn không vượt qua được. Từ diễn biến hình dáng, cá biệt xuất hiện trang trí hoa văn, đó là những điểm khác với thời kỳ trước. Do vậy, suy đoán niên đại của thời kỳ này vào khoảng sơ và trung kỳ Tây Hán.

2 (3)

2.3. Thời kỳ thành thục, có thể kể đến các trống:

– Trống 93.LC.XI (Phạm Minh Huyền 1997), năm 1993, phát hiện trong ngôi mộ cổ số 2 ở Lào Cai, trống được chôn cùng với 02 chiếc trống thuộc loại hình trống Đông Sơn (theo PGS. Phạm Minh Huyền).

Trống có dáng thô, tương tự như một chiếc nồi úp (Phạm Minh Huyền 1997), trên thân còn dấu vết của quai, lưng trống hình loa kèn, chân rất thấp, giữa mặt nổi u tròn, tang không hoa văn, lưng có 22 đường chỉ nổi chạy dọc theo thân, dưới cùng là 2 đường chỉ nổi chạy quanh lưng, chân không trang trí hoa văn.

– Trống 93.LC.XII (Phạm Minh Huyền 1997), năm 1993 phát hiện trong ngôi mộ cổ số 4 ở Lào Cai. Trống được chôn cùng 02 chiếc trống khác, trong đó có 01 chiếc là trống Thạch Trại Sơn. Trống bị vỡ chỉ còn lại một phần mặt và tang, tang phình rộng…

– Trống Đào Xá, năm 1978, phát hiện ở Đào Thôn, xã Đào Xá, (Tam Thanh, Vĩnh Phú (nay thuộc Thanh Thủy, Phú Thọ). Giữa mặt trống nổi u tròn, xung quanh có 5 vành hoa văn, trong đó vành thứ hai là hình 4 con thú (loài bò sát 4 chân?), vành ba và năm là hoa văn hình răng cưa, chân thấp không hoa văn, bốn quai hình văn thừng (Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Huyên 1978).

– Trống Mậu Đông (H.III3), năm 2004, phát hiện ở khu vực Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Giữa mặt trống là hình mặt trời 12 tia, chung quanh là hồi văn, lưng trống có 6 dải hoa văn vạch chéo hình chữ V, chạy dọc theo thân, phía dưới là văn hình răng cưa, dưới cùng là hồi văn, tang và chân không trang trí hoa văn (Nguyễn Văn Quang 2006).

3 (3)

– Trống Tùng Lâm I (H.III4), năm 1932, phát hiện ở độ sâu 0,5m gần chùa Tùng Lâm, xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Sơn Bình (nay thuộc Hà Nội) (Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh 1987). Giữa mặt trống là hình mặt trời 16 tia, các tia dài ngắn không đều, phía ngoài là hai đường chỉ văn thừng nhỏ, kẹp giữa là bốn hình hồi văn (văn cuộn hình bình hành) mà không phải là bốn con thú, ngoài cùng là văn hình răng lược, trên đầu răng lược có chấm nhỏ, thân trống trang trí hồi văn, văn răng lược và văn gạch chéo hình chữ V, chạy dọc thân, bốn tai không hoa văn.

– Trống Tùng Lâm II, năm 1973, phát hiện ở gần trống Tùng Lâm I (Nguyễn Văn Huyên 1978). Giữa mặt trống là hình mặt trời 16 tia, xung quanh là bốn họa tiết hồi văn (văn cuộn hình bình hành) tương tự như trống Tùng Lâm I, lưng trống trang trí hồi văn, tang và chân trống không trang trí hoa văn. Tang phình tròn đường kính 46cm, đường kính mặt trống 36cm.

