018. Trống đồng Việt Tộc và bài ca “Đông Quân”

I. NGUỒN GỐC VÀ KHU VỰC TRỐNG ĐỒNG

Trống đồng là một vấn-đề đã được các nhà bác-học trên thế giới bàn đến từ hơn nửa thế-kỷ nay. Hirth, De Groot, Heger, Parmentier, Goloubew, Hein-Geldern, Karlgren, Van Stein Callenfels v.v… đều có viết về trống đồng.

Tuy nhiên, các nhà nghiên-cứu trống đồng không hoàn toàn đồng ý với nhau về nguồn gốc của loại nhạc khí ấy. Về ý nghĩa những hình chạm trên trống đồng cũng có nhiều thuyết khác nhau.

Lăng Thuần-Thanh 凌純聲, một học giả Trung-quốc, trong bài Ký bản hiệu nhị đồng cổ kiêm luận đồng cổ đích khởi nguyên cập kỳ phân bố 計本校二銅鼓兼論銅鼓的起源及其分佈 (đăng trong Đài-loan đại học văn sử triết học bảo, đệ nhất kỳ, I950), đã không tán đồng thuyết sau đây : « Hình chạm trên trống đồng tương tự văn dạng trên đồ đồng đời Hán ; trống đồng đã xuất hiện tại nam bộ Bắc-Việt và bắc bộ Trung-Việt, ở Vùng sơn cư của người Ấn-độ chi na, vào đầu Tây lịch kỷ nguyên, do ảnh hưởng kỹ thuật Trung-quốc » [1]. Họ Lăng chủ trương : trống đồng khởi nguyên ở miền trung du Trường giang tức là vùng đất chung quanh đầm Vân-mộng (hai tỉnh Hồ bắc và Hồ-nam) do giống In-đô-nê-diên (người Trung-hoa gọi là Ấn-độ ni tây an) mà cổ sử Trung-quốc gọi là Bộc việt 濮越 hoặc Lão Việt 獠越 chế tạo từ 6 thế kỷ trước Tây lịch. Họ Lăng đã chứng minh trống đồng không phải chỉ được tìm thấy ở Việt-nam, nhưng ở miền nam Trung-quốc, trống đồng cũng xuất thổ rất nhiều và phân bố rất rộng [2]. Điều đó đã làm vững thêm thuyết « miền Hoa nam ngày xưa là địa bàn của Việt tộc » [3]. Vả lại, truyện Mã Viện trong Hậu Hán thư có chép Mã-Viện được « trống đồng Lạc-Việt » cũng đủ chứng tỏ trống đồng là sản phẩm văn hóa của giống Việt.

Trong bài Đồng cổ đồ văn dữ Sở từ Cửu ca 銅鼓圖文與楚辭九哥 (đăng trong Quốc lập trung-ương nghiên-cứu viện viện-san đệ-nhất tập, Đài-bắc, I954, tr. 403-4I7), Lăng Thuần-Thanh đã dựa vào những tài-liệu văn-học, sử-học, dân-tộc-học để giải-thích những hình chạm trên trống đồng.

Nhận thấy thiên khảo-cứu nói trên là một tài-liệu quan-trọng để dùng trong việc tìm hiểu văn-hóa Việt-tộc, nên chúng tôi đưa ra giới-thiệu với quý độc-giả và góp thêm những ý-kiến, những nhận xét và những chú thích của chúng tôi sau khi đã tham khảo nhiều tài liệu khác.

Theo lối phân-loại của Heger [4], trống đồng có 4 kiểu mà kiểu rất xưa. Những trống đồng kiểu đó là :

a) Trống đồng Mường (người Trung hoa gọi là Mãnh [5] địa đồng-cổ, tức là Mường drum hoặc Moulié drum)
b) Trống đồng Vân-nam (Gillet drum hoặc Vienna drum)
c) Trống đồng Ngọc-lữ
d) Trống đồng Hoàng-hạ

Kiểu trống đồng nầy, trên mặt trống có chạm cảnh nhảy múa và phần trên thân trống có hình ghe thuyền (xem hình I, 2).

Lăng Thuần-Thanh đã chia những hình nhân-sự và vật loại đó như : nhạc vũ, nhân tượng, nhạc khí, binh khí, cầm thú, thủy tộc, v.v…

Rồi họ Lăng dùng bài Đông quân trong Cửu ca (Sở từ) và những tài-liệu dân-tộc học về người A-mĩ 阿美ở Đài-loan, người Nagas ở Assam cùng người Dayak ở Borneo (Bà-la châu) để giải thích những hình chạm trên trống đồng, sau khi đã dùng phép phân tích và tỷ hiệu để nghiên cứu những hình đó. Ông cho rằng trống đồng do người In-đô-nê-diên (tức giống Bộc Lão trong cổ thư Trung-quốc) chế tạo, mà Cửu ca chính là nhạc chương của dân tộc Bộc Lão (Việt tộc) thời xưa.

image009
Hình I. – Trống đồng Mường

Hiện nay, người Nagas và Dayak còn bảo tồn được rất nhiều đặc-trưng văn-hóa của giống In-đô-nê-diên xưa. Nhưng bảo rằng Cửu ca là nhạc chương của dân-tộc Bộc Lão chắc không khỏi làm cho những học giả nghiên cứu Sở từ theo quan niệm truyền thống phải kinh ngạc, nên trước hết hãy khảo chứng về thời đại, hoàn cảnh địa lý và yếu tố chủng tộc của tác giả Cửu ca trong Sở-từ.

II. NIÊN-ĐẠI SÁNG-TÁC VÀ Ý-NGHĨA CỦA « CỬU CA » TRONG SỞ-TỪ

Vương Dật 王逸 đã viết trong lời tựa Cửu ca chương cú 九歌章句 như sau : « 九歌者屈原之所作也昔楚國南郢之邑沅湘之間其俗信鬼而好祠其祠必作歌樂鼓舞以樂諸神屈原放逐竄伏其域懷優苦毒愁思沸鬱出見俗人祭祀之禮歌舞之樂其詞鄙陋因為作九歌之曲 ». Cửu ca giả, Khuất Nguyên chi sở tác dã. Tích Sở quốc Nam-Dĩnh chi ấp, Nguyên Tương chi gian, kỳ tục tín quỷ nhi hiếu từ. kỳ từ tất tác ca nhạc cổ vũ dĩ lạc chư thần. Khuất Nguyên phóng trục, thoán phục kỳ vực, hoài ưu khổ độc, sầu tư phị uất, xuất kiến tục nhân tế tự chi lễ, ca vũ chi nhạc, kỳ từ bỉ lậu, nhân vi tác Cửu ca chi khúc = Cửu ca do khuất Nguyên sáng-tác. Ngày xưa, ấp Dĩnh [6] của nước Sở, giữa khoảng hai con sông Nguyên [7] và Tương [8], dân ở đó có tục tín ngưỡng quỷ thần và thích thờ cúng. Mỗi khi cúng tế, họ hát múa để làm vui thần. khuất Nguyên sau khi bị phóng trục, đến trốn núp tại khu-vực ấy, lòng mang nỗi buồn lo đau khổ, sầu tư phẫn uất, đi ra thấy lễ cúng tế và nhạc vũ của họ, lời hát thô bỉ quê mùa, nhân đó mới làm ra Cửu ca.

image010
Hình 2. – Trống đồng Ngọc-Lữ

Nếu lời chú của Vương Dật không sai thì đoạn văn dẫn trên đã cho ta biết đại khái thời đại, hoàn cảnh địa lý và yếu tố chủng tộc của tác giả Cửu ca.

Vương Dật thừa nhận Khuất Nguyên đã sáng tác Cửu ca sau khi bị phóng trục. Truyện Khuất Nguyên trong Sử ký 史記 của Tư-mã Thiên 司馬遷 cũng chép : « Thượng-quan đại-phu nói xấu Khuất Nguyên với Khoảnh-tương-vương, làm cho vương giận mà đày Nguyên đi nơi khác ». Tưởng Ký 蔣驥 đã viết trong lời chú Sở thế gia tiết lược 楚世家莭略 : « Khuất-tử dời đến Lăng-dương ở Giang-nam vào giữa mùa xuân năm đầu của Khoảnh-tương-vương [9] ». Có lẽ họ Tưởng đã dựa vào những câu sau nầy ở bài Ai Dĩnh 哀郢trong Cửu chương : 方仲春而東遷 (Phương trọng, xuân nhi đông thiên)… 楊凌陽之焉至兮 (Dương Lăng-dương chi yên chí hề)… 至今九年而不復 (Chí kim cửu niên nhi bất phục)… Hồng Hưng-tổ 洪興祖 bổ chú : « Khoảnh-tương-vương năm thứ 3 (296 trước TL), Sở Hoài vương mất ở Tần ; Khoảnh-tương nghe lời gièm lại phóng trục Khuất Nguyên ». Vậy là thời Sở Hoài-vương (328-299 trước TL), Khuất Nguyên bị đuổi nhưng được dùng ; đến lúc Khoảnh-tương-vương lên ngôi, Nguyên mới bị thiên đến Giang-nam. câu « Chí kim cửu niên nhi bất phục » cho độc giả biết bài Ai Dĩnh làm sau khi tác giả bị phóng trục chín năm. Cửu ca và Cửu chương đều làm trong thời gian ấy.

Theo Tưởng Ký thì Khuất Nguyên sáng tác Cửu ca vào năm Khoảnh-tương-vương thứ 9 (290 trước TL) ; còn theo Hồng Hưng-Tổ thì Cửu ca được làm ra vào năm Khoảnh-tương-vương thứ I2 (287 trước TL).

