115. 🌟 Người Việt với Nền văn minh Lúa nước

Dân tộc Việt khác hẳn với tộc Hán về cả nguồn gốc, chủng loại cũng như văn minh. Không những thế, nền văn minh nông nghiệp – trồng lúa nước – của họ đã có những đóng góp quan trọng vào nền văn minh Trung Quốc, văn minh Hoàng Hà.

Cho đến nay (năm 2003) thì không còn ai nghi ngờ gì nữa, các nhà khảo cổ học, nhân chủng học, ngôn ngữ học, dân tộc học, hải dương học, di truyền học đã tìm được những chứng tích:

Dân tộc Việt có nguồn gốc từ Đông Phi Châu và nền văn hóa trồng lúa nước của họ đã có những đóng góp quan trọng vào nền văn minh Trung Quốc.

1. DÂN TỘC VIỆT NAM CÓ NGUỒN GỐC TỪ ĐÔNG PHI CHÂU (1)

Khởi thủy, cách ngày nay khoảng 90.000 năm, người hiện đại (Homo sapiens) từ Đông Phi Châu đến Đông Nam Á lục địa. Khi tiếp cận biển đông, một bộ phận đi thẳng ra các hải đảo Thái Bình Dương và Úc Châu; lúc đó họ vẫn còn là Hắc chủng. Phần khác trụ lại tại Đông Nam Á lục địa gồm có miền Bắc Việt Nam. Có thể tại lưu vực con sông mà ngày nay gọi là sông Hồng đã hội đủ điều kiện nên xảy ra cuộc “đột biến di truyền”; và từ đó giống “hắc chủng” (da ngăm, tóc xoắn) đã biến đổi thành giống “hoàng chủng” (da vàng, tóc đen sợi thẳng).

Sau đó, một bộ phận của người thời tiền sử ở Việt Nam (hiện nay) đã đi lên hướng Bắc, vào địa phận Trung Quốc. Như vậy, dân tộc Việt Nam không phải là một cành nam của gốc Hán, như nhiều nhà khoa bảng Việt Nam đã ngộ nhận (2).

Khoảng 40.000 tới 35.000 năm cách ngày nay, có sự phối hợp giữa chủng tộc từ Đông Nam Á nói chung và từ Việt Nam nói riêng đi lên với chủng tộc ở Tây Bắc sông Hoàng Hà cũng có nguồn gốc từ Đông Phi Châu di chuyển theo ngã Trung Á. Họ hợp thành cái cốt lõi của giống Hoa Hạ, tiền thân của tộc Hán. Theo giáo sư Wolfram Eberhard thì người Hán thực ra chỉ là sự pha trộn dần dần theo một tiến trình vừa phiền toái vừa lâu dài của nhiều bộ tộc khác nhau.

Khoảng 3.000 năm trước tây lịch, họ tạo dựng nên cái quốc gia mà ngày nay người ta gọi là Trung Quốc, ở mạn trung lưu Hoàng hà; và nền văn minh Trung Quốc, lúc ban đầu là nền văn minh Hoàng Hà với ranh giới khoảng ba tỉnh mà bây giờ có tên là: Sơn Tây (quê hương Đế Nghiêu 2356 – 2255 trước Tây lịch) Hà Nam (quê hương Hạ Vũ kinh đô của nhà Ân, 1766 – 1123 trước TL) Thiểm Tây với núi Kỳ sông Vị (quê hương của nhà Chu, 1122 – 225 trước Tây Lịch).

Khoảng 770 năm trước Tây Lịch bắt đầu có loạn Xuân Thu Chiến Quốc. Sau khi diệt Đông Chu, Tần Thủy Hoàng đã thôn tính các chư hầu, trở thành vị hoàng đế thống nhất Trung Quốc đầu tiên trong lịch sử Tầu (năm 221 trước Tây Lịch).

Nhà Tần phát khởi từ miền biên tái viễn tây Trung Quốc lúc bấy giờ. Họ có nguồn gốc bán man di (semibarbarian heritage – chữ của học giả O.Hucker) tàn bạo cổ kim không hai, đốt sách, chôn học trò….

Vì áp dụng đường lối Pháp gia vào việc trị nước quá hà khắc nên chi cai trị được có 15 năm thì mất vào tay nhà Hán. Trong một thời gian ngắn ngủi như vậy mà nhà Tần cũng đã bành trướng lãnh thổ từ Nam Mông Cổ xuống đến tận Lưỡng Quảng (3).

