102. Âu Lạc, Nam Việt và những khoảng trống trong cổ sử Việt

Với tư cách một người đang nghiên cứu về thời kỳ tiền sử và tiền sử muộn của Việt Nam và Đông Nam Á, tôi cũng đã quan tâm khảo cứu về những thời kỳ lịch sử nước nhà có liên quan đến một số nhận xét của thiền sư Lê Mạnh Thát từ cách đây trên 45 năm, mà nhà báo Hoàng Hải Vân vừa khơi lại.

Lạc Việt, Tây Âu và nước Nam Việt

“Việt” được ghi trong các văn tự nước ngoài là “Yue” bắt đầu được nhắc đến nhiều trong thư tịch Trung Quốc vào khoảng thời Xuân Thu, khi mà quá trình vận động kết tinh của các xã hội thời kỳ hậu bộ lạc của người Hoa Hạ sống ở vùng trung, hạ lưu sông Hoàng Hà đã tương đối ổn định, một khối Hoa Hạ tương đối chặt chẽ về văn hóa, chữ viết, chính trị đã hình thành với mô hình Nhà Chu (thiên tử) và các tiểu quốc chư hầu thần thuộc. Từ đó các xã hội ngoài thế giới Hoa Hạ được tăng cường ghi chép mô tả trong xu hướng mở rộng bang giao với các nước láng giềng.

Mối bang giao với Việt Nam hiện có bằng chứng chính thức từ khoảng 3500 năm cách ngày nay với việc khai quật được những chiếc “nha chương” – hiện vật bằng đá, biểu tượng quyền uy thời Thương Chu bên Trung Quốc, tại Xóm Rền, Phùng Nguyên (Phú Thọ). Khi đó, cả một khối cư dân lớn, gồm nhiều tộc người khác nhau, sống ở phía Nam khu vực phân bố những người tộc Hoa Hạ được ghi chép chung chung là Yue mà chúng ta hay dịch là Việt. Tôi xin kể ra đây một câu chuyện nhằm để phân biệt quan niệm khác nhau của Yuê và Việt về thuật từ khoa học. Năm 2002, trong một hội thảo ở Malaysia nhan đề “Văn hóa Đông Sơn và Truyền thống Đông Sơn”, đến phiên tôi tham gia chủ tịch đoàn, diễn ra tranh luận giữa Gs Surin Pokajorn của một trường ĐH Thái Lan với Gs Diệp Đình Hoa, đại biểu Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á Việt Nam. Gs Pokajorn không thống nhất quan điểm dùng chữ “Việt” cho chủ nhân văn hóa Đông Sơn của Gs Diệp. Nhưng khi tôi đưa ra thuật từ Yuê thì mọi người lại nhất trí ngay. Trong quan niệm của vị giáo sư người Thái kia, cũng giống nhiều nhà nghiên cứu khác, trong thuật ngữ Yuê bao hàm cả tổ tiên các nhóm tộc Nam Trung Quốc khác nữa, như Dai (Tày, Thái, Choang, Đồng…), Hmông, Dao và các nhóm Việt khác, mà người Việt hiện nay chỉ là một trong số đó. Vì thế, sau này mới có Bách Việt. Bách không phải là con số tròn 100, mà là một quan niệm chỉ số nhiều, tương tự “Vườn Bách Thảo, vườn Bách Thú” vậy. Và vào thời đại trống đồng Đông Sơn, tổ tiên người Thái Lan hiện nay cũng dùng trống. Việt hiện nay trở thành thuật từ ám chỉ những cộng đồng người hiện đại : Thái (chủ yếu ở Thái Lan), Choang (chủ yếu ở Quảng Đông, Quảng Tây -Trung Quốc), Việt (chủ yếu ở Việt Nam)…

