059. 🌟 Tản Viên sơn thánh và truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh

Tản Viên là một vị thần quan trọng trong đời sống người Việt và người Mường. Do vậy, các câu chuyện xoay quanh ông cũng trở thành đối tượng nghiên cứu của những người nghiên cứu văn hóa, văn học, lịch sử, cũng như tâm linh. Thần Tản Viên xuất hiện trong rất nhiều công trình nghiên cứu, được đưa vào giáo trình, các sách tham khảo, sách giáo khoa; ngoài ra còn có các bài báo, bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Nghiên cứu Văn học, tạp chí Văn hóa Dân gian,… Mặc dù số lượng bài nghiên cứu tồn tại khá lớn, song chung qui vẫn có thể đưa được về một số hướng tiếp cận sau:

1. Tiếp cận từ góc độ lịch sử

Nhìn chung, từ góc độ lịch sử, câu chuyện về Tản Viên thường được “đọc” thành công cuộc trị thủy, ngăn lũ và cuộc chiến chống ngoại xâm, từ đó khẳng định quyền tự chủ và ý thức dân tộc của cư dân Việt cổ. (Ở đây, Tản Viên được đồng nhất với Sơn Tinh trong thần thoại Sơn Tinh – Thủy Tinh.)

Từ góc tiếp cận này, có thể kể đến các công trình nghiên cứu dưới đây:

Giáo trình Văn học dân gian Việt Nam (Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn, 2003) có khẳng định: “Thần thoại không phải là lịch sử, nhưng thần thoại chính là bóng dáng của lịch sử”. Tại đây, câu chuyện Tản Viên – Cao Biền được tiếp cận từ khía cạnh ý thức độc lập, ý thức dân tộc và là biểu hiện niềm tự hào của người Việt. “Trong suốt thời kỳ chống ách Bắc thuộc, nhân dân ta đã duy trì được tinh thần bất khuất của tổ tiên từ thời Văn Lang, Âu Lạc và đã luôn bồi dưỡng tinh thần ấy trong cuộc đấu tranh giải phóng ngày càng mãnh liệt”. Còn truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh và sự chiến thắng của Sơn Tinh chính là đại diện cho sức mạnh chống lũ lụt, đồng thời phản ánh cuộc đấu tranh của tổ tiên ta để bảo vệ sản xuất. Như vậy, thực chất, truyện thần Tản Viên hay Sơn Tinh – Thủy Tinh chính là lịch sử, một thứ lịch sử đã được khúc xạ qua lăng kính của dân gian.

Trong giáo trình Văn học dân gian Việt Nam (Lê Chí Quế, Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ, 1996), GS. Lê Chí Quế đã thông qua truyền thuyết để tìm hiểu về lịch sử nước Việt. Trong đó, Tản Viên là một trong những nhân vật xuất hiện từ trong thời kỳ dựng nước (cùng với sự kiện cưới công chúa Mỵ Nương); để rồi sau này, thần núi Tản Viên tiếp tục trở thành anh hùng đại diện cho sự phản kháng của nhân dân đối với bọn phong kiến xâm lược phương Bắc (qua câu chuyện với Cao Biền).

Tiếp theo, GS. Cao Huy Đỉnh, trong cuốn Tìm hiểu về tiến trình văn học dân gian Việt Nam liệt kê truyện về Sơn Tinh – Thủy Tinh vào chương 1 (Buổi bình minh lịch sử dân tộc với những biểu tượng thần thoại anh hùng tập thể dựng nước và giữ nước). Ở công trình này, nhà nghiên cứu tập trung khai thác cuộc chiến chống lũ lụt hay trị thủy nói chung trên đất nước để bảo vệ sinh mạng và mùa màng. Cũng tại đây, GS. Cao Huy Đỉnh còn đưa ra nhận định về cuộc tranh chấp tình duyên giữa hai anh chàng ngoại tộc Tản Viên và Thục Phán, rằng các sản vật chính là vật tượng trưng cho cuộc trao đổi văn hóa giữa các bộ lạc đang tự nguyện gia nhập vào cộng đồng Lạc Việt. Không chỉ vậy, Cao Huy Đỉnh cũng đặt vấn đề về sự đồng nhất giữa Tản Viên (ngoại tộc) với Sơn Tinh (thần tổng hợp sức mạnh đất và núi): Tản Viên đi vào điện thần Việt, biểu tượng cho một cuộc thiên di của những bộ tộc di cư từ cửa biển Thần Phù đến định cư quanh vùng núi Ba Vì.