Về địa-danh Lăng-dương [10], ta cũng có thể theo nội-dung bài Ai Dĩnh để suy đoán. Trong bài ấy có những tên đất như Giang-hạ, Hạ-thủ, Long-môn, động-đình, Hạ-phố, Lăng-dương. Theo Lăng Thuần-Thanh, xét lộ tuyến và các địa danh mà Khuất Nguyên đã đi qua, Lăng-dương ở phía đông Hạ-phố (Hán-khẩu), tuy tại Giang-nam nhưng không thuộc lưu vực sông Nguyên và sông Tương.

Về năm mất của Khuất Nguyên cũng có nhiều thuyết khác nhau : Hoàng Duy-Chương 黃維彰 bảo là Khoảnh-tương-vương năm thứ I0 (Sở từ thính trực 楚辭聽直) ; Lâm Tây-Trọng 林西仲 bảo là năm thứ II (Sở từ đăng 楚辭燈) ; Tưởng Ký ước chừng từ năm thứ I3 đến năm thứ I6 (sơn đái các chú Sở từ 山帶閣註楚辭).

Tuy nhiên, phần nhiều các sử-gia và các nhà nghiên-cứu văn học hiện nay đồng ý rằng Khuất Nguyên sinh năm 340 và mất năm 278 trước Tây-lịch. [11]

Hoàn-cảnh địa-lý của Cửu ca là lưu vực hai con sông Nguyên và Tương đã được Cửu ca chứng minh. Trong bài Tương quân có nói đến Nguyên, Tương, Đại-giang (Trường-giang) và Lễ-phố. Trong bài Tương phu nhân cũng có nói đến Động-đình Nguyên, Lễ. Còn bài Thiệp giang trong Cửu chương cũng có nhắc đến giang, Tương. Ngạc-chử, Phương-lâm, Nguyên, Uổng-chử, Thần-dương, Tự-phố. Bài nầy chẳng khác gì một thiên « Giang, Tương du-ký », tả lộ-tuyến của tác-giả bắt đầu từ khi vượt Giang, Tương để đến Ngạc-chử 鄂渚 [12], rồi theo đường bộ, hễ gặp núi thì cỡi ngựa, gặp đất bằng thì ngồi xe để tới Phương-lâm 方林 ; từ đó dùng chiếc thuyền con ngược dòng sông Nguyên, qua Uổng-chử 枉陼(渚) [13] và Thần-dương 辰陽 [14] rồi đến Tự-phố 溆浦 [15].

Lăng Thuần-Thanh kể lại chuyến du-khảo vùng Miêu-cương ở Tương-tây năm Dân-quốc 23 (I934), ông ngồi trong chiếc thuyền con ngược dòng sông Nguyên, mới biết bài Thiệp giang tả đúng sự thực.

Cửu ca được sáng-tác tại địa-điểm nào thuộc lưu-vực hai sông Nguyên và Tương ?

Trong Khuất Nguyên ngoại truyện 屈原外傳, Thẩm Á-Chi 沈亞之 (người đời Đường) đã viết : « 嘗遊沅湘俗好祀必作樂歌以娛神辭甚俚原因棲玉笥山作九歌 = Thường du Nguyên Tương, tục hiếu tự, tất tác nhạc ca dĩ ngu thần, từ thậm lý, Nguyên nhân thê Ngọc-tứ sơn tác Cửu ca = [Khuất Nguyên] đã từng đi chơi vùng sông Nguyên và sông Tương, dân ở đó có tục thích cúng tế, làm nhạc ca để vui lòng thần, lời rất quê mùa, ông nhân đó ở lại núi Ngọc-tứ để làm Cửu ca ».

Tưởng Ký chú bài Sơn quỷ cũng viết : « 此篇蓋涉江之後幽處山中而作 = Thử thiên cái Thiệp giang chi hậu, u xử sơn trung nhi tác = Bài nầy làm sau bài Thiệp giang, lúc tác giả ở trong núi sâu ».

Sách Hoàn-vũ ký bổ khuyết 寰宇記補闕(缺) cũng có chép : « 湘中記屈潭之左玉笥山屈平之放棲於此山而作九歌 = Tương trung ký Khuất-đàm chi tả Ngọc-tứ sơn ; Khuất Bình chi phóng, thê ư thử sơn nhi tác Cửu ca = Theo Tương trung ký, bên trái Khuất-đàm là núi Ngọc-tứ ; sau khi bị phóng trục, Khuất Bình đã ở lại núi này để làm Cửu ca ».

Núi Ngọc-tứ, cũng có tên Thạch phàm-sơn 石凡山, tục gọi là Địa-cước-sơn 地腳山, ở phía đông bắc huyện Tương-âm tỉnh Hồ-nam ngày nay.

Cửu ca là nhạc-chương tế thần của dân-tộc nào ?

Chu Hy 朱熹đã viết trong Sở-từ tập-chú 楚辭集註 : « 昔楚南郢之邑沅湘之間其俗信鬼而好祠其祠必使巫覡作樂歌舞以娛神[…]原既放逐見而感之故頗為更定其詞去其泰甚 = Tích Sở Nam Dĩnh chi ấp, Nguyên Tương chi gian, kỳ tục tín quỷ nhi hiếu tự, kỳ tự tất sử vu hích tác nhạc ca vũ dĩ ngu thần […] Nguyên ký phóng trục, kiến nhi cảm chi, cố phả vi canh định kỳ từ, khứ kỳ thái thậm = Ngày xưa, ấp Dĩnh của nước Sở, giữa khoảng sông Nguyên và sông Tương, dân ở đó có tục tín-ngưỡng quỷ-thần và thích thờ cúng, mỗi khi cúng tế thì khiến đồng cốt hát múa để làm vui thần […] Khuất Nguyên sau khi bị phóng trục, thấy thế mà cảm, nên mới sửa lại lời ca, bỏ những gì quá đáng ».

Thiên Độc Sở-từ 讀楚辭 trong Hồ Thích văn tồn 胡適文存 cũng chép : « 九歌內容是屈原以前湘江民族的宗教舞歌 = Cửu ca nội-dung thị Khuất Nguyên dĩ tiền Tương-giang dân-tộc đích tông-giáo vũ ca = nội-dung Cửu ca là những bài hát múa có tính chất tông-giáo của dân-tộc ở lưu-vực Tương-giang từ thời Khuất Nguyên trở về trước ».

Theo những tài-liệu dẫn trên thì « Cửu ca » là nhạc-chương tông-giáo tối-cổ của dân-tộc Sở, đã có trước thời Khuất Nguyên và do các thi-sĩ vô-danh trong dân-gian sáng-tác, Khuất Nguyên chỉ sửa lại và bỏ đi những lời thô-tục, quê mùa [16].

Xem thế, Cửu ca chẳng khác gì những bài « văn chầu » của đạo « thờ chư vị » ở nước ta [17].

Nước Sở ngày xưa tuy rộng lớn [18] nhưng dân tộc Sở không quá phức tạp, phần nhiều là giống Bộc, Lão, tức Việt-tộc, hoặc nói theo ngôn-ngữ đời nay là giống In-đô-nê-diên. Chính Sở-vương Hùng-Cừ đã nói : « Ta là man di, không cùng hiệu thụy với Trung-quốc » [19].

Lăng Thuần-Thanh cho rằng dân nước Sở là giống Bộc Lão, nhưng giai-cấp thống-trị của Sở-quốc lại là một giống khác, hậu duệ của Chúc Dung 祝融, dòng dõi Thần-nông, thuộc ngữ tộc Thái, thứ ngôn ngữ cấu thành bởi tiếng Trung hoa và tiếng Tây-tạng (Hán Tạng). Tôi không đồng quan điểm với họ Lăng vì theo tôi, Việt và Thái cùng một gốc [20]. Việt-sử cũng chép Kinh-dương-vương, vị vua đầu của họ Hồng-bàng, là dòng dõi Thần-nông [21].

Hùng Dịch được phong ở Đơn-dương (huyện Tỷ-quy, tỉnh Hồ-bắc), rồi sau dời đến Kinh-sơn (huyện Nam-chương, tỉnh Hồ-bắc), đến Sở Vũ-vương [22] mới dời đô tới đất Dĩnh (huyện Giang-lăng, tỉnh Hồ-bắc). Khuất Nguyên đã đi từ Hồ-bắc đến Hồ-nam và đã ở núi Ngọc-tứ để canh-định Cửu ca. Ngày xưa, Hồ-bắc và hồ-nam là đất của người Bộc Lão. Giữa khoảng lưu vực của hai sông Nguyên và Tương có quận Kiềm-trung của nước Sở, cũng là đất của Bách-Bộc. Theo cổ thư, Bộc và Lão cũng một giống. Hậu Hán thư Dạ lang truyện 後漢書夜郎傳 có nói đến di-Lão 夷獠 Hoa-dương quốc chí Nam trung chí 華陽國志南中志 chép rằng ở huyện Đàm-hào (quận Kiến ninh) có Bộc-Lão 浦獠 ; huyện Linh-khâu có Chủ Lão 主獠 ; quận Vĩnh-xương có Mân-Bộc 閩浦, Cưu-Lão 鳩獠, Phiêu-Việt 僄越, Khỏa Bộc 裸浦 [23].

Cổ-thư Trung-quốc cũng gọi giống người In-đô-nê-diên ở lưu vực Trường-giang thời xưa là Cửu Lê 九黎, sau gọi giống ấy ở tại tây-nam là Bách-Bộc, ở tại đông-nam là Bách-Việt.

