070. 🌟 Giá trị Văn hóa Bách Việt trong Văn hóa tinh thần Nam Trung Hoa

I- ĐẶT VẤN ĐỀ

Bách Việt là một đại tập đoàn dân tộc cổ bản địa gốc Mongoloid phương Nam cư trú phân tán trên địa bàn rộng từ lưu vực Dương Tử đến bắc Đông Dương thời trước Công nguyên. Phía bắc có thể lên tới vùng sông Hoài và nam bán đảo Sơn Đông, phía tây đến lòng chảo Tứ Xuyên, phía đông giáp Thái Bình Dương. Hán Thư (thiên Địa Lý chí) viết “Từ Giao Chỉ đến Cối Kê hơn 7-8 ngàn dặm, người Việt ở lẫn với nhau, mỗi nhóm có chủng tính riêng..”, cho thấy trong qua trình ứng xử mới môi trường tự nhiên và xã hội, tập đoàn dân tộc này đã phân tán thành nhiều tộc nhỏ hơn với các đặc trưng địa phương của mình, cụ thể có các tộc Câu Ngô, Vu Việt vùng hạ lưu Dương Tử – vịnh Hàng Châu, Dương Việt và Can Việt ở vùng Nhị Hồ (Động Đình, Phàn Dương), Đông Âu Việt, Mân Việt (Phúc Kiến), Nam Việt, Tây Âu Việt, Lạc Việt ở Lĩnh Nam, Điền Việt, Quỳ Việt, Di Việt ở cao nguyên Vân-Quý v.v. [La Hương Lâm 1943, 1982; Trần Quốc Cường.. 1988; Tưởng Bính Chiêu 2005]. Họ có tục dùng rìu đá (rìu có nấc, rìu có tay cầm), cắt tóc xăm mình, ở nhà sàn, thạo dùng thuyền và giỏi đi biển, chế tác đồ gốm hoa văn kỷ hà, chuộng thủy-hải sản, theo tín ngưỡng vật linh, thờ cúng tổ tiên v.v. ứng với loại hình kinh tế văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước miền nhiệt và cận nhiệt đới. Từ giữa thiên niên kỷ I trCN trở về sau, sự lớn mạnh của tập đoàn Hoa Hạ phương Bắc đã trực tiếp ảnh hưởng đến Bách Việt, tiếp theo sau là các cuộc chiến tranh thu phục và đồng hóa cộng đồng này. Trải qua thời gian dài của quá trình giao thoa, tranh chấp, đồng hóa chủng tộc và văn hóa, cộng đồng người Hán phương Nam (Ngô Việt, Mân, Quảng Phủ, Triều Châu, Khách Gia, Hồ Nam, Giang Tây, Hải Nam, Đản Gia v.v.) và các tộc người thiểu số (Choang, Đồng, Thái, Thủy, Bố Y v.v.) hình thành thay thế tập đoàn Bách Việt cổ.

Bề dày văn hóa văn minh Bách Việt cổ cùng với đặc thù của tự nhiên sông nước, khí hậu nóng ẩm phương Nam đã tạo nên những đặc trưng địa phương hết sức đặc sắc trong văn hóa Nam Trung Hoa, đặc biệt là văn hóa tinh thần. Nếu như nói văn hóa Trung Hoa phương Bắc là loại văn hóa nông nghiệp trọng động (trong mối quan hệ so sánh với văn hóa nông nghiệp trọng tĩnh Việt Nam) [Trần Ngọc Thêm 2001: 64] thì văn hóa Nam Trung Hoa lại là sự tổng hòa giữa hai tiểu loại đó. Tác giả Trần Phú Huệ Quang [2005] trong nghiên cứu so sánh văn hóa vật chất Trung Hoa ở hai miền nam, bắc đã đúc kết rằng chính lối sống nông nghiệp điển hình và tự nhiên nóng, ẩm ướt đã tạo nên đặc trưng phương Nam trong các phương diện ứng xử với môi trường tự nhiên. Tương ứng với tính đặc thù phương Nam ấy của văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần Nam Trung Hoa cũng hội tụ đầy đủ các đặc trưng vốn có từ thời kì Bách Việt, đó là chất trọng tĩnh-trọng âmtính linh hoạt, tư duy tổng hợp-trọng quan hệ-trọng tình như là kết quả của quá trình ứng xử với tự nhiên và xã hội. Bài viết đi từ những đặc trưng của tự nhiên Nam Trung Hoa để tìm kiếm các giá trị văn hóa tinh thần Bách Việt còn đọng lại trong đời sống văn hóa tinh thần khu vực này.

II- PHÂN TÍCH

1. Will Durant [2002: 30-31] từng nói “Trung Hoa phải đem so sánh với một lục địa, chẳng hạn châu Âu, chứ không thể đem so sánh với một nước nào đó ở châu Âu..”. Thật vậy, quốc gia có diện tích đứng hàng thứ ba thế giới và dân số đông nhất hành tinh này có nền văn hóa mang tính chỉnh hợp của nhiều vùng văn hóa bên trong, kể như các vùng Hoa Bắc, Tề Lỗ, Đông Bắc, Giang Nam, Lĩnh Nam v.v. Nếu lấy loại hình kinh tế-văn hóa truyền thống làm tiêu chí, ta có thể nhận diện ba tiểu loại (1) các vùng văn hóa mang gốc du mục (Tây Bắc, Nội Mông), (2) các vùng văn hóa bán nông bán du (Hoa Bắc, Đông Bắc..); và các vùng văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước (Tề Lỗ, Giang Nam, Lĩnh Nam..). Nếu lấy phương thức ứng xử với thời tiết làm tiêu chí thì phân hai khu vực lớn, gồm Bắc Trung Hoa với kiểu văn hóa chống rét và Nam Trung Hoa chống nóng. Còn lấy đặc trưng địa hình để đánh giá thì Bắc Trung Hoa tuy khá thấp, bằng phẳng nhưng ít sông ngòi, ít nước, thích ứng với kiểu nông nghiệp cạn, trong khi Nam Trung Hoa có địa hình kém bằng phẳng, hệ thống sông ngòi dày đặc, chế độ nước phong phú, tất cả góp phần làm nên diện mạo trù phú của đời sống nông nghiệp lúa nước. Tổng hợp các tiêu chí trên, ta có thể thấy, các vùng văn hóa Nam Trung Hoa (điển hình là Giang Nam và Lĩnh Nam) cùng mang chung những giá trị văn hóa thống nhất, đó là kiểu văn hóa sông nước và văn hóa chống nóng của loại hình nông nghiệp lúa nước.

Bàn về tự nhiên Nam Trung Hoa, Chêng Tê-K’un [1959: 111] từng ví von vùng này là vành đai “hạnh phúc (blessing)” trong khi lưu vực Hoàng Hà ở phía bắc là vành đai “khắc khổ (sorrow)”. Trên thực tế, mưa nhiệt đới gió mùa có phạm vi xa nhất về phía bắc đến tận sông Dương Tử, khiến khí hậu toàn khu vực trở nên ẩm ướt [Edward L. Shaughnessy 2005: 15]. Hệ thống sông Dương Tử, sông Tây Giang và các phụ lưu của chúng như những chiếc lưới khổng lồ bao trùm hầu hết các khu vực Nam Trung Hoa, biến phần lớn khu vực này nằm trong vùng ảnh hưởng của chúng. Riêng Lĩnh Nam được mệnh danh là vành đai xanh quanh năm (evergreen) do cát rét của mùa đông không tác động quá nhiều đến tự nhiên.

a. Cái nóng và chất nước của tự nhiên tác động trực tiếp đến lối hành xử với tự nhiên (lối sống), đó là quá trình đi từ thế giới thực tại vào thế giới ý niệm, khi mà cái nóng và chất nước được thẩm thấu dưới các tầng thứ của văn hóa tinh thần. Đó là kiểu truyền thống tận dụng cái nóng và chống nóng, truyền thống thích nghi hoàn toàn với môi trường nước hữu hiệu Bách Việt xưa và Nam Trung Hoa hôm nay.

