113. 🌟 Nghĩa thủy chung và tinh thần bình đẳng của người Việt

Yêu nhau tâm trí hao mòn
Yêu nhau đến thác vẫn còn yêu nhau
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào khê nước chảy hãy còn trơ trơ

Tự do luyến ái, xây dựng gia đình, hôn nhân bình đẳng, gia đình phân công với lòng chung thủy trên nền tảng của tình nghĩa vợ chồng do cuộc chung sống mà phát sinh, chứ không phải do những nguyên tắc hay giáo điều bắt buộc vợ chồng phải tuân theo, làm mất đi tình người nói chung và tính hồn nhiên trong sáng của đời sống vợ chồng nói riêng.

Như chúng ta đã biết văn hóa Trung Quốc khởi thủy là nên văn hóa du mục dựa vào quân quyền và nam quyền, với tham vọng “bình thiên hạ”, trọng võ, trọng nam khinh nữ.

Khổng Tử cho rằng: chỉ hạng đàn bà và tiểu nhân là khó dạy. Gần thì họ nhờn, xa thì họ oán (Luận Ngữ – Dương Hóa 25).

Theo quan niệm Khổng Mạnh thì nam nữ hữu biệt; nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô, với nhân sinh quan “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” xây dựng gia đình với nếp sống “chồng chúa vợ tôi”; với chế độ đa thê, gia trưởng có quyền vô hạn, cha bán con, chồng bán vợ, ông bán cháu, thậm chí anh cả bán em gái.

Người vợ hoàn toàn lệ thuộc chồng với “tục bó chân” và ”tài sản” do người chồng nắm giữ với luật pháp bất bình đẳng, khi ly dị người đàn bà phải rời nhà chồng với hai bàn tay trắng, không lấy được các tài sản riêng mà người đàn bà mang đến cho gia sản của nhà chồng khi lấy chồng (Xem văn hóa du mục và nông nghiệp trong Cuộc Xâm Lăng Không Tiếng Súng, NXB Tủ Sách Việt Thường, năm 2005, trang 291 – 306).

Có lẽ nhận xét của hai học giả Trung Quốc (Trương Bình Trị và Dương Cảnh Long) về hôn nhân của người Tàu khách quan hơn là cái nhìn của chúng ta: “Ở Trung Quốc điều người ta coi trọng khi chọn vợ chọn chồng không phải là tình cảm mà là gia thế, địa vị, quyền lực, tiền bạc, chủng tộc v.v… Hôn nhân là bức tường vây, người ngoài tường muốn chui vào, người trong tường muốn nhảy ra.

Trong xã hội phong kiến kéo dài mấy nghìn năm, chế độ hôn nhân của người Trung Quốc đều là hôn nhân bao biện làm thay. Hôn nhân tác thành theo kiểu cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy, là sản phẩm của xã hội phong kiến, là một loại hôn nhân cưỡng bức. Trong xã hội phong kiến, hai bên nam nữ đương sự của hôn nhân đều không thể tự do lựa chọn bạn đời theo ý muốn của mình mà là do người thứ ba – chủ yếu là cha mẹ của hai bên (cha mẹ không còn thì anh cả) làm thay, hoàn toàn tước đoạt tất cả quyền lợi của hai bên nam nữ hôn nhân. Có thể thấy rằng, chế độ hôn nhân cưỡng bức làm thay đó tất nhiên sẽ đem đến bất hạnh và đau khổ cho hai bên nam nữ, một chế độ cực kỳ bất hợp lý, có thể nói là tàn nhẫn. Hơn nữa, chế độ đó từ thời Chu Tần vẫn tiếp tục kéo dài tới nay, thật là chuyện quái gỡ.