– Trống Hải Bối, năm 2005, phát hiện tại khu vực hồ điều hòa thôn Hải Bối, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội (Vũ Thúy Hạnh, Trịnh Sinh 2007). Tang phình tròn về phần trên, lưng hình loe kèn, chân trống cao, hai tai kép không hoa văn. Giữa mặt trống là hình mặt trời 12 tia, xung quanh có bốn đường chỉ chạy song song, lưng trống có 2 dải văn vạch chéo hình chữ V, dọc theo thân, dưới cùng là văn hình người.

– Trống Mả Nguôi, năm 2000, phát hiện ở độ sâu 1,00m trên cánh đồng Mả Nguội, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Bùi Thị Luận 2004). Giữa mặt trống là u tròn nổi, lưng trống có 12 đường chỉ kép chạy dọc theo thân, tang và chân trống không trang trí hoa văn.

Trống thời kỳ thành thục, tính ổn định cao, hình dáng ít biến đổi, từng phần trên trống có hình dáng và kích cỡ gần nhau. Đặc điểm tạo hình của nồi trên trống vẫn tồn tại, song đã mờ nhạt hơn so với những chiếc trống thuộc thời kỳ trước.

Mặt khác, trên trống thời kỳ này, đa phần được trang trí hoa văn. Hoa văn trang trí trên trống Vạn Gia Bá chủ yếu là hoa văn hình học, họa tiết thường là hồi văn, văn răng lược, văn răng cưa, văn vạch ngắn chữ V, văn chỉ… Hoa văn tả thực rất hiếm, mới phát hiện một họa tiết là hoa văn động vật (loại động vật bò sát bốn chân(?)), không có hình ảnh về con người cùng những hoạt động của con người như trên trống Đông Sơn, hoặc trên trống Điền. Đây là bằng chứng xác thực thể hiện tộc thuộc của trống “Vạn Gia Bá” không phải là người Lạc Việt, cũng không phải là người Điền.

Niên đại của thời kỳ này, dựa vào những di vật chôn cùng trống “Vạn Gia Bá” như trong nhóm mộ cổ ở Lào Cai, ở mộ Đào Xá…, niên đại chôn của những chiếc trống có trong các ngôi mộ này vào khoảng sơ kỳ Đông Hán. Niên đại của thời kỳ thành thục, nằm trong khoảng từ hậu kỳ Tây Hán đến sơ kỳ Đông Hán.

18 chiếc trống thuộc trống “Vạn Gia Bá” phát hiện ở Việt Nam, số lượng không nhiều, song có đủ đại diện cho quá trình phát triển và biến đổi của trống “Vạn Gia Bá”, quá trình đó là quá trình biến đổi và tạo hình của trống, nâng cao chất lượng âm thanh (âm lượng, âm vực…), quá trình đó đã diễn ra trong khoảng thời gian không ngắn, từ khoảng hậu kỳ Chiến Quốc đến sơ kỳ Đông Hán; và cũng trong khoảng thời kỳ này là sự tồn tại và phát triển của trống Đông Sơn (trống của người Lạc Việt). Trong 18 chiếc trống, có 2 trống (93.LC.XI và 93.LC.XII) thuộc thời kỳ thành thục của trống “Vạn Gia Bá”, phát hiện trong nhóm mộ cổ ở Lào Cai (1993). Đây là mộ của người Điền, từ Vân Nam di cư đến Lào Cai, trong bối cảnh nước Điền đang lâm vào thời kỳ suy thoái; nước Điền vốn có hàng trăm năm lịch sử ở Vân Nam, đến trung kỳ Đông Hán thì hoàn toàn biến mất (Trương Tăng Kỳ 1998), 16 chiếc trống còn lại, phải chăng được chế tạo trên đất của người Lạc Việt? Câu trả lời vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Nguyễn Văn Hảo
(Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học)
Nguồn


TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hoàng Xuân Chinh 2001, Loại hình của trống Đông Sơn. Tham luận hội thảo quốc tế lần thứ IV về văn hóa đồ đồng và trống đồng nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Nxb. ND, Quý Châu.