Vào cuối thời Xuân Thu, tại khu vực ngoài Hoa Hạ xuất hiện ba tiểu quốc khác Hoa Hạ là Sở, Ngô và Việt, ở trung và hạ lưu sông Trường Giang hiện nay. Sử sách từ đó bắt đầu xuất hiện những loại từ để phân biệt các nhóm Việt khác với những người Yuê đã lập quốc, ví dụ Đông Âu, Mân Việt ở phía Nam nước Việt (Câu Tiễn), vùng Phúc Kiến hiện nay, Âu Việt chỉ những nhóm Yuê ở quanh vùng Ngũ Lĩnh nói chung (thậm chí cả đảo Hải Nam), Lạc Việt chỉ khối Yuê sống ở Nam, Đông Nam Ngũ Lĩnh, bao gồm Lưỡng Quảng, bắc Việt Nam (Ngũ Lĩnh là dải núi cao hiểm trở ngăn giữa vùng Hồ Nam, Tứ Xuyên với vùng Lưỡng Quảng, có ý nghĩa quan trọng làm thành ranh giới tự nhiên của các tộc người và quốc gia cổ đại Nam Trung Quốc). Tùy vào từng tác giả ở từng địa vực khác nhau mà những khái niệm chỉ tên phụ loài tộc Yuê cũng khác nhau. Ví dụ từ Yang Yue (Dương Việt) hàm chỉ một khối Việt chung rất lớn gồm từ hồ Động Đình tới Ngũ Lĩnh.

Sự thâm nhập trực tiếp của người Hoa Hạ vào khu vực Lạc Việt diễn ra rõ rệt nhất vào thời Tần (Thủy Hoàng), cuối thế kỷ III trước Công nguyên. Tuy nhiên cố gắng lớn nhất của Tần Thủy Hoàng chỉ là lập được một tuyến quận huyện Tần từ Trường Sa đến Nam Hải, tức là chinh phục được các nhóm Yuê ở Bắc (một phần Âu Việt) và Nam Ngũ Lĩnh (một phần Lạc Việt) (Hồ Nam, Quế Lâm, Quảng Đông, Quảng Tây), lập thành quận Nam Hải. Các nhóm Yuê ở phía Đông (Đông Âu, Mân Việt) và phía Tây, Tây Nam Ngũ Lĩnh (Tây Âu), chính là chủ nhân của văn hóa lúa nước và trống đồng Văn Sơn (Vân Nam), Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng nước ta, cũng như toàn bộ phần Lạc Việt còn lại ở trung du, đồng bằng miền Bắc Việt Nam vẫn ngoài chế độ quận, huyện của nhà Tần.