Trong giai đoạn này có một sự kiện lịch sử mà người Việt chúng ta không thể nào quên được là cuộc chiến chống xâm lăng nhà Tần. Nói theo ngôn từ thời nay, đó là “Chiến tranh nhân dân” chống quân xâm lăng đầu tiên trong lịch sử chiến tranh ở Á Châu.

Nhà Tần sau khi thống nhất toàn Trung Quốc (211 trước TL) đã phái 50 vạn quân xâm lược phương Nam. Quân Tần chiếm được một số đất đai của các tộc ở phía Nam sông Trường Giang, lập các quận Mân Trung (Phúc Kiến) Nam Hải (Quảng Đông) Quê Lâm (Bắc Quảng Tây) Tượng (Tây Quảng Tây và Nam Quý Châu) năm 214 trước TL.

Song càng đi sâu vào đất Việt, quân Tần đã bị người Âu Việt, người Lạc Việt anh dũng chống lại. Người Âu Lạc cùng nhân dân các tộc khác tạm rút vào rừng núi. Họ tổ chức lực lượng kháng chiến, cử người kiệt tuấn lên làm tướng và tiến hành các cuộc phục kích quân Tần vào ban đêm. Người Việt kiên trì chiến đấu lâu dài trong hàng chục năm ròng rã. Hàng chục vạn quân Tần bị tiêu diệt. Chủ tướng của giặc là Đồ Thư cũng bị giết chết.

Nhà sử học Trung Quốc nổi tiếng Tư Mã Thiên đã viết: “Lúc bấy giờ nhà Tần ở phía Bắc thì mắc họa với người Hồ, ở phía Nam thì mắc họa với người Việt. Đóng binh ở đất vô dụng, tiến không được, thoái cũng không xong. Trải hơn 10 năm, đàn ông phải mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi, người ta thắt cổ tự tử trên cây dọc đường. {(Sử ký, 9.112) Lịch sử Việt Nam tập I, NXB Khoa học xã hội, năm 1971, trang 72.

Sự kiện lịch sử này cho thấy người Việt kiên trì bảo vệ đất nước và nếp sống đặc thù của họ (Văn hóa dân tộc).

Khi Tần Thủy Hoàng mất (209 trước TL) thì cả thiên hạ nổi lên chống nhà Tần.

Triệu Đà, tướng của nhà Tần, lợi dụng thời cơ dựng nền tự chủ ở phương Nam, đã ngang nhiên xưng vương, đổi hai quận Quế Lâm và Nam Hải ra nước Nam Việt; sau đó đem quân đánh chiếm nước Âu Lạc khoảng năm 179 trước TL.

Năm111 trước TL nhà Hán đánh chiếm Nam Việt và Âu Lạc. Việt Nam đã bị Trung Quốc đô hộ 1000 năm.

Qua thời đại chống Bắc thuộc và qua kỷ nguyên Đại Việt, cái gốc văn minh sông Hồng không hề bị tróc rễ, tuy sự thực “CÂY VĂN HÓA VIỆT NAM” bị chặt trụi khá nhiều cành, bị (và được) lắp ghép nhiều cành nhánh mới. Nhiều yếu tố văn hóa Việt cổ bị mất mát. Văn minh Đông Sơn bị giải thể cấu trúc, những yếu tố của nó hòa trong nền văn hóa dân gian (4).

Trên thực tế có sự giao tiếp và kết hợp văn hóa Việt – Hán, nhưng khuynh hướng giao tiếp và kết hợp vẫn là Việt hóa chứ không phải là Hán hóa. Văn hóa Việt Nam không bao giờ là một bản sao chép của văn hóa Trung Quốc.

Từ khi nhà Hán cai trị Trung Quốc, những dân thuộc đại tộc Bách Việt ở lưu vực sông Dương Tử, không chịu sự đồng hóa của người Hoa hán đã lui dần về phương nam. Một số những người thuộc nhóm này đã sát nhập với dân tộc Lạc Việt, thuộc văn hóa Hòa Bình, sinh sống tại miền bắc Việt Nam – nhà sử học Charles O.Hucker cũng phát biểu rằng không phải tất cả các dân bản địa Phương Nam đều chịu phục tùng hoặc bị đồng hóa. Những dân tộc chống đối mạnh mẽ nhất đã di tản trước đà tiến của văn minh Trung Quốc và kiên định phát triển một nền văn minh riêng của họ như dân tộc Việt và Thái.