Quan hệ giữa người và người trong xã hội phong kiến là quan hệ khép kín, lại chủ trương nam nữ, thụ thụ bất thân, con gái lớn lên trở thành người lớn đa phần đều ở trong phòng khuê không bước chân ra khỏi nhà, không có thể nào gần gũi con trai, cha mẹ phụ huynh đành phải nhờ bà mối chọn vợ cho con trai, tìm chồng cho con gái. Bà mối chạy sang nhà đông, xuyên sang nhà tây, một mình gắn kết hai nhà đều dựa vào cái mồm nói ngon nói ngọt của bà. Khi cầu thân, cha mẹ hai bên nam nữ là chủ, chỉ cần ho  gật đầu ưng thuận là xong, không cần hỏi ý kiến của đương sự hôn nhân. Có khi hôn sự của hai nhà đã định xong, vẫn giữ kín như bưng, đương sự không hề biết, đến khi hỷ sự đến gần mới đánh tiếng cho con, báo cho biết ngày nào thành hôn, những việc cần chú ý khi thành hôn, những phép tắc cần phải tuân theo trong suốt quá trình. Tất cả những điều đó, đương sự hôn nhân đều phải vui vẻ phục tùng, coi đó là thiên kinh địa nghĩa, là lẽ đương nhiên. Bởi vì không có lựa chọn nào khác, đành phải nghe theo số mệnh, cha mẹ hưởng mọi quyền lợi của việc làm thay hôn nhân cho con cái, và gánh vác nghĩa vụ trả mọi chi phí cho con cái thành hôn, kể cả lễ cưới và đồ trang sức….

Hôn nhân phong kiến làm thay đó thực tế là đem quyền hành của cha mẹ thay thế hạnh phúc của con cái. Không thể nói làm cha mẹ đều có ý làm hại con cái, nhưng trên hiệu quả thực tế khách quan lại thường là lòng tốt làm việc xấu. “Hôn nhân không có tình yêu là vô đạo đức”.

Nói chung, mục đích của hôn nhân là thỏa mãn tình dục, sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường, làm tốt sản xuất để thu nhập, giải quyết vấn đề sinh hoạt vật chất của gia đình. Cho nên khi cha mẹ lựa chọn vợ chồng cho con cái chủ yếu đều chú ý vào các thứ lợi lộc mà gạt bỏ nhân tố tình cảm. Không những coi địa vị chính trị kinh tế của gia tộc đối phương là cực kỳ quan trọng, mà còn coi điều kiện năng lực lao động, khu vực cư trú của đương sự hôn nhân còn quan trọng hơn diện mạo thể hình, phẩm chất và trí tuệ của người đó.

Hôn nhân phong kiến làm thay tất nhiên sẽ làm cho nam nữ đương sự cảm thấy đau khổ và bất hạnh, do bản năng của nhân tính thôi thúc, hàng nghìn năm nay cũng không ít thanh niên nam nữ đã đứng lên chống lại chế độ hôn nhân làm thay tàn tệ đó, sự phản kháng đó không chỉ là tự phát mà còn thân cô thế cô, xã hội không ủng hộ, gia trưởng càng đè nén, nên cuộc tranh đấu cá nhân đó ít khả năng thành công, cuối cùng bao giờ cũng kết thúc thất bại, hoặc đồng tình bỏ trốn, hoặc tự sát quyên sinh, hoặc họ hàng ruồng bỏ bức tử. Tóm lại kết cục đều bi thảm. (Trương Bình Trị & Dương Cảnh Long – Người Trung Quốc Tự Trào, NXB Văn Học, Hà Nội 2002, tr 294 -296).

Ở Trung Quốc chế độ “mua vợ” còn thê thảm hơn loại hôn nhân cưỡng bức (cha mẹ đặt đâu con ngồi đó). Phụ nữ bị mua bán như trâu ngựa. Người Trung Quốc xưa gọi con gái là “phi”. Chữ “phi” lấy nghĩa từ “bạch thất” (tấm vải lụa); gọi vợ là “thảng”, nghĩa của chữ thảng là “nơi cất dấu tiền, vàng”. Nghĩa của những chữ đó đều có ý coi đàn bà con gái là hàng hóa. Hôn nhân mua bán đầu tiên không phân biệt thê thiếp, cho đến đời Chu bắt đầu chia ra, người cưới hỏi là thê, người mua bán là thiếp. Thiếp có thể bán công khai. Các đời Đường, Tống, Minh, Thanh về mặt luật pháp có qui định về hôn nhân mua bán, do đó có thể thấy hôn nhân mua bán đã tồn tại lâu đời trong lịch sử Trung Quốc.