Họ Lăng dẫn Lữ Tư-Miễn 呂思勉, trong Trung quốc dân-tộc sử, cho rằng đất Bách-Bộc cổ đại gồm có các tỉnh Hà-nam, Hồ-bắc, Hồ-nam, Tứ-xuyên, Vân-nam và Quý-châu ngày nay.

Đó là nói về nhân-chủng, còn về ngôn-ngữ thì chữ tá 些 thường thấy, Sở-từ hiện còn được giống người Lão ở miền Hoa-nam dùng làm tiếng đệm sau những câu khấn vái, cấm-chú.

Do đó, chúng ta có thể quyết đoán rằng Cửu ca là nhạc-chương dùng trong những buổi lễ tế thần (có hát và múa) của dân-tộc Bộc Lão (Việt-tộc) thời xưa.

Cửu ca gồm có :

I. Đông-hoàng thái-nhất 東皇太一
2. Vân-trung-quân 雲中君
3. Tương quân 湘君
4. Tương phu-nhân 湘夫人
5. Đại-tư-mệnh 大司命
6. Thiếu-tư-mệnh 少司命
7. Đông-quân 東君
8. Hà-bá 河伯
9. Sơn-quỷ 山鬼
I0. Quốc-thương 國殤
II. Lễ-hồn 禮魂

Cửu ca có mười một bài [24], thế là danh không hợp với thực. Vấn đề này cần được bàn kỹ lại.

Vương Dật chú Cửu biện : « Cửu là số dương, giềng mối của đạo ». Lại chú Lễ-hồn : « Nói về việc thờ cúng chín thần ». Nhưng trước Lễ hồn còn có I0 chương.

Trong Chiêu-minh văn tuyển 昭明文選 không có Quốc-thương và Lễ-hồn.

Trong Sở từ sớ 楚辭疏, Lục Thời-Ung 陸時雍 cho rằng Quốc-thương và Lễ hồn không thuộc Cửu ca.

Lý Quang-Địa 李光地 chú Cửu ca cũng chỉ chú đến 9 thiên.

Ở phần Cửu ca tổng luận trong Sở từ đăng (đã dẫn), Lâm Tây-Trọng cũng cho rằng số của Cửu ca đến Sơn quỷ là đủ, vì sơn quỷ không thể sánh với chánh-thần ; còn Quốc-thương và Lễ-hồn là nói về những người mới chết thành quỷ, nếu lấy nghĩa « vật dĩ loại tụ » thì mấy thiên đó tuy ba mà một, cộng với các thiên trước thành ra 9 thiên.

Tưởng Ký, trong Sơn đái các chú Sở từ dư luận (đã dẫn), cũng ghép 4 thiên Tương quân cùng Tương phu nhân, Đại-tư-mệnh cùng Thiếu-tư-mệnh làm 2 thiên, bởi cho rằng 4 vị thần ấy có thể chia ra 2 nhóm, mỗi nhóm 2 vị, cứ 2 vị trong mỗi nhóm có liên quan mật thiết với nhau, cho nên tuy 4 mà hợp thành 2 và II chương Cửu ca còn lại 9 chương.

Thanh-mộc Chính-nhi 青木正兒, một học giả Nhật-bản trong bài Sở-từ Cửu ca vũ khúc đích kết cấu 楚辭九歌舞曲的結構 (đăng trong Chi-na-học 支那學, số 7, xuất bản năm Chiêu-hòa thứ 8), đã lập thuyết mới, bảo rằng II thiên Cửu ca là « một tổ vũ khúc », đầu đuôi kết-cấu đầy đủ, thiên đầu là Đông-hoàng thái-nhất, thiên cuối là Lễ-hồn, nên trừ 2 thiên đó mà kể các thiên giữa là 9 thiên.

Văn Nhất-Đa 聞一多, trong Thập ma thị cửu ca 什麼是九歌, cũng chủ trương như Thanh-mộc : « Trước kia, đã có người ngờ Lễ-hồn là khúc hát tống thần ; gần đây, các ông Trịnh-Chấn-Đạc, Tôn Trọng-Vân, Đinh Sơn đều nhất luật chủ trương bài Đông-hoàng thái nhất là khúc nghinh thần… Trừ hai chương đầu và cuối, còn lại ở giữa là Cửu ca ».

Thế là vấn-đề số bài trong Cửu ca vẫn chưa được giải-quyết thỏa-đáng.

Sau khi dẫn các tác-giả nói trên, Lăng Thuần-Thanh giải-thích Cửu ca theo quan điểm khảo-cổ-học và dân-tộc-học :

Cửu ca là những khúc nhạc-vũ tế thần của người Bộc-Lão. Đông-hoàng thái-nhất, Đại-tư-mệnh, Thiếu-tư-mệnh là thần sao ; Đông quân là thần mặt trời ; Vân-trung-quân là thần mây ; Tương-quân, Tương-phu-nhân, Hà-bá là thần sông ; Sơn-quỷ là thần núi.

Người Miêu, dân-tộc đã bị Bộc-Lão-hóa, đến nay vẫn không phân-biệt được thần và quỷ : vô luận ma quỷ, vong-linh của tổ-tiên hoặc thần-kỳ đều gọi là « quỷ ». Tiếng Miêu gọi quỷ là « kuen ».

Trong Cửu ca, từ Đông-hoàng thái-nhất đến Vân-trung-quân là thiên-thần (5 vị, kể cả Đại-tư-mệnh, Thiếu-tư-mệnh và Đông-quân) ; từ Tương-quân đến Sơn-quỷ là thần sông núi (4 vị, kể cả Tương-phu-nhân và Hà-bá) ; còn hai thiên Quốc-thương và Lễ-hồn đã miêu tả đặc-chất văn-hóa Đông-Nam Á thời xưa, hễ dân-tộc nào thuộc giống In-đô-nê-diên thời đó đều có tập-tục bêu đầu địch-thủ : mỗi lần họ ra trận, chém được đầu quân địch, đều mang về bộ-lạc-cử-hành-thịnh-lễ (Vương Dật chú giải chữ thương là « chết vì việc nước » ; Tiểu Nhĩ-nhã 小爾雅 giải thích : « Quỷ không có chủ [để lo việc thờ cúng] gọi là thương » ; nghĩa thông-thường của chữ thương là chết non, chết yểu). Khi tế xong, phụ-nữ trong bộ-lạc lại hát múa một lần nữa để làm vui « quỷ đực » (hùng-quỷ 雄鬼), như thế gọi là Lễ-hồn.

Lúc soạn Cửu ca, Khuất Nguyên đã biết trong lễ tế giao của nhà Hạ có cửu ca thiều vũ 九歌韶舞, nên Ly-tao cũng có câu : « 奏九歌而舞韶兮 Tấu cửu ca nhi vũ thiều hề ». Ông miêu-tả dân Bộc Lão thường cúng 9 thần trời đất sông núi (từ Đông-hoàng thái nhất đến Sơn-quỷ) nên mới gọi là Cửu ca, rồi phụ thêm Quốc-thương và Lễ-hồn để lâm thời tế quỷ. Vả lại, Cửu ca tế cửu thần là một đặt-chất văn-hóa Đông-Nam Á thời xưa, như thần-ngẫu của người Milanaus ở Borneo cũng có 9 cái.

Chúng ta thử tìm « tính-biệt » của 9 vị thần chính-yếu trong Cửu ca : Đông-hoàng thái-nhất, Vân-trung-quân, Tương-quân, Đại-tư-mệnh, Đông-quân, Hà-bá là dương-thần ; Tương phu-nhân, Thiếu tư-mệnh, Sơn-quỷ là âm thần.

Xưa nay có nhiều người cho rằng Tương-quân và Tương phu-nhân tức là Nga-Hoàng và Nữ-Anh, con gái vua Nghiêu, vợ vua Thuấn, sau khi chết trở thành thần sông Tương (Trần Bản Lễ 陳本禮, trong Khuất từ tinh nghĩa 屈辭精義, cũng chú như thế). Nhưng theo Trúc-thư kỷ-niên 竹書紀年 [25] thì vua Thuấn lên ngôi được 30 năm, Hậu-Dục 后育 (tức Nga-Hoàng) mới mất. Hậu-Dục không có con, Nữ-Anh sinh con là Quân 均 và, sau khi vua Thuấn băng, nàng theo con đến ở đất Thương, vì Quân được phong ở đó. Tại đất Thương có mộ của Nữ-Anh.

Như vậy thì Tương-quân và Tương phu-nhân trong Sở-từ không phải là Nga-Hoàng và Nữ-Anh mà chỉ là hai vị thủy-thần của nước Sở.

Trong các vị thần nói trên cũng có những đôi vợ chồng như Tương-quân và Tương phu-nhân, Đại-tư-mệnh và Thiếu-tư-mệnh. Phần nhiều các vị thần của người In-đô-nê-diên có như thế.

Theo lời chú của Vương Dật và Chu Hy đã dẫn ở trước thì Cửu ca là những nhạc-chương do đồng-cốt hát và múa trong khi tế thần.

Vì thế, Trần Bản-Lễ mới suy diễn rằng âm nhạc của Cửu ca có lời hát của nam-vu, có lời hát của nữ-vu, có khi cả nam lẫn nữ cùng múa cùng ca, có khi một người xướng và mọi người họa lại, âm-điệu kích-dương thê-thiết, có thể làm động lòng người và cảm lòng thần.

Thanh-mộc Chính-nhi, phụ-họa theo Trần Bản-Lễ, chia Cửu ca ra làm độc-xướng độc-vũ, đối-xướng đối-vũ, hợp xướng hợp-vũ ; lại chia vu-hích ra làm thần-vu, tế-vu, chủ-tế-vu, trợ-tế-vu, như mắt thấy tai nghe, đích thân chứng-kiến cái quanh-cảnh ấy.