Cư dân Bách Việt xưa đã tận dụng tài tình cái nóng và xây dựng cho mình cách thức chống nóng hiệu quả. Có nhiều bằng chứng cho Viêm Đế (vua xứ nóng = Thần Nông) là thủ lĩnh tập đoàn Bách Việt – Nam Á cổ [xem Trần Ngọc Thêm 2001: 78-79]. Theo truyền thuyết, Viêm Đế đã thua Hoàng Đế (đại diện Trung Nguyên) ở trận Bản Tuyền. Ngày nay, với tinh thần thống nhất các vùng miền, người Trung Hoa đã dùng hình tượng bộ ba Hoàng Đế, Viêm Đế, Suy Vưu làm thủy tổ của mình, theo đó Hoàng Đế làm thủ lĩnh vùng Hoàng Thổ, Viêm Đế là đại diện Bách Việt phương Nam, còn Suy Vưu là thủy tổ Đông Di. Cũng có khi họ chỉ nhận định là “con cháu Viêm Hoàng” (bỏ qua Suy Vưu), cho thấy yếu tố Việt cổ vùng Nam Dương Tử là một phần quan trọng chỉ sau Trung Nguyên trong việc hình thành diện mạo văn hóa Trung Hoa hôm nay.

Cái nóng của phương Nam được thể hiện hoàn hảo trong thần thoại 10 mặt trời của hai tập đoàn Bách Việt, Miêu Man. Theo Eberhard W. [1968: 85-86], chủ nhân của 10 mặt trời xưa thuộc về nữ thần Hy Hòa 羲和 (theo Quách Mạt Nhượt, Hy Hòa là tiền thân của Nữ Oa 女娲), sau bị Lẫm Quân 廪君bắn rơi hết 9 cái. Truyền thuyết này du nhập vào Hoa Hạ từ thời Thương, song chính tại vùng Hoài Di – nam Sơn Đông, nó trở thành tích Hậu Nghệ後藝xạ Thái dương.

Tương tự, con chim trong văn hóa phương Đông gắn với tập đoàn Bách Việt cổ [xem thêm Edward H. Schafer 1967: 118], gắn với xứ nóng phương Nam (theo Hà đồ). Di tích còn sót lại từ thời Bách Việt có thể kể như mảnh xương thú hoa văn “song điểu” Hà Mẫu Độ; nhiều vật trang trí hoa văn chim trong văn hóa Lương Chử, trên “kiếm Việt vương Câu Tiễn”, “mâu Việt vương”, “chung Việt vương” [Tưởng Bính Chiêu.. 1998: 320]; ngôi nhà bằng đồng tìm thấy ở Thiệu Hưng có đỉnh là tượng chim; hoa văn “vũ nhân” trên mặt trống Đông Sơn; bức họa hình “vũ nhân” trên vách mộ ở đồi Mã Vương (Trường Sa, Hồ Nam) v.v.. Tục sùng bái chim còn được ghi lại qua sử sách Trung Hoa, như cuốn Sơn Hải Kinh (thiên Trung Sơn Kinh) viết “thủ lĩnh vùng núi Động Đình là vị thần thân chim đầu rồng”; cuốn Thuật Dị Ký miêu tả dân Câu Ngô xưa coi chim trĩ là vật cấm kỵ vì được cho là có mối quan hệ mật thiết với Cổn (鲧, cha đẻ của Vũ trong truyền thuyết Đại Vũ vùng hạ lưu Dương Tử – vịnh Hàng Châu) v.v.. Chính tục sùng bái chim của người Việt cổ làm nền tảng cho sự ra đời của biểu tượng chu tước (chim đỏ) trong hệ thống vật biểu của Ngũ hành, và chim phụng (nữ hoàng của các loài chim) trong sự đối ngẫu với rồng (vua của vạn vật), sau đi vào nhóm Tứ linh, Bát vật. Ngày nay, dư âm của tục thờ chim cổ xưa còn lưu lại trong một số phong tục Nam Trung Hoa, như tục ăn “hỷ đản” (quả trứng sơn đỏ mang ý nghĩa may mắn) trong hôn nhân; tục kê bốc của một số dân tộc thiểu số, tục ăn chè trứng của người Hồ Nam ngày 3 tháng ba v.v., và hơn hết chu tước, chim phụng đã trở thành biểu tượng đặc sắc trong văn hóa toàn cõi Á Đông.

Theo triết học phương vị phương Nam, xứ nóng (hành Hỏa) và xứ của sự sống (dương), của sự chín chắn và phát triển (ứng với số 9 trong Lạc thư). Dân gian Bách Việt xưa và người Trung Hoa vẫn chuộng cách làm nhà quay về hướng Nam (Thiên An Môn, Thiên đàn, thuật phong thủy) v.v. như một dấu vết bất di bất dịch của truyền thống ấy. Cần nhớ rằng người Hoa Hạ trước thời Xuân Thu – Chiến Quốc chưa có quan niệm xây nhà hướng nam này. Ngay đến lăng mộ Tần Thủy Hoàng cũng quay mặt về hướng bắc [toquoc.gov.vn]. Còn quẻ Càn trong Bát quái hậu thiên chủ hướng tây bắc – hướng cội nguồn Hoa Hạ [xem Trần Ngọc thêm 2001: 145-147].

So với văn hóa Hoa Bắc chống rét, văn hóa Bách Việt xưa và Nam Trung Hoa hôm nay có truyền thống chống nóng. Trong ngày Đoan dương 5 tháng năm, người Việt xưa chống nóng với chủ trương không đi làm đồng (để bảo vệ sức khỏe), chỉ nên tổ chức nấu nướng cúng tổ tiên và ăn uống (để tưởng nhớ tổ tiên và đoàn kết gia đình), đua thuyền rồng, tắm sông (để giải nhiệt, cầu mưa (rồng: thủy thần)), trồng cây lựu (loại cây thường nở hoa ngày đoan ngọ, quả lựu nhiều hạt tượng trưng cho sự sinh sôi), hoặc đi hái thảo dược (hoặc hái trà, có ghi trong cuốn Mộng Lương Lục 梦粱录 của Ngô Tự Mục (吴自牧) đời Tống, cuốn Nghiên Bắc Tạp chí 砚北杂志của Lục Hữu (陆友) đời Minh) với niềm tin thảo dược sẽ có dược tính cao nhất vào giờ ngọ trong ngày. Ngày nay, người Hán và các dân tộc phương Nam râm ran mở hội đua thuyền rồng trong ngày này như một di sản quý báu của người Bách Việt cổ (H.3.).

b. Thời cổ đại, Bách Việt được mệnh danh là tập đoàn dân tộc sông nước. Tục cắt tóc xăm mình, lối sống tọa sơn hành thủy, kiến trúc nhà sàn (tránh nước), mô típ nhà mái cong hình thuyền v.v. từng được ghi nhận trong sử sách như những tiêu chí lối sống phương Nam (trong quan hệ so sánh với phương Bắc). Trong văn hóa tinh thần, các tín ngưỡng sùng bái thủy thần-thủy quái, thờ cúng tổ tiên, ước vọng phồn sinh, các phong tục dân gian (xăm mình, nhuộm răng-ăn trầu cau), các lễ hội dân gian (cầu nước, cầu cạn, cầu sinh sôi) v.v. của người Bách Việt xưa và dân gian Nam Trung Hoa nay là những bằng chứng sống động cho mối quan hệ truyền thừa này.

Trong tín ngưỡng thờ động vật, đầu tiên phải kể đến tục thờ rắn – rồng rắn – thuồng luồng. Người Bách Việt cổ sớm thờ rắn và rồng rắn. Cuốn Thuyết Văn (thiên Man Bộ) có viết “Nam Man, xà chủng (南蛮,蛇种)” hay “Mân, đông nam Việt, xà chủng (闽,东南越,蛇种)”. Tục “cắt tóc xăm mình” xuất phát từ mục đích “tránh để giao long làm hại” (H.1.). Ý nghĩa ban đầu của rắn gắn với chất sông nước. Rồng thoát thai từ rắn, cá sấu và nhiều loài vật khác vẫn giữ nguyên đặc tính thích nước (cư ngụ dưới nước, hút nước biển Đông để giáng mưa v.v.). Người Bách Việt cổ thờ song song cả rồng lẫn rắn [Mạc Tuấn Khanh 1986: 147]. Theo Văn Nhất Đa [1947], truyền thuyết ngày Đoan ngọ bắt đầu từ tục sùng bái rồng của người Vu Việt ở Cối Kê dù ngày nay người ta gắn phong tục này với danh thần nước Sở là Khuất Nguyên [Nguyễn Ngọc Thơ 2008: vanhoahoc.edu.vn]. Tương tự, thuyền rồng trong các lễ hội văn hóa Nam Trung Hoa cũng là một sản phẩm Bách Việt-Đông Nam Á-Ấn Độ gắn với chất nước (H.3.) [Lăng Thuần Thanh 1979: 404]. Bài ca thuyền rồng (Long chu ca) đặc trưng của người Quảng Phủ hôm nay thể hiện độc đáo mối liên hệ rồng và con thuyền trong văn hóa phương Nam [Phùng Minh Dương 2006]. Ý nghĩa các tập tục cổ ấy vẫn còn đọng lại sâu sắc trong hình tượng Phục Hy – Nữ Oa đầu người thân rắn (H.2.) [Văn Nhất Đa 1947], các tục thờ rắn thần Thanh long ở vùng Triều Châu vàĐại vương ở đồng bằng Châu Giang (Quảng Đông, Hồng Kông)([1]), tục thờ Dương Tứ tướng quân (杨四将军) ở Hồ Nam; tục thờ Thành Dương Cảnh vương (成杨景王) ở phía đông Sơn Đông thời Hán [Eberhard W. 1968: 379, 380-381, 387] v.v..  Tương tự, tục dùng xà phù (bùa rắn) hay bùa cổ (蠱, chất độc nhất của ngũ độc) có từ thời Bách Việt nay vẫn còn lưu truyền trong vùng [Eberhard W. 1968: 383-384].