Đặc trưng của hôn nhân mua bán là lấy việc bòn rút của cải làm mục đích, coi phụ nữ như hàng hóa. Tính chất của nó là hôn nhân do người khác làm thay cưỡng ép tạo ra, đã tước đoạt quyền tự chủ và quyền nhân cách của người bị đem bán, phản ảnh chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ và quan niệm phép tắc gia tộc trên vấn đề hôn nhân.

Hiện tượng kết hôn đòi thách cưới đến nay vẫn thấy nhiều. Ở một số vùng nghèo, để lấy được vợ, phải kiếm tiền bao nhiêu năm vất vả, góp nhặt dần mới có một món tiền nhất định, vì có tập quán nhà gái thách cưới quá cao. Cha mẹ nhà gái coi việc thách cưới nhà trai là đương nhiên. Còn về phía nam giới, cảm thấy tốn bao nhiêu mới lấy được vợ, trong chiều sâu tư tưởng sẽ nảy ra ý nghĩ “mua vợ bằng tiền” thì coi thường, khinh rẻ, sai khiến đối phương, thậm chí đánh chửi. Dân gian có câu ngạn ngữ: “vợ mua về như con trâu ngựa, muốn cưỡi thì cưỡi, muốn đánh thì đánh.” Như vậy thì còn nói gì đến vợ chồng bình đẳng. Phía nữ cũng tự cho rằng lấy tiền của người ta, ăn xôi chùa ngọng họng, khi bị khinh rẻ hay ngược đãi cũng ngậm đắng nuốt cay, không dám nói thẳng với chồng. Cho nên quan hệ vợ chồng trong gia đình Trung quốc, phần lớn là trọng nam khinh nữ, chồng là chủ cả nhà, có quyền thống trị, vợ thường ở địa vị phụ thuộc, trong đó ảnh hưởng của nhân tố kinh tế là một trong những bối cảnh.

Hôn nhân mua bán là hôn nhân bi thảm bất hạnh hơn hôn nhân làm thay do cha mẹ sắp đặt, phía nữ bị đem bán, bị vật hóa, trở thành một thứ hàng hóa, không những bị tước đoạt quyền tự chủ hôn nhân, mà còn mất nhân cách độc lập, thường rơi vào địa vị nô lệ trong gia đình, vợ là công cụ sống, ban ngày lao động phục dịch việc nhà, ban đêm thỏa mãn tình dục, khi không nghe lời thì bị chưởi mắng đánh đập, người đàn ông có quyền cai trị, sử dụng như đối với bất cứ vật gì mua về, căn bản không có nhân tố tình cảm giữa hai giới tính, không có chút tình yêu, rõ ràng loại hôn nhân này là vô đạọ đức nhất.

Ở Trung Quốc thời cổ đại đã có hiện tượng mua bán phụ nữ. Có những tầng lớp quí tộc, những người có quyền thế hoặc của cải thường thường công khai mua nhiều cô gái trẻ, ít thì mấy chục, nhiều thì hàng trăm, hàng ngàn. Sau khi mua về thì dùng làm nô tì, ai có nhan

sắc thì làm thiếp, dùng làm đồ chơi hưởng lạc của bọn quyền quí. Khi không dùng thì có thể bán lại hoặc chuyển cho người khác, có thể tùy ý sử dụng như con súc vật. Người con gái mua về là một loại gia sản có thể cầm đợ hoặc đi đánh bạc.

Ở xã hội phong kiến, gia trưởng là người cai trị mọi thành viên trong gia đình, có quyền vô hạn, có thể cha bán con, chồng bán vợ, ông bán con dâu, thậm chí anh cả bán em. Khi mua bán thì giá định theo tuổi tác, thể cách, diện mạo, tài năng của người con gái. Nói chung trên mười tuổi được giá nhất, có mặt mày sáng sủa xinh đẹp càng được chủ mua coi trọng.

Theo sử liệu ghi chép: giá của một cô gái có thể tương đương với giá một con ngựa và một súc lụa. Người có diện mạo rất đẹp thì cao hơn nhiều.

Những cô gái ít tuổi mà tài sắc tuyệt vời thì được giá nhất, đôi khi có nhiều người cùng nhắm trúng một cô thì tranh nhau đẩy giá lên, có khi đến vạn tiền.