Khoa học đã minh chứng văn hóa Hòa Bình (miền bắc Việt Nam) đã hình thành trước thời bắc thuộc hàng mấy ngàn năm. Đó là cái gốc của văn hóa Việt Nam. Từ cái gốc đó phát sinh ra các nền văn hóa Bắc Sơn (10.000 – 5.000 năm trước đây) văn hóa Phùng Nguyên, thời đại các vua Hùng dựng nước (5.000 – 4.000 năm trước đây) và văn hóa Đông Sơn với trống đồng nổi tiếng trên thế giới (3.000 – 2.500 năm trước đây)

Chính cái gốc của văn hóa Hòa Bình (thời đại đồ đá mới) đã giúp cho dân tộc Việt Nam tồn tại được dưới chính sách đồng hóa vô cùng thâm độc của nòi Hoa Hán.

“Một trong những giai đoạn nhiều sáng tạo nhất lịch sử nhân loại xảy ra vào thời đại đồ đá mới với sự phát minh ra trồng trọt và chăn nuôi.” Muốn đạt đến những thành quả vĩ đại này, không phải trong chốc lát là được, những tập thể loài người bé nhỏ lúc bấy giờ đã phải trải qua hàng mấy nghìn năm quan sát, thí nghiệm và truyền đạt kinh nghiệm từ đời này qua đời khác. Sự nghiệp vĩ đại này đã diễn ra một cách tốt đẹp, liên tục và thành công (Claude – Lévi – Strauss – Triste Tropiques “Nhiệt đới buồn”, Paris Plon, 1955 trang 264 – 265, giáo sư Trần Quốc Vượng dịch).

Suốt thời gian Bắc thuộc, tất cả những đặc điểm độc đáo của văn hóa Việt Nam vẫn kết tinh ở văn hóa xóm làng, tức văn hóa dân gian. Làng Việt Nam là những pháo đài kiên cố bảo vệ bản sắc văn hóa Việt và cưỡng chống lại âm mưu thâm độc đồng hóa của tập đoàn phong kiến Hán, Đường phương Bắc.

Suốt thời gian Bắc thuộc, làng xã vẫn là bầu trời riêng của người Việt. Thủ lãnh Việt hùng cứ ở hương thôn.

Theo nhà Việt học Paul Mus: “Làng xã đã là các yếu tố cấu thành quốc gia Việt Nam và chỉ qua chúng, trong lúc lâm nguy, ta mới có thể hiểu được đất nước và tinh thần dân tộc của họ”.

Người ta thường quên một sự kiện là từ Tần, Hán trở về sau, khi Trung Quốc đã thôn tính xong lưu vực Trường Giang rồi Châu Giang, thì nền văn hóa trồng lúa nước ở phương nam chồng lên (surimposition) nền văn hóa trồng khô ở Hoa Bắc và hội nhập (intégrer) vào văn minh Trung Quốc. Trung Quốc đã “chữ nghĩa hóa” (nhờ ưu thế văn tự) nhiều thành tựu văn hóa của phương nam là văn hóa truyền miệng. Qua các sách vở Trung Quốc, về sau người Việt học lại nhiều điều vốn là kinh nghiệm, kí ức của tổ tiên mình nhưng đã qua sự sửa đổi “khái niệm hóa” của học giả Trung Quốc. Sơ nguyên tượng (archétype) của bàn cổ vốn là huyền thoại Bàn Cổ của tổ tiên người Dao. “Thần nông” (theo ngữ pháp Trung hoa thì phải là Nông Thân) vốn là “anh hùng văn hóa” (héro culturel) của người Việt. Truyện Ngưu Lang – Chức Nữ gắn liền với hiện tượng “mưa ngâu” ở phương Nam cũng là một sự tích Việt Nam được ghi lại bằng hán văn. Lịch Tàu (âm lịch như đang dùng hiện nay) chỉ mới lưu hành từ thời Hán Vũ Đế (140 tr TL) và chỉ đúng với khí hậu thời tiết miền Kinh Sở (Hồ nam) chứ không đúng với khí hậu Hoa Bắc. Các lễ hội mồng 5 tháng 5 âm lịch (lễ hội ngày Hạ chí), rằm tháng 7 âm lịch, Trung thu, rằm tháng 8 âm lịch vốn đều không xuất phát từ Hoa Bắc mà đều gốc tích ở miền Sở – Việt, tức vùng trồng lúa nước phương nam. Còn có thể kể ra nhiều lắm. Nhiều cái giống nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc là do Trung Quốc đã du nhập văn hóa lúa nước vào cấu trúc văn minh Trung Hoa.