Công trình nghiên cứu Bước đầu nghiên cứu tiến trình lịch sử văn học dân gian Việt Nam của GS. Đỗ Bình Trị lại tiếp cận truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh chủ yếu qua cuộc chiến chống lũ lụt. Với sự kiện Thủy Tinh dẫn quân đi cướp vợ, dâng nước lên tấn công Sơn Tinh và cư dân Việt cổ, ý nghĩa về công cuộc trị thủy được khai thác tương đối triệt để, trở thành một mã lịch sử, đánh dấu sự kiện người dân Việt đã biết đắp đê phòng lụt, và nhà nước đã xuất hiện trong lịch sử phát triển tộc Việt.

Từ năm 1968 đến năm 1971, Viện Khảo cổ học tổ chức Hội nghị nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương. Nội dung của Hội nghị được ghi lại đầy đủ trong cuốn Hùng Vương dựng nước của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Trong tập 2 của cuốn sách, truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh và vấn đề vị trí nước Thục của Thục Phán cũng được bàn đến. Theo đó, cuộc chiến tranh chống Thục có liên quan mật thiết với sự tích thần Tản Viên. Cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh “thực chất chỉ là một cách trình bày kín đáo cuộc chiến tranh Hùng – Thục, trong đó Thục Phán đã được hóa thân thành thần Nước, còn quân tướng của vua Hùng đứng đầu là Tản Viên (Sơn Tinh) hiện thân của thần Núi mà thôi”. Như vậy, mâu thuẫn và cuộc trả thù của Thủy Tinh – Sơn Tinh đã được nhìn dưới góc độ của một cuộc chiến tranh và liên minh giữa các bộ lạc.

Cùng là tiếp cận lịch sử, song trong công trình nghiên cứu mới được Nhã Nam dịch gần đây là Lịch sử Hà Nội của Philippe Papin, nhà sử học người Pháp này sau khi đưa ra lập luận về việc lựa chọn địa điểm sinh sống (đầm lầy hoặc đất liền) của các vua Hùng, đã khẳng định huyền thoại về thần Núi và thần Nước (Sơn Tinh và Thủy Tinh) phản ánh cuộc chiến của con người chống lại tình trạng ngập lụt. Tình trạng phân vân về chỗ ở kết thúc với chiến thắng của Sơn Tinh. “Thất bại của Thủy Tinh chính là hình tượng của tình trạng nước rút đi từ những khu đầm lầy và chiến thắng của Sơn Tinh chính là chiến thắng của con người trong việc chinh phục vùng châu thổ”.

Về câu chuyện Tản Viên – Cao Biền, Philippe Papin đã loại bỏ tất cả các yếu tố thần kỳ vốn có trong thần thoại về hai nhân vật này. Tản Viên trong công trình nghiên cứu của P. Papin giữ vai trò là một ngọn núi góp vai trò vào việc hình thành nên lãnh thổ Hà Nội. “Núi Tản Viên (…) bảo vệ kinh thành chống lại điềm dữ từ phía Tây tới. Cao Biền, với tài phong thủy, đã kết hợp giữa cặp đôi bao gồm thành Đại La (nước) và núi Tản Viên (đá) với cặp đôi bao gồm sông Tô Lịch và núi Nùng ở làng Long Đỗ. Ông đã mở rộng sơ đồ phong thủy của thành phố trên một vùng lãnh thổ trải dài từ hồ Tây đến núi Tản Viên và kinh thành nằm ở vị trí cân bằng giữa hai thế lực đối lập là nước và đá”.