Hôn nhân mua bán đáng sợ như thế đó! Sau khi bán cho người ta thì có thể mặc cho người ta chà đạp, lăng nhục, ngược đãi. Mọi quyền con người đều bị tước đoạt sạch, quả thực không bằng con vật. (Trương Bình Trị, sđd, tr 303 – 309).

Số phận vợ bé cũng bi đát như vợ mua . “Thiếp” ở thời cổ đại Trung Hoa là chỉ người con gái mà người đàn ông được lấy ngoài vợ chính, thiếp còn gọi là trắc thất, thiên phòng, tiểu thê, phó thê, tục gọi là “vợ bé”. “Chế độ thiếp” ở Trung Quốc có từ xa xưa. Thời Chu đã phân biệt thê thiếp. Đó là hình thức biểu hiện cụ thể của chế độ hôn nhân một chồng nhiều vợ.

Chế độ thiếp bắt nguồn từ thời đại cướp đoạt hôn nhân, cướp đoạt con gái ngoại tộc làm vợ, biến thành thiếp. Trong giáp cốt văn đã từng có chữ nô thiếp. Trong “Chu dịch” có thuyết “đắc thiếp dĩ kỳ tử” (lấy thiếp để kiếm con trai). Ở thời Chu, thiếp được chỉ rộng ra là trắc thất, phó thất, thiên phòng v.v… ngoài vợ chính, địa vị của thiếp thấp, không thể nào so sánh với chính thê.

Đến thời Chiến Quốc , kẻ giàu có trong đám thứ dân coi việc lấy thiếp làm vinh. Đời sau, đế vương, khanh tướng đều lấy thiếp.

Tần cũng lấy thiếp, Hán kế thừa chế độ Tần, vợ gọi là Hoàng Hậu, thiếp đều gọi là phu nhân. Đầu đời Ngụy dưới Hoàng Hậu có năm cấp tước, đều có thể lấy thiếp. Đầu đời Tùy, theo chế độ cũ, cũng có nghĩa là có vô số thiếp. Cung phi đầu nhà Đường có đến 6.000 người. Đời Tống đại khái giống Đường.

Từ Minh cho đến Thanh, đế vương đều có thiếp, hình như có thê thiếp càng nhiều càng tốt. Vào đời Đường, Hoàng Hậu là chính thê của Hoàng Đế, ngoài ra có quí phi, thục phi, đức phi, hiền phi và phu nhân. Có 9 cung tần là chiêu nghi, chiêu dung, chiêu viên v.v…27 thế phụ gồm tiệp dư, mỹ nhân, tài nhân mỗi loại 9 người, 81 ngự thiếp gồm bảo lâm, ngự nữ, thái nữ mỗi loại 27 người. Trên thực tế ngoài Hoàng hậu ra, danh phận các loại khác đều là tính chất của thiếp. Như vậy thiếp có đến 121 người. (Trương Bình Trị, sđd trang 309 – 310).

“Thiếp” vốn là sản phẩm của chế độ hôn nhân phong kiến, tưởng đã triệt tiêu trong xã hội Trung Quốc mới, nhưng theo đà phát triển của kinh tế thị trường và sức cám dỗ của đồng tiền, nó đã đang phục hồi trở lại. “Vợ lẽ” xuất hiện đang gay đau khổ cho phụ nữ (Trương Bình Trị sđd, tr 320).

Thiếp là một “loại bệnh Trung Quốc” và là một thói hư cũ, cái tật cũ mấy ngàn năm trầm kha, có người nói cái bệnh này như mỹ nữ yêu tinh rất cám dỗ con người, thật khó chữa trị (sđd, trang 3121).

Trong nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Khổng Mạnh “trọng nam khinh nữ” “nam nữ hữu biệt” “nam nữ thụ thụ bất thân” với hôn nhân cưỡng bức, hôn nhân mua bán và chế độ đa thê. Hôn nhân không có tình yêu là thiếu tình người, là vô đạo đức. Người vợ là kẻ phụ thuộc, là người nô lệ của chồng thì còn nói gì đến vợ chồng bình đẳng và lòng chung thủy . Trên thực tế chỉ có sự trung thành của tớ đối với chủ, của kẻ nô lệ đối với ông chủ.