Song dù cho có bao nhiêu sự giống nhau thì cũng không xóa mờ được những sự khác nhau, đặc biệt ở dưới bề sâu, trong dân gian làng Việt Nam là một cấu trúc xã hội thuần túy Việt Nam, còn bảo lưu đậm nét tính chất công xã hơn nhiều những tổ chức “Lân”, “Lí”, “Hương”của Trung Quốc.

Nó dựa trên một cơ sở kinh tế tiểu nông và phổ biến, trong khi ở Trung Quốc, bên cạnh kinh tế tiểu nông còn có hẳn một cơ cấu “trang viên” của một giai cấp địa chủ (6).

Như vậy văn hóa Việt Nam, văn minh sông Hồng và văn hóa Trung Quốc, văn minh Hoàng Hà, khác nhau từ căn bản, từ cội nguồn.

Nói tóm lại, trên diễn trình lịch sử, nước Việt, người Việt nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa Đông Nam Á, văn hóa chính trị Trung Hoa Đông Á, văn hóa Ấn Độ qua Phật giáo, song vẫn luôn luôn duy trì cái bản sắc đặc thù của mình.

2. VĂN HÓA VN, VĂN HÓA TRỒNG LÚA NƯỚC CÓ NHIỀU ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG VÀO VIỆC HÌNH THÀNH VĂN MINH TRUNG QUỐC

Dân tộc Việt là chủ nhân của nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước (văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn) ổn định lâu đời hàng 5.000 – 6.000 năm TTL, có địa bàn sinh hoạt ở châu thổ sông Hồng và sông Mã, khác hẳn văn hóa gốc du mục của tộc Hoa Hạ, phát tích ở tây bắc sông Hoàng Hà (7). Theo Charles O.Hucker, giáo sư Trung Hoa học và sử học tại đại học Michigan, nền văn minh đặc thù mà ông cha chúng ta kiên định phát triển là nền văn minh cổ hơn nền văn minh Trung Quốc vì đã có trước và góp phần vào việc hình thành nền văn minh Hoa Hạ từ thuở sơ khai. Và nền văn minh ấy đã đặt cơ sở trên nền văn hóa trồng lúa nước.

Các cuộc bành trướng về phương nam, từ nhà Hán về sau, kéo dài suốt 1.000 năm; cuộc nam chinh của người Hoa, theo Charles O.Hucker, không phải là tiến vào vùng hoang dã không có dân, mà cũng chẳng phải là cuộc bành trướng kiểu Hoa Kỳ đi đoạt đất đai của đám “mọi rợ”. Khi một nền văn minh có bản sắc rõ rệt của Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện tại bình nguyên Bắc Trung Quốc thì vùng đất miền Nam đã có những sắc dân cư ngụ tại đó và họ đã có một trình độ phát triển văn hóa không thua kém người Hoa là bao. Như vậy, cuộc bành trướng về phương nam của người Trung Quốc đã làm phong phú hóa cuộc sống cho người Hoa nguyên thủy và nền văn hóa của họ. Hucker cũng lưu ý rằng, không phải tất cả các dân bản địa phương Nam đều chịu phục tùng hoặc bị đồng hóa. Những dân tộc chống đối mạnh mẽ nhất đã di tản trước đà tiến của văn minh Trung Quốc và kiên định phát triển một nền văn minh riêng của họ như dân tộc Việt và Thái (8).

Wolfram Eberhard, giáo sư của đại học California đã từng giảng dạy tại đại học Bắc Kinh và đã để ra nhiều năm nghiên cứu về phong tục, tín ngưỡng của các sắc dân tại Nam Trung Quốc đã nhận định như sau: ý kiến cho rằng chủng tộc Hán đã sản sinh ra nền văn minh Cao Đại hoàn toàn tự lực do chính những tài năng đặc biệt của họ thì nay đã không thể đứng vững nữa. Hiện nay người ta đã biết rằng xưa kia không có một chủng tộc Tàu và ngay cả người Tàu cũng chẳng có nữa.