1

Trong Đạo giáo Trung Hoa, truyền thuyết Lưu Hải (刘海) và con cóc thần ba chân nhả ngọc cứu người mang màu sắc đặc trưng phương Nam (bản thân Đạo giáo đã là tôn giáo phương Nam). Người Trung Hoa có niềm tin hồn và phách, tại một số vùng phía nam, người ta tin rằng hồn có hình dáng của loài cóc. Có thể nói, con cóc gắn liền với mặt trăng, với màn đêm-cái chết, với hạt ngọc, với sự thịnh vượng, sự sinh sôi, với nữ giới và tính âm trong triết lý âm dương. Người Nam Trung Hoa vẫn ăn thịt cóc, coi nó là một loại dược phẩm, song Hàn Dũ chê đó là “phong tục man rợ” (barbarian custom), còn Bạch Cư Dị thì cho thịt cóc là loại “thịt hôi thối” (dẫn trong Eberhard W. [1968: 202-203]).

Kế đến phải kể đến tục thờ , nhất là các vùng hạ lưu châu thổ Dương Tử, Tây Giang, sông Hồng. Cư dân Bách Việt cổ đã có tục thờ cá ngao (鳌, còn gọi là cá đê (鴟鱼)). Theo truyền thuyết, loài cá này từng che chở cho thi thể Ngũ Tử Tư sau khi chết. Trong dân gian, cá ngao có khả năng trừ hỏa, do vậy người ta chạm khắc hoặc treo hình cá ngao trên nóc nhà với mong muốn tránh lửa [Eberhard W. 1968: 392, 406]. Ngày nay, người Trung Hoa biến nó thành linh vật li vẫn, con thứ hai trong số 9 con của rồng dù vẫn giữ nguyên chức năng của nó: trừ hỏa (tức chống nóng) (H.5.).

2

Nước gắn với sự sinh sôi. Nông nghiệp Bách Việt xưa và Nam Trung Hoa hôm nay đều cần có nước, và tất nhiên, đều giữ ước vọng sinh sôi. Chính tư duy tổng hợp mộc mạc của dân gian đã sản sinh muôn hình vạn trạng các phương thức thờ cúng các biểu tượng sinh sôi, thứ mà văn hóa quan phương phương Bắc cho là “dâm tự” và ra sức dẹp bỏ. Chiếc sinh thực khí nam bằng đá từng là linh vật cúng tế thời Câu Tiễn tìm thấy ở Thiệu Hưng (Chiết Giang) (H.7.); các mô típ linga-yoni, nam nữ giao phối, ếch, chim, thú giao phối trên bề mặt trống đồng Đông Sơn; tục giã cối đón dâu khắp vùng Lĩnh Nam; tượng người đàn ông với bộ phận sinh dục phóng to ở Văn Điển (Việt Nam) xưa với tục thờ bộ đôi Dương nguyên thạch – Âm nguyên thạch vùng bắc Quảng Đông (H.8.), tục thờ linga trong văn hóa Paiwan (H.9.), Amei ở Đài Loan; cặp đôi chày – cối trong văn hóa Choang, Đồng và người Hán Quảng Phủ; các lễ hội linga rải rác khắp Giang Nam – Ngũ Lĩnh, đặc biệt là lễ hội phồn thực vào ngày tế thần đất (xã nhật – 社日) trong tháng 2 âm lịch tại Dương Châu (Giang Tô) [Eberhard W. 1968: 188-189] v.v. ngày nay trên đất Nam Trung Hoa có mối quan hệ truyền thừa.

Vì sống trong môi trường sông nước, người Bách Việt cổ đặc biệt quan tâm đến chế độ nước dùng trong sản xuất, từ đó sản sinh quan niệm coi trọng mặt trăng và tục tế bái thủy thần. Theo Eberhard W. [1968: 86-89], truyền thuyết Thường Nga vốn là một sản phẩm văn hóa phương Nam. Thường Nga vốn là hóa thân của một con cóc (ếch), được Tây Vương Thánh Mẫu giao nhiệm vụ cai quản cung trăng. Đến khi truyền thuyết này vào văn hóa Trung Nguyên (tại vùng Hoài Di), Thường Nga thành Hằng Nga (tên một nữ thần trong văn hóa Hung Nô), vợ của Hậu Nghệ với nguồn gốc xuất thân khác song ý nghĩa và nội dung vẫn giữ được tiết tấu cũ.

3

Ngang dọc các vùng đất ven biển từ lưu vực Dương Tử đổ về nam được thế giới biết đến là khu vực của các tín ngưỡng thờ thủy-hải thần phổ biến (đa số là nữ thần). Vùng hạ lưu Dương Tử, vịnh Hàng Châu và hồ Phàn Dương phải kể đến Cổn (鲧, cha Đại Vũ), Mạnh Công-Mạnh Bà (孟公-孟婆, phổ biến từ tk. VI trở đi) [Hồ Phác An 1935], nữ thần Tào Nga ở Cối Kê (Thiệu Hưng) v.v.. Dải đất từ Phúc Kiến đến đảo Hải Nam thì có các tục thờ thủy-hải thần Ma Tổ (Thiên Hậu, tk. XVII), Long mẫu, Bà Thủy.. được cho là gắn với nguồn gốc văn hóa người Việt cổ dù xuất hiện rất muộn về sau [Eberhard W. 1968: 399-405; Nguyễn Ngọc Thơ 2009]

Tục thờ thủy thần gắn liền với tục tế bái thủy thần. Thời xa xưa, người Bách Việt quan niệm thủy thần là có thật, do vậy phải tế lễ hàng năm, chẳng hạn phải giữ tục hiến tế phụ nữ để làm vợ [Eberhard W. 1968: 383-384]. Theo Lăng Thuần Thanh [1979: 620], đến thời Nam Tống, một số địa phương ở Tứ Xuyên, Hồ Nam, Giang Tây, An Huy, Chiết Giang, Phúc Kiến v.v.. vẫn còn tục hiến tế phụ nữ cho thủy thần.

Bàn về dấu ấn Bách Việt cổ ở Nam Trung Hoa không thể không kể đến tục thờ cúng tổ tiên. Đây là nét đặc thù của toàn vùng Đông Nam Á cổ [Đinh Gia Khánh 1993: 43], đặc biệt phổ biến hơn cả ở người Việt Nam (theo G.G. Stratanovich 1978, dẫn theo Trần Ngọc Thêm [2001: 249]) và khu vực Nam Trung Hoa, nhất là cộng đồng người Xá (Nguyễn Quốc Siêu 1996, dẫn theo Trần Ngọc Thêm [2001: 249]). Trong khi đó người Hoa Hạ xưa có tục thờ tổ tiên bắt nguồn từ việc thờ linga (H.6.), sau phát triển thành tục thờ thủ lĩnh của các bộ lạc phụ hệ [Ngô Vinh Chính… 1994: 88]. Nay, tục thờ cúng tổ tiên mở rộng khắp Trung Hoa, song dấu ấn của nó đậm đặc nhất vẫn ở miền Nam.