2. Tiếp cận từ góc độ văn hóa

Câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh và truyện thánh Tản Viên không chỉ được nhắc đến như dấu mốc của thời kỳ bắt đầu nhà nước, nhân dân bắt đầu biết phòng lụt, ngăn lũ, làm thủy lợi; hay như biểu tượng cho sự liên minh bộ lạc, những cuộc di dân; hoặc tinh thần tự chủ, tự tôn dân tộc; lựa chọn đất sống;  mà còn được tiếp cận từ góc nhìn văn hóa với nhiều hướng khai thác khác nhau.

Đầu tiên, phải nhắc đến bài đăng trên Tạp chí Văn hóa Dân gian của Nguyễn Tấn Đắc năm 1988: “Đọc lại truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh”. Trong bài nghiên cứu này, từ câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh đến hỏi cưới Mỵ Nương và sự tranh giành nàng công chúa sau khi Sơn Tinh có được vợ, Nguyễn Tấn Đắc tập trung khai thác cuộc đấu tranh giành phụ nữ, hay hôn  nhân tranh cướp phụ nữ trong xã hội thời kỳ đầu của người Việt cổ. “Ấn tượng về một cuộc tranh đoạt đàn bà vẫn còn tươi rõ trong trí nhớ dân gian”.

Đến năm 1989, GS. Đinh Gia Khánh công khai công trình “Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian”. Khi đề cập đến đặc trưng nguyên hợp của loại hình văn hóa dân gian, truyện thánh Tản Viên và Sơn Tinh – Thủy Tinh trở thành một ví dụ điển hình. Theo nhà nghiên cứu, hệ thống thần thoại, truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh là một tổng thể nhiều tầng lớp văn hóa của các thời đại khác nhau, việc đấu tranh và liên minh bộ lạc gối chồng lên công cuộc trị thủy.

Tiếp theo là “Hình tượng Tản Viên trong đời sống văn hóa Mường” của Lâm Bá Nam, đăng trên Tạp chí Văn hóa Dân gian. Theo Lâm Bá Nam, thần Tản Viên trong văn hóa Mường có nhiều nét tương đồng với thần núi Việt nhưng mang nhiều ý nghĩa hơn. Nếu ở văn hóa Việt, thần Tản Viên là vị thần mang tính chất ở cấp quốc gia, hoặc chí ít cũng là cấp làng xã (tập thể); thì đối với người Mường, thần Tản Viên còn được coi là anh hùng văn hóa gần gũi với con người, có ý nghĩa với cả cộng đồng và với cả từng cá nhân. Cũng trong công trình này, học giả Lâm Bá Nam còn đề cập đến tín ngưỡng thờ Vua Bà (mẹ của thánh Tản Viên), và gắn tín ngưỡng này với tín ngưỡng nông nghiệp của cư dân bản địa.

Năm 1991, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh và Ngô Đức Thịnh xuất bản công trình Tứ bất tử, tìm hiểu và nghiên cứu về bốn vị thánh Tản Viên, Chử Đồng Tử, Phù Đổng Thiên Vương và Liễu Hạnh công chúa. Tại đây, Tản Viên Sơn Thánh được tiếp cận từ các sự tích, các nghi lễ thờ cúng và lễ hội dân gian. Bài dừng lại ở mức độ liệt kê, xem xét vai trò của thần Tản Viên đối với đời sống sinh hoạt và đời sống tâm linh người Việt.

Cũng trên Tạp chí Văn hóa Dân gian, Đặng Việt Bích đã khai thác để tìm ra hai ý nghĩa của câu chuyện Tản Viên – Sơn Tinh: Một là quá trình người Việt cổ chống thủy hại, hai là quá trình hỗn hợp giữa Sơn Tinh và Hùng Vương để thành người Mường trong công trình “Giải mã truyện Tản Viên sơn thần”.