Người Tàu (Hán) thực ra chỉ là sự pha trộn dần dần theo một tiến trình vừa phiền toái vừa lâu dài của nhiều bộ tộc khác nhau. Vì thế, chúng ta thấy rằng không hề có một nước Tàu văn minh với chung quanh toàn là những dân tộc man di, mọi rợ mà chỉ có một nước Tàu và các quốc gia lân bang cũng văn minh như họ tuy theo một đường lối khác (9).

Theo Edward H.Schafer thì, chẳng còn nghi ngờ gì nữa, nghệ thuật trồng lúa nước và thuần hóa sức vật đã được người Tàu thâu hóa từ những chủng tộc mà họ khinh bỉ tại phương nam xa xôi (10).

Trong tác phẩm vĩ đại trên 10.000 trang nhà sử học thiên tài Joseph Needham đã̃ nêu 25 điểm đặc trưng của văn hóa Hòa Bình được người Việt cổ du nhập vào đại lục Trung Quốc theo vết chân di cư của mình (11).

Để kiểm chứng và có ảnh hưởng đến văn hóa Trung Nguyên có lẽ là các tục thờ cúng tổ tiên, tục mở hội mùa xuân, mùa thu, tục kén vợ gả chồng theo quan niệm “tự do luyến ái” chứ không theo tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” (12) văn hóa biển và sông nước, kỹ thuật đóng tầu dài, kỹ thuật trồng lúa nước, làm dụng cụ bằng tre (13).

Tiến sĩ Solheim II, giáo sư nhân chủng học đại học Hawaii đã công bố kết quả công trình khảo cứu của ông về văn hóa Hòa Bình (Bắc Việt Nam) trong tạp chí Southeast Asia National Geographic, số tháng 3 năm 1971: Tôi đồng ý với ông Saucer là việc thuần hóa những cây canh nông được những người thuộc nền văn hóa Hòa Bình thực hiện đầu tiên tại một vùng nào đó ở Đông Nam Á. Tôi không ngạc nhiên nếu việc thuần hóa này đã có từ năm 15.000 TTL.

Tôi nghĩ rằng nền văn hóa Long Sơn (phía nam sông Dương Tử thuộc tỉnh Hà Nam) không phải là phát sinh từ Nguỡng Thiều (thuộc tỉnh Thiểm Tây) ở miền Bắc Trung Hoa mà phát sinh từ miền Nam Trung Hoa rồi lan lên phía Bắc. Cả hai nền văn hóa Long Sơn và Ngưỡng Thiều đều bắt nguồn từ nền văn hóa Hòa Bình.

Sở dĩ trên đây chúng tôi phải dài dòng trích dẫn những học giả, sử gia, Trung Quốc học, khảo cổ học tây phương cũng như của Trung Quốc chỉ nhằm mục đích minh xác một điều:

Có một dân tộc Việt khác hẳn với tộc Hán về cả nguồn gốc chủng loại cũng như văn minh. Không những thế, nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước của họ đã có những đóng góp quan trọng vào nền văn minh Trung Quốc.

Nền văn minh đặc thù mà ông cha ta kiên định phát triển, theo Huckers, là một nền văn minh cổ hơn nền văn minh Trung Quốc vì đã có trước và góp phần vào việc hình thành nền văn minh Hoa – Hạ từ thuở sơ khai như đã đề cập đến ở phần trên, và nền văn hóa ấy đã đặt cơ sở trên nền văn minh trồng lúa nước (14).

Vĩnh Như – Lư Tấn Hồng – Phó Bảng Lê Đình Châu
Tủ Sách Việt Thường
Tiêu đề do lstv đặt.