Tục xăm mình “tránh giao long làm hại” Nam Á – Bách Việt cổ (H.1.) nay còn để lại dấu vết trong văn hóa một số các dân tộc Nam Trung Hoa, Đài Loan như Lê, Choang, Đồng, Paiwan, Amei, Cou, Atayal và cả một bộ phận người Hán Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam. Cùng với xăm mình là tục nhuộm răng đen. Màu đen là màu âm tính, màu chống lại cái nóng (dương). Cuốn Chiến Quốc Sách (thiên Triệu Sách) có viết “Răng đen, xăm mình (…) là nước Đại Ngô”. Truyền thuyết Đại Vũ vùng hạ lưu Dương Tử có chi tiết Đại Vũ từng chu du ở nước răng đen ở phía đông. Rõ ràng, tập tục này có quan hệ đến tục ăn trầu cau phổ biến khắp Bách Việt cổ, mà nay có thể tìm thấy ở khắp Nam Trung Hoa (Hồ Nam, Lưỡng Quảng, Vân Nam), Đài Loan và một số khu vực khác ở Đông Nam Á.

Trong lễ hội dân gian phải kể đến các phong tục, trò chơi giân dân mang các ý nghĩa (1) cầu mưa (cầu nước) như tục té nước (ở người Thái, người Choang), đua thuyền rồng (người Hán và các dân tộc thiểu số, đã kể trên) v.v. ; (2) cầu cạn (chống lũ lụt) như thả diều; và (3) cầu phồn sinh (lễ hội phồn sinh, lễ hội xuống đồng, trò ném còn, đánh đu..). Nay các tập tục, trò chơi này vẫn rất thịnh hành trong các lễ hội dân gian trong khu vực, nhất là vùng Lĩnh Nam.

Trong nghệ thanh sắc Nam Trung Hoa, dấu ấn Bách Việt để lại sâu sắc trong các phong cách dân ca các vùng miền, đặc biệt nhất là hai phong cách Ngô ca (吴歌) Giang Nam và Việt ca (越歌) Lĩnh Nam, thể hiện sự tổng hòa của truyền thống dân ca vùng sông nước Bách Việt cổ và chất Trung Nguyên phương Bắc. Tương tự như vậy, trong nghệ thuật hí kịch, Tương kịch (湘剧) vùng Hồ Nam, Việt kịch (越剧) vùng Hàng Châu, Việt kịch (粤剧) vùng Quảng Đông đều mang dấu ấn Bách Việt [Phùng Minh Dương 2006].

Trong nghệ thuật hội họa, điểm nổi bật nhất của giá trị Bách Việt nằm ở phong cách hội họa Nam tôn (bao gồm hai tiểu phong cách Giang Nam và Lĩnh Nam) với đặc trưng nổi bật ở sự kết hợp hài hòa của hai yếu tố tự nhiên phương Nam là núi và nước (tranh sơn thủy), ở tinh thần hài hòa với tự nhiên, ở chất lãng mạn, tinh tế, mềm mại của phương Nam (so với đặc trưng thô cứng, hùng vĩ của hội họa Bắc tôn) [Trang Gia Di, Nhiếp Sùng Chính 2000].

Yếu tố nước còn là điểm khác biệt quan trọng giữa nghệ thuật hoa viên (vườn cảnh) Nam-Bắc Trung Hoa. Cụ thể, Hoa Bắc quan tâm hơn ở yếu tố đá (hòn non bộ), gắn với thổ (=trung tâm, để chỉ Hoàng tộc, chỉ Trung Nguyên), trong khi phong cách Giang Nam – Lĩnh Nam lại đặt trọng tâm ở chất nước như là một đặc trưng vùng miền [Phan Thanh Hải 2007].

Trong văn học dân gian, có lẽ đóng góp lớn nhất của văn hóa Bách Việt là thần thoại với các mô típ: tạo thiên-lập địa; tạo nghề nông nghiệp lúa nước; trăng – nước; tình yêu đôi lứa v.v.. Nhiều tác giả đã chứng minh các thần thoại Bàn Cổ tạo thiên lập địa trong văn hóa Trung Hoa xuất thân từ truyện thần Bàn Hồ của các dân tộc Dao, Xá; thần thoại Thần Nông của hai tập đoàn Bách Việt – Miêu Man; thần thoại Phục Hy – Nữ Oa gắn với mô típ thần thoại hồng thủy – bầu bí trong văn hóa các dân tộc vùng Tứ Xuyên, cao nguyên Vân-Quý và Lĩnh Nam; thần thoại Hậu Nghệ bắn rơi 9 mặt trời có gốc Bách Việt-Miêu Man; tích Đại Vũ trị thủy gắn với vùng hạ lưu Dương Tử – vịnh Hàng Châu; tích Hằng Nga trên cung trăng gốc văn hóa Sở cổ; tích Thanh Xà – Bạc Xà với dấu ấn Đạo giáo phương Nam; câu chuyện Ngưu Lang – Chức Nữ gắn với ngày tết Ngâu và nghề nông nghiệp lúa nước, nghề dệt vải phương Nam v.v. [Eberhard W. 1968; Trần Ngọc Thêm 2001: 78-81].

1. Trong thế giới ý niệm, chính khả năng phản xạ biểu trưng của con người đã nâng các giá trị tự nhiên thành các giá trị mang tính xã hội. Theo quy luật này, cái nóng và chất nước của tự nhiên phương Nam đã được chuyển hóa thành các đặc trưng trọng tĩnhtrọng âm, tính linh hoạt, tư duy tổng hợp, trọng quan hệ, trọng tình cùng hàng loạt hệ quả của nó ở cư dân phương Nam, cả người Bách Việt xưa lẫn người Nam Trung Hoa hôm nay.

a. Chất nóng (dương) của thời tiết dẫn đến chấttrọng tĩnh (âm)trong tính cách con người để đảm bảo sự hài hòa, đảm bảo tính cân bằng giữa mối quan hệ tự nhiên – con người. Đó cũng là một trong số các đặc trưng cơ bản của loại hình văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á cổ [Trần Ngọc Thêm 2001]. Ngược lại ở phương Bắc là chất trọng động, phù hợp với điều kiện khí hậu lạnh, loại hình kinh tế văn hóa thiên về nông nghiệp cạn và du mục, và truyền thống chính trị tập quyền cao trong lịch sử. Chất trọng tĩnh (âm) này của văn hóa phương Nam gắn liền với các đặc trưng trọng nữ, trọng đức, trọng văn của tư tưởng xã hội.

Trong văn hóa nhận thức, kiểu tư duy lưỡng phân lưỡng hợp Nam Á – Bách Việt là nền tảng cơ bản hình thành triết lý âm dương hoàn chỉnh ngày nay [Trần Ngọc Thêm 2001: 110-112]. Chính người Trung Nguyên đã tiếp nhận và hoàn thiện nó nhờ vào khả năng tư duy phân tích và siêu hình của họ. Triết lý ấy làm cơ sở cho sự xuất hiện của hệ thống triết lý theo số lẻ khác như Tam tài, Ngũ hành phổ biến ở Nam Trung Hoa, tồn tại song song với hệ thống triết lý theo số chẵn (Lưỡng nghi, Tứ tượng, Bát quái) phương Bắc. Có một thực tế là ở khu vực này hệ thống triết lý theo số lẻ này phổ biến hơn.

Trong tư tưởng triết học, Đạo gia xuất thân từ bối cảnh văn hóa Sở – Bách Việt với đầu đủ các đặc trưng phương Nam như tinh thần hài hòa với tự nhiên, trọng triết lý âm dương, trọng dân chủ v.v.. Khi trở thành tôn giáo, nó phổ biến hơn ở Nam Trung Hoa, nơi mà tố chất văn hóa Nho giáo quan phương nhạt dần. Ngay trong nội bộ Đạo giáo cũng có sự khác biệt, chính tố chất giản dị, bình dân của văn hóa nông nghiệp sông nước phương Nam đã khiến nhánh Đạo giáo phù thủy phát triển hơn ở vùng này (giống như ở Việt Nam).

Nho giáo là biểu trưng của văn hóa quan phương phương Bắc. Một số tác giả quan niệm cho rằng tinh thần chủ chốt của Nho gia nguyên thủy là Việt Nho (chẳng hạn Kim Định, Hà Văn Thùy). Có lẽ nhận định này cần phải chứng minh thêm, song điều không thể chối cãi là học thuyết Khổng Tử có tiếp nhận chất tình cảm (chữ Nhân), tinh thần dân chủ và coi trọng văn hóa của phương Nam [Trần Ngọc Thêm 2001]. Chính những yếu tố này của Bách Việt đã khiến cho tư tưởng của ông bị lãng quên suốt nhiều thế kỷ trước Công nguyên trước khi nó được thay thế bằng chất cứng rắn (Pháp trị) của phương Bắc và trở thành tư tưởng chính thống trong xã hội Trung Hoa suốt 2000 năm. Trong các vùng miền Trung Hoa, chính tại Giang Nam – Lĩnh Nam, Nho giáo mới chịu tồn tại song song với các tục thờ dân gian, đặc biệt là thờ Mẫu. Tầng lớp quan lại địa phương khu vực này dung hòa giữa Nho và các dạng thức tín ngưỡng – tôn giáo miền Nam để được lòng dân [Nguyễn Ngọc Thơ 2009].