Ở Tây phương ngày xưa người phụ nữ còn bị đối xử thê thảm hơn ở Trung Quốc. Vì sao? Vì người Tây phương quan niệm Thượng Đế lấy cái xương sườn của đàn ông mà tạo dựng nên người đàn bà. Chính người đàn bà là nguyên nhân của tội tổ tông. Đàn bà là biểu tượng của tội lỗi. Theo học lý Femme Converte của Thông Luật thì người vợ là vật sở hữu của chồng, và không có quyền pháp lý đối với lợi tức do chính bà ta kiếm ra, cũng như đối với con cái và tài sản của bà ta.

Ở Mỹ, cuối thế kỷ 19 (năm 1890) nhiều tiểu bang vẫn còn áp dụng học lý Femme Courte của Thông Luật. Như vậy trên thực tế thì vợ trung thành với chồng vì vợ là vật sở hữu của chồng. Gọi sự trung thành của kẻ dưới đối với bề trên là lòng chung thủy là không chính danh.

Ở Nhật Bản và Ấn Độ, ngày xưa, với nếp sống phân chia đẳng cấp khắc nghiệt, người đàn bà cũng bị xem thường như ở Trung Quốc và Tây phương.

Ngay cả tư tưởng Phật giáo được xem là tư tưởng cách mạng xã hội và tâm linh để giải phóng con người mà khởi thủy cũng không cho người nữ đi tu và hiện nay vẫn còn phân biệt đẳng cấp giữa tăng và ni.

Người đàn bà bị xem thường trong các nền văn hóa không thuộc đề tài của bài viết này. Xin để một dịp khác đi sâu vào chi tiết hơn.

Sở dĩ chúng ta phải dài dòng minh chứng hôn nhân không tình yêu và sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng chỉ nhằm mục đích minh xác một điều: lòng chung thủy chỉ phát sinh một cách hồn nhiên trong sáng ở nơi nào có nếp sống tự do luyến ái tự do lựa chọn bạn đời đưa đến xây dựng gia đình, với hôn nhân bình đẳng và gia đình phân công…Từ cuộc sống chung, nương tựa vào nhau, tình nghĩa gắn bó quyện vào nhau thành một khối sinh động mà nẩy sinh lòng tin yêu bền vững để duy trì mái ấm gia đình với đàn con cháu và gia tộc.

Trong nền minh triết Việt, người nông dân sống thuận lý theo thiên nhiên mà sự màu nhiệm của thiên nhiên là cái hiện tiền của đời sống chan chứa tình thương và sự hiểu biết, đáp ứng được mưu cầu tìm hạnh phúc lâu dài cho con người trong cuộc sống chung.

Trai gái nông dân thời xưa tuy sống trong nếp sống nam nữ tương thân, gần gũi nhau trong lao động cũng như trong giải trí, tự do luyến ái, nhưng không có tư tưởng lãng mạn vì lúc nào họ cũng đưa tình yêu đến chỗ chung thủy. Tình yêu chung thủy không bao giờ có thể là tình yêu lãng mạn được. Tình yêu chung thủy đưa đến việc xây dựng gia đình, không như ong bướm đậu rồi lại bay.

Đường dài ngựa chạy biệt tăm
Người thương có nghĩa, trăm năm cũng chờ.

Khi trai gái yêu nhau họ đã thề nguyền:

Đôi ta đã trót lời thề
Con dao lá trúc đã kề tóc mai
Dặn rằng “ai chớ quên ai”.

Lòng tin yêu son sắt đối với tình yêu của người bình dân (nông dân) trở thành “lẽ phải” tự nhiên nhi nhiên về nhân sinh cho nên trong hoàn cảnh nào họ cũng vẫn xem trọng lời hẹn ước:

Chén tình là chén say sưa
Nón tình em đội nắng mưa trên đầu
Lược tình em chải trên đầu
Gương tình soi mặt làu làu sáng trong
Ngồi buồn nghĩ đến hình dong,
Con dao lá trúc cắt lòng đôi ta
Duyên đôi ta thề nguyền từ trước
Biết bao giờ ta được cùng nhau
Tương tư mắc phải lá sầu
Đây em cũng giữ lấy mầu đợi anh.