Cùng năm 1995, Tạp chí Văn hóa Dân gian đăng bài viết của học giả Vi Hồng: “Cần có hướng giải mã mới đối với một số truyện cổ giân gian”. Vi Hồng cũng cho rằng truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh bao gồm hai lớp nghĩa. Tuy nhiên, nội dung hai lớp nghĩa này có sự khác biệt với quan điểm của Đặng Việt Bích. Ở lớp nghĩa đầu tiên, hôn nhân giữa Sơn Tinh và Mỵ Nương được coi là cuộc “hợp hôn giữ đất nước”. Lớp nghĩa thứ hai, cũng dựa trên cuộc hôn nhân đó, học giả Vi Hồng đưa ra ý kiến rằng đó là dấu hiệu thuộc về một xã hội văn minh hơn nữa: Không phải chỉ là có hình thức cưới hỏi, mà đã phát triển lên thành hôn nhân có sính lễ.

Đến năm 1996, Trần Từ trong công trình “Người Mường ở Hòa Bình” đã khái quát về việc thờ Bua Thơ hay Vua Thờ (tức thánh Tản Viên) của người Mường ở Hòa Bình. Tại đây, Trần Từ đưa ra những điểm giống và khác nhau trong một số sự tích về Tản Viên và Bua Thơ. Trong đó, câu chuyện về con dao ước của Bua Thơ giống với chi tiết có trong  truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh.

Năm 1997, hội thảo “Sơn Tinh và vùng văn hóa cổ Ba Vì” đã được tổng hợp lại thành 17 bản tham luận về nhiều lĩnh vực trải dài từ khảo cổ đến địa lí, lịch sử, truyền thuyết, văn hóa dân gian,…

Năm 2002, Lê Thị Hiền công bố công trình “Việc phụng thờ Sơn Tinh ở Hà Tây – Bản chất và Nguồn gốc”. Tại công trình này, Lê Thị Hiền đã khảo sát bản chất và nguồn gốc việc phụng thờ Sơn Tinh trong các huyền tích và trong các lễ hội. Trong đó, từ huyền tích, Lê Thị Hiền lí giải việc phụng thờ Sơn Tinh thành ba đề tài chính: Chống lũ lụt, khai sáng văn hóa và chiến tranh; từ lễ hội, người viết lại lí giải thông qua việc giải mã hệ thống biểu tượng chia làm sáu nhóm (Cuộc sống hái lượm, săn bắt, đánh bắt cá, trồng trọt, đồ dùng nghề nông, Sơn thánh). Đây là một công trình tương đối đầy đủ, song vẫn còn tồn tại sự lẫn lộn giữa những dị bản với những công trình nghiên cứu.

Năm 2010, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đăng tải lên website Khoa Văn học bài nghiên cứu “Lĩnh Nam chích quái – từ điểm nhìn văn hóa”. Đi từ số phận của những tác phẩm cho đến tư tưởng, cấu tạo đến nội dung nghệ thuật, bài viết nhìn tập Lĩnh Nam chích quái như “một kết tinh đặc biệt của một văn hóa, của một thời đại lịch sử, nó có một sứ mạng đặc biệt trong đời sống của một dân tộc, của một quốc gia”. Câu chuyện về Tản Viên cũng được nhắc đến dưới góc nhìn văn hóa. Theo nhà nghiên cứu, Truyện thần núi Tản Viên tích hợp cả một hệ thống thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích trên địa bàn văn hóa rộng lớn xung quanh vùng núi Tản Viên, Tam Đảo, Hi Cương. Qua hai cốt truyện cơ bản được cung cấp bởi GS. Từ Chi, cùng với tích tụ thần thoại với Lĩnh Nam chích quái, “cho ta những thông tin quan trọng về việc khẳng định, việc nhận thức về cội nguồn dân tộc, về địa bàn quốc gia thời đó”. Không chỉ vậy, trong quá trình nghiên cứu, Nguyễn Hùng Vĩ còn đưa ra một câu hỏi về việc “Tản Viên có vai trò như thế nào với tư cách là một biểu tượng trong lịch sử cội nguồn”? Câu hỏi đó được trả lời trong công trình được đăng tải sau đó 5 năm.