Trong Phật giáo, chính đặc trưng trọng âm, trọng tĩnh của văn hóa Bách Việt cổ – Hán Hoa Nam là điều kiện quan trọng cho Phật giáo phát triển. Phái Thiên Thai của Phật giáo phát sinh trong lòng văn hóa phương Nam (vùng Chiết Giang). Trong Thiền tông, phái Nam thiền mang nhiều sinh khí hơn Bắc thiền. Cũng tại Nam Trung Hoa, vai trò của Quan âm Bồ tát được đặt ngang bằng với Phật Thích Ca, đồng thời cũng chính tại đây hình ảnh Bồ tát vốn là nam giới đã chuyển hóa thành nữ giới (tk 10) [Eberhard W. 1968], đồng thời có hiện tượng “nhất thể hóa” với các nữ thần trong vùng (Ma Tổ – Thiên Hậu, Lâm Thủy phu nhân, Kim Hoa phu nhân, Long Mẫu v.v.).

Có thể nói vùng đất Đông Nam Á cổ, đặc biệt là từ Lĩnh Nam trở xuống, là quê hương của tín ngưỡng thờ Mẫu. Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà dạng tín ngưỡng này sản sinh, đơm hoa kết trái mạnh mẽ tại đây. Chính đặc trưng văn hóa trọng âm, trọng sự sinh sôi và điều kiện tự nhiên sông nước trong vùng đã thúc đẩy sự hình thành và phát triển các tín ngưỡng. Tại Nam Trung Hoa, tín ngưỡng Tào Nga phổ biến vùng vịnh Hàng Châu, tín ngưỡng nữ thần sông Tương hình thành ở Hồ Nam, tín ngưỡng Ma Tổ xuất phát ở Phúc Kiến sau lan truyền khắp Nam Trung Hoa, Đài Loan và Đông Nam Á, tín ngưỡng Long Mẫu ở trung lưu sông Tây Giang, tín ngưỡng Tiễn phu nhân ở bán đảo Lôi Châu – đảo Hải Nam, tín ngương Lưu Tam Tỷ trong văn hóa Choang vùng Quế-Liễu (Quảng Tây), tín ngưỡng Hoa Bà, Hồ Điệp Ma Ma (Mẹ Bướm) v.v. trong văn hóa một số các dân tộc nói các ngôn ngữ Tày-Thái và Mèo-Dao phía tây Lĩnh Nam và cao nguyên Vân-Quý v.v.. đều có bối cảnh ra đời và mang đầy đủ các đặc trưng văn hóa Việt cổ và được người Hán tiếp nhận suốt hàng ngàn năm nay [xem thêm Nguyễn Ngọc Thơ 2009].

Trong phong tục hôn nhân, người ta tìm thấy nét tương đồng mang tính kế thừa giữa người Bách Việt xưa và cư dân Nam Trung Hoa hôm nay một số điểm cơ bản. Có một thực tế rằng vai trò nữ giới trong xã hội Bách Việt cổ là rất lớn [Trần Ngọc Thêm 2001: 44], thậm chí một số vùng vẫn chưa chuyển sang kiểu xã hội phụ hệ (như trường hợp người Mosuo ở Vân Nam). Hơn nữa, xã hội bấy giờ chưa có những quy định khắt khe, hôn nhân Bách Việt mang tính tự do, chủ yếu dựa vào các hương tục, hương ước. Dưới mắt nhìn của Tư Mã Thiên – một sử quan Trung Hoa, sự tự do ấy trong hôn nhân người Việt vùng Hàng Châu bị quy kết thành “dâm phong Cối Kê” 会稽淫风 (Hán Thư. Địa Lý Chí) [Lâm Kiếm Minh 1995: 86-90]. Chất tự do trong hôn nhân và dấu vết của truyền thống trọng nữ còn tồn tại trong cộng đồng người Hán phương Nam và nhiều dân tộc thiểu số. Chẳng hạn các dân tộc Choang, Đồng, Bố Y, Nhà Nhì hiện vẫn còn phổ biến các tục kéo vợ, tục Bất lạc phu gia (Không về nhà chồng), tục Tọa gia (Ở mãi nhà mẹ) v.v.. Tương tự, người Hán Quảng Phủ (Quảng Đông), Mân Nam (Phúc Kiến) mãi đến giữa thế kỷ XX vẫn còn phổ biến kiểu tổ chức hội phụ nữ không lấy chồng (Kim Lan Hội ở Phật Sơn nổi tiếng nhất) hay kiểu mộ chung chị dâu–em gái chồng (mộ Cô Tẩu) [xem thêm Nguyễn Ngọc Thơ 2008].

Trong văn hóa đảm bảo sức khỏe thể chất, võ phái Thái Cực Quyền chú trọng sự chậm chạp, tĩnh lặng, mềm dẻo nhất là của đôi tay hình thành ở vùng sông nước Giang Nam, do Thích Kế Quang 戚继光 (1528-1587) lập ra ở An Huy [Edward L. Shaughnessy 2005].

b. Chất nước của tự nhiên phương Nam quyết định tính linh hoạt, mềm dẻo trong tính cách người Bách Việt xưa và cư dân Nam Trung Hoa nay.

Bàn về phương Nam (Bách Việt-Miêu Man), Khổng Tử nhận định “Khoan hòa mềm mại để dạy người, không báo thủ kẻ vô đạo – ấy là cái mạnh của phương Nam” (Khổng Tử trả lời Tử Lộ về cái mạnh – Trung Dung) [Trần Ngọc Thêm 2001: 483]. Hoặc bàn về lối ứng xử với hai yếu tố núi – nước của tự nhiên, người Việt cổ “tọa sơn hành thủy” 坐山行水hoặc thủy hành sơn xứ” 水行山处 (Hán Thư.Nghiêm Trợ Truyện). Tính linh hoạt trong tư duy kết hợp với tư duy tổng hợp trọng quan hệ đã giúp cư dân Bách Việt sáng tạo nên mô hình vũ trụ bí ẩn với số lượng thành tố lẻ (Âm dương – Tam tài – Ngũ hành) [Trần Ngọc Thêm 2001: 119]. Trong đời sống tâm linh, tính linh hoạt Bách Việt cổ còn thể hiện khá sinh động trong việc sáng tạo và kết hợp nhiều tục thờ tự như thờ tổ tiên, thờ linh vật tự nhiên, thờ tô-tem v.v..

Ngày nay, đặc trưng linh hoạt ấy giúp tạo nên tính tổng hợp khá hoàn chỉnh giữa các dạng tín ngưỡng dân gian với nhau, giữa tín ngưỡng thờ Mẫu với Phật giáo và Đạo giáo v.v.. Chẳng hạn, ở hình tượng Thiên Hậu (Ma Tổ, người gốc Đản Gia ở Phúc Kiến) người ta nhìn thấy có cả tấm lòng bao dung, hiền từ của Mẹ (Mẫu), từ bi hỷ xả của Phật Quan âm và chất thánh thiện của một nữ đạo sĩ Đạo giáo (xem thêm Nguyễn Ngọc Thơ [2009]).

Trong Phật giáo Thiền tông, triết lý phái Nam Thiền với chủ trương “đốn ngộ” thể hiện sinh động tính linh hoạt của tính cách văn hóa phương Nam, một thể nghiệm độc đáo giữa triết học Phật giáo và triết lý đời sống nhân sinh.