Cửu ca là nhạc-chương tế thần của người Bộc Lão trong bốn mùa. Bài Tương-quân dùng vào việc cúng tế lúc cuối mùa đông và đầu mùa xuân, vì có câu : « 斵冰兮積雪 Trác băng hề tích tuyết ». Bài Đại-tư-mệnh dùng vào mùa hạ, vì có câu : « 使凍雨兮灑塵 Sử đống vũ hề sái trần » mà người ở Giang-đông gọi mưa rào mùa hạ là « đống vũ » (theo sách Nhĩ-nhã). Hai bài Tương phu-nhân và Thiếu-tư-mệnh dùng về mùa thu, vì có những câu : « 嫋嫋兮秋風,洞庭波兮木禁下 = Niệu niệu hề thu phong, Động đình ba hề mộc diệp há » (Tương phu-nhân) và « 秋蘭兮青青,綠葉兮紫莖 = Thu lan hề thanh thanh, lục diệp hề tử hành » (Thiếu-tư-mệnh).

Ngày nay, các dân-tộc ở Đông-Nam Á thuộc giống In-đô-nê-diên, như người A-mĩ và Nagas chẳng hạn, vẫn còn bảo-tồn tông-giáo cố hữu của họ, và họ có niên lịch tế thần chia ra từng mùa mà cử-hành tế-tự, nghi-thức khá phức-tạp, chúc-từ rất dài.

Để giải-thích Cửu ca cho được rành-rẽ, Lăng Thuần-Thanh nêu giả-thuyết : Khuất Nguyên làm Cửu ca để ghi lại việc tế thần, cho nên có đón thần, đưa thần, lời thần nói, lời khấn vái của đồng-cốt, âm-nhạc, ca-vũ, trần-thiết, lễ-phẩm và cả những kẻ đi coi nữa.

Hiện giờ, có người còn hoài-nghi về nhân-vật Khuất Nguyên và tác-giả Cửu ca. Tuy nhiên, tối thiểu chúng ta cũng phải thừa-nhận điều này : Cửu ca là tác-phẩm văn-học của dân-tộc Sở, nội-dung nói về tế-tự thần-linh.

III. TƯƠNG-QUAN GIỮA NHỮNG HÌNH CHẠM TRÊN TRỐNG ĐỒNG VÀ BÀI « ĐÔNG-QUÂN » TRONG « CỬU CA »

Tiên-nho chú Cửu ca thường dùng sách chú sách. Trái lại, Lăng Thuần-Thanh dùng cổ-khí (đồ xưa) và dã-ngữ (tiếng quê) để chú Cửu ca cho nên gọi là « tân chú ».

Người đời Tống và Nguyên có Cửu ca họa bản 九歌畫本, Tiêu Xích-Mộc 蕭尺木 đời Minh có Sở-từ đồ kinh 楚辭圖經, đều vẽ theo tưởng-tượng, không thể bảo là dùng hình vẽ để chú Sở-từ. Thẩm Tồn Trung 沈存中 đã dùng ngôn-ngữ của người Lão để chú chữ tá 些 trong bài Chiêu hồn như vậy có thể bảo rằng dùng dã-ngữ để chú Sở-từ, nhưng đó cũng chỉ là một sự ngẫu-nhiên. Nay, Lăng Thuần-Thanh dùng những tài-liệu sử-học, khảo-cổ-học, dân-tộc-học, ngôn-ngữ-học, phong-tục-học để chú giải Cửu ca, thành-thử chú-bản của họ Lăng theo một phương-pháp hoàn-toàn mới.

Cửu ca và trống đồng đều là sản-phẩm văn-hóa của người Bộc Lão (Việt-tộc). Vì thế, trống đồng phát-hiện khá nhiều ở khu-vực của Cửu ca, tức giữa khoảng hai con sông Nguyên và Tương, thuộc lãnh thổ nước Sở ngày xưa.

Trong sách Khê man tùng tiếu溪蠻叢笑, Chu Phụ 朱輔 đời Tống đã cho ta biết ở Ma-dương 麻陽 có trống đồng tìm được từ dưới đáy sông. Ma-dương là địa-danh thuộc lưu-vực sông Nguyên.

Sách Nhạc-dương phong thổ ký 岳陽風土記 của Phạm Trí-Minh 范致明 cũng chép trong miếu Linh-phi 靈妃廟 có trống đồng ; trống này do một nông dân ở Vĩnh-khánh trang 永慶莊 tìm được trong niên-hiệu Nguyên-phong (I078-I085) đời Tống Thần-tông. Miếu Linh phi tại Nhạc-dương [26], thuộc lưu-vực sông Tương.

Lăng Thuần-Thanh nói quả-quyết rằng trống đồng là loại nhạc khí quan-trọng do người Bộc Lão đúc nên để dùng vào việc tế thần [27]; những hình chạm trên trống đồng phần nhiều có tính-chất tông-giáo, như việc múa hát, bơi thuyền đều là những động-tác trong các buổi lễ tế trời, đất, núi, sông.

Vì thế, văn-chương trong Cửu ca và văn-dạng trên trống đồng đều chỉ về một việc : tế thần.

Dân Bộc Lão ngày xưa ở bên bờ nước, nên họ đã dùng thuyền để nghinh thần và tống thần, dù là tế thiên-thần.

Họ Lăng lấy bài Đông quân làm thí-dụ. Các nhà chú-thích Sở-từ thường chia bài ấy ra làm 4 tiết, nay họ Lăng theo Trần Bản-Lễ chia làm 5 tiết :

image011

image012

image014

Phiên âm :

Nghinh thần :

Đôn (thôn) tương xuất hề đông phương, chiếu ngô hạm [28] hề phù-tang.
Phủ dư mã hề an khu, dạ hiệu hiệu (kiểu kiểu) hề ký minh.

Thần giáng :

Giá long chu hề thừa lôi, tái vân kỳ hề uy di.

Quan giả :

Trường thái tức hề tương thướng, tâm dê hồi hề cố hoài ;
Khương thanh sắc hề ngu nhân, quan giả đạm hề vong quy.

Nhạc vũ :

Căng sắt hề giao cổ, tiêu chung hề dao cự ;
Minh trì hề xuy vu, tư linh bảo hề hiền khoa.
Hoàn (huyên) phi hề thúy tằng, triển thi hề hội vũ ;
Ứng luật hề hợp tiết, linh chi lai hề tế nhật.

Tống thần :

Thanh vân y hề bạch nghê thường, cử trường thỉ hề xạ thiên lang ;
Thao dư hồ hề phản luân giáng (hàng), viên bắc đẩu hề chước quế tương.
Soạn dư bí hề cao đà [29] tường yểu minh minh hề dĩ đông hành.

Dịch nghĩa [30]:

Rước thần :

Vừng hồng xuất hiện đông phương,
Tỏa bầu ánh sáng phù tang chói ngời.
Ngựa thuần giong ruổi một hơi,
Màn đêm tan biến, mặt trời quang minh.

Thần giáng-lâm :

Xe rồng chuyển sấm thình lình,
Ùn ùn mây kéo : cờ tinh rợp trời.

Người xem :

Những ai than thở trông vời,
Kính thần tấc dạ bồi hồi không an.
Âm thanh, sắc thái hân hoan,
Mọi người say đắm miên man quên về.

Nhạc và múa :

Chuông khua trống giục gần kề,
Dặt dìu đàn sáo, đê mê lòng người.
Loan bay, phượng liệng chơi vơi,
Múa theo tiết tấu, nhạc hài thi ca.

Đưa thần :

Dáng ai phong nhã hào hoa,
Xiêm y gợn nét vân ba dịu dàng.
Lắp tên quyết bắn thiên lang,
Cầm cung nhắm nẻo tây phương tống thần.
Vin sao bắc đẩu tần ngần,
Chước hồ rượu quế là lần tiễn đưa.
Xe thiêng một thoáng lửng lơ,
Đông phương thẳng lối mịt mờ bóng đêm.

Tiết thứ nhất nói về việc rước thần. Trước khi mặt trời mọc, trời chưa sáng hẳn, những người phụ-trách cúng tế đã lo nghinh thần. Danh-từ phù-tang trong câu « Chiếu ngô hạm hề phù-tang » là tên một giống cây thiêng (thần-mộc) ở phương đông, nơi mặt trời mọc. Câu « Phủ dư mã hề an khu » đã được Chu Hy chú là « cỡi ngựa để rước thần » (thừa mã dĩ nghinh chi 乘馬以迎之), nhưng Lăng Thuần-Thanh cho chữ ngựa là chỉ thuyền bè, vì dân Bộc Lão ngày xưa ở bên bờ hồ Động-đình và lưu-vực hai sông Nguyên, Tương nên đã dùng thuyền bè thay ngựa xe. Hồ Động-đình rất rộng, mặt trời và mặt trăng như mọc lên và lặn xuống ở giữa hồ ; những người ở bên bờ hồ đã hướng về phía đông của hồ mà rước thần thái-dương (Đông-quân), đương nhiên họ phải dùng thuyền để xê-dịch, Việt tuyệt thư 越絕書, quyển 8, có chép Việt-vương Câu-Tiễn nói về người Việt lấy thuyền bè làm ngựa xe. Thế là Việt-tộc thời đó đã lấy ghe thuyền thay ngựa xe vì họ ở gần sông, hồ. Vậy ta có thể hiểu phủ mã là vẫy nhẹ mái chèo, an khu là thuyền từ từ lướt tới.