Đến năm 2015, bài viết Tản Viên sơn như là biểu tượng văn hóa của Nguyễn Hùng Vĩ đã làm rõ câu trả lời được gợi mở từ 5 năm trước. Trong công trình nghiên cứu lần này, Nguyễn Hùng Vĩ khẳng định núi Ba Vì (Tản Viên) phải được coi như một biểu tượng văn hóa  của một nền văn minh, của một quốc gia, và của tâm thức cộng đồng người Việt. Bằng việc quay trở lại từ buổi đầu dựng nước cho đến những ngày giành quyền tự chủ, quyền độc lập, núi Ba Vì đã đi từ một ngọn núi tổ hướng chính tây đổ bóng xuống trung nguyên, lên linh khí phương Nam, đến thời Lí trở thành biểu tượng thiêng liêng tầm cỡ quốc gia, tế vọng “danh sơn” và đến thời Lê thì đã được tôn vinh thành một trong tứ bất tử của Việt Nam. Từ việc khẳng định biểu tượng thiêng liêng của núi Ba Vì (Tản Viên), nhà nghiên cứu còn đặt ra vấn đề cần thiết phải đưa Ba Vì về đúng vị trí của nó.

Tháng 11 năm 2017, Nguyễn Xuân Diện công bố cuốn sách Tản Viên sơn thánh – Di tích và lễ hội đền Và. Cuốn sách thu thập các ngọc phả, truyền thuyết, thư tịch cổ liên quan đến Tản Viên và mô tả lại đền Và: địa lý, phong thủy, lịch sử đền Và theo thời gian, xây dựng, trùng tu, tôn tạo, kiến trúc, vật liệu, phiên âm, giải nghĩa sắc phong, hoành phi, câu đối, lễ hội đền Và. Công trình cũng phần nào bóc tách các lớp văn hóa ảnh hưởng lên các thần thoại về Tản Viên.

3. Tiếp cận thể loại

Nếu ở hai cách tiếp cận trên, thần Tản Viên, hay Sơn Tinh, cùng câu chuyện chủ đạo là Sơn Tinh – Thủy Tinh được hiểu như một mã lịch sử, mã văn hóa cho biết sự phát triển của đất nước, dân tộc, thì với cách tiếp cận thể loại, những người nghiên cứu đã đặt truyền thuyết, thần thoại, cổ tích về thần Tản Viên – Sơn Tinh  vào trong hệ thống của thể loại thần thoại, truyền thuyết nói chung của văn học dân gian; đồng thời cũng tiệm cận với Tản Viên với tư cách là một nhân vật: Ông có thể là nhân vật trong huyền thoại, cũng có thể là một con người có thật trong lịch sử, hoặc cũng có thể chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng con người sau hàng ngàn năm kiến tạo, giữ gìn và phát triển đất nước, lịch sử và dân tộc.

Cuốn sách Việt Nam – Thần thoại và truyền thuyết của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nguyên xuất bản năm 1993 là một trong những cuốn sách như thế. Bùi Văn Nguyên, trong công trình của mình, đã dành thời gian nghiên cứu về các câu chuyện thần thoại và truyền thuyết lưu truyền trong dân gian và sự chuyển hóa lớp lang thần thoại vào lang lớp truyền thuyết lịch sử, thể hiện rõ nét trong câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh và truyện Thánh Tản Viên (tức truyện Sơn Tinh kiếp sau). Đầu tiên, người viết định nghĩa thần thoại vừa có ý nghĩa giải thích các hiện tượng tự nhiên, vừa dựa theo hiện tượng thiên nhiên để kiểm điểm việc làm của con người. Ông chia thần thoại Việt Nam ra thành các nhóm (VD: Thần Trụ Trời, thần Mặt Trăng và thần Mặt Trời, thần Gió, thần Mưa, Bà Mụ, thần Đất, thần Nước, thần Núi, thần Sông,…) đồng thời nghiên cứu các trường hợp trong từng nhóm đó. Ở nhóm thần Đất, thần Nước, thần Núi, thần Sông, truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh được đưa vào để minh họa. Theo đó, với tư duy thần thoại về quan hệ mật thiết giữa đất và nước, cộng với thuyết Ngũ hành của triết học phương Đông gắn với nguyên lí Âm Dương trong Bát quái đồ của Phục Hy, Sơn Tinh và Thủy Tinh là hai vị thần, hoặc hai “tinh” đại diện cho yếu tố Đất (Núi) và Nước (Sông). Sau này, khi truyền thuyết (theo người viết là những câu chuyện kể về người thật việc thật có yếu tố kỳ ảo) về Thánh Tản Viên ra đời thì vị thánh này đã bị người dân nhập vào làm một với Sơn Tinh có từ trước đó. Truyện thánh Tản Viên được Bùi Văn Nguyên khai thác chủ yếu ở nội dung vua Hùng kén rể, từ đó khẳng định: “Chủ đề truyền thuyết thánh Tản không phải chuyện chống lụt hàng năm, mang tính chất xã hội thông thường, mà chính là chuyện chọn rể để truyền ngôi cầm vận mệnh đất nước, mang ý nghĩa chính trị sâu sắc”.