Vũ Thúy Hạnh, Trinh Sinh 2007, Nghiên cứu sơ bộ trống đồng Hải Bố. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2007.

Nguyễn Văn Hảo 2011, Quan hệ giữa trống “Vạn Gia Bá” phát hiện ở Việt Nam. Tham luận hội thảo khoa học văn hóa đồ đồng ở Quảng Tây và Đông Nam Á. Nxb. ND, Quảng Tây (trong bài viết, tác giả đã chia 16 trong 18 trống đồng phát hiện ở Việt Nam thành 5 kiểu khác nhau, phân loại như vậy không phản ánh đẩy đủ tích đa dạng của trống “Vạn Gia Bá” nói chung và 16 trống phát hiện ở Việt Nam nói riêng, đồng thời dễ gây ra sự hiểu lầm về quá trình phát triển của trống “Vạn Gia Bá”).

Fr. Heger 1902, Trống kim loại cổ Đông Nam Á (Bản dịch tiếng Việt. D175), Thư viện Viện Khảo cổ học.

Hội Nghiên cứu Trống đồng cổ Trung Quốc 1988, Trống đổng cổ Trung Quốc. Nxb. Văn Vật, Bắc Kinh.

Nguyễn Văn Huyên 1978, Phát hiện trống Tùng Lâm II. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1978.

Phạm Minh Huyền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Sinh 1987, Trống Đông Sơn. Nxb. KHXH, Hà Nội.

Phạm Minh Huyền 1997, Một trung tâm văn minh cổ đại đầu nguồn sông Hồng trên đất Việt. Khảo cổ học, số 1.

Keiji Imanura 1993, Bàn về hai hệ thống của trống loại I Heger. Tham luận Hội thảo quốc tế lần thứ II về văn hóa đồ đồng và trống đồng Nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Nxb. ND, Quảng Tây.

Trương Tăng Kỳ 1993, Quan hệ giữa trống “Vạn Gia Bá” và trống “Thạch Trại Sơn”. Tham luận hội thảo quốc tế lần thứ II về văn hóa đồ đồng và trống đồng Nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Nxb. ND, Quảng Tây.

Trương Tăng Kỳ 1998, Thạch Trại Sơn, Tấn Minh. Nxb. Mỹ thuật, Vân Nam.

Nguyễn Lộc, Nguyễn Văn Huyên 1978, Nhóm di vật cổ mới phát hiện ở Đào Xá. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1978.

Bùi Thị Luận 2004, Trống Đông Sơn mới phát hiện ở Thanh Hóa. Khảo cổ học, số 1.

Nguyễn Văn Quang 2006, Tiền sử và Sơ sử Yên Bái. Nxb. KHXH, Hà Nội.

Sở Nghiên cứu Khảo cổ Văn vật tỉnh Quý Châu, Trung Quốc 2008, Khả Lạc – Hách Chương – Báo cáo khai quật năm 2000. Nxb. Văn vật, Bắc Kinh. Năm 2008.

Lý Côn Thanh 1998, Bàn về trống đồng loại hình Vạn Gia Bá. Tham luận khảo cổ học Vân Nam. Nxb. ND, Vân Nam.

Trung tâm UNESCO – Việt Nam 2010. Sưu tầm và triển lãm tại Bảo tàng Hà Nội năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội. Những chiếc trống này gồm cả 7 chiếc sưu tầm ở đâu(?) không được công bố. Theo một nguồn tin đáng tin cậy: Những chiếc trống này được sưu tầm ở Mậu A, cách Mậu Đông, nơi đã phát hiện trống Mậu Đông về phía bắc khoảng 6km, nằm về tả ngạn sông Hồng, tại khu vực này đã phát hiện thạp Đào Thịnh và thạp Hợp Minh.

Đào Anh Tuấn, Hoàng Xuân Chinh 2006, Hai chiếc trống đồng không trang trí hoa văn. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2006.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.