Tình yêu gắn bó với nghĩa nhân, nhiều lúc trai gái xem nhẹ giàu sang, danh lợi, từ chối tất cả để giữ cho bằng được lời thề nguyện từ trước:

Hai tay cầm bốn ông tơ
Dù năm bảy mối, cũng chờ mối anh

Hoặc:

Thương nhau bất luận giàu nghèo
Dù cho lên ải, xuống đèo cũng cam.

Không phải xem thường mọi qui ước của xã hội người con gái chỉ muốn thổ lộ lòng chung thủy của mình đối với người yêu:

Hay

Thương nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.

Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo, ta đề câu thơ
Câu thơ ba chữ rành rành
Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba
Chữ trung thì để phần cha
Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình.

Tình yêu chung thủy đến thế là cùng. Nhưng đó chỉ là muốn bày tỏ sự quyết tâm giữ lời hẹn ước. Nói là nói vậy, nhưng còn chờ sự chấp thuận của cha mẹ:

Ngọc còn ẩn gốc cây ngâu
Còn cha còn mẹ dám đâu tự tình

Cho nên:

Em về thưa mẹ cùng thầy
Có cho anh cưới thàng này anh ra
Anh về thưa mẹ cùng cha,
Bắt lợn sang cưới, bắt gà sang sêu.
Chắc như lời ấy không sai,
Tháng giêng đẵn gỗ, tháng hai làm nhà
Tháng ba ăn cưới đôi ta.

Tâm tư tình cảm bao la, phong phú, chan chứa thật nồng nàn:

Anh ra về, em cũng muốn về theo

Hay là:

Và:

Anh về để áo lại đây
Đêm khuya em đắp, gió tây lạnh lùng
Ra về không lẽ về luôn,
Để khăn xéo lại, lệ tuôn em chùi.

Sống trong môi trường nam nữ tương thân, trai gái gần gũi trong lúc làm việc, khi vui chơi, tự do trao đổi tâm tư tình cảm, rồi cảm nhau, chọn được người bạn đời nồng nàn trong yêu thương, từ chối tất cả, quyết tâm bền chí giữ lời thề ước, vì chữ tình đối với họ luôn luôn gắn liền với nghĩa, tức “nghĩa thủy chung”, lòng tin yêu bền vững, “Nghĩa” mới chính là cái mà họ đang sống từng giây từng phút cùng với nhịp thở.

Một khi trai gái đã chọn được người bạn đời, họ luôn luôn hướng đến việc xây dựng mái ấm gia đình, với nhân sinh quan “cùng nhau nương cậy để phòng nắng mưa” trong tinh thần bình đẳng, đồng thuận: “thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”.

Cho nên chúng ta không còn gì thắc mắc khi thấy trong ca dao Việt Nam về tình yêu hầu hết đều phô diễn ý hướng vươn đến nghĩa thủy chung trong tình yêu trai gái, trên nền tảng gắn bó tình cảm thiêng liêng.

Tình thương quán cũng như nhà,
Lều tranh có nghĩa hơn tòa ngói sen

Người bình dân diễn tả, bày tỏ nghĩa thủy chung rất đơn giản, cụ thể và sinh động:

Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng trôi không tiếc, tiếc công anh cầm

Nhìn một cành hoa, họ không ca tụng cành hoa đẹp, mà họ ca tụng công người trồng hoa. Một đóa hoa rơi, họ không mến tiếc đóa hoa ấy mà mến tiếc công lao kẻ chăm sóc! Tinh thần trọng nghĩa của họ chói ngời trong ý tưởng:

Dao vàng cắt ruột máu rơi,
Ruột chưa đau mấy bằng lời em than!
(Nguyễn Tấn Long – Phan Canh, Thi Ca Bình Dân, NXB Xuân Thu, tr 116).

Cho nên:

Đôi ta như cây giữa rừng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.

Hoặc:

Trăm năm đá nát vàng phai,
Lời nguyền với bạn, nhớ hoài không quên.

Hay

Yêu anh cốt rũ xương mòn,
Yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh.