Trong quá trình nhà Tần suy yếu, Hán Sở tranh hùng, Nhâm Ngao (là chủ soái của Triệu Đà) cùng Triệu Đà âm mưu cát cứ để lập một quốc gia riêng của người Yuê ở vùng Nam Hải. Khi Lưu Bang, Hạng Vũ diệt Tần thì Ngao, Đà trở thành tướng lưu vong. Họ đã cùng người Yuê ở Nam Hải lập một quốc gia Yuê riêng, chứ không phải lập một nhà nước Hoa Hạ. Sử liệu thời này đều phản ánh nhiều quốc luật Nam Việt không giống luật Tây Hán. Một phần vì nhóm tướng lĩnh Tần người Hoa Hạ chỉ mới đến đây được chừng mười năm, phần khác họ có ý thức đối lập với Tây Hán, triều đại đã tiêu diệt nhà Tần của họ. Khi khảo sát về các đơn vị đo lường (dung lượng, trọng lượng) thống kê trên các đồ đồng đào được trong các mộ táng thời Nam Việt chúng tôi nhận thấy sự khác biệt khá rõ về dung lượng Nam Việt với đơn vị chính thống Tây Hán. Như vậy, nếu đọc Sử ký của Tư Mã Thiên, chúng ta bắt gặp rất nhiều yếu tố phi Hán, chống Hán của nhiều thành phần thủ lĩnh nước Nam Việt chứ không chỉ riêng Triệu Đà. Bản thân Triệu Đà là người Hoa Hạ (chứ không phải người Hán. Thuật từ “người Hán” đại diện cho giống Hoa Hạ chỉ có giá trị sau khi triều đại người Hoa Hạ của Lưu Bang tồn tại kéo dài khoảng 400 năm) – một dạng người Hoa Hạ mất nước, lưu vong sống chung và sống nhờ vào người Yuê. Ông đã cùng bộ máy quân sự và hành chính quận huyện mất nước đó để cùng các thủ lĩnh người Yuê trong vùng lập ra một quốc gia hơi có màu sắc Hoa Hạ (kiểu Tần) cho người Yuê. Về mặt khảo cổ học, tôi có thể chỉ ra một tỷ lệ rất cao những hiện vật phát hiện trong mộ táng Nam Việt giống các hiện vật trong mộ táng Đông Sơn đào được ở Việt Nam. Ngay trong mộ Triệu Hồ và các phu nhân chôn ở Quảng Châu và mộ một viên quan cao cấp của nước Nam Việt ở La Bạc Loan, huyện Quý (Quảng Tây) cũng mang theo trống đồng, thạp đồng bảo vật của người Yuê. Khảo sát kiểu chữ khắc trên gần một trăm hiện vật đồng khai quật thời Nam Việt, chúng tôi nhận ra một hệ thống chữ Hán khắc kiểu Nam Việt song song tồn tại với kiểu khắc chữ Hán truyền thống. Đa phần chữ Hán khắc kiểu Nam Việt xuất hiện trên các loại hình đồ đồng bản địa. Chữ Hán khắc trên trống Cổ Loa và thạp đồng Đông Sơn trong mộ Triệu Hồ và trên thạp lưu ở Bảo tàng Barbier–Muller (Geneva, Thụy Sĩ) đều thuộc kiểu khắc Nam Việt. Các chuyên gia cổ nhân học của Trường Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) khi nghiên cứu về chủ nhân các mộ táng vùng nước Nam Việt cũ đã nhận ra ưu thế vượt trội của “gen” người Yuê bản địa. Chính Triệu Đà đã lấy vợ người Việt (quê Đồng Xâm, Thái Bình, nay còn đền thờ bà và Nam Việt Vương họ Triệu đó). Điều này giống tình trạng của những người Minh lưu vong do Trương Ngạn Địch, Trần Thường Xuyên đã sang nước ta cùng chúa Nguyễn xây dựng Tổ quốc mới. Đó là lý do tại sao nhiều sử gia Việt Nam sau này đã coi nhà Triệu là một giai đoạn trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Đó cũng là nguyên nhân các nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu về nước Nam Việt, văn hóa Nam Việt lại đặc biệt quan tâm đến Việt Nam. Cần nhấn mạnh rằng, với những bằng chứng trên, tôi không muốn diễn đạt rằng Việt Nam là một phần của nước Nam Việt, mà trái lại đủ bằng chứng để xác nhận mối quan hệ gắn bó giữa văn hóa Nam Việt với văn hóa Đông Sơn, một quan hệ văn hóa hòa nhập, không đối kháng.

Âu Lạc, Nam Việt, Thành Cổ Loa và An Dương Vương

Sử Ký là cuốn sử có độ tin cậy vào loại cao nhất đương thời, trong đó, những thông tin về Triệu Đà, nước Nam Việt được ghi chép nhiều nhất. Tuy nhiên, có hai điểm lưu ý: Thứ nhất, Tư Mã Thiên đi nhiều nhưng chưa từng đặt chân đến Nam Hải. Thứ hai, khoảng thời gian từ thời Triệu Đà đến khi ông hoàn thành cuốn sách cũng xa gần bằng khoảng cách giữa chúng ta với Hoàng Hoa Thám. Điều đó có nghĩa rằng “sử sách” dù thế nào cũng chỉ là tư liệu lịch sử. Thiền sư Lê Mạnh Thát cũng như chúng tôi đều đánh giá rất cao cuốn sử này. Tư Mã Thiên đã nhiều lần nhắc gián tiếp đến Tây Âu, Tây Âu Lạc trong mối quan hệ đến Triệu Đà và nước Nam Việt. Tôi cũng đã dựa vào Tư Mã Thiên để xác định Tây Âu (Vu) như đã viết ở phần trước. Đọc bức thư của Triệu Đà gửi vua Hán, giải thích việc xung đột với Tây Âu ta thấy có một sự việc rõ ràng là có xung đột nhằm thâu tóm Tây Âu và Nam Việt. Dưới sức ép của nhà Tây Hán, thì nước Nam Việt, Tây Âu, Đông Âu, Mân Việt đều là những vùng đất mà nhà Tây Hán chưa đặt được ách thống trị trực tiếp. Vì vậy chúng tôi xem xét quan hệ Nam Việt (thủ lĩnh Triệu Đà) và Tây Âu (thủ lĩnh Thục Phán) là quan hệ giữa các tiểu quốc người Yuê với nhau, chứ không phải là đụng độ trực tiếp của nhà nước Hoa Hạ (Hán) với nhà nước sơ khai Yuê.