Cước chú:
(1) * Cung Đình Thanh
Nguồn gốc văn minh và nguồn gốc Dân tộc việt. Tập san Tư Tưởng số 29. Sự thuần hóa cây lúa nước. Tập san Tư Tưởng số 3.
Nguyễn Văn Tuấn
Đặt lại vấn đề nguồn gốc Dân Tộc và văn minh Việt Nam. Tập san Tư Tưởng số 15.
* xin đọc thêm : Nguyễn Quang Trọng, về văn minh cổ và nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Hợp Lưu số 66 năm 2002.
Stephen Oppenheimer, Eden in the East.
The Drowned Continent of Southeast Asia. Nhà xuất bản Phoenix, London, 1998.
Dẫn theo The Cambridge Encyclopedia of Revolution (Cambridge Press)
Nhà bác học J. Y. Chu, bằng di truyền học DNA, đã chứng minh được con người hiện đại phát sinh ở Đông Phi Châu đã theo con đường Trung Đông đến Đông Nam Á qua ngả Nam Á. Rồi từ Đông Nam Á họ tiến lên Trung Hoa, qua Nhật, qua eo biển Bering Sea (lúc đó là giải đất liền) để vào Mỹ châu ( the Nation Academy of Sciences, USA,Vol.95 issue 20 – 29/07/1990 Trang 1763 – 1768; Xin xem tập san Tư Tưởng số 7 tháng 4/2000). Ông J. Y. Chu không ghi số năm tháng của sự di chuyển của giống người hiện đại này. Nhưng khảo cổ hợc, bằng vào những phương pháp mới đã tính ra người hiện đại phát sinh ở Đông Phi Châu khoảng 150.000 năm trước đây, đến Đông Nam Á.
Khoảng 90.000 năm trước đây, một mặt họ qua Nam Dương rồi Bắc Úc (lúc đó là giải đất liền) khoảng 50.000 năm trước, qua Nhật khoảng 30.000 năm trước (lúc đó cũng là giải đất liền).
Người Việt cổ di cư lên phía bắc, vào đất Trung Quốc hai đợt:
– Đợt thứ nhất cách nay khoảng 40000-35000 trước TL: Sau khi xẩy ra đột biến di truyền ở Đông Nam Á lục địa nói chung, ở miền Bắc Việt Nam nói riêng, nghĩa là từ Hắc chủng (da đen) trở thành Hoàng chủng (da vàng) có một ít người Việt cổ tiến lên phía Bắc vào đất Trung Quốc.
– Đợt thứ hai, khoảng 8000 – 5.500 năm trước, toàn bộ đồng bằng Bắc Việt ngày nay đã bị nhấn chìm dưới làn nước biển, người Việt cổ sống ở đồng bằng sông Hồng phải di cư đi nơi khác để tránh nạn lụt. Suốt gần 2.500 năm trong số đó, có một số ít đi lên phía Bắc vào đất Trung Quốc ngày nay bằng hai ngã: Ngã Tây Bắc (Vân Nam, Tứ Xuyên ) và ngã Đông Bắc (Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Chiết Giang).

(2) Kim Định
Nguồn gốc Văn hóa Việt Nam, Dân Chúa, 1982 trang 87.

(3) Thường Nhược Thủy. Đạo Sống Việt – NXB Ngày Nay năm 2000 trang

(4) Trần Quốc Vượng, Văn hóa VN – Tìm tòi và Suy ngẫm, NXB – Văn hóa dân tộc, năm 1999 trang 68.

(5) Charles O.Hucker, China’s Imperial Past, Standford University Press – 1975 trang

(6) Trần Quốc Vượng (sách đã dẫn – trang 78-79)

(7) Wilhelm G.Solheim II, New Light on a Forgotten Past, National Geographic – Vol 39- N3-March

(8) Charles O.Hucker (sách đã dẫn – trang 32)

(9) Kim Định. (sách đã dẫn – trang 32)