Lòng chung thủy thấm thiết, nồng nàn vững bền của trai gái đến thế là cùng, nên nếp sống nghĩa thủy chung trong đạo vợ chồng của người nông dân Việt càng thêm đậm đà, sâu sắc, bền vững một cách hồn nhiên trong sáng trên nền tảng của tinh thần bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình phân công với nhân sinh quan “cùng nhau nuơng cậy để phòng nắng mưa” trong tinh thần tương thân tương ái, đồng thuận (thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn) lấy tình nghĩa làm đầu trong lẽ sống hàng ngày giữa vợ chồng.

Sự gắn bó ràng buộc, tin yêu do tình nghĩa (nghĩa thủy chung) trên nền tảng của tình cảm thiêng liêng được cảm nhận từ thiên nhiên, chứ không cứng nhắc thiếu tình người nào ràng buộc.

Hay

Có chồng thì phải theo chồng
Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo.
Theo nhau cho trọn đạo trời
Dẫu mà không chiếu, trãi tơi mà nằm.
Có chồng thì phải theo chồng,
Đắng cay phải chịu, mặn nồng phải theo.

Rồi trong cuộc sống:

Tay bưng đĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.

Hoặc:

Anh ơi chua ngọt đã từng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.

Không có hình ảnh nào nói lên sự gắn bó bền vững của vợ chồng một cách cụ thể, hiện thực và sinh động hơn:

Đôi ta như rắn liu diu,
Nước chảy mặc nước ta dìu lấy nhau
Đôi ta như thể con tầm
Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong.
Đôi ta như thể con ong
Con quấn con quýt, con trong con ngoài.

Nếu không bị ngoại vật chi phối, đầu óc không bị nhiễm độc bởi những khuôn mẫu đạo đức khô cứng hay những giáo điều trong kinh sách, con người sống trong tình thương yêu trong sáng.

Tình yêu là sợi dây gắn bó giữa trai gái, tự nhiên nhi nhiên, nhưng nếu nó vượt ra ngoài “nghĩa thủy chung” mà trai gái gọi là nghĩa thì mất cả tình người

Nghĩa chung thủy, lòng tin yêu bền vững chỉ phát sinh, nẩy nở và phát triển hồn nhiên trong sáng trong nếp sống nam nữ tương thân, trai gái cởi mở, tự do, mạnh dạn trao đổi tâm tư tình cảm, chọn lựa người bạn đời (tự do luyến ái) trong môi trường sinh thái xã hội nông nghiệp trồng lúa nước, hướng tới xây dựng mái ấm gia đình với nhân sinh quan hôn nhân bình đẳng trong gia đình phân công mà hôn nhân là ứng dụng những bài học thiên nhiên (Thiên thư vô ngôn cũa Trời Đất) vào đời sống sinh động, nên trong đời sống của hai vợ chồng hiểu biết nhau (người bạn đời) là điều cốt yếu thiết thực. Biết lắng nghe và hiểu nhau tình nghĩa mới nồng nàn, nghĩa thủy chung mới thắm thiết vững bền.

“Tình người” chỉ hiện hữu trong “nghĩa thủy chung” chứ không bao giờ tìm thấy trong sự trung thành ở nếp sống “chồng chúa vợ tôi” (Trung Quốc – Ấn Độ – Nhật Bản)hay vợ là sở hữu của chồng (Tây phương).

Lòng chung thủy trong đạo vợ chồng của người nông dân Việt là tình yêu hồn nhiên trong sáng của trai gái hòa quyện với tình nghĩa vợ chồng mà hai người đã hòa hợp với nhau đến độ nhìn thấy chính mình ở người phối ngẫu: Mình ơi! Có khách.

Có mặt mình ăn muối cũng ngon,
Vắng mình một bữa, chẳng vui chút nào
Hồi nào mình bệnh mình đau
Bắt từng con cá ruộng nấu canh rau nuôi mình.

Khi tình yêu chân thật ở trạng thái hòa hợp tuyệt vời thì chồng và vợ xem như hợp nhất trở thành nhất thể (một) qua cách xưng hô “mình” thì lòng chung thủy không còn đặt thành vấn đề, nó tự nhiên nhi nhiên, vì sự gắn bó, lòng tin yêu càng ngày càng bền vững, vì tình yêu đã thăng hoa, hòa đồng trở thành vĩnh hằng.