Tiết thứ hai nói về thần giáng-lâm. Sở-từ tập chú cắt nghĩa chữ chu và chữ lôi trong câu « Giá long chu hề thừa lôi » như sau : « Chu 軸 là càng xe, hình cong giống như con rồng, nên mới gọi là long-chu ; lôi-khí chuyển-vần như bánh xe quay, nên ví bánh xe với sấm chuyển ». Nhưng họ Lăng cho rằng câu này tả lúc thần giáng thuyền rồng, tiếng trống đánh vang dậy như sấm (lôi). Câu « Tái vân kỳ hề uy di » tả một đoàn thuyền nối đuôi nhau như con rắn lượn trên nước, vì trên trống đồng, không phải chỉ chạm hình một chiếc thuyền, như vậy đủ thấy long-thuyền rước thần khá nhiều, trên thuyền cắm đầy cờ xí [31].

Tiết thứ ba nói về người đi xem. Sơn-đái-các chú Sở-từ giải-thích câu « Trường thái tức hề tương thướng » như thế này : « Trường thái tức là nói nghe tiếng thở-than ; tương là sắp ; thướng là lên chỗ thần ngồi. » Câu đó nói về các người đi xem yên-lặng nhìn thần bước lên thần-tọa mà cất tiếng thở dài vì sùng-kính. « Tâm đê hồi hề cố hoài » là tả sự lưu-luyến. « Khương thanh sắc hề ngu nhân, quan giả đạm hề vong quy » tả buổi lễ có nhiều âm-thanh và sắc-thái hấp-dẫn, làm cho người đi xem vui say quên về.

Tiết thứ tư nói về nhạc-vũ. Những hình chạm trên trống đồng miêu-tả trung-thực cảnh nhạc-vũ của người Bộc Lão trong lễ tế thần. Trước hết, chúng ta hãy bàn đến những nhạc-khí được nói tới trong bài Đông-quân.

Câu « Căng sắt hề giao cổ » đã được Vương Dật chú : « Căng là giăng thẳng dây ; giao cổ là đánh trống đối lại ». Các nhà chú-thích đời sau đều theo thuyết đó. Cảnh nhạc-vũ trên trống đồng Ngọc-lữ cho ta thấy bốn người ngồi (hoặc 3 ngồi I đứng) trên một tấm ván dài, tay cầm thanh gỗ hay ống tre ; trước mặt người thứ tư, phía bên phải, có nhạc-khí ba dây giống đàn sắt ; dưới tấm ván dài, có bốn cái trống đồng đặt trên giá. Người In-đô-nê-diên ngày nay vẫn còn dùng gỗ và tre để làm nhạc-khí, như đàn và sáo của dân Dayak ở Borneo (xem hình 3 và 4).

image016
Hình 3. – Nhạc-khí bằng gỗ của người Dayak ở Borneo

Câu « Tiêu chung hề dao cự » đã được Đới Chấn 戴震 giải-thích trong Khuất Nguyên phú chú 屈原賦注 : « Tiêu nghĩa là đánh ; nhạc-khí treo ngang gọi là tuân 栒, treo dọc gọi là cự ». Sách Phú chú âm nghĩa 賦注音義 cũng chép : « Chữ 蕭 bản viết là 櫹, sách Quảng vận 廣韻 cắt nghĩa là đánh ». Câu « Tiêu chung hề dao cự » trong bài Đông-quân đồng nghĩa với câu « Khanh chung dao cự » 鏗鐘搖虡 trong bài Chiêu hồn. Vương Dật chú : « Khanh là đánh ; dao là lay động ». Như vậy, tiêu chung là đánh chuông, dao cự là lay hoặc rung cái cự. Nhưng cự là gì ?

image017
Hình 4. – Nhạc-khí bằng tre của người Dayak ở Borneo

Nếu bảo đó là cây cột dùng để treo nhạc-khí thì không hợp-lý, cự phải là một trong sáu nhạc-khí được nhắc tới trong bài Đông-quân là : sắt, cổ, chung, cự, trì, vu. Nay xét những hình chạm trên trống đồng thì cự có thể là cái chày, vì chày cối hiện giờ còn là một loại nhạc-khí chính-yếu của giống In-đô-nê-diên. Thung-đường (dhan-pounding) của người Nagas ở Assam và khúc hòa-tấu chày trống (xử [32] cổ hợp nhạc 杵鼓合樂) của người Mường ở Việt-nam (xem hình 5) đủ chứng minh điều đó. Còn hình chuông chạm trên trống đồng có thể là loại chuông treo vào giá (xem hình 6b) ; trên trống đồng Hoàng-hạ, hình chuông và trống được đặt kề nhau (xem hình II).[33]

image018
Hình 5. – Khúc hợp-tấu chày trống của người Mường ở Việt.

Trì và vu trong câu « Minh trì hề xuy vu » cũng là hai loại nhạc-khí. Trì 䶵 cũng viết 篪. Sách Nhĩ-nhã chú : « ống trì bằng tre, dài I thước 4 tấc, chu-vi 3 tấc, có một lỗ ở trên chừng I tấc 3 phân ». Trên trống đồng Ngọc-lữ có hai người ngồi thổi ống sáo giống ống trì (xem hình 6a). Nay người Dayak ở Borneo còn dùng loại ống sáo gọi là gulieng cũng có một lỗ ở trên. Còn vu cũng như sinh 笙 (làm bằng quả bầu khô và những ống tre hoặc ống nứa ghép lại) là loại nhạc-khí phổ-thông của người In-đô-nê-diên (xem hình 6f).

image019
Hình 6. – Cảnh nhạc vũ trên trống đồng Ngọc-lữ
image020
Hình 7. – Thuyền thần trên trống đồng Hoàng-hạ

Ba câu trên (từ « Căng sắt hề giao cổ » đến « Minh trì hề xuy vu ») tự-thuật việc diễn-tấu nhạc-khí. Ba câu tiếp theo sau (từ « Tư linh bảo hề hiền khoa » đến « Triển thi hề hội vũ ») miêu-tả cảnh múa hát (xem hình 8).

image021
Hình 8. – Múa can qua : a) trống đồng Mường ; b) trống đồng Hoàng-hạ ; c) trống đồng Ngọc-lữ

Duy có câu « Hoàn (huyên) phi hề thúy tằng » là khó giải thích, Vương-Dật chú : « Tằng là cất lên, nói về người nhảy múa khéo léo, thân-thể nhẹ-nhõm như bay, giống như thúy-điểu cất cánh ». Hồng Hưng-Tổ bổ-chú dẫn sách Bác-nhã 博雅 cho 曾 cũng như 䎖, nghĩa là bay lên. Chu Hy chú : « Hoàn (huyên) là dáng nhẹ nhõm như bay, tằng là cất lên, tả các đồng-cốt nhảy múa khéo-léo, nhẹ nhàng như một đàn chim cất cánh ». Tưởng Ký chú : « Hoàn (huyên) là dáng bay, thúy là tên chim, tằng là cất lên, tả sự nhảy múa ». Nay chúng ta có thể dựa vào phong-tục tập-quán của người In-đô-nê-diên để giải-thích rằng : người múa đội mũ lông chim nên mỗi bước đi của họ đều làm cho lông chim trên mũ lay động nhẹ-nhàng, giống như chim vỗ cánh muốn bay, và lúc họ nhảy thì thúy-điểu ở trên đầu họ như cất cánh bay lên vậy (xem hình 8). Nhìn vào hình nhạc-vũ trên trống đồng Ngọc-lữ và Hoàng-hạ thì thấy rõ điều đó, không còn ngờ gì nữa.

Câu « Ứng luật hề hợp tiết » nói về tiếng nhạc đúng với nhạc-luật, điệu múa hợp với tiết-tấu.

Câu : « linh chi lai hề tế nhật » tả người tham-gia cuộc nhảy múa rất đông. Ngày nay, những cuộc nhảy múa trong các buổi lễ tế thần của người Nagas và người A-mĩ, dân trong bộ-lạc tham-gia rất đông. Khi họ nhảy múa, thủy-điểu trên mũ của họ như bay lượn giữa không-trung, chẳng khác gì một đàn chim cất cánh che khuất mặt trời (xem hình 9). Người Dayak hiện giờ còn thờ thần-điểu hornbill (xem hình I0) ; giống chim này mỗi lần bay kêu thì người ta có thể theo đó để chiêm-bốc.