Trước sức ép của Nam Việt, thủ lĩnh Tây Âu đã sáp nhập với thủ lĩnh Lạc Việt còn lại ở trung du, đồng bằng sông Hồng. Cuộc sáp nhập này chỉ được lưu ảnh trong truyền thuyết. Chứng cứ văn hóa khảo cổ không phát hiện những biến động văn hóa lớn nào tương tự biến động sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng do Mã Viện và nhà Đông Hán mang lại. Tuy nhiên, hiện tượng mộ táng thân cây khoét rỗng với bộ tùy táng Đông Sơn phảng phất nét văn hóa Yuê kiểu Tứ Xuyên, Vân Nam, Nam Việt xuất hiện khá ồ ạt ở đồng bằng thấp sông Hồng trong khoảng thời gian từ thế kỷ IV đến thế kỷ I trước Công nguyên (đồ sơn then, một số đồ đựng đồng…) gợi ý cho sự gia tăng quan hệ nội bộ người Yuê ở sông Hồng với các văn hóa Yuê ở Nam Trung Quốc. Chúng tôi đang có một giả thuyết công tác: Đó là dấu hiệu vật chất của sự liên minh Tây Âu – Lạc Việt (phần còn lại của Lạc Việt chưa bị Hoa Hạ tác động trực tiếp – có thể chính là nước Văn Lang trong thư tịch Việt sau này) để lập ra nhà nước Âu Lạc mà thủ lĩnh Tây Âu nắm quyền thủ lĩnh: An Dương Vương.

Tôi tán thành quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu khi xác nhận truyền thuyết Tày cổ vùng Cao Bằng gắn với Thục Phán An Dương Vương và tiểu quốc Tây Âu. Nhiều nhà ngôn ngữ cũng tìm thấy sự tương đồng giữa Tây Âu và Tây Vu. Sử sách cũng chép thủ lĩnh Tây Vu là con cháu Thục Phán An Dương Vương. Mối quan hệ của họ Thục với “Tục Pắn” hay với văn hóa Ba Thục Tứ Xuyên đã có vài tia sáng thông qua sự xuất hiện nhiều vũ khí và đồ đựng đồng kiểu “Dạ Lang” trong bộ đồ Đông Sơn thế kỷ I-III trước Công nguyên. Chữ Tây Vu còn tìm được trên đồ gốm tùy táng ở Quảng Châu thời Tây Hán và trên trống đồng Đông Sơn đào được ở Cổ Loa bên trong chứa nhiều vũ khí hình tim kiểu lưỡi cày (cũng thường thấy ở Vân Nam, Trung Quốc).

Tương tự, khảo cổ học chưa tìm thấy bằng chứng trực tiếp của cuộc đụng độ quân sự Nam Việt – Âu Lạc, nhưng sự gia tăng vũ khí đồng thường dùng (rìu, giáo, dao găm), những cảnh mô tả chiến binh, tù binh, đầu lâu người… từ thế kỷ IV đến thế kỷ I trước Công nguyên trong văn hóa Đông Sơn phản ánh rõ sự gia tăng khả năng đụng độ quân sự đương thời.