Bàn về tư tưởng xã hội Trung Quốc hiện đại, người Trung Hoa có câu “Bắc chính Nam kinh”. Tính linh hoạt giúp thích nghi với những thay đổi của thị trường, linh hoạt trong lưu thông giúp ngành thương mại Nam Trung Hoa phát triển. Kể từ đời Đường, kinh tế Nam Trung Hoa đã khởi sắc, và từ đời Tống trở đi, vùng này thay thế Hoa Bắc làm trọng tâm kinh tế cho đến nay. Ngược lại, vùng Hoa Bắc vốn có chất văn hóa quan phương đậm đặc, nơi tính cách văn hóa thiên về trọng động, nơi chiến tranh thôn tính lẫn nhau diễn ra từ rất sớm trong lịch sử. Thời Xuân Thu – Chiến Quốc là một thí dụ điển hình. Trong thời gian ấy, hai quốc gia người Việt gần nhất với Trung Nguyên là Câu Ngô và Vu Việt đã sớm tham gia tranh bá thiên hạ, kết quả là quá trình Hoa Hạ hóa nhanh nhất và hoàn chỉnh nhất trong đại gia đình Bách Việt. Theo ghi nhận, trong 2000 năm gần nhất, vùng Hoa Bắc và Đông Bắc đã xảy ra 548/729 cuộc chiến lớn nhỏ (chiếm 76%) [Trần Ngọc Thêm 2006]. Ngược lại, chất linh hoạt, mềm dẻo trong tính cách văn hóa phương Nam ở người Bách Việt xưa và người Nam Trung Hoa về sau đã giúp khu vực này tránh xảy ra nhiều cuộc chiến tàn khốc. Chính vì vậy, dân gian Trung Hoa có câu “Bắc chiến Nam bình 北战南平”.

Chất mềm dẻo, linh hoạt phương Nam cũng chính là điều kiện tiên quyết cho trường phái hội họa Nam tôn vùng Giang Nam và Lĩnh Nam trong lịch sử hội hoa – thư pháp Trung Hoa (đã dẫn bên trên).

Đây cũng là nguồn gốc của những tư tưởng xã hội mới sớm du nhập vào Trung Hoa trong thời kì cận – hiện đại. Mặc dù Con đường tơ lụa phương Bắc đã hình thành từ trước Công nguyên, tức người Trung hoa đã sớm tiếp xúc với thế giới phương Tây, song chỉ ở phương Nam (Thượng Hải, Hồng Kông, Quảng Châu, Đài Loan) mới xuất hiện các phong trào duy tân, tiếp nhận và dung hợp hai truyền thống Đông, Tây. Phong trào Thái Bình Thiên Quốc với tư tưởng Ki-tô giáo làm chủ đạo cũng xuất hiện trong khu vực này (Quảng Tây) [Will Durant 2002: 239].

Tổng hợp các đặc trưng tính cách người Nam Trung Hoa (Hoa Nam), tác giả Trần Ngọc Thêm [2006] miêu tả trong bảng sau (so sánh với người Hoa Bắc):

4

Tính linh hoạt kéo theo sức sáng tạo. Tác giả Lục Nguyên Đỉnh [2005: 42-43] quy kết đặc trưng văn hóa người Hán Quảng Phủ bằng bốn thành tố, trong đó có tính sáng tạo: (1) tính đa nguyên, (2) tính hướng ra biển, (3) trọng thương, (4) tính thế tục và (5) tính sáng tạo. Đặc tính sáng tạo này có thể tìm thấy trong công cuộc đổi mới thời hiện đại của dải đất ven biển đông nam Trung Hoa, từ Thượng Hải, Ninh Ba, Hạ Môn, Sán Đầu, Quảng Châu, Hồng Kông và Đài Loan.

c. Sự kết hợp của chất nước và sức nóng của thời tiết đã giúp làm nên một nền văn minh nông nghiệp lúa nước huy hoàng mang tên Đông Nam Á cổ. Là chủ nhân của nền văn minh ấy, cư dân Bách Việt cổ và người kế thừa – dân Nam Trung Hoa – đều mang trong mình những đặc trưng tính cách phản ánh đúng chất nông nghiệp lúa nước ấy.

Đầu tiên đó là tinh thần tập thể, tinh thần cộng đồng được hình thành trong quá trình định cư cùng cộng đồng. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đơn vị cư trú cổ xưa là ma-lang (玛郎, Mã lang), tức be-lang trong văn hóa Naga, kalan hoặc kan-lan trong văn hóa Khmer, ka-lăn trong văn hóa Chăm, lan, lang hoặc lang-kantrong văn hóa Thái và Choang [Eberhard W 1968: 316-317; Ruey Yi-fu 1969; E.G. Pulleyblank 1983: 434; An Chí Mẫn 1999: 293], lang hoặc làng trong văn hóa Việt [Lê Văn Hảo 1982: 73-74, 78-79] v.v. Truyền thống quần cư ấy ngày nay vẫn là lối tổ chức cơ bản của nhiều cộng đồng Nam Trung hoa, tức kiểu “trại” của các dân tộc thiểu số (Dao trại, Miêu trại, Xá trại v.v.), kiểu “hương thôn”, “hương trấn” của người Hán Giang Nam và Lĩnh Nam. Chất cộng đồng, tinh thần tập thể ấy phản ánh rất sinh động trong các lễ hội dân gian phương Nam như lễ hội long-tong người Choang, lễ hội té nước người Thái, lễ hội đua thuyền rồng người Hán v.v., cũng như thể hiện trong kiểu kiến trúc nhà làng người Choang, người Thái, cầu ngói người Đồng, ở tinh thần quần chúng trong câu chuyện ca tiên Lưu Tam Thư người Choang, ở kiểu tổ chức hội không chồng Kim Lan Hội của người Hán Phúc Kiến và Quảng Phủ v.v.. Chính tại phương Nam này, phương châm Nho giáo “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” có thêm chỗ đứng cho hương thôn (tu thân, tề gia, hóa hương, trị quốc, bình thiên hạ- tư liệu của học giả Harvard-Yenching). Theo cuốn Sừ Kinh Thư Xá Mặc (锄经书舍墨, thời Thanh) thì tục thờ Thành hoàng xuất hiện đầu tiên ở Giang Tô vào khoảng năm 239 sCN gắn với di sản văn hóa Việt cổ, mãi đến năm 552 mới được nhiều sử gia Trung Quốc chú ý và chỉ thực sự trở thành tục thờ chính thức ở Trung Quốc từ đời Đường về sau [Eberhard W. 1968: 191].

Bàn về ý thức quốc tộc, Tôn Dật Tiên từng nói “Cái mà người TQ sùng bái nhất là chủ nghĩa gia tộc và chủ nghĩa tông tộc, không có chủ nghĩa quốc tộc..” chưa hoàn toàn chính xác trong bối cảnh văn hóa Nam Trung Hoa. Các nhóm hệ dân Hán Quảng Phủ, Đản Gia không còn giữ được truyền thống gia tộc mạnh mẽ như hồi còn ở Hoa Bắc. Thay vào đó, tinh thần cộng đồng cùng các thiết chế văn hóa cộng đồng trở nên mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, người Quảng Phủ có “ý thức dân tộc (chất Quảng Phủ)” mạnh nhất trong số các hệ dân Hán([1]).

Người Nam Trung Hoa có tính cách trọng tình, kết quả của quá trình truyền thừa từ văn hóa nông nghiệp Bách Việt cổ. Durant W. [2002: 285] nhận xét “người Hoa Nam có óc thần bí, không ưa thích tính cách lạnh lùng, duy lý của Khổng giáo”. Tương tự, văn học (đặc biệt là thơ ca) Nam Trung Hoa thiên về chủ đề mang tính lãng mạn, gắn liền với tự nhiên và cuộc sống dân gian sông nước, khác với các mô típ ca ngợi các bậc thánh hiền, người anh hùng, ca ngợi đức quân tử của dòng văn hóa quan phương suốt mấy ngàn năm lịch sử (như Lương Châu Từ của Vương Hàn đời Hán). Các thi sĩ, ẩn sĩ Trung Hoa (Đỗ Phủ, Lý Bạch, Thôi Hộ..) đều tìm thấy ở vùng văn hóa Nam Trung Hoa những cảm hứng sác tác đặc biệt, và kết quả đã để lại nhiều bài thơ lưu danh thiên cổ (như Xuân Giang Nam (Đỗ Mục 803-852), Hoàng Hạc Lâu (Thôi Hiệu) v.v.).

Tư duy người Hán phương Nam và các dân tộc thiểu số thiên về kiểu tổng hợp của loại hình văn hóa nông nghiệp. Người phương Nam từ xưa đến nay nhìn chung ít đề xuất các học thuyết triết học (do tư duy phân tích và siêu hình kém), song ngược lại rất giỏi đúc kết và vận dụng các kinh nghiệm thực tế. Người Hán phương Nam không đẻ ra một vị hoàng đế Trung Hoa nổi danh nào cả (tức không chú tâm vào chính trị), song lại là những nhà kinh doanh tài giỏi, biết đúc kết thành hệ thống triết lý kinh doanh chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân. Chính vì thế, người Hán Triều Châu được mệnh danh là “người Do Thái của châu Á” [ Trần Trạch Hoằng 2006: 46]. Trong tín ngưỡng – tôn giáo, đặc trưng tổng hợp của tư duy phản ánh càng rõ nét hơn. Quan niệm “vạn vật hữu linh”, lối kết hợp giáo lý Nam Thiền với đời sống thực tế, lối tổng hợp thờ Mẫu, thờ tổ tiên, thờ nữ anh hùng, thờ thánh mẫu trong các tín ngưỡng thờ Mẫu vùng Hoa Nam, lối tư duy trọng số lẻ của đại bộ phận các dân tộc thiểu số và người Hán phương Nam([2]) v.v. đều phản ánh thực tế này.