(10) Edward H.Schafer. (Ancient China, Time Lifebook – NewYork

(11) Joseph Needham. (Science and Civilization in China)
Nhà sử học thiên tài, Joseph Needham, trong tác phẩm vĩ đại trên mười ngàn trang, đã tóm lược vào 25 điểm như sau:
1 – văn hóa biển và sông nước.
2 – kỹ thuật đóng tầu dài.
3 – đặc điểm nhà làng để cho dân tụ tập sinh hoạt.
4 – tục đua thuyền.
5 – huyền thoại con rồng.
6- thờ phụng loài rắn.
7 – tục linh thiêng hóa ngọn núi.
8 – đặc thù về giống chó.
9 – văn minh trống đồng.
10- thuật dùng nỏ bắn bằng tên.
11 – phép làm quần áo bằng vỏ cây.
12 – tục xâm mình.
13 – đốt rừng làm rẫy.
14- hội về mùa xuân và mùa thu cho trai gái vui chơi để tự do lựa vợ kén chồng.
15 – văn minh trồng lúa nước.
16 – thuật đào mương dẫn nước.
17 – thuật làm nương rẫy.
18 – phép thuần hóa trâu để cày.
19 – tục thờ cúng ông bà.
20 – tục giết heo để cúng bái.
21 – tục cầu tự.
22 – thuật làm khí giới có chất độc.
23 – thuật trồng cây tre và xử dụng dụng cụ bằng tre.
24 – kỹ thuật đúc sắt.
25 – kỹ thuật làm sơn mài.
(Science and Civilization in China – Introduction) (28)
Xin chỉ nhấn mạnh vào 4 điểm của các tộc phương nam:
Điểm 1 – văn hóa biển và sông nước.
Điểm 2 – kỹ thuật đóng tầu dài.
Điểm 3 – tục đua thuyền.
Điểm 4 – văn minh trồng lúa nước. Gần đây trong một tác phẩm mới được đưa lên mạng Internet nhưng chưa xuất bản, nhà sử học Jeffrey Barlow cũng nhắc đến các ý kiến của các học giả Trung Hoa hiện đại nói về đặc trưng của văn hóa Bách việt. Yu TianJin và đồng nghiệp nêu 9 đặc trưng của văn hóa Bách Việt là:
1- tục cắt tóc ngắn và xâm mình 2 – kỹ thuật làm nhà sàn.
3 – tục mặc quần ngắn váy ngắn, đội khăn
4 – xử dụng trai, sò và các động vật lưỡng tính (vừa ở trên cạn vừa ở dưới nước ) làm thực phẩm chính
5 – nhuộm răng
6 – truyền thống đàn ông tham dự vào tiến trình sinh nở và săn sóc hài nhi để đàn bà được sớm ra đồng.
7 – đúc trống đồng và xử dụng trống trong những dịp cúng tế.
8 – tục bói bằng xương, đặc biệt xương gà.
9 – tín ngưỡng vật tổ, đặc biệt đối với chim, rắn.
GS Chen Guoqiang và đồng nghiệp thêm vào bảng trên 4 đặc trưng văn hóa sau: 1 – tục mai táng theo thế bó gối.
2 – chuyên xử dụng thuyền bè và giỏi hải chiến.
3 – sản xuất đồ gốm và xử dụng hình học.
4 – có kỹ thuật dệt vải phát triển (29)
Căn cứ vào những đặc trưng văn hóa trong các bảng liệt kê kể trên và phối hợp với những kiến thức thông thường trong lịch sử cũng như trong thực tế, ta có thể kết luận: Dân Việt là dân sớm định canh, định cư và trồng lúa nước nên gạo là thực phẩm chính; ở gần và giỏi về sông nước nên di chuyển bằng thuyền là chính. Chúng ta lại biết cò là loài gắn liền với ruộng lúa nước. Vậy tưởng có thể kết luận mà không sợ sai lầm là cò và thuyền biểu trưng cho văn hóa Bách Việt hơn là cho văn hóa Hoa Hán vì người Hoa Hán vốn trồng lúa tắc. Lúa mì trên ruộng khô và phương tiện di chuyễn chính là ngựa. Cũng cùng một lối nhìn như vậy, ta có thể chứng minh các hoa văn hình cóc, hình người giã gạo, hình mặt trời trên hầu hết trống đồng là đặc trưng của văn hóa phương Nam.

(12) tục lệ cổ từ thời Hạ, Thương: Gái nông dân không làm lễ cưới hỏi. Mùa xuân trai gái ra bờ ruộng, bờ sông múa hát, ân ái với nhau. Nếu sau đó con gái có mang thì thành vợ chồng. (Nguyễn Hiến Lê – Khổng Tử – NXB khoa học xã hội 1976)

(13) Joseph Needham – Science and Civilization in China (xem 25 điểm kể trên)

(14) Thưởng Nhược Thủy – Đạo Sống Việt, Tủ Sách Việt Thường, năm 2000 trang

 

Lời Bàn về giả thuyết Dân Tộc Việt có nguồn gốc từ Phi Châu.

Nếu lấy lý trí và sự nhận xét thông thường (common sense) mà phán đóan thì giả thuyết này không đứng vững.