image022
Hình 9. – Người A-mĩ ở Đài-loan đội mũ lông chim

Tiết thứ năm nói về việc tống thần. Câu « Thanh vân y hề bạch nghê thường » chỉ màu sắc y-phục của người tế thần hoặc của người đóng vai thần. Danh-từ thiên-lang trong câu « Cử trường thỉ hề xạ thiên lang » là tên sao thuộc phân-dã nước Tần, nên nhiều nhà chú-thích cho là ám-chỉ nước Tần, một nước thù-địch của dân-tộc Sở. Nhưng Tôn Tác-Vân孫作雲 lúc khảo về bài Đông-quân, đã nói : « Thiên-lang ở đây có quan-hệ với mặt trời. Thiên-lang tức thiên-cẩu. Hiện nay, truyền-thuyết thiên-cẩu nuốt mặt trời vẫn còn lưu-hành ở nhiều nơi tại Trung-quốc. Xưa kia, thần-vu chắc có biểu-diễn cố-sự bắn thiên-lang. Trên chiếc thần-thuyền khắc ở trống đồng Ngọc-lữ và Hoàng-hạ, có hình người đứng nơi cao cầm cung tên bắn lên trời, chính là biểu-diễn câu Cử trường thỉ hề xạ thiên-lang ». (xem hình II và I2). Người Sở thờ Đông-quân tức thần mặt trời, nên lúc tế thần phải giương cung bắn kẻ thù của thần là thiên-lang (thiên-cẩu). Câu « Thao dư hồ hề phản luân giáng (hàng) » được Tưởng Ký chú : « Phản là trở về ; luân giáng (hàng) là nói mặt trời chìm xuống phương tây ». Sau khi đã bắn thiên-lang chận đường, tảo-trừ chướng-ngại, người ta cầm cung hộ-tống thần trở về phương tây (xem hình II và I2). « Viên bắc-đẩu hề chước quế-tương » là nói khi lâm-biệt, những người phụ-trách việc cúng-tế rót rượu tiễn thần. Hình sao bắc-đẩu giống tửu-khí nên mới bảo « viên bắc-đẩu » (Tưởng Ký chú). « Soạn dư bí hề cao đà tường » ý muốn nói lúc đưa thần đến phía cực-tây, không thể dùng thuyền được nữa, tế-giả xin thần nắm dây cương và giục thần-mã vượt lên không-trung. Nhiều người cho đà 駝 đồng nghĩa với trì 驰, nhưng trên long-thuyền nơi trống đồng Hoàng-hạ có hình một con thú bốn chân và đuôi khá to, phải chăng đó là đà ? (xem hình 7). Câu « Yểu minh minh hề dĩ đông hành » là nói Đông-quân, sau khi trở về phương tây, lại hướng về phương đông mà đi, để ngày mai tái-xuất-hiện, đem ánh sáng đến cho vạn vật. Chu Hy chú : « Yểu là sâu, minh là tối, nói về mặt trời lặn xuống vùng thái-âm, không có ánh sáng nữa, mờ-mờ mịt-mịt, nhưng vẫn đi thẳng về phương đông để lại xuất-hiện. »

image023
Hình I0. – Thần điểu của người Dayak ở Borneo
image024
Hình II. – Thuyền thần trên trống đồng Ngọc-lữ
image025
Hình I2. – Thuyền thần trên trống đồng Hoàng-hạ

Trên đây, chúng tôi đã dùng những hình chạm trên trống đồng để chú Sở-từ và, ngược lại, dùng Sở-từ để giải-thích ý-nghĩa những hình trên trống đồng. Do đó, hầu hết những điểm khó hiểu trong bài Đông-quân cũng như những điều nan-giải trên trống đồng đã được giải-quyết. Tuy nhiên, còn điều này thiết-tưởng cần nói thêm : chính giữa mặt trống đồng có hình mặt trời (xem hình 2) đủ chứng-minh Việt-tộc ngày xưa có thờ thần thái-dương như Đông-quân của người nước Sở. Hiện nay, người A-mĩ cũng còn thờ thần mặt trời, gọi là téidalu ; hình mặt trời được khắc trên cột trong tổ-miếu của họ. Đó là điểm tương-đồng về phương-diện tín-ngưỡng giữa các dân-tộc thuộc giống In-đô-nê-diên xưa và nay.

BỬU-CẦM
Sài-gòn, thu Tân Hợi (I97I)
Bài được đăng trên Tập san Sử Địa số 25, Sài Gòn, 1971:
Tương quan giữa những hình cham trên trống Đồng và bài “Đông Quân” trong Cửu Ca.
Tiêu đề do lstv đặt lại.

 


Chú thích:

[1] Xem V. GOLOUBEW, Sur l’origine et la diffusion des tambours métalliques, PAO. I, Hà-nội, I932, p. I40.

[2] LA HƯƠNG LÂM 羅香林, trong cuốn Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa 百越源流與文化, Đài-loan, Trung-hoa thư cục xuất bản, I955, tr. I06, đã cho rằng khu vực phát hiện trống đồng rất rộng : phía bắc đến Tứ-Xuyên, nơi Mân-giang và Kim-sa giang gặp nhau ; phía đông đến đảo Hy-bá, nơi Trường-giang chảy ra biển ; phía tây nam gồm các tỉnh Vân-nam, Quý-châu, Quảng-tây, Quảng-đông, và các nước Việt-nam, Tiêm-la (Thái-lan), Miến-điện, đến quần đảo Mã-lai và miền phụ cận New Guinea.

Cũng trong sách đã dẫn trên, tr. I28-I36, tác giả đã kể những sách Trung-hoa có đề cập đến trống đồng như Hậu Hán thư 後漢書,Quảng-châu ký 廣州記, Tấn-thư 晉書, Thái-bình ngự lãm 太平御覽, Tùy thư 隨書,Cựu Đường thư 舊唐書, Tân Đường thư 新唐書, Tống sử 宋史, Minh sử 明史, Hoàn vũ ký 寰宇記, Thục trung quảng ký 蜀中廣記, Lão học am bút ký 老學菴筆記, Kiềm miêu đồ thuyết 黔苗圖說, Động khê liêm chi 峒溪纖志, Quế hải ngu hành chí 桂海虞行志, Chi lâm 志林, Lĩnh biểu lục dị 嶺表綠意録異, Lĩnh biểu kỷ man 嶺表記蠻, Lĩnh ngoại dại đáp 嶺外代答, Dũng chàng tiểu phẩm 湧幢小品, v.v…

[3] Hứa-Vân-Tiều 許云樵 Đã viết ở bài Dịch-giả tự 譯者序 trong bản dịch cuốn An-nam thông sử 安南通史 (nguyên tác của sử-gia Nhật bản Nham-thôn Thành-doãn 岩村成允, do Tân-hoa ấn-loát, công-ty ở Hương-cảng ấn-hành, I957, tr. 3-4) : 按越人之得建立基業於中印半島者,亦自有其淵源非出偶然也,蓋越人於百越之間為最強大 […] 公元前十一世紀出現之楚囯,即安南民族所建立 […] 史記正義雲:‘南越及甌駱皆立姓’又引世本:越,華姓也,與楚同祖是也’古籍所謂同姓,同祖,即同種族之謂也。且其疆域,據越籍所載,東來南海,西至巴蜀,北達洞庭湖,南按胡孫國(林邑)者,則舍楚莫與倫

= Án Việt nhân đắc kiến-lập cơ-nghiệp ư Trung-Ấn bán-đảo giả, diệc hữu kỳ uyên nguyên nhi phi xuất ngẫu nhiên dã, cái Việt nhân ư Bách Việt chi gian vi tối cường đại […] Công-nguyên tiền thập nhất thế-kỷ xuất hiện chi Sở quốc, tức An-nam dân-tộc sở kiến-lập […] Sử-ký chính-nghĩa vân : « Nam-Việt cập Âu-Lạc giai lập tính ». Hựu dẫn Thế-bản : « Việt, Mị tính dã, dữ sở đồng tổ thị dã ». Cổ tịch sở vị đồng tính, đồng tổ, tức đồng chủng-tộc chi vị dã. Thả kỳ cương vực, cứ Việt-tịch sở tái, đông giáp Nam-hải, tây chí Ba-Thục, bắc đạt Động-đình hồ, nam tiếp Hồ-tôn quốc (Lâm-ấp), tắc xả Sở mạc dữ luân

= Xét người Việt kiến-lập được cơ-nghiệp ở bán-đảo Trung-Ấn là có uyên-nguyên chứ không phải việc ngẫu-nhiên, bởi vì người Việt-nam là giống cường-đại nhất trong Bách-Việt […] Nước Sở xuất-hiện khoảng mười một thế-kỷ trước công-nguyên là do dân-tộc Việt-nam kiến-lập […] Sử-ký chính-nghĩa viết : « Nam-Việt và Âu-Lạc đều lập họ ». Lại dẫn Thế-bản : « Việt, họ Mị, cùng tổ với Sở ». Sách xưa gọi là đồng tính, đồng tổ, tức là cùng một chủng-tộc. Vả lại, theo sách sử Việt, thì cương-vực của người Việt ngày xưa, phía đông giáp Nam-hải, tây đến Ba-thục, bắc đến hồ Động-đình, nam tiếp với nước Hồ-tôn (Lâm-ấp), thì bỏ Sở đi sao được.

[4] HEGER, Alle Metalltrommeln aus Südost-Asien, Leipzìg, I902.

[5] Chữ Mãnh 猛 là dịch âm chữ Mường và mường là một địa-hạt, một đơn-vị xã-hội chứ không phải tên riêng một chủng-tộc.

[6] Chữ 郢 ta quen đọc là Sính, nhưng đọc là Dĩnh mới đúng âm trong tự-điển Trung-hoa. Dĩnh là địa-danh, nay thuộc tỉnh Hồ-bắc.

[7] Nguyên : tên sông phát nguyên tại tỉnh Quý-châu, chảy qua tỉnh Hồ-nam và đổ vào hồ Động-đình.

[8] Tương : tên sông phát nguyên tại tỉnh Quảng-tây, chảy qua tỉnh Hồ-nam, đến huyện Linh-lăng hợp với sông Tiêu, gọi là Tiêu-Tương ; đến huyện Hành-dương, hợp với sông chưng, gọi là Chưng-Tương ; rồi chảy qua Trường-sa, đổ vào hồ Động-đình.

[9] Năm 298 trước TL.

[10] Lăng-dương trong Cửu chương không phải huyện Lăng-dương do nhà Hán kiến-tri, rồi nhà Tấn vì kiêng húy của Đỗ hoàng-hậu nên đổi là Quảng-dương và nay là trấn Lăng-dương thuộc tỉnh An-huy.

[11] DU QUỐC-ÂN 游國恩, Khuất Nguyên 屈原, Hương-cảng. Học-lâm thư-điếm ấn-hành, I957, tr. I ;

KHAI TRINH 開貞, Ly-tao dịch chú 離騷譯注, Hương-cảng, Vạn-lý thư-điếm xuất-bản, I959, tr. I.