Cụ thể, lối tư duy tổng hợp trọng quan hệ Nam Á – Bách Việt dẫn đến tư duy trọng số lẻ vốn vẫn còn tồn tại phổ biến ít nhất ở Nam Trung Hoa và Việt Nam. Con số 8 (=phát tài, phát triển) ở Hoa Bắc tồn tại song song với con số 9 (số dương cao nhất, gắn với phương Nam theo Lạc thư) ở Nam Trung Hoa. Tương tự như vậy, người Hán và các dân tộc thiểu số trong vùng hiện còn giữ được các phong tục gắn với các ngày tết số lẻ trong năm như tết Lồng-tồng 3 tháng ba, tết Đoan ngọ 5 tháng năm, tết Ngâu 7 tháng bảy, tết Trùng cửu 9 tháng chín v.v.. Lấy ngày 3 tháng ba làm ví dụ. Người Choang gọi là tết longtong 隴洞, cùng nguồn gốc với tết lồng tồng của các dân tộc Tày, Nùng vùng Việt Bắc Việt Nam; người Đồng gọi là “tết pháo hoa”花炮節; người Bố Y gọi “địa tàm hội” 地蠶會(địa tàm = sâu đất); người Dao gọi là “Tết khô” 干巴節 (Cán ba tiết); người Xá thì cho ngày này là sinh nhật của thóc lúa; người Lê thì gọi là “phù niệm phù” 孚念孚 (tức ngày yêu đương) v.v.. Tương tự, người Việt ở Việt Nam cũng ăn tết 3 tháng ba với truyền thống ăn bánh trôi – bánh chay theo cách phương Nam [Phan Kế Bính in lại 2003: 62]. Người Hán gốc Bách Việt tại Đài Loan, Phúc Kiến (Mân Việt cổ) tổ chức hái “thử khúc thảo” (một loại thuốc Đông y) và làm bánh nếp cúng tổ tiên. Người Quảng Đông (Nam Việt cổ) cũng làm bánh cúng gia tiên. Dân vùng Hồ Nam, Hồ Bắc (Dương Việt, Sở cổ) nhà nhà nấu trứng với rau, táo đỏ, đậu vàng để ăn [bk.baidu.com]. Theo Hậu Hán Thư, đến cuối đời Hán, người Trung Nguyên vốn coi ngày 3 tháng ba là Thượng tỵ tiết, gắn với tích Tây vương Thánh mẫu mở hội Bàn đào cùng chư thánh. Từ đời Hán trở đi, ngày hội truyền thống Bách Việt phương Nam này được người Hán đã tiếp nhận rồi biến nó thành tết Hàn thực với ý nghĩa tưởng nhớ Giới Tử Thôi xẻ thịt cứu vua. Tương tự, tết chóng nóng 5 tháng năm (Đoan ngọ) biến tướng thành tết tưởng nhớ Khuất Nguyên trẫm mình dòng Mịch La.

Tinh thần cộng đồng trong văn hóa phương Nam gắn liền với chất dân chủ. Ngay trong triết thuyết Khổng Tử cũng đã hàm chứa tố chất này của văn hóa Nam Á – Bách Việt. Chủ trương Nhân trị gắn liền với tư tưởng trọng dân, trọng văn hóa của ông được cho là mang nguồn gốc nông nghiệp phương Nam. “Dân là chủ của thần, vì thế thánh nhân xưa lo xong việc của dân mới lo đến việc thần” (Xuân Thu, Tả Truyện). Chất dân chủ phương Nam thể hiện bàng bạc trong từng truyền thống các hệ dân Hán phương Nam, từ vùng Giang Nam đến các cộng đồng Mân Nam, Triều Châu, Quảng Phủ, các dân tộc thiểu số ở Lĩnh Nam và cao nguyên Vân – Quý. Đó là Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, là chàng Ngưu – ả Chức dám vượt qua rào cản đẳng cấp tôn ti, gia phong lễ giáo; là môi trường cần thiết để Đạo giáo phù thủy cắm rễ và đơm hoa kết trái, là tinh thần dân chủ người-thần (hoặc thần-người) khá bình đẳng trong cộng đồng phương Nam([3]), là tinh thần duy tân (đại diện là Tôn Dật Tiên, Lỗ Tấn) dám xóa bỏ truyền thống trung quân triệt để của Nho giáo trong suốt hơn 2000 năm qua; tinh thần mở-thoáng trong tiếp thu văn minh phương Tây của các cộng đồng Nam Trung Hoa v.v..

III- KẾT LUẬN

Lịch sử phát triển văn hóa vùng Nam Trung Hoa tuy mang tính liên tục song có sự chuyển đổi mang tính kế tục của chủ thể văn hóa từ Bách Việt sang người Hán. Quá trình truyền thừa này diễn ra từ từ và liên tục từ hơn 2500 năm trước. Người Bách Việt xưa nay đã phân hóa thành các tộc người thiểu số hay đã hòa vào dòng máu Hoa Hạ-Hán để tạo nên diện mạo người Hán phương Nam hôm nay với những sắc thái văn hóa rất riêng biệt. Chất nóng của thời tiết và chất nước của môi trường sống vốn dĩ là hai yếu tố quyết định loại hình văn hóa nông nghiệp lúa nước Bách Việt cổ với hệ thống đặc trưng, tính cách đặc thù của nó nay tiếp tục làm nền tảng cho sắc thái văn hóa Nam Trung Hoa. Những giá trị văn hóa tinh thần Bách Việt cổ vẫn còn nguyên giá trị mặc dù chúng đã được gắn thêm một phong cách mới. Chúng tôi mượn nhận định tính nhị trùng (二重性) của Trần Trạch Hoằng [2001: 378-286] đối với truyền thống văn hóa hệ dân Hán Triều Châu ở vùng đông bắc Quảng Đông để làm minh chứng cho sự tổng hợi hai hệ giá trị văn hóa Bách Việt – Hán trong văn hóa Nam Trung Hoa: “tôn Nho nhưng trọng thương”, “nho nhã mà thô tục”, “tinh tế sâu sắc mà nông cạn bề ngoài”, “vụ thực và hư vinh”, “ngưng tụ và bài trừ”, “khai phóng mà bảo thủ”. Việc tìm hiểu, đánh giá đúng đắn những đóng góp của giá trị văn hóa Bách Việt trong văn hóa Nam Trung Hoa sẽ giúp cung cấp một góc nhìn khu vực địa lý-văn hóa cho việc xây dựng hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.

ThS. Nguyễn Ngọc Thơ
Đã đăng trong Kỷ yếu Hội nghị Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam thời kì đổi mới, Biên Hòa 17-19/9/2009