Việc phát hiện kho hàng vạn mũi tên đồng ba cạnh (tên chuyên dùng cho nỏ) và nhất là gần đây, khuôn đúc những mũi tên đó cùng lò nấu đồng được phát hiện trong tầng văn hóa thuộc thế kỷ II-III trước Công nguyên ngay trong phạm vi đền thờ An Dương Vương ở thành nội của Cổ Loa mà ít tìm được ở các địa điểm khảo cổ khác, đã làm tăng thêm dữ kiện kết nối truyền thuyết và lịch sử về nước Âu Lạc và An Dương Vương. Mọi việc cũng chưa có thể khẳng định ngay được, nhưng để loại trừ An Dương Vương khỏi lịch sử chỉ bằng những chứng cứ thư tịch mà thiền sư Lê Mạnh Thát đưa ra thì thật vội vàng quá.

Tuy nhiên, khảo cổ học còn những hạn chế của nó, chúng ta thực sự chưa tách bạch được những dấu vết văn hóa của khoảng mấy chục năm từ sau khi nước Âu Lạc thất thủ đến khi Nam Việt mất vào tay nhà Tây Hán. Sự hiện diện của Triệu Đà và nước Nam Việt chỉ đọng lại trong hai ngôi đền thờ ở Văn Giang (Hưng Yên), Đồng Xâm (Thái Bình) và những di vật giống nhau “y hệt” tìm được cả trong mộ Nam Việt ở Lưỡng Quảng lẫn trong mộ Đông Sơn ở đồng bằng sông Hồng. Những bằng chứng khảo cổ học thời Tây Hán thì đã thấy khá nhiều, từ Quảng Nam, Thanh Hóa và rất nhiều ở miền bắc nước ta (gương đồng, đồ đựng rượu và thức ăn, đồ lễ khí, giáo, dao, kiếm đồng, sắt, “can” sắt…). Nhưng ngay tại Cổ Loa, liệu đâu là của những thời thái thú như Nhâm Diên, Tích Quang thì còn là một bài toán khó cho nền khảo cổ học Việt Nam non trẻ. Nhưng trong tình hình hiện nay, con đường tiếp cận khảo cổ học rõ ràng là công cụ để tiến sát đến sự thực lịch sử đáng tin cậy hơn cả. Những tiến bộ trong việc nghiên cứu nhân học hiện đại mở ra triển vọng lần tìm trong các khu mộ táng đương thời những bằng chứng xác nhận chi tiết hơn các vi nhóm loại hình chủng tộc, góp phần giải mã các hiện tượng lịch sử.

Thời Hùng Vương: Vấn đề chữ viết

Dù yêu nước thế nào chăng nữa, chúng ta cũng cần rất dè dặt khi nói về thời Hùng Vương. Không phải chỉ nước ta, ngay cả Trung Quốc, nơi chữ viết và sử sách ra đời rất sớm, thời nhà Hạ vẫn là một thời chưa thể rõ ràng và càng không thể viết dễ dàng mô tả về nó. Đó là những thời mà chỉ có tư liệu khảo cổ học mới có thể dần làm sáng tỏ.

Những phát hiện gần đây nhất về bộ nha chương và bộ đồ gốm lễ nghi ở Xóm Rền (Phú Thọ) đã thu hút được nhiều sự tán đồng của các nhà nghiên cứu, rằng đây có những yếu tố là nơi ở của thủ lĩnh. Bởi vì nha chương thường được sản xuất ở Trung Quốc dưới thời Thương Chu và dùng nó như một lễ vật biểu trưng cho quyền lực “thiên tử” giao cho sứ giả mang đi thần phục đất chư hầu. Người ta đã thấy nó rải rác trên một vùng rất rộng lớn, từ Tây Vực sang Triều Tiên, Nhật Bản xuống tận Việt Nam. Những nha chương đẹp nhất ở Xóm Rền là thuộc loại đó. Niên đại những nha chương này, như đã nói ở phần trên, ở vào khoảng 3500 năm. Bằng chứng này, chỉ giúp chúng ta liên tưởng với sự việc mà sách Việt sử lược (đời Trần) có chép đến sự kiện ra đời nước Văn Lang của các vua Hùng: Đời Chu Trang Vương ở bộ Gia Ninh có người giỏi làm yêu thuật áp phục được các bộ khác, lên làm thủ lĩnh lập nước Văn Lang đóng đô ở Phong Châu…