[12] Ngạc-chử : tên cái bãi ở giữa Trường-giang, nằm về phía tây huyện Vũ-xương tỉnh Hồ-bắc ngày nay.

[13] Uổng-chử : tên đất ở phía tây núi Uổng-nhân, một ngọn núi phía đông-nam huyện Thường-đức tỉnh Hồ-nam ngày nay.

[14] Thần-dương : tên đất ngày xưa, tại phía tây huyện Thần-khê tỉnh Hồ-nam bây giờ. Đất nầy ở về phía bắc Thần-thủy nên mới có tên Thần-dương, vì dương là phía bắc của sông và phía nam của núi.

[15] Tự-phố : bến sông Tự ; sông nầy cũng có tên Song-long-giang 雙龍江, phát nguyên từ Đốn-gia-sơn ở phía đông-nam huyện Tự-phố, tỉnh Hồ-nam, rồi hướng về tây-bắc, chảy qua phía nam huyện Thần-khê và đổ vào sông Nguyên.

[16] Trong sách Cổ-điển văn-học hân-thưởng 古典文學欣賞 (không ghi rõ họ tên soạn-giả), do Phục-Hán xuất-bản-xã ấn-hành, I964, tr. I72, Cửu ca được nhận xét theo một quan-niệm mới như sau :

« Cửu-ca là những bài hát dùng trong việc tế-tự của dân nước Sở, gồm có mười một thiên, mười thiên trước cứ mỗi thiên dành cho một vị thần, thiên sau cùng (Lễ hồn) là bài hát tống thần. Đời xưa vốn có thói chuộng đồng bóng, nên ở nước Sở và các nước bị Sở kiêm-tính, đạo đồng bóng rất thịnh hành. Đồng-cốt có nhiệm-vụ câu-thông giữa người và thần, khéo múa hát, cho nên đạo đồng bóng đạt tới một trình-độ nhất-định có thể xúc-tiến sự phát triển nghệ-thuật. Cửu-ca do đó mà sản-sinh. Cửu-ca đã phản-ánh lòng nhiệt-ái về việc sinh-sôi nảy nở và ý muốn truy-cầu hạnh-phúc của dân-chúng nước Sở, đồng thời cũng phản-ánh niềm sùng-kính của họ đối với những người đã hy-sinh cho tổ quốc ; lời lẽ thanh-tân tú-lệ, cảm-tình sung-mãn chân-thật. Tuy Khuất Nguyên có góp tài-hoa vào đó, nhưng nói về việc thành-tựu thì nên quy công cho thi-sĩ vô-danh trong dân-gian ».

[17] Bài Phụ đồng tiên của ta có tác-phong gần với Cửu-ca trong Sở-từ. Xin trích-dẫn vài đoạn sau đây để làm tỷ-dụ :

Trước bảo-tọa khói hương sực nức,
Cảnh Bồng-lai năm thức mây tuôn ;
Khí thiêng quanh khắp kiền khôn,
Hư không nổi áng Đào-nguyên mấy mầu,
Vừng đào-nguyệt soi đâu chẳng tỏ,
Dám lâu qua dãi ngõ lòng tin ;
Thấy trong lục cũ đề truyền,
Cảnh tiên có cảnh, người tiên có người.
Kiếp xuống đời, lạ nhường phong cốt,
Giá thiên nhiên, ngọc chuốt vàng trau ;
Tài cao, trí cả, học sâu,
Tâm thân là trọng, công hầu là khinh.


Gió thoảng đưa chín lần ngọc-bệ,
Nghiêng xe rồng, thịnh lễ tiếp-nghênh ;
Rõ-ràng đế-tọa khách-linh,
Văn-chương vàng ngọc, xem hình gấm thêu.


Đạo đã nên, khí-cơ vừa ứng,
Trỏ làn mây lững-thững bay theo.
Xiêm nghê, áo vũ dập-dìu,
Xích-tùng là bạn, dan-tiêu ấy nhà.
Chén tử-hà vơi vơi tay rót,
Khúc vân-thiều não-nuột bên mây ;
Hứng vui yêu cảnh bạn bầy.
Gần thay nghìn dặm, chóng thay muôn đời.
Từng rong chơi thập châu tam đảo,
Trải qua ba mươi sáu động tiên ;
Lần xem thương-hải tang-điền,
Bầu trời đã rộng, ngày tiên càng dài.
Khi đắc ý bể khơi rút lại,
Chơi một ngày Bắc-hải, Thương-ngô ;
Lạc-dương viếng cảnh đã no,
Hứng vui dù Động-đình hồ cũng bay.

(Xem Văn-đàn bảo-giám, quyển 2, in lần thứ 3, Hà-nội, Nam-kỳ thư-quán, I934, tr. I88-I90).

[18] Chu Thành-Vương (III5-I079 trước TL) phong Hùng-Dịch ở Sở, lúc đầu đóng đô tại Đơn-dương (phía đông huyện Tỷ-quy tỉnh Hồ-bắc ngày nay). Về thời Xuân-thu (722-48I trước TL) và Chiến-quốc (403-22I trước TL), lãnh-thổ nước Sở gồm có đất các tỉnh Hồ-bắc, Hồ-nam, An-huy, Giang-tây, Giang-tô, Chiết-giang và nam-bộ tỉnh Hà-nam bây giờ. Năm 223 trước TL, nước Sở bị nhà Tần diệt. Độc-giả muốn biết lịch-sử nước Sở, hãy đọc : TƯ-MÃ-THIÊN, Sử-Ký, quyển 40, Sở thế-gia ; TSCH-EPE, Histoire du Royaume de Tch’ou, Variétés Sinologiques, XXII, I903.

[19] Xem TƯ-MÃ-THIÊN, Sử-ký, quyển 40, Sở thế-gia, tờ 3b.

[20] VƯƠNG HOÀNG-TUYÊN đã viết trong cuốn Các dân-tộc nguồn gốc Nam-Á ở miền Bắc Việt-nam (Hà-nội, nhà xuất-bản Giáo-dục, I963, tr. I9I-I94) :

« Giữa người Việt, người Thái và các tộc người thuộc ngôn-ngữ Môn-Khơme và Nam-Á có sự liên-quan mật-thiết. Mối liên-quan này bắt nguồn từ trong thời-kỳ xa-xăm của lịch-sử, phát-xuất từ một nguồn gốc chung. Tài-liệu dân-tộc-học phù-hợp với tài-liệu ngôn-ngữ-học và nhân-loại-học. Tài-liệu nhân-loại-học đã cho hay rằng người Việt và người Thái đều thuộc về chủng-tộc Indonésien, lớp cư-dân cổ-đại cư-trú ở khắp vùng Đông-Nam Á […]. Giữa người Việt và người Thái có sự đồng-nhất :

« – Về mặt ngôn-ngữ, trong tiếng Việt và tiếng Thái có nhiều điểm giống nhau về số lượng các từ cũng như những đặc-điểm khác.

« – Về mặt văn-hóa vật-chất và tinh-thần, người Việt và người Thái có sự đồng-nhất ở nhiều phương-diện.

« – Yếu tố Thái có nhiều mối liên-quan mật-thiết với các cư-dân ở Đông-Nam Á trong thời cổ-đại : cư-dân ở khu-vực Nam Trung-quốc và Bắc Ấn-độ-chi-na.

« Người Việt không phải là một thành-phần đơn nhất, mà là một sự hỗn-hợp của hai yếu-tố : Thái và Nam-Á. Sự hỗn-hợp này sâu-sắc đến mức độ ngày nay khó phân-biệt xem yếu-tố nào là chính, là chủ-thể […]

« Người Việt có liên-hệ mật-thiết với các tộc người thuộc ngôn-ngữ Nam-Á và với người Thái. Trong người Việt, về mặt ngôn-ngữ, văn-hóa, vật-chất và tinh-thần, đều thấy sự tồn-tại của hai yếu-tố Thái và Nam-Á. Chính trên sự hỗn-hợp của hai yếu-tố đó mà nền văn-hóa Việt được hình-thành trước khi những yếu-tố Hán tràn về phương Nam ».

[21] Cương-mục, tiền biên, quyển I, tờ Ia.

[22] Theo Lăng Thuần-Thanh : Theo Thủy-kinh chú 水經注 thì Sở Văn-vương từ Đơn-dương dời đến Dĩnh.

[23] Bộc cũng gọi là Bặc. Đời Đường, Trần Vũ 陳羽 khi đến quận Kiền-vi (thuộc tỉnh Tứ-xuyên ngày nay) là khu-vực của người Bặc thời đó, đã làm bài thơ Thành hạ văn di ca 城下聞夷歌 mà hai câu cuối là :

次夜可憐江上月

夷歌銅鼓不勝愁

Thử dạ khả liên giang thượng nguyệt,

Di ca đồng cổ bất thăng sầu !

Dịch nghĩa :

Đêm nay trăng sáng trên sông,

Trống đồng hát rợ cho lòng buồn thương !

Trong bài từ Hà độc tái thần 河瀆賽神, Ôn-Đình-Quân 溫庭𦮢 đã đề-cập đến trống đồng và núi Sở một lượt :

銅鼓賽神來

… … …

楚山如畫烟開

Đồng cổ tái thần lai,

… … …

Sở sơn như họa yên khai.

Dịch nghĩa :

Tế thần vẳng tiếng trống đồng,

Xa xa núi Sở khói lồng như tranh.

Trong bài từ Bồ-tát man 菩薩蠻, Tôn Quang-Hiến 孫光憲 cũng có nói đến « trống đồng và hát rợ » (Đồng cổ dữ man ca 銅鼓與蠻歌).