Vợ gọi chồng là “mình” và chồng cũng gọi vợ là “mình”, lúc đó “tất cả” trọn vẹn của nhau, không còn phân biệt quyền hạn. Cái gì của chồng là của vợ (của chồng công vợ) cái gì của vợ là của chồng. Thân xác là của nhau, của cải là của nhau “mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”. Lúc ấy cái nhà đối với vợ chồng đang ở đương nhiên là của chung, nơi đó người vợ, người chồng chung gánh trách nhiệm, chung sức xây dựng đời sống ấm no cho con cháu. Hai người tin cẩn hòa hợp đến mức độ có thể giới thiệu nhau trước chòm xóm láng giềng: “đây là nhà tôi” (Hồng Kim Linh – Người Việt – quyển một. NXB Tử Sách Nghên Cứu Dân Tộc Ngôn Ngữ, năm 1999, trang 204 – 205).

Nếp sống trọng nam khinh nữ, đạo lý Khổng Mạnh bắt buộc người vợ phải “trung thành” với chồng, với chiêu bài “lòng chung thủy”.

Hai chữ “chung thủy” không diễn tả được trọn vẹn một cách sinh động tình nghĩa vợ chồng trong nếp sống nông thôn Việt Nam. Thật ra, nó không cần thiết, vì tình yêu trai gái nông thôn Việt là vĩnh hằng. Nó có đó, thế rồi nó phát triển, phát triển mãi, rồi tình nghĩa vợ chồng sẽ phát triển ngày một sâu đậm hơn. Vì sao? Tình yêu của họ không phải là tình yêu lãng mạn, không phải là xúc động do tiếng sét ái tình, cũng không phải là đam mê hay tình dục mà là tình yêu chân thật phát xuất tự đáy lòng.

Hôn nhân của họ không phải là hôn nhân ép buộc: lối sống quần cư hài hòa trong xóm làng – văn hóa xóm làng – với nếp sống nông nghiệp trồng lúa nước đã tạo ra nhiều dịp để trai gái thường xuyên gặp nhau, cùng nhau làm việc trên đồng ruộng, lúc nghỉ ngơi trên bờ đê, mảnh vườn, bờ giếng, dưới dậu tre, đầu làng cuối thôn, sân đình phiên chợ, những dịp hội hè với tục ca hát và những trò chơi trai gái có thể cùng vui đùa, đánh đu, bắt trạch trong chum, kéo co v.v… Đó là dịp trai gái tiếp xúc tâm tình, trao đổi tâm tư tình cảm, tìm hiểu nhau, thử thách, chọn lựa người bạn đời. Hàng ngày gặp nhau, tháng qua tháng, năm qua năm họ biết rõ sở thích, tính tình, nếp sống, cung cách ứng xử…hiểu rõ gia cảnh nhau. Qua năm tháng họ

trưởng thành, hiểu trách nhiệm của cuộc sống, hiểu các vấn đề của việc chung sống. Chấp nhận tất cả những khó khăn, thực tại của cuộc sống tình yêu và cảm thấy có nhau là có tất cả. Hạnh phúc chỉ có khi sống bên nhau. Cho nên: “chết thì chịu chết lìa đôi không lìa”.

Trai gái ở nông thôn gặp nhau tự nhiên trong tình người, với trái tim chân thành rộng mở, cảm nhau, hiểu nhau, ưng ý, đồng thuận rồi thành người “bạn đời.”

Như trên đã trình bày hai vợ chồng, hai người hòa hợp với nhau đến độ nhìn thấy chính mình ở người phối ngẫu thì lòng chung thủy không còn đặt thành vấn đề nữa vì tình yêu đã là vĩnh cửu. Hôn nhân là hiện thực, là môi trường thuận lợi của tình nghĩa vợ chồng trở nên thắm thiết, nồng nàn, lòng tin yêu thêm bền vững.

Yêu nhau tâm trí hao mòn,
Yêu nhau đến thác vẫn còn yêu nhau

Hoặc:

Chết thì chịu chết lìa đôi không lìa

Hay:

Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào khê nước chảy hãy còn trơ trơ.

Vĩnh Như
Tủ Sách Việt Thường
Tiêu đề do lstv đặt.

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.