Có lẽ Thượng Đế thấy con người có hai chân biết đi nên chỉ sinh con người ở miền Đông châu Phi để rồi con người phân tán ra các lục địa khác. Con người khi ở châu Phi thì đen, tới khi sang châu Âu thì thành da trắng, sang châu Á thì thành da vàng, sang miền Trung Đông thì lại hơi sanh như trái olive. Còn những cây thông thì không có thể di chuyển nên Thương Đế sinh ra những cây thông này ở các xứ ôn đới như miền Bắc Bắc Vịệt Nam, ở Nam Trung Hoa, ở châu Âu, và cả ở châu Mỹ. Cũng vậy ở những miền nhiệt đới như miền Nam Việt Nam, Mễ Tây Cơ thì cũng có sòai và dứa. Người ta nhận xét là thảo mộc và động vật ở những miển nhiệt đới thì giống nhau, nhưng khác thảo mộc và động vật ở miền ôn đới, Do đó thảo mộc và động vật tùy thuộc môi sinh mà phát hiện. Tại sao con người lại chỉ sinh ra từ một chỗ mà ra. Phải chăng đó là giả thuyết của những nhà khoa học gia chủ trương thuyết Sáng Tạo (creation) cho trái đất là phẳng và Thượng Đế sinh ra lòai người trong 6 ngày và đến ngày thứ bẩy thì phải nghỉ xả hơi, Vậy xin hai ông Vĩnh Như và Lê Đình Châu xét lại cho, vì chúng tôi thấy thuyết tiến hóa (evolution) hữu lý hơn. Thảo mộc và động vật kể cả con ngưởi sinh ra tùy thuộc môi sinh tức duyên khởi không phải do Thượng Đế.mang tính người cũng đủ thất tình hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Theo chúng tôi, những cây cỏ và động vật ở trong cùng một môi trường sinh thái đều giống nhau. Chẳng hạn như những thảo mộc hay động vật ở miền nhiệt đới thì giống nhau, những thảo mộc và động vật ở miền ôn đới hay hàn đới thì cũng đều giống nhau, bất luận là ở châu nào. Tuy nhiên có những sự khác biệt đôi chút mà thôi. Con người cũng vậy được sinh ra ở tất cả mọi nơi trên trái đất nhưng cũng có đôi chút khác biệt, như người da trắng ở châu Âu, da đen ở châu Phi, da vàng ở châu Á. Sau đó vì sự di dân nên có những sự pha trộn các sắc dân, như các nhà nhân chủng học đã turyên bố nhân lọai là một, không có những chủng tộc riêng biệt như tộc Hoa Hán hay được Thượng Đế lựa chọn như Do Thái và người da trắng. Vì vậy mới sinh ra ngã mạn dân tộc cho dân tộc mình là văn minh, còn ngoại giả là man di mọi rợ cần được các dân tộc văn minh (cường quốc) khai sáng, nên mới sinh ra chủ nghĩa đế quốc và thực dân và chiến tranh giành dân chiếm đất từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây không thấy ngày chấm dứt. Thật sự ra đó chỉ là do tâm điên đảo của con người vì tham, sân, si mà ra.

“Chủng tộc là một lý thuyết khoa học có từ mấy trăm năm trước đây. Nó là một quan niệm sai lầm chỉ được duy trì vì sự duy trì của chúng ta. Không có truyền giống tính về chủng tộc. Không có chủng tộc da trắng. Không có chủng tộc da đen. Các chủng tộc Á Châu, Mễ, đều là giả tưởng.”

Đó là lởi tuyên bố của Hiệp Hội Những Nhà Nhân Chủng Học người Mỹ và đa số những nhà chuyên môn về lãnh vực này.

Sau đây, xin trích dẫn Bản Tuyên Bố năm 1999 về Chủng Tộc của Hiệp Hội các Nhà Nhân Chủng Học Mỹ (www.aaanet.org/stmtracepp.htm).

“Những học giả ngày nay trong nhiều lãnh vực đều lý luận là chủng tộc như được hiểu ở Mỹ quốc là một công trình xã hội được sáng chế trong thế kỷ 18.

“Từ lúc khởi đầu, quan niệm hiện nay về ‘chủng tộc’ được phỏng theo một định lý về Dây Chuyền Vĩ Đại Về Vật Thể (Great Chain of Being) làm nguyên lý cho các chủng loại thiên nhiên theo một hệ thống đuợc ấn định bởi Thượng Đế hoặc thiên nhiên

“Nếu chúng ta đối xử với ý niệm này như bất cứ một quan niệm khoa học nào khác, thì những tư duy cổ lỗ, vô giá trị, cần phải loại bỏ khi có những phát kiến mới. Nhiều khi điều này đòi hỏi một sự thay đổi sâu xa về đuờng lối suy tư. “Ý niệm về chủng tộc trở thành một quan niệm khoa học vô giá trị, lỗi thời: phải chăng đã đến lúc chúng ta phải loại bỏ?

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.