Khả năng lần tìm cái lõi của truyền thuyết Hùng Vương bắt đầu hé mở từ những vật chứng thật trong lòng đất Xóm Rền đó. Chúng ta đã khai quật hàng trăm di tích cùng thời và sau đó kéo đến tận khi nước Âu Lạc ra đời. Địa điểm của thủ lĩnh nhà nước Văn Lang huyền thoại đầu tiên có thể là Xóm Rền, nhưng sau đó, từ 3500 năm về sau, thủ lĩnh Văn Lang đi đâu, chúng ta cần tìm kiếm tiếp. Phải chăng là Đồng Đậu (Minh Tân, Vĩnh Phúc) rồi sau đó quay về Làng Cả (Việt Trì). Hiện tại, tất cả đều còn là giả thiết khoa học. Nhưng sự tồn tại thật của chất lửa trong văn hóa Phùng Nguyên đã biến thành màn khói trong huyền thoại vua Hùng (không có lửa sao có khói) là điều chúng ta đã chứng thực từ 50 năm nay. Tuy nhiên vội vã để vẽ cho thời đại này một bộ “Việt Luật” và hệ thống chữ viết để ghi luật và thơ ca (“Việt Ca”) như thày LMT thì cũng có thể thông cảm, vì cũng vào những năm thày LMT viết “Lục độ tập kinh và …” (1972) thì số nhà nghiên cứu viết những điều tương tự cũng nhiều lắm. Chỉ có điều, sự tiến bộ của khoa học đã dần làm mai một những kết luận thiếu căn cứ đó. Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước vẫn không ngừng tìm kiếm những bằng chứng có hay không về chữ viết thời xa xưa, nhưng không phải với một mệnh đề có sẵn: Thời Hùng Vương đã có “vua” (vương) ắt phải có nhà nước và bộ máy quan lại “lạc hầu, lạc tướng”… vậy phải có chữ viết. Xin nhấn mạnh ở đây rằng, cho đến tận ngày hôm nay, các nhà nghiên cứu vẫn còn vật lộn một cách nghiêm túc và có trách nhiệm với câu hỏi: Cuộc sống được thể hiện qua các làng xóm, mộ táng, vũ khí, đồ trang sức… như chúng ta đang có từ Phùng Nguyên đến đỉnh cao Đông Sơn thực chất là trạng thái cấu trúc xã hội như thế nào. Câu trả lời chắc chắn và dễ chấp nhận nhất, đó là một chế độ xã hội thủ lĩnh tiền nhà nước, mà trong văn đàn khoa học thế giới hiện nay thường dùng từ pre-state chiefdom.

Công trình nghiên cứu mới nhất của chúng tôi dựa trên thu thập các chữ viết giữ lại trên các hiện vật đồng, đá, gốm trong thời Đông Sơn cho phép tạm kết luận, đến khoảng thế kỷ III trước Công nguyên, chữ Hán bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam thông qua những minh văn sớm nhất hiện biết trên đồ đồng Đông Sơn. Những loại hình văn tự khác hiện chưa có bằng chứng chắc chắn. Chúng tôi hiện giữ một đoạn thừng chập đôi có 4 nút buộc phát hiện trong ngôi mộ Châu Can 2000-M1, nhưng cũng chưa dám kết luận đó là “văn tự kết nút” hay chỉ là những đoạn dây buộc các túm tua trang trí trên quần áo. Mặc dầu vậy, chúng ta đều hết sức nâng niu, trân trọng mọi phát hiện, từ mọi nguồn thông tin để dần làm sáng tỏ các khoảng trống của lịch sử.

TS. Nguyễn Việt
Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.