LA HƯƠNG-LÂM, Sđd, tr. 98, đã khẳng-định rằng « di ca đồng cổ » là đặc-trưng văn-hóa của Việt-tộc mà người Tây-Khương và người Hán không có (cái sở vị « di ca đồng cổ », thật Việt-tộc chi đặc-thù văn-hóa, Tây-Khương dữ Hán-nhân vô thử cựu-tục 蓋所謂夷歌銅鼓眞越族之特殊文化西羌與漢人無此舊俗)

[24] Sách Cổ-điển văn-học hân thưởng (đã dẫn), tr. I73-I93, giải-thích nhan-đề các bài trong Cửu ca như dưới đây :

Đông-hoàng thái-nhất là Trời. Người Sở gọi Trời là Hoàng 皇. Thiên Thu-thủy trong sách Trang-tử cũng có danh-từ Đại-hoàng. Đại-hoàng là Trời, đồng nghĩa với Thượng-hoàng trong Cửu ca.

Vân-trung-quân là thần mây (vân-thần) ; có thuyết cho là thần ở đầm Vân-mộng ; lại có thuyết nhận là thần mặt trăng (nguyệt-thần) hoặc thần ở quận Vân-trung.

Tương-quân và Tương phu-nhân là thần sông Tương. Thần sông Tương có một đôi trai và gái, trai là Tương-quân, gái là Tương phu-nhân. Trong lúc người Sở cúng tế các vị thần đó, một người đàn-ông đóng vai Tương-quân ; một người đàn bà phụ-trách việc nghinh thần, và một người đàn-bà đóng vai Tương phu-nhân, một người đàn ông nghinh thần, đôi bên hát đối đáp với nhau, lại còn nhảy múa nữa, nên lời hát là lời đối-thoại giữa trai gái, có cái ý-vị luyến-ái giữa người và thần. (Như thế, Tương-quân và Tương phu-nhân trong Cửu ca không phải là Nga-Hoàng và Nữ-Anh, con vua Nghiêu và vợ vua Thuấn).

Đại-tư-mệnh theo truyền-thuyết là vị thần chủ-quản thọ-mệnh của mọi người.

Thiếu-tư-mệnh là thần chủ-quản vận-mệnh của thiếu-niên, nhi-đồng.

Đông-quân là thần mặt-trời (thái-dương-thần).

Hà-bá là thủy-thần.

Sơn-quỷ là thần núi, nữ-tính. Người Sở lúc cúng tế vị thần này cũng có một đôi nam nữ hát đối đáp và nhảy múa như khi cúng tế Tương-quân và Tương phu-nhân.

Quốc-thương là bài hát của người nước Sở dùng để cúng tế những chiến-sĩ đã chết vì tổ-quốc. Thời xưa, những người chết lúc chưa quá 20 tuổi là thương 殤 (chết non). Chữ ấy được dùng theo nghĩa rộng để gọi những tráng-niên, thanh-niên bỏ thây giữa chiến-trường. Những kẻ đó đã hy-sinh cho nước và được quốc-gia tổ-chức việc cúng-tế, nên gọi là « quốc-thương ». Bài này phản-ánh tinh-thần quên mình vì nước và sức chiến-đấu anh-dũng của dân-tộc Sở, đồng thời cũng cho ta thấy lòng sùng-kính của người Sở đối với những kẻ đã chết cho nòi giống được sống còn.

Lễ-hồn là khúc hát tống thần, nên cũng có thể viết là Lễ-thành.

[25] Trúc-thư kỷ niên : Truyện Thúc Triết 束哲. trong Tấn thư 晉書 chép : « Năm Thái-khang 太康 thứ 2 (28I), người ở Cấp-quận 汲郡 là Bất Chuẩn 不準 đào trộm mộ của Ngụy Tương-vương 魏將王 được trúc-thư (sách viết trên thẻ tre), chất đến mấy chục xe, trong ấy có I3 thiên kỷ-niên, chép từ nhà Hạ 夏 đến khi Chu U-vương 周幽王 bị rợ Khuyển-nhung 犬戎 giết, lại chép tiếp việc ba nhà chia nước Tấn, nhưng vẫn thuật việc nước Ngụy đến An-ly-vương 安釐王 năm thứ 20. Đó là sử nước Ngụy, có thể so-sánh với Xuân-thu ». Sách này bản cũ có 2 quyển, đề là Thẩm Ước 沈約 chú, nhưng lời chú phần nhiều lấy ở thiên Phu-thụy chi 符瑞志 trong Tống thư 宋書, vậy là ngụy-bản do người đời Lưu Tống về sau y-thác làm ra. Đời Thanh, Từ-Văn-Tĩnh 徐文靖 soạn Trúc-thư thống liên 竹書統笺 (I2 quyển), tham-khảo nhiều sách để định-chứng, dẫn-cứ rất rộng ; Trần Phùng-Hành 陳逢衡 soạn Trúc-thư tập-chứng 竹書集證 (50 quyển), dẫn-chứng các kinh sử, lại gia công khảo-biện kỹ-càng ; Vương Quốc-Duy 王國維 cũng có soạn Cổ-bản Trúc-thư kỷ-niên tập-hiệu古本竹書紀年輯校 (1 quyển) và Kim-bản Trúc-thư kỷ-niên sớ-chứng 今本竹書紀年疏證 (2 quyển). Sách Trúc-thư kỷ-niên trong Tứ-bộ bị-yếu 四部備要 (sử bộ) của Trung-hoa thư-cục hiện đang lưu-hành gồm có 2 quyển, chép từ Hoàng-đế Hiên-viên-thị 皇帝軒轅氏 đến Chu Ẩn-vương 周隱王 (tức Noãn-vương 赧王).

[26] Nhạc-dương ở đây là địa-danh thuộc tỉnh Hồ-nam, đừng lầm với Nhạc-dương thuộc tỉnh Sơn-tây.

[27] Tôi nghĩ rằng trống đồng chẳng những dùng trong lễ tế thần hay đảo vũ, mà còn để tập-hợp người trong bộ-lạc và cũng dùng trong chiến-trận nữa. Vì thế nên sau cuộc chiến-tranh giữa quân Nguyên và quân ta, sứ nhà Nguyên là Trần Cương-Trung sang nước ta vào cuối thời Trần Nhân-tông (I29I) vẫn còn khiếp đảm khi nghe tiếng trống đồng. Bài thơ Cảm sự của Cương-Trung làm sau khi đi sứ nước ta về, chép trong sứ Giao-châu tập đã nói lên điều đó :

少年偶此請長纓

命落南州一羽輕

萬里上林無雁到

三更函谷有鷄鳴

金戈影裡丹心苦

銅鼓聲中白髪生

已幸歸來身健在

夢回猶覺瘴魂驚

Phiên âm :

Thiếu niên ngẫu thử thỉnh trường anh,

Mệnh lạc Nam-châu nhất vũ khinh,

Vạn lý Thượng-lâm vô nhạn đáo,

Tam canh Hàm-cốc hữu kê minh,

Kim qua ảnh lý đan tâm khổ,

Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh !

Dĩ hạnh quy lai thân kiện tại,

Mộng hồi do giác chướng hồn kinh !

Dịch nghĩa :

Ngẫu nhiên xin được quãng dây neo,

Lệnh xuống Nam-châu một cánh vèo.

Muôn dặm Thượng-lâm không nhạn tới,

Ba canh Hàm-cốc có gà kêu.

Lòng son cảm thấy thanh gươm loáng,

Tóc bạc hòa theo tiếng trống reo !

May được khi về thân vẫn mạnh,

Giật mình còn tưởng chướng hồn trêu !

(LÊ-QUÝ-ĐÔN, Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Lê Mạnh-Liêu. Bộ Quốc-gia Giáo-dục xuất-bản, Sài-gòn, I963, Quyển nhất, tr. 245-247).

[28] Sách Cổ-điển văn-học hân-thưởng (đã dẫn), tr. I86, chú bài Đông-quân cho rằng hạm 檻 ngày xưa thông với lạm 濫 và có nghĩa là đồ dùng để tắm vì tương truyền mặt trời khi bắt đầu xuất-hiện thì đến tắm rửa tại Thang-cốc 湯谷, nên câu « Chiếu ngô hạm hề phù-tang » là nói về thần mặt trời. Thang-cốc làm bồn tắm và đến tắm rửa ở đó bên dưới cây phù-tang.

[29] Sách Cổ-điển văn-học hân-thưởng (đã dẫn), tr. I86, chép là trì 馳.

[30] Theo chú giải của Lăng Thuần-Thanh.

[31] Ai có xem lễ rước thần trên sông Hương, trước điện Huệ-nam (tục gọi Hòn-Chén), thuộc địa-phận làng Hải-cát, tỉnh Thừa-thiên, mới thấy được quang-cảnh ấy. Xem H. DÉLÉTIE, « La Fête du « rước sắc » de la déess » Thiên.y.a.na au temple Huệ-nam-điện trong BAVH, I9I5, tr. 357-360. NGUYỄN-ĐÌNH-HÒE, Le Huệ-nam-điện, trong BAVH, I9I5, tr. 36I-365.

[32] Ta quen đọc là chử.

[33] Ngày xưa, chữ 降 không có âm giáng, dù được dùng theo nghĩa nào cũng đọc là hàng cả, trong một vài trường hợp, còn đọc là hồng nữa. Dưới chữ đó, Khang-hy tự-điển 康熙字典 đã dẫn Đường-vận chính 唐韻正 như sau : « Chữ này thời xưa dùng theo nghĩa giáng-hạ hoặc hàng-phục cũng đều đọc bình-thanh, cho nên từ đời Hán trở về trước chữ này không đọc khứ-thanh. » Vậy là sau đời Hán mới có âm giáng để phân-biệt với hàng.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.