Tài liệu tham khảo

  1. Tài liệu tiếng Việt:
  2. Durant W. 2002: Lịch sử văn minh Trung Hoa (Nguyễn Hiến Lê dịch). – HN: NXB Văn hóa – Thông tin.
  3. Đinh Gia Khánh 1993: Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á. – HN:NXB KHXH.
  4. Lê Văn Hảo 1982: Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước. -HN: NXB Thanh niên.
  5. Ngô Vinh Chính (cb.) 1993: Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc (nhóm Lương Duy Thứ dịch). –HN: NXB Văn hóa – Thông tin.
  6. Nguyễn Ngọc Thơ 2003: Tìm hiểu rồng Trung Hoa, Luận văn thạc sỹ Văn hóa học.
  7. Nguyễn Ngọc Thơ 2008: “Từ lễ hội lồng tồng dân tộc Choang (Trung Quốc) bàn về tết 3 tháng ba ở Việt Nam”, báo cáo đọc tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3, Hà Nội, 12/2008, www.vanhoahoc.com ; “Lại bàn về tết Đoan ngọ”, www.vanhoahoc.com.
  8. Nguyễn Ngọc Thơ 2008: “Cổ tục Nữ không xuất giá và Mộ cô tẩu”, TC Phong cách sống, 10/2008, www.vanhoahoc.com
  9. Nguyễn Ngọc Thơ 2009: “Tín ngưỡng thờ Mẫu vùng Lĩnh Nam Trung Hoa (Goddess beliefs in Chinese Ling’nan area)”, tham luận tại Hội thảo Forging Our Asian Commitment: Regional Perspectives on and Responses to Global Crisis tại Bangkok, Thái Lan, 17-19/7/2009, www.vanhoahoc.com
  10. Phạm Đức Dương 2002: Từ văn hóa đến văn hóa học. –HN: Viện Văn hóa – NXB Văn hóa – Thông tin.
  11. Phan Kế Bính 2003: Việt Nam phong tục. –HN: NXB Văn hóa – Thông tin.
  12. Trần Phú Huệ Quang 2005: Một số yếu tố văn hóa vật thể của người Hán ở hai miền nam bắc Trung Quốc, luận văn thạc sỹ Văn hóa học.
  13. Trần Ngọc Thêm 2001: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. – NXB TP Hồ Chí Minh
  14. Trần Ngọc Thêm 2006: Tập bài giảng môn Văn hóa Trung Hoa và ảnh hưởng của nó, Trường ĐHKHXH&NV TP. Hồ Chí Minh.
  15. Sách tiếng nước ngoài:
  16. Chêng Tê-K’un (郑德坤=Trịnh Đức Khôn) 1959: Archaeology in China Vol. 1 – Preshistoric China. – Cambridge: W. Heffer & Son Ltd
  17. E.G. Pulleyblank 1978: “The Chinese and their neighbours in prehistoric times”, The origins of Chinese civilization V.II, University of California at Berkely. Reprinted in The origins of Chinese civilization (David N. Keightley edited in 1983). –USA: University of California Press: 411-466.
  18. Edward H. Schafer 1967: The vermilion bird – T’ang images of the South. – USA: University of California Press
  19. Edward L. Shaughnessy 2000: China – empire and civilization. –UK: Oxford University Press. Reprinted in 2005
  20. Glahn, E. 1973: “Chinese writing through four millennia”, Half the world – the history and culture of China and Japan (Arnold Toynbee edited). – Holt, Rinehart and Winston: 25-30
  21. Phan Thanh Hải 2007: “The System of Chinese Classical Garden in Comparison with the Royal Garden in Hue”, paper to join the 7th Asian Scholarship Foundation, Bangkok, 7-2007.
  22. Ruey Yifu 1969: “Research on the origins of the Zhuang (僮人来源初谈)”, BIHB 39: 125-154.
  23. An Chí Mẫn 1999: “Kiến trúc nhà sàn cổ đại ở Hoa Nam”, Nghiên cứu văn hóa cổ Nam Trung Hoa và khu vực lân cận (Đặng Thông chủ biên), NXB Đại học Trung Văn Hồng Kông (安志敏 1999: “古代华南的干栏建筑”, 南中国及邻近地区古文化研究 (邓聪主编), 香港中文大学出版社).
  24. Hồ Phác An 1935: Trung Hoa toàn quốc phong tục chí, NXB KHKT Thượng Hải (胡朴安 1935: 中华全国风俗志, 上海科技文献出版社).
  25. La Hương Lâm 1943: Bách Việt trong hệ thống Trung Hạ, NXB Độc lập, Đài Loan (罗香林 1943:中夏系统中的百越,独立出版社).
  26. La Hương Lâm 1982: “Nghiên cứu sự phân bố cộng đồng Bách Việt cổ đại”, Tuyển tập các bài viết về lịch sử các dân tộc phương Nam, TT NC Dân tộc, Học viện Dân tộc Trung Nam (罗香林 1982: “古代百越分布考”,南方民族是论文选集,中南民族学院民族研究所).
  27. Lăng Thuần Thanh 1979: Văn hóa các dân tộc biên cương Trung Quốc và lòng chảo Thái Bình Dương (tập 1, 2), Công ty Xuất bản Liên Kinh Đài Loan (陵纯声1979:中国边疆民族与环太平洋文化 (1,2集),台湾联经出版事业公司).
  28. Lục Nguyên Đỉnh 2005: Nhân văn, tính cách và kiến trúc Lĩnh Nam, NXB Công nghiệp Kiến trúc Trung Quốc (陆元鼎2005:岭南人文,性格,建筑,中国建筑工业出版社).
  29. Lưu Đạt Lâm 2000: Trung Quốc giới lịch sử đồ giám, NXB Văn Nghệ Thời đại (刘达临 2000:中国性史图鉴, 时代文艺出版社)
  30. Mạc Tuấn Khanh 1986: “Bàn về nguồn gốc vu thuật, chiêm bốc người Việt cổ”, Học báo Học viện Dân tộc Trung Nam (số tăng kì): 147-153 (莫俊卿(1986)“越巫,越卜源流考”《中南民族学院学报增刊》中国武汉,147-153页).
  31. Phùng Minh Dương 2006: Việt Ca: văn hóa luận nghệ thuật ca hát bản thổ vùng Lĩnh Nam, NXB Nhân dân Quảng Đông (冯明洋 2006:越歌:岭南本土歌乐文化论,广东人民出版社).
  32. Trang Gia Di, Nhiếp Sùng Chính 2000: Hội họa Trung Quốc, NXB truyền bá Năm châu (庄嘉 怡.聂崇正2000:中国绘画,五洲传播出版社).
  33. Trần Quốc Cường, Tưởng Bính Chiêu, Ngô Miên Cát, Tân Thổ Thành 1988: Lịch sử dân tộc Bách Việt, NXB KHXH Trung Quốc (陈国强, 蒋炳钊,吴绵吉,辛土成 1988: 《百越民族史》,中国社会科学出版社)
  34. Trần Trạch Hoằng 2006: Văn hóa Triều Sán, NXB Nhân dân Quảng Đông (陈泽泓 2006:潮汕文化,广东人民出版社)
  35. Trần Trạch Hoằng 2007: Văn hóa Quảng Phủ, NXB Nhân dân Quảng Đông (陈泽泓 2007:广府文化,广东人民出版社).
  36. Triệu Thiện Đức 2001: “Nghiên cứu so sánh văn hóa Quảng Đông thời tiên Tần và thời Tần – Hán”, TC Văn sử Lĩnh Nam, kì 2, tr. 12-14 (赵善德 2001: 广东先秦文化与秦汉文化的比较研究, 岭南文史, 第2期: 12-14页).
  37. Tưởng Bính Chiêu 2005: Nghiên cứu văn hóa Bách Việt (Tưởng Bính Chiêu chủ biên), NXB ĐH Hạ Môn, Phúc Kiến (蒋炳钊 2005:百越文化研究,福建: 厦门大学出版社)
  38. http://bk.baidu.com/view/26887.htm
  39. http://www.toquoc.gov.vn/Print/Article/Bi-An-Lang-Mo-Tan-Thuy-Hoang/pdf

Chú thích:

([1]) Tư liệu của Lưu Chí Vỹ, Trưởng Khoa Lịch sử, ĐH Trung Sơn.

([2]) Người Hán Nam Trung Hoa coi trọng cả hệ thống số chẵn phương Bắc lẫn hệ thống sổ lẻ bản địa. Quan niệm  “nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật..” của Đạo gia cũng có dấu ấn này [Trần Ngọc Thêm 2001: 100-101]

([3]) Người Hán Hoa Nam gọi Thiên Hậu, Long Mẫu, Phật mẫu, Phật Quan Âm v.v. bằng trên gọi thân mật hóa “Mẹ” (ví dụ Ma Tổ). Trong suy nghĩ của họ, các Mẫu, Phật mẫu là những người mẹ hiền từ, mộc mạc và giản dị [tư liệu điền dã].

([1]) Theo Eberhard W. [1968: 380-381], vùng Triều Châu ngày nay mở hội Thanh long vào ngày 15 tháng hai âm lịch. Trong đại lễ, người ta tổ chức nhiều chiếc xe kiệu phủ đầy màu sắc để “rước” rồng-rắn thần Thanh long. Ngoài Triều Châu, vùng đồng bằng Châu Giang (Quảng Đông) cũng tổ chức đại lễ tế rắn thần Đại vương trong ngày này. Ở đảo Lan’tao (Hồng Kông), rắn thần Đại vương được hiển thị dưới dạng các chiếc linga bằng đá. Tại nhiều vùng ở Quảng Đông và Quảng Tây, từ “xà (rắn)” là từ cấm kỵ.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.