Đến năm 2002, Tạp chí Văn hóa Dân gian đăng một bài viết với tiêu đề: “Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh là thần thoại hay truyền thuyết?” của Nguyễn Định. Trong khi việc xác định thể loại của truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh là đề tài được bàn đến trong rất nhiều cuộc hội thảo, cho đến nay, vẫn chưa có kết luận cuối cùng nào được đưa ra có thể khẳng định chắc chắn Sơn Tinh – Thủy Tinh chỉ thuộc về một thể loại duy nhất. Tuy nhiên, trong bài viết, Nguyễn Định đưa ra ý kiến rằng “Sơn Tinh – Thủy Tinh là một truyện dân gian thể hiện đầy đủ những đặc điểm cơ bản của thể loại thần thoại”.

Trên đây, người viết đã tổng thuật lại quá trình nghiên cứu về Tản Viên theo ba hướng tiếp cận khác nhau: Lịch sử, Văn hóa và Thể loại. Dù là ở hướng nào, các công trình nghiên cứu cũng đã đạt được thành tựu và có ý nghĩa nhất định, đồng thời cũng trở thành tư liệu quan trọng để cho các bài nghiên cứu sau này. 

Tuy nhiên, cần phải chấp nhận một thực tế là hầu hết các công trình kể trên mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu Sơn Tinh với tư cách là một vị thần giúp dân chống lũ, đuổi ngoại xâm, hoặc công cuộc di dân đi liền với giao lưu văn hóa thông qua câu chuyện đám cưới giữa Sơn Tinh – Mị Nương và mối giao tranh giữa Sơn Tinh – Thủy Tinh; chứ chưa đi sâu vào phân tích, lí giải và làm rõ các cách kể khác nhau trong sự tích về thần Tản Viên được ghi chép lại trong tư liệu cổ và trong các thần tích, thần phả,…

Trong các công trình kể trên, khái niệm/ cái tên “Tản Viên Sơn Thánh” cũng vẫn còn ở trong trạng thái lưng chừng. Các bài nghiên cứu ở trên đã nhắc đến nhưng không chỉ thị một đối tượng rõ ràng mà chỉ xưng danh “Tản Viên Sơn Thánh”, “Thánh Tản Viên” hoặc “Thần Tản Viên”. Đối tượng mà các nhà nghiên cứu hướng đến thực ra là Sơn Tinh, một nhân vật đã có xung đột với Thủy Tinh ở thời kỳ Hùng Vương thứ XVIII.

Thực tế, Sơn Tinh – Thủy Tinh chỉ là một trong vô vàn câu chuyện xoay quanh “Tản Viên Sơn Thánh” này. Trên núi Tản Viên không phải chỉ có một vị thần Tản Viên, cũng không phải chỉ có một Sơn Tinh, mà còn có thần Cao Sơn, Quý Minh. Trong bài tiếp theo, người viết sẽ khảo sát các nghiên cứu liên quan đến Cao Sơn, Quý Minh.

(Trích từ khóa luận tốt nghiệp Các lớp sự tích về Tản Viên sơn thánh, tháng 6 năm 2017; chỉnh sửa và bổ sung vào tháng 9 năm 2019)

Nguyễn Hoàng Dương
Nguồn
Tranh minh họa: Vạn Tích.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.